TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội – bảo tồn và phát huy giá trị

(KTVN 252) Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thông thống sông hồ dày đặc. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan đặc trưng của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên này; trong đó cấu trúc của các dòng sông trong nội đô đóng vai xương sống cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội (sông Hồng – phía Đông, sông Tô Lịch – phía Bắc và phía Tây và sông Sét – phía Nam). Những dòng sông này không chỉ đóng vai trò giao thông, phòng chống lũ mà còn là hệ thống hào tự nhiên trong chiến lược phòng thủ, bảo vệ thành cổ Hà Nội. Khi đô thị phát triển mở rộng, chúng trở thành những dòng sông nội đô; cùng với những dòng sông khu vực ngoại thành, chúng trở thành yếu tố cảnh quan dạng tuyến quan trọng cấu thành hệ sinh thái tự nhiên và là hệ thống thoát nước tự nhiên quan trọng của Hà Nội. Cùng với đó, hình thái và cấu trúc không gian đô thị có sự phát triển và thay đổi đáng kể bởi hệ tư tưởng và nhu cầu thực tiễn của xã hội trong mỗi thời kỳ xây dựng và phát triển của Hà Nội.

ĐẶC TRƯNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN ĐÔ THỊ HÀ NỘI

Cảnh quan của Hà Nội có thể được phân chia theo các tiêu chí khác nhau:

  • Theo tiêu chí về mô hình định cư gắn với hoạt động: cảnh quan khu vực đô thị và cảnh quan khu vực nông thôn;
  • Theo tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ: cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo.

Kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị

Kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị Hà Nội được chia thành 4 giai đoạn phát triển với những đặc trưng rõ rệt, cụ thể:

Khu vực 36 phố phường

Gắn với lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long. Cảnh quan đô thị và nông thôn giai đoạn Phong kiến ít có sự khác biệt mà thường dựa vào tự nhiên với đặc trưng các tuyến phố buôn bán có vỉa hè hẹp, cây xanh trên các tuyến đường thưa thớt với một số loài cơ bản như Đa, Bồ đề (gắn với công trình tôn giáo tín ngưỡng), Bàng…. Khu 36 phố phường được chỉnh trang từ những tuyến phố hình thành tự phát và dần dần trong chiều dài lịch sử phong kiến với đặc trưng của các hoạt động buôn bán các mặt hàng phục vụ kinh thành xưa kia; Chúng là tập hợp của quần thể kiến trúc độc đáo, có giá trị vật thể và phi vật thể về cấu trúc không gian đô thị đặc trưng gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Hệ thống đường xá được nắn chỉnh và cải tạo thời kỳ Pháp thuộc cùng với trồng đa dạng hơn về cây xanh để có cấu trúc tồn tại đến ngày nay.

Từ thế kỷ XVII, “Kẻ chợ” là tên được đặt cho Hà Nội bởi sự sầm uất và những hoạt động buôn bán nhộn nhịp ven sông. Nhất là những con sông đóng vai trò quan trọng cho thành phố như sông Hồng và sông Tô Lịch. Không chỉ vậy, các dòng sông còn là không gian cư trú của người dân đô thị từ khi được hình thành. Những hoạt động buôn bán, sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân đã hình thành những giá trị văn hóa và tạo nên vẻ đẹp riêng cho thành phố Hà Nội.

Kẻ Chợ (The City of Cha-Cho, the Metropolis of Tonqueen) – Mô tả một phần của khu vực trung tâm buôn bán phía đông bên ngoài Hoàng Thành Thăng Long cuối thế kỷ XVII. Đây là khu vực ngã ba sông Hồng và Tô Lịch (Nguồn: Samuel Baron, 1732)

Khu 36 phố phường ẩn chứa nhiều lớp lang của lịch sử. Ban đầu, khu vực này được hình thành từ những xóm làng nằm rải rác tại điểm giao nhau của những bờ đất có chức năng bảo vệ những cánh đồng lúa. Cấu trúc không gian đô thị gắn với các hoạt động thường nhật của người dân trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, chỉnh trang và hoàn thiện của Hà Nội. Khu phố cổ ban đầu không hề có một cấu trúc hợp nhất mà được tạo thành từ các làng nghề theo kiểu phường hội ngăn cách nhau bằng những cánh cổng lớn nên đã tái hiện lại mô hình tổ chức làng xã với những đình, đền, chùa và những ngành hàng chuyên biệt. Đường đi lối lại trong khu là những bờ đất chạy ngang dọc giữ những cánh đồng lúa. Dù hình thành tự nhiên hay do con người tôn đắp, những bờ đất này vẫn là nền tảng của mạng lưới đường phố để phát triển các hoạt động buôn bán.

