TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Kế thừa giá trị xanh, bền vững, sinh thái từ kiến trúc nhà ở truyền thống bản địa cho nhà ở thấp tầng khu vực duyên hải ven biển miền Trung

I. Hiện trạng nhà ở thấp tầng khu vực duyên hải ven biển miền Trung hiện nay

a. Đặc trưng về điều kiện tự nhiên khu vực Duyên hải ven biển Trung Bộ

Khu vực Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh / thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) với diện tích tự nhiên là 49.409,7 km2, dài và hẹp với 1.430 km bờ biển.

Về địa hình, tương đối đa dạng với nhiều đồng bằng nhỏ hẹp ven biển, bị chia cắt bởi các dãy núi và nhiều con sông lớn. Địa hình đồng bằng bị cắt xẻ bởi các nhánh núi ăn sát ra tới biển. Ngoài những cồn cát cao tới 40 – 50 m, phía trong là các đồng bằng nhỏ hẹp có thể canh tác nông nghiệp. Độ dốc địa hình khá lớn nên thường xuyên bị ngập lụt và lũ quét.

Về khí hậu, đây là khu vực có thời tiết khá khắc nghiệt với khí hậu nóng ẩm đặc trưng. Nắng nóng có thời gian và cường độ diễn ra lớn vào nhiều tháng trong năm. Gió phơn Tây Nam hay còn gọi là gió Lào khô nóng vào các tháng mùa hè. Các tỉnh khu vực phía Bắc (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) lại có mùa đông lạnh vào các tháng cuối năm. Từ tháng 8 hàng năm, khu vực thường xuyên phải hứng chịu mưa dông, bão, ngập lụt khắc nghiệt. Trong những năm gần đây, mưa bão lớn (từ cấp 12 trở lên) có xu thế phức tạp hơn cả về cường độ, tần suất, số lượng. Một số nơi như Ninh Thuận và Bình Thuận vào một số tháng trong năm gặp tình trạng khô hạn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải sớm có những mô hình nhà ở xanh, bền vững, sinh thái góp phần nâng cao chất lượng cho người dân, hướng đến giá trị tăng trưởng xanh, bền vững cho khu vực này.

b. Hiện trạng nhà ở thấp tầng khu vực Duyên hải ven biển miền Trung

Trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và đô thị, kiến trúc nhà ở thấp tầng khu vực duyên hải miền Trung cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Hầu hết nhà ở thấp tầng đã được cải tạo, xây mới theo các loại hình kiến trúc mới và hiện đại hơn.

Phổ biến và dễ gặp nhất, xuất hiện ở các đô thị và thị trấn, thị tứ là loại hình nhà lô phố, với quy mô diện tích mặt bằng tầng từ 40m2 – 70m2, chiều cao từ 2 – 4 tầng, có 1 hoặc 2 mặt tiền tiếp xúc trực tiếp với đường giao thông. Khuôn viên xây dựng chủ yếu là ngôi nhà chính, diện tích dành cho cây xanh, sân vườn thường có rất ít, thậm chí là không có. Phương thức tổ chức không gian phần lớn theo hình thức nhà ống gồm trục cầu thang và vệ sinh thường nằm ở chính giữa và các phòng chức năng tổ chức ở 02 phía đối xứng nhau. Chức năng sử dụng ngoài cho sinh hoạt thông thường của hộ gia đình còn kết hợp với kinh doanh ở tầng một. Vật liệu chính là bê tông cốt thép, tường xây gạch dày 220, mái tum bằng đổ bê tông cốt thép hoặc lợp ngói màu hoặc ngói đất nung.

Bên cạnh đó, cao cấp hơn có thể là loại hình biệt thự, quy mô diện tích mặt bằng tầng phổ biến từ 100 – 250 m2, cao từ 2 – 3 tầng, quy hoạch theo kiểu đơn lập hoặc song lập. Khuôn viên rộng nên ngoài công trình nhà ở chính còn có bố trí không gian sân, vườn và một số công trình phụ trợ. Mặt bằng thường hình vuông, bố trí trục cầu thang – vệ sinh ở một bên hoặc phía sau. Kết cấu khung bê tông cốt thép, tường gạch xây, cửa kính hoặc pa nô gỗ, với chất lượng hoàn thiện khá tốt. Tuy nhiên, trên tổng thể, loại hình nhà ở này có số lượng không nhiều. Chủ yếu tập trung ở một số khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian gần đây hoặc một số hộ gia đình có điều kiện về diện tích đất và tài chính.

