Sáng 11/5, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức khởi công tuyến cao tốc Nam Định – Thái Bình dài 60,9 km với tổng mức đầu tư 19.785 tỷ đồng.
Cao tốc qua Nam Định – Thái Bình đi qua Nam Định 27,6 km, qua Thái Bình 33,3 km. Điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cao tốc được thiết kế tốc độ 120 km/h, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,7 m. Trên tuyến có 23 cầu và 4 cầu vượt, 7 nút giao liên thông.
Dự án có tổng mức đầu tư 19.785 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách trung ương 6.200 tỷ đồng, vốn chi trả giải phóng mặt bằng 3.173 tỷ đồng, phần vốn của nhà đầu tư là 10.448 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Liên danh Geleximco – Vinaconex – Phuong Thanh Tranconsin – Naso CO – Hoang Cau IIC. Tuyến đường dự kiến xây dựng trong 36 tháng, cơ bản hoàn thành vào năm 2027 và đưa vào khai thác năm 2028.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VGP
Cao tốc Nam Định – Thái Bình là một đoạn trên tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08) có tổng chiều dài 117 km, đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Trên tuyến này, đoạn qua tỉnh Ninh Bình được đầu tư bằng ngân sách đã được UBND tỉnh Ninh Bình khởi công gần đây, đoạn còn lại qua Hải Phòng sẽ do TP Hải Phòng đầu tư.
Thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cam kết đảm bảo nguồn lực và tiến độ và chất lượng công trình. Tập đoàn sẽ quản lý, vận hành dự án bằng các giải pháp công nghệ số, như mô hình quản lý BIM (Mô hình thông tin công trình) từ giai đoạn thiết kế, hạ tầng và xây dựng, để hạn chế lỗi và giảm thiểu chi phí thi công, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết UBND tỉnh đã phối hợp với tỉnh Nam Định triển khai giải phóng mặt bằng, đến nay đã cơ bản hoàn thành khu vực đất nông nghiệp, có thể bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
Hướng tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đi qua Nam Định, Thái Bình. Ảnh: Thaibinh.gov
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyến cao tốc Nam Định – Thái Bình phải được hoàn thành sớm ít nhất 6 tháng, cố gắng đưa vào khai thác trong năm 2026 để sớm phát huy hiệu quả, thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.
Ông cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo ba tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình để giải quyết “nút thắt giao thông” khu vực này. Tuyến cao tốc được chia thành ba đoạn: qua Ninh Bình dùng vốn đầu tư công; đoạn Nam Định – Thái Bình theo hình thức PPP; đoạn Hải Phòng do thành phố trực tiếp đầu tư.
Thủ tướng đánh giá Thái Bình đang chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và có vị trí chiến lược trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu hạ tầng giao thông kết nối, ảnh hưởng đến quá trình bứt phá.
Ông yêu cầu xử lý triệt để nền đất yếu, bảo đảm nguồn vật liệu trong bối cảnh khan hiếm, kiểm soát chặt chất lượng, tiến độ, tránh lãng phí, tiêu cực, đồng thời chăm lo đời sống người dân nhường mặt bằng. “Nhà thầu phải vượt nắng thắng mưa, bộ ngành phải tháo gỡ vướng mắc, dự án hoàn thành càng sớm thì khu vực càng có lợi”, Thủ tướng nói.
Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng dài 117 km, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các quốc lộ và các trục phát triển kinh tế khác. Dự án cũng giúp kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ, mở ra không gian phát triển mới cho Vùng phía nam Đồng bằng sông Hồng nói chung và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nói riêng.