Thăng Long Hà Nội có ngàn năm lịch sử, trong đó có 140 năm xây dựng theo quy hoạch phương Tây (từ năm 1884 đến năm 2024). Trong tiến trình ấy có sự tham gia của các kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được đào tạo trong khoa Kiến trúc, trường Mỹ thuật Đông Dương. Phần lớn các KTS thế hệ đầu tiên ấy sinh ra lớn lên tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, họ thiết kế nhiều tác phẩm kiến trúc được xây dựng tại Hà Nội mang phong cách Kiến trúc Á Đông đặc sắc, tạo nên bản sắc kiến trúc Hà Nội, có tiếng vang lớn trong nền kiến trúc hiện đại của châu Á và thế giới nửa đầu thế kỷ 20.
Không chỉ kiến tạo kiến trúc, các KTS Hà Nội còn là những chiến sĩ, họ tham gia cuộc cách mạng lật đổ bộ máy thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay Nhân dân, kiến tạo nền Độc lập – Tự do cho nước nhà. Các kiến trúc sư Hà Nội đã tham gia thiết kế và lắp dựng Lễ đài Ba Đình – nơi ra mắt Chính phủ lâm thời, nơi Hồ Chủ tịch thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Đáp theo lời kêu gọi “Toàn Quốc Kháng Chiến” Các kiến trúc sư Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Đến ngày 27/4/1948, họ là những kiến trúc sư nòng cốt tổ chức Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam – Tổ chức tiền thân Hội kiến trúc sư Việt Nam.
Trên Chiến khu, các Kiến trúc sư Hà Nội không ngừng sáng tác những công trình, đóng góp công sức vào cuộc Kháng chiến gian khổ đi tới thắng lợi của dân tộc Việt Nam. [1]
Kết thúc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, từ năm 1973 đến năm 1984, Hà Nội đẩy mạnh kiến thiết, nhiều KTS trẻ tốt nghiệp trong nước và nước ngoài đóng góp nhiều tác phẩm kiến trúc mang tính biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của Hà Nội.
Nói đến công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với lịch sử thăng trầm của Hà Nội phải kể đến Cung Thiếu Nhi Hà Nội. Sau nửa năm tiếp quản Thủ Đô, ngày 1 tháng 6 năm 1955, Hà Nội mở cửa Câu lạc Bộ thiếu nhi tại Ấu Trĩ Viên, vốn là nơi vui chơi của con nhà giàu , nay dành cho tất cả trẻ em đến sinh hoạt , là nơi gửi gắm nhiều kỷ niệm, nâng niu tình yêu thương và nuôi dưỡng giấc mơ của các thế hệ thiếu nhi Hà Nội. Sau khi hết chiến tranh phá hoại, tòa nhà mới cao tầng và rạp Khăn Quàng đỏ đã được xây dựng, kết nối với khu nhà cũ theo phương án của KTS Lê Văn Lân, trở thành kiến trúc hiện đại nổi bật giữa không gian chung quanh Hồ Gươm. Công trình đã được tổ chức Kiến trúc Quốc tế lập hồ sơ là Di sản Kiến trúc hiện đại của thế kỷ 20. Trong trái tim của hơn 35 triệu lượt trẻ em đã tới đây sinh hoạt thì không chỉ là Ngôi nhà đẹp, mà là Thiên đường có thật dành cho thiếu nhi, là biểu tượng lòng biết ơn của Thiếu nhi Hà Nội trước tình thương yêu của người lớn dành cho Thế hệ tương lai Đất nước.
Chứng kiến sự lớn mạnh của các thế hệ KTS Hà Nội trong công cuộc dựng xây Thủ Đô, năm 1984, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Huỳnh Tấn Phát đã ký quyết định thành lập Hội KTS Hà Nội, trực thuộc Hội KTS Việt Nam, có tổ chức và con dấu riêng, kịp thời động viên hội viên và KTS Hà Nội trong công tác quy hoạch đô thị, thiết kế công trình, đào tạo, quản lý quy hoạch, đóng góp ý kiến về kiến trúc với Thành phố.