Sau cùng, vẫn còn một số lượng đáng kể nhà ở thấp tầng tại khu vực này xây dựng nhà ở kiểu vì kèo theo kiến trúc truyền thống nhưng có nhiều biến đổi về kiến trúc cho phù hợp với điều kiện tài chính, thi công xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng. Các ngôi nhà kiểu này thường nằm ở ven đô hoặc khu vực nông thôn. Quy mô diện tích mặt bằng từ 80 – 150m2, chiều cao có thể từ 1 – 2 tầng, mái bằng hoặc dốc lợp ngói hay các loại vật liệu lợp khác. Khuôn viên tương đối rộng nên cho phép ngoài công trình chính còn bao gồm sân, vườn, ao nhỏ, công trình phụ trợ khác. Không gian chức năng trong nội thất được bố trí theo kiểu dàn trải, trong đó, bên cạnh các chức năng sinh hoạt chính của hộ gia đình còn có thể kết hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh buôn bán nhỏ… Vật liệu xây dựng chủ yếu được lựa chọn là: gạch, bên tông, đá kết hợp với kết cấu gỗ và sử dụng gỗ làm vật liệu ốp trang trí và cách nhiệt.

Về tổng thể, việc phát triển nhà ở thấp tầng tại khu vực Duyên hải ven biển Trung Bộ trong thời gian qua dù đã có nhiều chuyển biến tích cực kia nhưng vì phần lớn còn được phát triển tự phát trong dân nên chất lượng và số lượng các công trình loại này đạt được các tiêu chí xanh, sinh thái bền vững còn thấp, chưa mang tại hiệu quả đáng kể đóng góp chung cho chiến lược tăng trưởng xanh của khu vực và quốc gia, tạo dựng cơ sở vững chắc để sử dụng tiết kiệm nguồn lực, nâng cao chất lượng tiện nghi sống cho người dân.

II. Các giá trị xanh, sinh thái, bền vững trong kiến trúc nhà ở truyền thống bản địa khu vực duyên hải ven biển miền trung cần được kế thừa và phát huy

a. Các loại hình nhà ở truyền thống vùng Duyên hải ven biển Trung Bộ

Được truyền lại từ các thế hệ cha ông trước đây, kiến trúc nhà ở truyền thống khu vực Duyên hải ven biển trung Bộ đã thể hiện rõ sự hòa nhập và thích ứng tối đa với điều kiện tự nhiên đặc thù và khắc nghiệt, cũng như văn hóa lối sống của cư dân bản địa. Về cơ bản, kiến trúc nhà ở truyền thống vùng được biết đến tiêu biểu nhất là 03 loại kiến trúc gồm: nhà Rội/Rọi nhà Rương/Rường và nhà Lá Mái, là sự chuyển đổi thích ứng từ kiến trúc nhà ở truyền thống Bắc Bộ để phù hợp với điều kiện khí hậu và tự nhiên vùng đất mới trong quá trình di dân nam tiến của người Việt khai khẩn các vùng đất mới.

Hình 1: Kiến trúc nhà Rường tại TP Huế (nguồn: sưu tầm)
Hình 2: Kiến trúc nhà Rội (tỉnh Quảng Nam) (nguồn: sưu tầm)
Hình 3: Kiến trúc nhà lá mái truyền thống tại tỉnh Quảng Trị (nguồn: sưu tầm)
  • Về kiến trúc ngôi nhà chính: Ngôi nhà chính là nơi sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình đồng thời cũng là nơi con cháu thờ cúng tổ tiên. Sơ đồ bố trí chủ yếu theo chiều dọc, để phân thành 3 lớp: (1) trong cùng là không gian tĩnh gồm thờ cúng, ngủ, ở giữa là không gian sinh hoạt, tiếp khách, nghỉ ngơi, nhóm họp, lớp ngoài cùng là không gian động để đi lại. Ngoài ra, ở phía đầu hồi có thêm phần mái đua ra gọi là dại để dùng làm nơi chứa các các dụng cụ sản xuất, những đồ đạc lặt vặt khác hoặc dự trữ củi đốt.

