Kiến nghị xác định nhà trọ là một hình thức nhà ở xã hội
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và một số kiến nghị để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững và thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Sau khi Báo cáo nói trên được công khai, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó kiến nghị một số giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030 với trọng tâm là kiến nghị được nhiều người chú ý về việc xác định nhà trọ là một hình thức nhà ở xã hội.
Cụ thể, HoREA kiến nghị bổ sung vào Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà ở riêng lẻ là nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là một hình thức nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, kinh doanh để các chủ nhà trọ cũng được đối xử tương tự như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Cũng theo HoREA, kiến nghị nêu trên để các chủ nhà trọ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và về thuế với mức thuế khoán giảm về mức bằng 3,5%/doanh thu, bao gồm 2,5% thuế GTGT và 1% thuế TNCN.
Hiện nay, theo Thông tư 40/2021/TT-BTC áp dụng mức thuế thuế khoán bằng 7%/doanh thu, bao gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN bằng với chủ khách sạn mini cho thuê lưu trú du lịch ngắn hạn theo ngày, theo giờ cũng chịu mức “thuế khoán” bằng 7%/doanh thu.
Lãi cho vay nhà ở xã hội đang quá cao
Theo HoREA, vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã có Công văn 4524/NHCS-TDSV ngày 01/08/2024 “V/v điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/ND-CP” gửi Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng trước ngày 01/8/2024, NHCSXH nơi cho vay và người vay vốn thỏa thuận thống nhất nội dung sau vào Phụ lục Hợp đồng tín dụng.
Theo đó, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm, áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua được vay vốn ưu đãi bằng 120% lãi suất cho vay hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 7,92%/năm trong năm 2024 (tính theo công thức 6,6%/năm x 120% = 7,92%/năm) và người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi 6,6%/năm bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
HoREA đánh giá, mức lãi suất ưu đãi này quá cao so với lãi suất cho vay thương mại thông thường của các tổ chức tín dụng hiện nay. Do đó, HoREA đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ tại Ngân hàng Chính sách xã hội về mức lãi suất 3% hoặc 4,8%/năm là phù hợp, để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3,6% hoặc 5,76%/năm và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm là phù hợp.
Kiến nghị giảm thuế VAT với nhà ở xã hội chỉ cho thuê
Bên cạnh các kiến nghị về việc xác định nhà trọ cho thuê dài hạn như nhà ở xã hội và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ưu đãi, trong văn bản vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HoREA cũng kiến nghị xem xét giảm thuế VAT với nhà ở xã hội chỉ cho thuê.
Cụ thể, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN quy định chính sách ưu đãi về thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê theo hướng được giảm 70% thuế suất thuế GTGT về mức 3% và được giảm 70% thuế suất thuế TNDN về mức 6% để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội để cho thuê.