Các tuyến đường có cấu trúc tự nhiên, thể hiện quá trình phát triển dựa theo địa hình của cư dân Hà Nội thời kỳ Phong kiến – Bản đồ Hà Nội năm 1873. Đây là quá trình dài trong việc định hình cấu trúc của 36 phố phường gắn với các phường buôn bán các loại hình sản phẩm đặc trưng. (Nguồn: EFEO/Paris/ 24614)

Cảnh quan đô thị Hà Nội năm 1931 có sự khác biệt rất lớn giữa khu phía Bắc và Nam Hồ gươm, hình thành bởi cấu trúc nhà ở lô phố kết hợp kinh doanh của khu 36 phố phường. (Nguồn: FR/CAOM/30Fi119/71)

Ngoài khu 36 phố phường, cảnh quan thành Hà Nội không có sự khác biệt lớn với cảnh quan khu vực nông thôn, sự hài hòa giữa công trình với thiên nhiên và bao bọc bởi các cánh đồng làm nông nghiệp là hình ảnh phổ biến khu vực thành cổ Hà Nội 1884-1885 (Nguồn: FR/ANOM27/049Fi/03/60)

Cấu trúc không gian khu 36 phố phường có sự gắn kết mật thiết giữa cảnh quan đường phố với sự hài hòa của công trình kiến trúc về tỷ lệ, mặt tiền màu sắc, phong cách “nhà ống” đặc trưng, thậm chí là cây xanh bởi các quy định chặt chẽ về nhà ở cho các tầng lớp thời kỳ phong kiến: nhà ở thị dân không được xây dựng cao hơn, lớn hơn nhà ở của các quan lại trong triều đình. Đồng thời biểu đạt loại hình cảnh quan đặc trưng của các khu phố kết hợp ở và buôn bán (Thị) bên cạnh khu vực sống và làm việc của bộ máy quản lý nhà nước phong kiến (Thành). Tạo nên sự giao thoa hoàn chỉnh của cảnh quan nhân tạo và cảnh quan văn hóa đặc trưng thông qua các hoạt động thường nhật của cư dân đô thị. Đồng thời, cấu trúc không gian được xây dựng dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên bao gồm yếu tố địa hình và thủy văn khu vực theo nguyên tắc thuận thiên.

Cảnh quan phố Mã Mây đầu thế kỷ XX được định hình bởi các dãy nhà mái dốc 1-2 tầng đồng nhất về ngôn ngữ với vỉa hè hẹp, không đều và có cây xanh thưa thớt -đặc trưng cho cảnh quan đường phố đô thị Hà Nội thời kỳ Phong kiến (Nguồn: Nguyễn: 2009)

Khu vực phố cũ (khu phố Pháp)

Gắn với quá trình cải tạo chỉnh trang Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc; thể hiện sự du nhập của phong cách phương Tây với mạng lưới đường ô cờ có vỉa hè rộng để trồng cây bóng mát thuần loài, cùng với những khu biệt thự với khoảng lùi rộng. Tạo nên những tuyến cây xanh hấp dẫn. Cảnh quan đô thị và nông thôn bắt đầu có sự khác biệt bởi cấu trúc không gian, mạng lưới giao thông, công trình nhà ở biệt thự, công trình quy mô lớn và xuất hiện các vườn hoa công cộng; đặc biệt là xây dựng không gian sưu tầm các loài thực vật – vườn bách thảo. Các tuyến đường có vỉa hè rộng, trồng từ 1-2 hàng cây thuần loài, chủ yếu là Sao đen, Sấu, Xà cừ.

Các tuyến đường bắt đầu được nắn chỉnh, bổ sung từ năm 1888 để hình thành mạng lưới giao thông đô thị của khu 36 phố phường ngày nay. (Nguồn: FR/CAOM/FM/1TP/162-14)

Cấu trúc khu phố Pháp với đặc trưng tuyến đường chia ô bàn cờ mạch lạc có vỉa hè rộng nhiều cây xanh thuần loài, khoảng lùi công trình lớn hài hòa với công trình kiến trúc kiểu biệt thự, các công trình công sở cả về tỷ lệ, màu sắc và phong cách kiến trúc Đông Dương đậm nét. Đồng thời thể hiện rõ quan điểm thiết lập cảnh quan đô thị theo nguyên tắc kiểm soát và khắc chế tự nhiên, cải tạo và can thiệp thô bạo vào cấu trúc thủy văn khu vực. Hàng loạt ao hồ trong nội thành được san lấp để phát triển mạng lưới giao thông và các công trình công cộng, công sở có quy mô.