Trong không gian của ngôi nhà phụ, phần chái ở phía trong cùng là chuồng trại gia súc, gia cầm, kế đến là gian bếp. Phía trên bếp có đặt một bàn thờ Táo quân. Phần còn lại của các gian phía ngoài là không gian dành cho các hoạt động nấu ăn, chế biến, bảo quản thức ăn, đồ dùng dụng cụ. Đôi khi có thể sử dụng như buồng ngủ riêng cho người phụ nữ khi sinh con.

  • Về kết cấu khung chính và vật liệu xây dựng: Nhà Rội là loại nhà thường có 3 gian gồm một gian hai chái, mỗi vì có 3 cột chôn xuống đất, cột giữa nhô cao đến tận đỉnh nóc, tạo ra kiểu vì kèo chữ thập chống đỡ trực tiếp nóc mái. Nhà rội giống nhà vì kèo 3 cột của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vật liệu xây dựng nhà rội gồm vì kèo bằng tre, luồng; vách bằng phen tre đan hoặc phên tre trát bùn; mái lợp tranh hay rơm, rạ.

Nhà rường là loại nhà có bộ vì kèo với những con rường chồng lên nhau, nhà thường có 5 gian gồm 3 gian 2 chái. Vật liệu xây dựng nhà gồm bộ vì kèo bằng gỗ chắc chắn, tường thưng bằng ván gỗ hoặc kết hợp với xây tường gạch bao che, mái lợp ngói hoặc tranh, rơm, rạ.

Nhà lá mái là biến thể riêng của nhà rường nhưng mái lợp tranh, đặc biệt mái nhà có hai lớp gồm một lớp mái thứ nhất bằng đất nện để khô và lớp mái thứ hai lợp bằng tranh để chống nóng và chống cháy, được đỡ bằng những phên tre đan được bó bằng đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái khoảng 40 cm.

  • Về quy hoạch khuôn viên: Khuôn viên ngôi nhà truyền thống khu vực Duyên hải ven biển Trung Bộ đều có đặc điểm chung thường gồm có ngôi nhà chính, ngôi nhà phụ, phía trước có khoảng sân lát gạch hay chỉ là nền đất nện chặt dùng để phơi phóng, đan lát, làm các nghề phụ và tổ chức các cuộc nhóm họp đông người vào những dịp lễ lạt, tang ma, cưới xin… Chuồng trại gia súc được bố trí ở một đầu của nhà ngang hoặc được làm tách ra ở một nơi nào đó trong khu vườn và bao giờ cũng có thêm ụ/đụn rơm để vừa dự trữ thức ăn cho trâu bò vào mùa rét vừa dự trữ chất đốt thay củi. giếng nước trong vườn nhà thường rất hiếm. Trước mặt ngôi nhà, phía ngoài khoảng sân bao giờ cũng có một ngôi miếu/am để thờ thổ thần/thần. Ngăn cách giữa khuôn viên bên trong với không gian bên ngoài làng là các dạng hàng rào, đặc biệt là bởi những hàng rào bằng cây, phía trước là hàng dâm bụt, chè tàu cắt xén cẩn thận.

Cổng thường do các cây dây leo, thảo mộc được uốn lượn, cắt tỉa mà thành. Phía trước thường trồng hàng cau, sau vườn trồng chuối. Qua cổng có thêm bình phong bằng gạch xây ốp, vừa thể hiện tính thẩm mỹ vừa đảm bảo tính riêng tư. Vườn nhà thường gồm cây ăn quả và những khoảnh đất dành trồng các loại rau màu. Một vài nơi trong góc vườn trồng mấy loại cây lấy gỗ (xoan, mít) cùng với hàng tre phía sau vừa có tác dụng chắn gió bão vừa là nguyên liệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Những nhà bình dân nghèo cũng có vườn, có sân nhưng thường là hẹp. Cổng được làm sơ sài với những cọc tre cùng những liếp nè để ngăn cách.

b. Các giá trị sinh thái tiểu biểu của kiến trúc nhà ở khu vực Duyên hải ven biển Nam Trung Bộ

Hình 4: Sơ đồ mô phỏng khả năng đón gió và cách nhiệt, chống chịu gió bão của nhà ở truyền thống khu vực Duyên hải ven biển Trung Bộ (nguồn: tác giả)
  • Giá trị sinh thái: Về cơ bản, kế thừa các giá trị chung của ngôi nhà truyền thống người Việt, ngôi nhà truyền thống khu vực Duyên hải ven biển Trung Bộ thể hiện rất rõ tính sinh thái, gần gũi hoà nhập với thiên nhiên.