Ngày 15 và 16 tháng 6 năm 1988, Đại hội lần thứ nhất bầu KTS Trịnh Hồng Triển là Chủ tịch các ủy viên: KTS Lê Văn Lân, Nguyễn Quốc Thái. Thành phố Hà Nội ký quyết định công nhận Hội KTS Hà Nội, hoạt động theo Điều lệ Hội văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội KTS Việt Nam. Sau hơn 4 năm thành lập, Hội KTS Hà Nội từ đây chính thức triển khai hoạt động theo các nhiệm kỳ công tác 5 năm. Năm 1993, Chi Hội KTS Nhà đất về sinh hoạt trong Hội KTS Hà Nội. Giai đoạn 1990-2005, Hội KTS tổ chức Đại hội lần thứ 2, 3, 4.
Năm 2008 Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Tây. Hội KTS Hà Tây và Hà Nội hợp nhất. Ngày hội anh em về chung mái nhà, Hội KTS Hà Nội đã tổ chức gần 300 kiến trúc sư đi tham quan Xứ Đoài: Đình So, Chùa Tây Phương, Thành cổ Sơn Tây.
Đại hội Hợp nhất tổ chức năm 2010 bầu ra Chủ tịch KTS Phạm Cao Nguyên. Các Phó chủ tịch: KTS Lê Văn Lân; Tô Thị Toàn; Nguyễn Văn Hải; Nguyễn Đình Thanh; Vũ Tuấn Định; Nguyễn Minh Dục. Đại hội năm 2016 đã bầu KTS Nguyễn Văn Hải làm Chủ tịch Hội và Ban Chấp hành mới. Nhiệm kỳ đánh dấu sự phát triển và mở rộng hoạt động hội: tăng hội viên, xây dựng Quy chế hoạt động, Chủ tịch Hội KTS Hà Nội tham gia lãnh đạo Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.
Trong các nhiệm kỳ, Hội KTS Hà Nội phân công hội viên và tập thể thực hiện công tác tư vấn phản biện với Thành phố và các cơ quan chuyên môn về các dự án đầu tư và thiết kế, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, hạ tầng và chỉnh trang đô thị…, một cách khách quan trung thực và sâu sắc, tạo được sự tin cậy từ các cấp chính quyền, các ban ngành thành phố cũng như toàn xã hội với tổ chức Hội vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô. [2]
Nhà thơ Phạm Hổ đã từng nói “Trong cuộc sống có hai điều dịu ngọt dài lâu. Những giấc mơ đẹp và những ký ức đẹp”. Giấc mơ thì ít khi tìm đến, còn những ký ức đẹp thì có thể tự mình tạo ra. Các công trình của KTS Hà Nội đã tạo nên những ký ức đẹp đẽ cho Hà Nội: Đó là Đài tưởng niệm trên đường Bắc Sơn nhìn ra quảng trường Ba Đình do KTS Lê Hiệp thiết kế. KTS đã tạc khắc vào không gian Hà Nội cảm thức biết ơn sâu sắc tới các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập tự do cho dân tộc, ký ức ấy sẽ mãi mãi trường tồn. KTS Lê Hiệp cũng là thầy giáo đã đào tạo nhiều thế hệ KTS Hà Nội, tham gia công tác Hội nhiều năm và chuyển giao cho các thế hệ KTS Hà Nội tiếp nối.
Chặng đường 40 năm Hội KTS Hà Nội đã đi qua có nhiều công lao gây dựng củalớp lớp các thế hệ KTS Hà Nội.Trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, KTS Hà Nội hôm nay nguyện tiếp bước truyền thống cống hiến hết sức mình, với nhiệt huyết và tài năng, sáng tạo đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Trần Huy Ánh
Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc
- [1] Hội KTS Việt Nam,Thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, NXB Văn hóa – Thông tin, 2008
- [2] Dự thảo Kỷ yếu Hội KTS Hà Nội , KTS Lê Văn Lân , nguyên phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam