Thị Trường

Không có trạm sạc thì không ai mua ‘xe xanh’

Theo Bộ KH-ĐT, thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế cũng như then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Bộ KH-ĐT đang phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh

Chia sẻ tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”.

Thực tế cho thấy, thực hành ESG cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.

Cụ thể, EU đã buộc các nhà xuất khẩu vào thị trường này phải trả một khoản thuế tương ứng với mức giá cho phép phát thải. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Philippines đã yêu cầu các công ty đại chúng công bố hiệu quả hoạt động ESG hoặc bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo bền vững.

Theo Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Matthew Smith, các yếu tố thúc đẩy thực hành ESG trên toàn cầu đầu tiên xuất phát từ các chính sách đòi hỏi mọi thành viên thị trường phải phân bổ vốn vào ESG. Các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức cần dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực ESG, doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào ESG để tuân thủ các quy định… 

Đang xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi chuyển đổi xanh

Phân tích sâu câu chuyện áp dụng ESG của doanh nghiệp góp phần vào tiến trình chuyển đổi xanh quốc gia, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), nói: “Chúng tôi đánh giá khá nhiều doanh nghiệp có nhận thức về sự cần thiết của ESG nhưng làm thế nào và bắt đầu từ đâu, nguồn lực từ đâu còn nhiều thách thức.
Doanh nghiệp băn khoăn liệu áp dụng ESG xong có lợi ích gì hơn không, hay bỏ ra một nguồn tiền nhưng không biết lấy gì để bù lại”.
Liên quan tới chuyển đổi xanh, cho rằng về khía cạnh vĩ mô như kế hoạch, chiến lược quốc gia, định hướng đã có, song bà Thủy nhấn mạnh, đến cấp độ chương trình hành động của Chính phủ, từng bộ, ngành, doanh nghiệp phải nhìn thấy trong “bức tranh” đó họ phải làm gì.
Bộ KH-ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Có nghĩa là từ hệ thống các ngành kinh tế xác định rõ thế nào là xanh. Ví dụ, cùng trong ngành GTVT, những tiêu chuẩn, tiêu chí nào để xác định 1 doanh nghiệp hay dự án này gọi là xanh hay không gọi là xanh.
Bà Thủy thông tin thêm, Bộ KH-ĐT đang phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi.
“Chẳng hạn với VinFast hoặc lĩnh vực xe điện, Chính phủ có hành động gì để hỗ trợ có trạm sạc hay không? Các địa phương có dành đất, địa điểm để các doanh nghiệp làm trạm sạc hay không? Bởi không có trạm sạc thì người tiêu dùng cũng không mua xe xanh, không dùng xe xanh.
Đó là những thứ rất liên quan đến nhau, ở cấp vĩ mô nếu Chính phủ không định hướng thì doanh nghiệp có thể vẫn quyết định đầu tư nhưng rất khó khăn và rất lâu mới đạt mục tiêu”, lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp nói.

Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu vào khoảng 30.000 tỉ USD và con số này sẽ tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG.


Nguồn