Cảnh quan hoạt động trên phố Hàng Bồ xưa tập trung nhiều cửa hàng của người Việt, người Hoa và cả các hãng của Anh, Mỹ và Nhật.(Nguồn: FR/CAOM01/30Fi119/074/P)

Thời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội xuất hiện loại hình vườn hoa công cộng trong không gian cảnh quan đô thị – Vườn hoa con cóc. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Người pháp quy hoạch thành phố vườn cho đô thị Hà Nội. Cấu trúc cảnh quan đô thị Hà Nội được mở rộng với hàng loạt hệ thống không gian xanh. (FR/IFA/PINGE/33/02/11)

Khu vực phố thời kỳ đổi mới

Gắn với các khu vực phát triển đô thị mở rộng sau giải phóng và sau năm 1986 đến nay (không bao gồm các khu đô thị mới). Xuất hiện các công viên công cộng được xây dựng dựa trên sức mạnh tập thể, điển hình như công viên Thống Nhất. Bên cạnh đó, sự phát triển mở rộng của đô thị, các tuyến đường mới có có vỉa hè đa dạng cả về độ rộng và thành phần loài cây. Giai đoạn này, người dân tự do trồng các loài cây xanh theo sở thích, như: Bằng lăng, Hoa sữa, Lộc vừng, Nhạc ngựa…. Chính vì vậy, hệ thống cây xanh không chỉ đa dạng về thành phần loài mà còn xuất hiện nhiều loài cây xanh không phù hợp trồng làm cảnh quan, điển hình như: Bạch đàn, Dâu da xoan, Keo lá tràm, …

Thời gian này, khu phố cổ trải qua nhiều biến đổi phù hợp với thời gian và sự phát triển của thành phố. Ngày nay, việc kinh doanh buôn bán trên các con phố đã thay đổi đáng kể cả về chủng loại và quy mô hàng hóa. Các mặt hàng kinh doanh tạo ra các tên phố của khu 36 phố phường dần dần được chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng giai đoạn, nhưng các tên đường thì gần như được giữ nguyên; đây cũng là một trong những yếu tố góp phần gìn giữ giá trị cảnh quan văn hóa của khu phố cổ.

Cảnh quan khu phố cũng có nhiều biến đổi cho phù hợp với mặt hàng kinh doanh hiện tại, cấu trúc không gian khai thác trong mỗi tuyến đường cũng có sự thay đổi lớn trong mỗi ngày. Không gian chuyển đổi từ riêng tư, công cộng và bán phần tùy vào từng thời điểm cụ thể trong ngày. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi về không gian và những giá trị đặc trưng cho cảnh quan hoạt động trên mỗi tuyến phố.

Sự chuyển đổi không gian hoạt động của mỗi nhà trong ngày tạo ra giá trị đặc trưng cảnh quan văn hóa cho phố Lương Văn Can, hình A, B, C, D lần lượt là buổi sáng sớm, ban ngày, khi trời tối và ban đêm. (Nguồn: Khawatmi, 2005: 291-94)

Loại hình nhà ở tập thể 4-5 tầng cho cư dân hình thành loại hình cảnh quan ở mới sau năm 1954. (Nguồn: Trần and Nguyễn 2004, 186)

Hiện nay, việc khai thác vỉa hè, lòng đường cho các hoạt động kinh doanh trong khu 36 phố phường tạo ra nhiều khó khăn cho các hoạt động du lịch và trải nghiệm cảnh quan đường phố đối với du khách và cho chính hoạt động của cộng đồng dân cư khu vực. Sự chen lấn giữa phương tiện cơ giới, xe thô sơ và người đi bộ trên những tuyến đường hẹp, vỉa hè hẹp được dùng cho đỗ xe và trưng bày hàng hoá cùng kẹt nghẽn giao thông trở nên phổ biến và là hình ảnh cảnh quan mang tính đặc trưng trong khu vực.