Trong đó, cấu trúc tổng thể: ngôi nhà + sân + vườn + ao định hình nên một cấu trúc sinh thái khép kín nhưng rất gần gũi với thiên nhiên đặc trưng. Mật độ cây xanh cao trong khuôn viên cho phép gia tăng tối đa ưu thể tổ chức môi trường vi khí hậu bởi sân vườn nhiều cây xanh không chỉ cung cấp rau quả, củi và vật liệu xây dựng; nó là phương tiện điều tiết khí hậu trong khuôn viên nhà. Ao nước là một phát minh ưu việt được cha ông ta sáng tạo nên trong đó: đào ao lấy đất đắp nền, lấy nơi thả bèo và thả cá, tắm giặt, thoát nước mưa và đặc biệt là vai trò điều hòa không làm mát không khí khi thời tiết khô nóng.

Hàng hiên và sân gạch có nhiều cây xanh là những nhân tố chuyển tiếp mềm, đưa không gian thiên nhiên vào nhà. Các không gian này với một số kết cấu phụ như bình phong, dạ hiên… cũng giúp giữ không khí mát, hạn chế bức xạ nhiệt trong mùa nóng và giữ ấm , ngăn nước mưa thâm nhập trực tiếp vào mùa mưa dông từ bên ngoài vào bên các không gian sinh hoạt tiện ích trong nhà.

Ngôi nhà chính là một không gian thống nhất, tạo điều kiện tối ưu cho không khí lưu thông, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng – ẩm. Ở các hướng thuận lợi, không bị tác động tiêu cực của thời tiết, các không gian chức năng trong nhà đều có thể tiếp xúc trực tiếp tối đa với không gian thiên nhiên bên ngoài nhà cho phép tối ưu về chiếu sáng và thông gió tự nhiên cũng như đưa không gian thiên tiếp cận đến từng không gian sinh hoạt trong nhà.

  • Giá trị bền vững, thân thiện môi trường: Kiến trúc nhà ở chính có chiều cao không lớn, mái thường thấp bè và có xu hướng dàn trải rộng để vừa đảm khả năng che nắng rộng tối đa và không bị cuốn lốc khi thời tiết mưa dông. Kết cấu bao che theo phương thức nhiều lớp chính phụ xếp chồng, giữa có các khoảng hở mang tính chất thiết kế lưỡng tính, vừa mở tối đa để đảm bảo thoáng mát vào mùa hạ và lại vừa khép kín đảm bảo tiện nghi sinh hoạt vào mùa dông bão.

Vật liệu xây dựng cũng chủ yếu là các vật liệu tự tự nhiên, được khai thác tại chỗ có sẵn ở địa phương như: Khung vì kèo gỗ, chân cột bằng đá, mái trên cùng lợp ngói gạch nung, tầng mái trung gian bằng đất trộn rơm,… Ngoài ra, các loại vật liệu xây dựng này sau khi khai thác từ tự nhiên còn được xử lý để gia tăng độ bền cao hơn trong như gỗ và tre đều được ngâm trong bùn ao để gia tăng độ bền chống mối mọt trước khi thi công xây dựng.

Quá trình thi công xây dựng công trình nhà ở truyền thống cũng thể hiện rõ sự tôn trọng tối đa với thiên nhiên, chủ yếu theo phương thức nương theo tự nhiên, hạn chế sự san gạn và tác động thô bạo đến điều kiện tự nhiên của khu đất xây dựng như việc đào ao, thường tận dụng đất tại chỗ đễ đắp nền nhà…

  • Tiết kiệm năng lượng: Về cơ bản, ngôi nhà truyền thống khu vực duyên hải ven biển Trung Bộ có khả năng tiết kiệm năng lượng cao.

