Kết quả bất ngờ về cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID trong 2 tháng
Từ hơn 600 người xuống còn 250 người đến Sở Tư pháp mỗi ngày
Ngày 30.12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025. Theo ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Lý lịch tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM, thành phố là địa phương có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cao nhất cả nước.
Tính đến ngày 30.12, Sở Tư pháp đã tiếp nhận hơn 154.500 hồ sơ và đã cấp hơn 153.900 phiếu lý lịch tư pháp, tăng hơn 35.500 hồ sơ (tăng 30%) so với cùng kỳ năm 2023. Trung bình hằng ngày Sở Tư pháp phải tiếp nhận khoảng 650 hồ sơ (có ngày gần 1.000 hồ sơ).
Tính từ ngày 4.11 – 30.12, Sở Tư pháp đã tiếp nhận hơn 8.400 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID/trên tổng số hơn 25.400 hồ sơ các loại (chiếm tỷ lệ hơn 33%). Sở Tư pháp đã cấp hơn 6.800 phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, cộng với hồ sơ nộp trực tuyến trên cổng dịch vụ công thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của TP.HCM chiếm hơn 40% so với tổng các loại hồ sơ lý lịch tư pháp.
Việc làm trên đã giúp cho khoảng 400 người dân không cần đến trụ sở Sở Tư pháp nộp hồ sơ trực tiếp. Hiện chỉ còn chưa đến 250 người/ngày đến cơ quan này.
Cần chia sẻ dữ liệu thông tin với các cơ quan tố tụng
Cũng theo ông Băng, TP.HCM với đặc thù có số lượng dân cư đông, nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn, trong khi cơ sở dữ liệu này còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện nên vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn. Hiện cũng chưa có sự đồng bộ về thời hạn trong quy trình xử lý hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp giữa các hình thức nộp hồ sơ (nộp hồ sơ giấy, trực tuyến trên cổng dịch vụ công và trực tuyến qua ứng dụng VNeID).
Việc cấp phiếu qua VNeID chưa có quy trình xử lý hồ sơ án tích; phiếu lý lịch tư pháp điện tử được cấp qua ứng dụng VNeID chưa được các cơ quan, tổ chức chấp nhận sử dụng. Bên cạnh việc cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử thì người dân vẫn yêu cầu Sở Tư pháp cấp thêm bản giấy, việc lạm dụng yêu cầu cấp phiếu vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vì thế khối lượng công việc lớn đã tạo áp lực lên đội ngũ công chức làm công tác lý lịch tư pháp.
Mặc dù, Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân nộp yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID nhưng người dân vẫn còn tâm lý muốn trực tiếp nộp hồ sơ giấy để có biên nhận giấy. Nhiều trường hợp người dân phản ánh việc nộp hồ sơ lý lịch tư pháp trên VNeID thì biên nhận điện tử trên ứng dụng chưa được các cơ quan, tổ chức chấp nhận, chưa thể hiện cụ thể ngày hẹn trả kết quả.
“Vẫn còn một số ngân hàng chưa được kết nối để người dân thanh toán lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hệ thống mạng thường hay bị chậm, lỗi kết nối, chưa tự động đồng bộ giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố với hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung, ứng dụng VNeID, nên ảnh hưởng đến thời hạn cấp”, ông Băng nói.
Từ những vướng mắc trên, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp sớm nâng cấp hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; phối hợp với TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an… cho phép kết nối, chia sẻ, tra cứu cơ sở dữ liệu thông tin về dân cư, bản án hình sự, dữ liệu án tích, thi hành án dân sự, hộ tịch điện tử.
Ngoài ra, ông Băng đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lý lịch tư pháp theo hướng bổ sung quy định về giá trị pháp lý của phiếu lý lịch tư pháp điện tử. Đồng thời nghiên cứu cân nhắc quy định bắt buộc nộp yêu cầu cấp trên ứng dụng VNeID trong thời gian tới (trừ trường hợp người cao tuổi và trẻ em).
Ông Băng kiến nghị Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy trình xử lý hồ sơ án tích trên ứng dụng VNeID theo hướng Sở Tư pháp được liên hệ mời người dân qua ứng dụng VNeID để yêu cầu cung cấp các hồ sơ về án tích.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Công an TP.HCM tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các khó khăn vướng mắc trên VNeID và chỉ đạo các bộ phận liên quan cung cấp đầy đủ thông tin cho Sở Tư pháp. Đồng thời, ông Hải cũng đề nghị Công an TP.HCM tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý để giải quyết theo thẩm quyền.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tuyên truyền chính sách, pháp luật về việc cung cấp, thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID. Tiếp tục thí điểm cấp phiếu trên VNeID đối với người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó để góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trong năm qua, Sở tư pháp đã tập trung lập, cập nhật, bổ sung thông tin lý lịch tư pháp vào hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung. Tính đến cuối tháng 11.2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận hơn 40.400 thông tin lý lịch tư pháp các loại, hơn 41.500 bản sao chứng tử, hơn 5.800 thông tin cải chính hộ tịch, lập hơn 6.300 hồ sơ lý lịch tư pháp mới, bổ sung 8.990 hồ sơ.