Không gian xanh đô thị thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Đặt vấn đề
Không gian xanh đô thị mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với cộng đồng và môi trường, cụ thể như: Giảm ô nhiễm và điều hòa nhiệt độ, tạo môi trường sống trong lành cho đô thị. Cây xanh hấp thụ carbon dioxide và phát tán oxy, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Không gian xanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời duy trì hệ sinh thái đô thị bền vững. Đây là nơi lý tưởng để kết nối cộng đồng, giúp nâng cao sức khỏe cư dân. Ngoài ra, không gian xanh còn góp phần làm tăng giá trị bất động sản, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư. Phát triển không gian xanh cũng góp phần tăng khả năng hấp thụ và điều tiết nước mưa đô thị.
Trong quá trình đô thị hóa và gia tăng nhanh dân số, thành phố (TP) Biên Hòa đang đối mặt với nhiều thách thức về không gian xanh. Diện tích không gian xanh tại TP này còn hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bị lấn chiếm hoặc sử dụng vào mục đích riêng, dẫn đến sự thiếu hụt các điểm đến hoạt động ngoài trời cho cư dân. Các công viên, vườn hoa hiện tại chưa được đầu tư đồng bộ về chất lượng, những không gian xanh được cải tạo gặp phải tình trạng bị bê tông hóa mạnh, thiếu tiện ích công cộng và chưa có công tác duy tu đúng mức. Hơn nữa, mật độ các khu công nghiệp ngày càng tăng, làm giảm không gian cho việc phát triển không gian xanh. Các dải xanh cách ly, vốn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, thường bị bỏ quên hoặc sử dụng không hiệu quả.
Không gian xanh ở các khu vực ngoại thành hầu như chưa được phát triển, các khu đất trống thay vì làm công viên hoặc không gian xanh, thường được khai thác cho mục đích nông nghiệp. Đáng chú ý, không gian xanh TP Biên Hòa đặc biệt được chú trọng trong Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với những quan điểm về khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP để phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thực trạng không gian xanh đô thị tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Quy hoạch không gian xanh của TP Biên Hòa bao gồm các hành lang cảnh quan chính chạy dọc theo sông Đồng Nai, kết nối với các mảng xanh lớn như công viên ven sông, các công viên chuyên đề, khu du lịch, công viên sinh thái và làng bưởi Tân Triều. Trung tâm của hệ thống này là cù lao Hiệp Hòa, nơi có thảm thực vật phong phú, nằm ngay giữa lòng TP. Hành lang nông nghiệp và vườn cây ăn trái được phát triển dọc theo sông Đồng Nai ở phía Bắc Biên Hòa. Phía Nam TP, hành lang sinh thái kéo dài từ vùng ngập nước ven sông Đồng Nai, xuyên qua các khu vực nông lâm nghiệp dọc sông Buông, đến thác Giang Điền.
Biên Hòa là một trung tâm văn hóa lâu đời với nhiều công trình di sản xuyên suốt lịch sử đô thị. Người dân Biên Hòa thường định vị bằng địa danh thay vì tên đường, nên các địa điểm đặc biệt nằm trong không gian xanh như: Văn miếu Trấn Biên, đài chiến sĩ, bồn
nước trung tâm hay bồn nước khu công nghiệp luôn in sâu trong ký ức cộng đồng.
Diện tích cây xanh trong khu đô thị hiện hữu còn thấp. Tuy nhiên, nhiều dự án công viên, cây xanh hiện đang được triển khai và phê duyệt. Hiện nay, trong các dự án dân cư, đô thị mới đã nâng được bình quân diện tích cây xanh lên 3-4,9 m²/ người, tuy nhiên tỉ lệ này vẫn còn thấp so với mục tiêu quy chuẩn của Việt Nam là 7m²/ người. Vẫn thiếu một hệ thống công viên từ cấp TP đến các khu vực phường xã.
Khu vực trung tâm lịch sử
Khu vực trung tâm của Biên Hòa phát triển mạnh trước năm 1993. Ban đầu, Biên Hòa là một TP nhỏ với các công trình hạ tầng cơ bản, chủ yếu tập trung vào các khu dân cư, thương mại, dịch vụ khu vực trung tâm. TP được chính thức công nhận là đô thị loại III vào năm 1976 và đô thị loại II vào năm 1994. Khu trung tâm hình thành các khu công nghiệp đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ban đầu của Biên Hòa. Sau năm 1993, với sự ra đời của nhiều khu công nghiệp lớn phát triển ra khu vực ngoại ô, những khu vực công nghiệp cũ bắt đầu xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng sống và diện tích đất dành cho không gian xanh.