Nhờ ưu thế về tổ chức khuôn viên nên công trình có khả năng tự điều hòa môi trường vi khí hậu, , sử dụng cây xanh che nắng và dông bão nên có thể giảm đáng kể sử dụng năng lượng nhân tạo.

Ngoài ra, kiến trúc công trình có tối ưu về thông gió và chiếu sáng tự nhiên trong nhà, tổ chức diện tích mái lớn và nhô dài ra ngoài hiên để tạo bóng mát tối đa, lớp tường bao che lưỡng tín hạn chế bức xạ nhiệt thẩm thấu từ bên ngoài vào trong nhà mùa nóng cũng như nhiệt ấm truyền ra ngoài mùa mưa dông hữu hiệu. Sử dụng kết cấu mái với lớp cách nhiệt trung gian bằng đất trộn rơm giúp giảm bức xạ nhiệt của mặt trời, đồng thời gia tăng khả năng chống hỏa hoạn.

III. Định hướng kế thừa kế thừa giá trị xanh, bền vững, sinh thái từ kiến trúc truyền thống bản địa trong thiết kế nhà ở thấp tầng khu vực duyên hải ven biển miền trung

a. Tiêu chí định hướng chung

Các đô thị Việt Nam đang phát triển theo xu hướng giảm phát thải, tăng trưởng Xanh, đô thị Xanh, đô thị thông minh. Các công trình Xanh, nhà ở Xanh được thiết kế xây dựng và vận hành theo các tiêu chí như địa điểm bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, chú trọng giải pháp giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường.

Theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đầu tư xây dựng các công trình Xanh trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng từ 3 – 15 % so với đầu tư thông thường. Nhưng các công trình xanh khi vận hành sẽ tiết kiệm được 15 đến 30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30 – 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30% – 50% lượng nước sử dụng. Các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao. [1]

Trên cơ sở, đánh giá thực tế, một số các tiêu chí cần đạt được đối với công trình nhà ở thấp tầng xanh, sinh thái, bền vững khu vực Duyên hải Miền Trung có thể bao gồm: [2]

  • Gia tăng tính sinh thái cho công trình thông qua tổ chức đa dạng nhiều nhóm giải pháp cụ thể về bố trí cây xanh, thông gió và chiếu sáng tự nhiên, không gian đệm để mọi không gian có thể tiếp cận trực tiếp với thiên nhiên.
  • Gia tăng tối đa khả năng tiết kiệm năng lượng thụ động thông qua các giải pháp về quy hoạch tổ chức tổng mặt bằng, kiến trúc và nội thất công trình, kết cấu, sử dụng vật liệu của công trình. Bổ sung khả năng tiêt kiệm năng lượng thụ động cho công trình thông giải pháp ứng dụng da dạng các hệ thống thiết bị tiết kiệm năng lượng như: điều hòa tiết kiệm năng lượng, đèn LED tiết kiệm năng lượng, bình nước nóng năng lượng mặt thời, pin quang điện….
  • Có tính bền vững thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp tại khu vực.
Hình 5: Sơ đồ tổ chức chiếu sáng thông gió tự nhiên với cửa sổ thoáng, bể tiểu cảnh,, mái hiên ban công xanh tạo tính sinh thái, tiết kiệm năng lượng (nguồn: sưu tầm)
Hình 6: Sơ đồ tổ chức lớp trung gian trên mặt đứng hạn chế bức xạ nhiệt và đưa cây xanh lên tầng cao để đạt tính sinh thái, tiện nghi, tiết kiệm năng lượng (nguồn: sưu tầm)

b. Định hướng giải pháp cụ thể

Về giải pháp thiết kế cụ thể, một số các định hướng có thể kế thừa và áp dụng cho công trình nhà ở thấp tầng khu vực Duyên hải ven biển miền Trung bao gồm:

