Thị Trường

Không hãm phanh khi lái xe qua gờ giảm tốc, hại ô tô thế nào?

Tại những đoạn đường đi qua các khu dân cư đông đúc thường được lắp đặt các gờ giảm tốc để cảnh báo các tài xế hạn chế tốc độ, đảm bảo an toàn và tránh tai nạn giao thông xảy ra. Gờ giảm tốc là một dạng vạch kẻ đường, có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người tham gia giao thông biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn giao thông.

Không hãm phanh khi lái xe qua gờ giảm tốc, hại ô tô thế nào?- Ảnh 1.

Gờ giảm tốc có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người tham gia giao thông biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ

Gờ giảm tốc được bố trí trên mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng hoặc mặt đường láng nhựa, thấm nhập nhựa còn tốt, bề rộng mặt đường từ 2,5 m trở lên và có xe ô tô lưu thông qua điểm giao cắt. Bên cạnh đó, gờ giảm tốc thường được sử dụng kết hợp với các loại cảnh báo khác như biển báo, đèn tín hiệu, chuông, còi, cần chắn tự động… để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.

Thông thường, khi gặp những đoạn đường có lắp đặt gờ giảm tốc, người lái thường hãm phanh, cho xe giảm tốc độ vừa để đảm bảo an toàn, đồng thời để giảm lực tác động dồn lên hệ thống giảm xóc, khung gầm xe. Tuy nhiên, có không ít trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô sau khi quan sát thấy đường vắng thường giữ thói quen để xe trôi và không hãm phanh để xe đi qua gờ giảm tốc nhằm hạn chế việc xe mất “chớn”. Thói quen này nếu lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống trên xe, đặc biệt là giảm xóc, khung gầm

Không hãm phanh khi lái xe qua gờ giảm tốc, những bộ phận nào trên ô tô nguy cơ hỏng hóc cao nhất?

Khi ô tô đang chạy với tốc độ cao, nếu người lái không hãm phanh khi đi qua gờ giảm tốc, khung gầm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cú xóc từ lực tác động mà người ngồi trên xe có thể cảm nhận, sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên ô tô.

Không hãm phanh khi lái xe qua gờ giảm tốc, hại ô tô thế nào?- Ảnh 2.

Các bộ phận chịu tác động trực tiếp gồm hệ thống giảm xóc, khớp bi, tay đòn, ống lót cao su và trục truyền động… sẽ bị hư hỏng hoặc xuống cấp nhanh hơn bình thường

Các bộ phận chịu tác động trực tiếp gồm hệ thống giảm xóc, khớp bi, tay đòn, ống lót cao su và trục truyền động… sẽ bị hư hỏng hoặc xuống cấp nhanh hơn bình thường. Bộ giảm xóc là bộ phận hấp thụ trực tiếp lực va chạm, nếu tác động quá lớn có thể khiến bộ giảm xóc bị nứt hoặc hư hỏng. Trong khi đó, các khớp bi, ống lót cao su kết nối các bộ phận khác nhau của hệ thống treo…. nếu chịu quá nhiều tác động, có thể khiến khớp bi bị lỏng hoặc ống lót cao su bị rách. Ngoài ra, đĩa phanh, kẹp phanh và ổ trục bánh xe cũng là những bộ phận có thể bị hư hỏng do va chạm.

Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe. Lực tác động có thể khiến xe bị rung, khó kiểm soát hướng đi gây nguy hiểm. Ngoài gầm xe, va chạm cũng có thể ảnh hưởng đến lốp và mâm xe, khiến lốp bị phồng, mâm xe bị cong hoặc các hư hỏng khác.

Nên làm gì khi lái ô tô qua những đoạn đường có gờ giảm tốc?

Để đảm bảo an toàn cũng như bảo vệ chiếc xe khi đi qua các đoạn đường có gắn gờ giảm tốc, các tài xế nên giảm tốc độ và để xe chạy chậm. Nên giảm tốc độ càng nhiều càng tốt vì điều này sẽ hạn chế lực tác động lên hệ thống giảm xóc, khung gầm của xe. Tránh phanh hoặc tăng tốc khi bánh xe đang đi qua gờ giảm tốc.

Không hãm phanh khi lái xe qua gờ giảm tốc, hại ô tô thế nào?- Ảnh 3.

Nếu ô tô thường xuyên đi qua những đoạn đường có gờ giảm tốc nên thường xuyên mang xe đi kiểm tra hệ thống treo

Ngoài ra, nếu ô tô thường xuyên đi qua những đoạn đường có gờ giảm tốc nên thường xuyên mang xe đi kiểm tra hệ thống treo. Điều này sẽ giúp các kỹ thuật viên kiểm tra tình trạng và khắc phục kịp thời mọi vấn đề xảy ra với hệ thống treo, khung gầm xe.

Nguồn