Trong khu vực nội đô của TP Biên Hòa, không gian xanh được phân bố không đều và chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Những khu đất có thể phát triển không gian xanh bị bỏ hoang hoặc được sử dụng cho mục đích khác. Các công viên và khu cây xanh hiện tại chưa được đầu tư đủ về chất lượng và tiện ích. Điều này làm giảm đi giá trị sinh thái và làm mất đi cơ hội tạo dựng những không gian xanh kết nối cư dân. Mặc dù vậy, Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị thương mại dịch vụ, mở ra cơ hội mới để phát triển đồng bộ không gian xanh đô thị.
Vùng phát triển mới
Kể từ sau năm 2010, Biên Hòa bắt đầu mở rộng ra các khu vực mới, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và đô thị. Các khu vực ngoại ô, đặc biệt là các khu vực phía Nam của TP, đã được phát triển thành các khu đô thị mới, bao gồm các khu công nghiệp lớn như KCN Biên Hòa 2, KCN Amata, KCN Loteco, và KCN Hố Nai. Việc hình thành các khu công nghiệp này đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cấu trúc đô thị, làm thay đổi cơ cấu dân cư và kéo theo sự gia tăng dân số nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là các khu vực có cơ sở hạ tầng hiện đại và khả năng kết nối cao, làm tăng tính hấp dẫn cho các dự án bất động sản và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp.
Khu vực mở rộng của Biên Hòa, dù có nhiều diện tích đất trống, nhưng việc phát triển không gian xanh lại chưa được chú trọng đúng mức. Diện tích mặt nước ở các khu vực ngoại thành chưa được khai thác như không gian xanh công cộng. Các mảnh đất trống trong khu vực trung tâm các xã cũng chưa được tận dụng phát triển không gian xanh, tạo ra các khu vực kết nối cộng đồng.
Một số giải pháp phát triển không gian xanh đô thị tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Xanh hóa và đa chức năng hóa các không gian công cộng
Giải pháp tập trung cải thiện các không gian công cộng hiện có, đồng thời thay thế công năng các khu đất trống thuộc quản lý nhà nước trong khu vực lõi trung tâm lịch sử thành đất xanh nhằm bổ sung diện tích xanh. Áp dụng các giải pháp xanh hóa các không gian công cộng như: Trồng cây xanh, tạo mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị. Đồng thời kết hợp mục đích thoát nước tự nhiên cho những công viên lớn, hướng tới phát triển hệ sinh thái bền vững.
Hình thành các không gian xanh dạng tuyến theo các tuyến mặt nước
Biên Hòa có nhiều dòng sông, suối, rạch lớn, việc phục hồi sinh thái các dòng chảy này không chỉ giúp bảo vệ hệ sinh thái ven bờ mà còn góp phần tạo ra các không gian xanh dạng tuyến. Các công viên tuyến tính sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước, cung cấp các hoạt động vui chơi giải trí cho cư dân và nâng cao tính đa dạng sinh học trong khu vực đô thị.
Chuyển đổi các không gian công nghiệp và di sản đô thị
Biên Hòa có nhiều khu công nghiệp nằm sát với khu dân cư, và việc chuyển đổi các khu công nghiệp này thành các không gian xanh, khu đô thị mới là một giải pháp đã và đang được triển khai. Việc tái phát triển các khu vực công nghiệp hết vòng đời này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra những không gian công cộng có giá trị bảo tồn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân (Biddau, Marotta, & Sanna, 2020).
Khai thác không gian có giá trị di sản nằm trong không gian xanh thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hoặc được thu hồi, cần được khai thác để phát triển. Những không gian này cần được thiết kế đa chức năng, phục vụ đa dạng các hoạt động văn hóa, cộng đồng.
Tăng cường và nâng cấp dải xanh cách ly khu công nghiệp
Tăng cường và nâng cấp dải xanh cách ly khu công nghiệp là một giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với các khu công nghiệp nằm gần khu dân cư. Dải cây xanh cách ly đóng vai trò như một rào cản sinh thái, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động công nghiệp như ô nhiễm không khí, tiếng ồn và bụi, đồng thời bảo vệ sức khỏe của cư dân và duy trì sự bền vững của hệ sinh thái đô thị (Sharma, 2013).
Dải xanh cách ly khu công nghiệp có thể được thiết kế với các chức năng bổ sung hồ điều hòa, giữ nước mưa, giúp điều tiết nước mưa và giảm nguy cơ ngập úng.
Tăng sức hút về đêm cho không gian xanh
Kinh tế đêm trong các không gian xanh là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động đông đảo của một đô thị công nghiệp như TP Biên Hòa. Phát triển kinh tế đêm ở những không gian này khuyến khích các hoạt động như thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm, giúp thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch địa phương.