  • Tổng mặt bằng: Do vai trò tác động rất lớn đến hiệu quả sử dụng, hạn chế các bất lợi của thời tiết bởi ưu thế về tiết kiệm năng lượng thụ động cho công trình, thiết kế tổng mặt bằng cần đạt được bao gồm: (1) Sử dụng tiết kiệm quỹ đất giữ lại nhiều diện tích đất tối đa cho sân vườn, cây xanh. (2) Ưu tiên bố trí các khu chức năng chính ở các hướng tốt như hướng Nam, Đông Nam nhằm hạn chế nắng nóng trực tiếp mùa hè, lấy ánh nắng nhẹ mùa đông, chống ẩm mốc, đón gió mát Đông Nam, hạn chế gió nóng Tây Nam và gió lạnh Đông Bắc. (4) Bố trí không gian sinh thái để tối ưu về tổ chức vi khí hậu bên ngoài công trình nước như: trồng cây xanh, hồ ao tạo nên mặt nước ở hướng Nam để giảm thiểu nhiệt độ vào mùa hè oi bức, giảm nóng khô khó chịu của gió Lào.

 

Hình 7: Ngôi nhà Quảng Bình là sự kết hợp giữa nhà ở nhiệt đới và hình thức kiến trúc hiện đại thích ứng với khí hậu đầy nắng, gió tại địa phương (nguồn: sưu tầm)
  • Kiến trúc công trình: (1) Tổ chức theo giải pháp mở để tiếp cận tối đa với thiên nhiên. Không gian liên thông, tận dụng tối đa gió tự nhiên, kích thích sự lưu thông của không khí, tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế kiểu phân mảnh, cục bộ. Thiết kế lôgia, ban công, hiên, mái che với cây xanh. Tổ chức vườn trên mái hoặc mái xanh. Bố trí bể cảnh trong khuôn viên hoặc tầng trệt trong nhà trong điều kiện cho phép.

(2) Thiết kế để tối ưu về hạn chế bức xạ nhiệt truyền vào trong nhà trong mùa hè và thất thoát không khí ấm vào mùa lạnh là điều cần được áp dụng trên cơ sở kế thừa giải pháp lớp vỏ và khoảng trống trong kiến trúc truyền thống, đặc biệt là giải pháp bổ sung thêm lớp vỏ mỏng bao che bên ngoài kết cấu tường chính hoặc tổ chức các không gian hành lang và hiên là không gian đệm cách/ và giữ nhiệt như nhà ở truyền thống.

(3) Lớp vỏ có thể là cấu trúc tường hoặc mái, và giữa lớp vỏ bên ngoài với các không gian bên trong luôn có khoảng đệm giúp ngăn khí nóng từ bên ngoài vào trực tiếp trong mùa hè, giữ khí ấm trong mùa lạnh hay dông bão, tối ưu về thông gió tự nhiên. Khoảng trống cũng có thể là các không gian mở, không gian kết nối, được sử dụng như một không gian chuyển tiếp.

(4) Để tối ưu trong điều kiện khí hậu tự nhiên thay đổi diễn biến phức tạp (Nắng gắt mùa hè và mưa rét mùa đông), tránh nắng mưa, kín khi đông lạnh, vững chắc khi gió bão, thiết kế cũng cần kế thừa các giải pháp tổ chức không gian linh hoạt, cho phép dễ dàng đóng mở tùy theo điều kiện thời tiết một cách chủ động, kết hợp thông minh các chu trình mở và chu trình khép kín trong một căn nhà ở. Giải pháp có thể là hệ cửa mở trượt, cửa bức bàn, lam và mái che di động… tạo hiệu quả sử dụng linh hoạt.

(5) Ưu tiên tối đa cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hạn chế bằng mọi cách việc sử dụng các phương tiện và thiết bị tạo tiện nghi khí hậu và tiện nghi sống nhân tạo, vừa tiêu tốn điện năng, vừa làm cho con người giảm sự thích ứng với thiên nhiên.