Tại Biên Hòa, vấn đề này chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều không gian vẫn chỉ hoạt động ban ngày, thiếu các dịch vụ phục vụ vào buổi tối. Việc đẩy mạnh kinh tế đêm góp phần phát triển và phát huy tiềm lực không gian xanh đô thị tại Biên Hòa.
Kết luận
Hiện trạng không gian xanh tại Biên Hòa đang đối mặt với nhiều vấn đề, như diện tích còn hạn chế, phân bố không đều và thiếu đầu tư đồng bộ. Việc đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp đã gây ra nhiều khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển không gian xanh.
Phát triển không gian xanh đô thị tại TP Biên Hòa là giải pháp không chỉ cải thiện chất lượng môi trường sống mà còn để nâng cao sức khỏe cộng đồng và tăng giá trị đô thị. Giải pháp mang tính tổng thể và tích hợp giữa nâng cấp các công viên hiện có, phát triển các khu không gian xanh mới tại các khu vực ngoại ô, cũng như phục hồi các dòng sông và kênh rạch thành các không gian xanh dạng tuyến. Các khu công nghiệp cũ cần được chuyển đổi công năng hoạt động theo hướng phát triển công trình công cộng nhằm bổ sung, hình thành các không gian sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, các dải xanh cách ly khu công nghiệp cần được tăng cường và nâng cấp để phát huy hiệu quả công năng.
Bên cạnh đó, việc khai thác và phát triển các mảnh đất trống, tạo ra những không gian xanh đa chức năng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, nâng cao tính kết nối cho cư dân. Đầu tư phát triển không gian xanh không chỉ cải thiện môi trường đô thị mà còn giúp Biên Hòa xây dựng hình ảnh TP hiện đại, bền vững và thân thiện với người dân; tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP trong tương lai.
Ths Đặng Gia Quyền1
Ts.Kts Phạm Anh Tuấn2
1 Công ty Belt Collins International (HK) Limited
2 Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2025)
Tài liệu tham khảo:
Biddau, G. M., Marotta, A., & Sanna, G. (2020). Abandoned landscape project design. City, Territory and Architecture, 1-17.
Chinhphu.vn. (2023). Bộ xây dựng. https://moc.gov.vn/vn/_layouts/15/NCS.Webpart.MOC/mt_poup/Intrangweb.aspx?IdNews=75778, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Environment Agency. (2023). Water magazine. https://www.watermagazine.co.uk/2023/09/14/4m-river-embankment-repairs-now-complete-protecting-over-170-properties-at-airmyn/, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Hà, A. C. (2024). Các suối nội ô TP Biên Hòa ô nhiễm cao, anion vượt 27 lần. Lao Động. https://laodong.vn/xa-hoi/cac-suoi-noi-o-tp-bien-hoa-o-nhiem-cao-anion-vuot-27-lan-1404658.ldo, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
iLotusLand. (2024). iLotusLand.
https://ilotusland.com/en/green-industrial-parks-the-leading-sustainable-development-trend-of-2024/, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Kolczak, A. (2017). National Geographic. https://www.nationalgeographic.com/environment/article/urban-parks-photo-gallery-sustainability, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Lange, I. S., & Rodrigues, C. N. (2021). Urban Green Spaces: Combining Goals for Sustainability and Placemaking. EuropeNow.
Nguyễn, H. V., & Nguyễn, Q. M. (2021). Xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị. Tạp chí Kiến trúc.
Nguyễn, T. (2024, 1 2). Sắp khởi công dự án đường ven sông Cái. Người lao động. https://nld.com.vn/sap-khoi-cong-du-an-duong-ven-song-cai-196240101195702246.htm, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Phạm, A. T. (2023). Không gian xanh đô thị tại Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc, 48.
Phân viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Miền Nam. (2014). Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thuyết minh tổng hợp.
Rosa, F. A. (2015). Council of Europe Park. cankarjev dom.
https://www.cd-cc.si/en/council-europe-park, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
Sharma, A. (2013). Landscape of Industry: Transformation of (Eco) Industrial Park through history. Journal of Arts and humanities, 1-9.
Ủy ban nhân dân TP Biên Hòa. (2023). Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Biên Hòa.
Văn, C., & Khánh, L. (2021). Dọn dẹp bãi rác tự phát trên đường ven rạch Suối Lớn. Đồng Nai Online.
https://baodongnai.com.vn/video/202105/don-dep-bai-rac-tu-phat-tren-duong-ven-rach-suoi-lon-3056293/, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>
VinWonders. (2024). Công viên Ánh Sáng Vinhomes Grand Park. VinWonders. https://vinwonders.com/vi/wonderpedia/news/cong-vien-anh-sang-vinhomes-grand-park-tphcm/, <Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2025>