  • Sử dụng vật liệu: Để phù hợp tối ưu với điều kiện kinh tế còn giới hạn của người dân khu vực, ưu tiên sử dụng các vật liệu sinh thái, có thể tái chế, không dẫn đến khai thác cạn kiệt và sẵn có ở địa phương, vừa đảm bảo giá thành hạ, thích ứng với khí hậu địa phương và đảm bảo thẩm mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, gia tăng khả năng bền vững, thân thiện môi trường, sinh thái cho công trình như:
    • Gạch không nung: Bao gồm gạch xỉ, gạch xi măng, gạch bê tông cốt liệu, gạch bê tông bọt khí, gạch bê tông khí chưng áp (AAC) với những ưu điểm trọng lượng nhẹ, có khả năng cách nhiệt tốt, thân thiện với môi trường, chịu lực tốt và giá thành thấp.
Hình 8: Ngôi nhà 2 tầng sinh thái, tiện nghi trong nội đô tại TP Huế (nguồn: sưu tầm)
    • Tường chịu lực 3D: như panel AAC, Panel ALC có gia cường lưới thép và tường chịu lực 3D pane… có khả năng cách nhiệt, cách âm, chống nóng, siêu nhẹ, có tuổi thọ độ bền vững khả năng chịu lực cao, thi công nhanh.
    • Tường chịu lực rỗng kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp: xây bằng gạch không nung dày từ 330mm đến 450mm, ở giữa có khoảng rỗng để chèn vào đó các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía, vỏ trấu, vỏ lạc,…với các ưu điểm chống nóng, cách nhiệt, cách âm, dễ dàng thi công, xây dựng và sử dụng lao động địa phương.
    • Vách tường sử dụng tre, gỗ ván ép: Có thể kết hợp sử dụng các loại vách tường bằng vật liệu truyền thống như tre đan nhằm làm tăng giá trị thẩm mỹ đồng thời tăng khả năng chống nóng của tường ngoài khi tạo thành hai lớp cho vách tường ngoài. Tương tự, có thể sử dụng tấm ván gỗ ép công nghiệp làm vách ngăn nội thất.
    • Vật liệu lợp mái: gồm các chủng loại như ngói không nung, tôn lợp, tấm hợp kim, tấm nhựa 3D, tấm lấy ánh sáng… với ưu điểm độ bền cao, tận dụng nguyên liệu địa phương sẵn có, có tính thẩm mỹ và tính tiện nghi sử dụng cao, thích ứng với sự thay đổi thời tiết, gió bão đặc thù tại khu vực.

Kết luận

Khu vực duyên hải ven biển Trung Bộ là nơi có điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, đất đai nhỏ hẹp, mật độ cư trú của cư dân rất đông đúc, và tốc độ phát triển nhà ở thấp tầng khá lớn. Trong khi đó, do thời gian vừa qua chủ yếu được phát triển tự phát trong dân, nên số lượng các công trình nhà ở xanh – sinh thái – bền vững còn khá khiêm tốn, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của đô thị và nông thôn vùng.

Qua những đúc kết của các thế hệ ông cha từ bao đời, ngôi nhà truyền thống Khu vực duyên hải ven biển Trung Bộ được xem là có rất nhiều ưu thế trong việc thích ứng cao với điều kiện tự nhiên và văn hóa lối sống, đặc biệt là là các giá trị xanh – sinh thái – tiết kiệm năng lượng. Do đó, việc kế thừa và phát huy các giá trị này sẽ mang đến nhiều lợi thế lớn trong ngôi nhà ở thấp tầng đương đại Khu vực duyên hải ven biển Trung Bộ, góp phần gia tăng tiện ích sống, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng đến các giá trị xanh – sinh thái – bền vững cho khu vực và quốc gia.

THS. KTS Phạm Hoàng Phương –  Viện kiến trúc Quốc gia
© Tạp chí kiến trúc


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, “Cần phát triển rộng rãi nhà ở xanh và thay đổi tư duy quy hoạch và quản lý hệ sinh thái lưu vực sông tại các đô thị Việt Nam”, Tạp chí Môi trường Xây dựng, 01/2024.
[2]. PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, “Kiến trúc nhà ở chống bão, lũ và thời tiết cực đoan tại khu vực Duyên hải miền Trung”, Tạp chí Xây dựng, tháng 03/2022.
[3] PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, “Ứng dụng vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn truyền thống vùng Bắc Trung Bộ”, tapchikientruc.com.vn, 12/2023.
[4]. KTS Nguyễn Xuân Minh, “Giải pháp kiến trúc bền vững thích ứng với khí hậu Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung”, Tạp chí Quản lý Môi trường, 01/2024.



Nguồn

Exit mobile version