Phố Hàng Lược và Hàng Mã luôn tạo sự hấp dẫn bởi màu sắc sặc sỡ của các sản phẩm bày bán trên hết các vỉa hèp; tuyến phố càng trở nên sôi động và đầy sức sống trước các dịp lễ hội như Rằm Trung thu và Tết cổ truyền. Người đi bộ và các phương tiện hòa chung nhịp trên những tuyến đường hẹp và không có khả năng mở rộng tạo ra nguy cơ lớn về mất an toàn giao thông. (Nguồn: Phạm, 1/2024)

Vỉa hè hẹp dành cho phương tiện và chỗ ngồi, lòng đường đông đúc các phương tiện giao thông nhưng không làm giảm sức hấp dẫn của những cửa hàng ăn truyền thống tại các tuyến phố tại khu 36 phố phường. Lưu giữ loại hình cảnh quan công cộng dạng tuyến đặc biệt của Hà Nội. (Nguồn: Phạm, 1/2024)

Một số tuyến phố còn lưu giữ các hoạt động sản xuất thủ công truyền thống vốn tạo nên tên đường và thương hiệu cho khu phố cổ. Tuy nhiên, những hoạt động này không còn nhiều và chỉ đáp ứng nhu cầu nhỏ của người dân khu vực, chưa hình thành các điểm hấp dẫn và gia tăng giá trị cảnh quan văn hoá đặc trưng của Hà Nội. Những điểm sản xuất này cũng nguy cơ dần bị mai một theo thời gian bởi sự phù hợp của mô hình sản xuất, loại hình sản phẩm cũng như nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi trước các mặt hàng sản xuất công nghiệp với sự đang dạng về hình thức và mẫu mã.

Một số cửa hàng lưu giữ giá trị làng nghề truyền thống vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, đồng thời tạo lập những giá trị cảnh quan văn hóa đặc trưng của từng loại hình hoạt động – tiệm gò hàn trên phố Lò Rèn. (Nguồn: Phạm, 1/2024)

Cây xanh bóng mát có kích thước lớn được trồng trên những vỉa hè hẹp chiếm nhiều không gian dành cho người đi bộ và chịu chèn ép bởi nhà lô cao 4-5 tầng đều phải vươn ra đường để tìm không gian sống cũng tạo hình ảnh đặc trưng trong khu phố cổ. (Nguồn: Phạm, 1/2024)

Tuy nhiên, với hàng loạt chính sách và chương trình cải tạo và chỉnh trang đô thị, hệ thống vỉa hè, cây xanh của Hà Nội được nâng cấp đáng kể. Vỉa hè được lát lại bằng đá granite, cây xanh sử dụng thêm nhiều loài, thậm chí cả những loài không phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng và đặc trưng không gian của từng khu vực. Hoạt động này đã tạo nên sự giao thoa, đồng nhất về sử dụng yếu tố cảnh quan và vô tình hình thành một “bộ đồng phục mới” cho các khu vực có đặc trưng khác nhau, từ đó làm giảm đi các giá trị đặc trưng về kiến trúc cảnh quan của từng khu phố.

Khu vực phát triển các khu đô thị mới

Gắn với những quy hoạch hạ tầng giao thông, thiết kế cây xanh và vỉa hè đồng bộ. Bổ sung nhiều tiện ích cộng cộng cho khu đô thị mới. Đồng thời, xuất hiện các vườn hoa, công viên dành cho cư dân nội bộ khu đô thị mới. Các cao ốc văn phòng chung cư cao tầng cũng tạo nên những cấu trúc không gian cảnh quan và diện mạo mới cho các khu đô thị. Cùng với đó, cảnh quan được đầu tư bài bản từ thiết kế đến thi công đồng bộ cả cây xanh, hạ tầng, vật liệu hoàn thiện và tiện ích công cộng. Các khu đô thị mới được quy hoạch theo hướng gia tăng giá trị bất động sản và tối ưu hóa đất thương phẩm đã tạo ra những tuyến đường được quy hoạch bài bản và có chức năng cụ thể và rõ ràng hơn cho ở, thương mại và dịch vụ.

Cấu trúc khu phố mới với đặc trưng phát triển tự phát, có vỉa hè hẹp, cây xanh đa dạng gắn với loại hình nhà ống 3-5 tầng với hình thức đa dạng và thiếu tính thống nhất. Cùng với đó, một loạt khu tập thể được xây dựng nhằm mở rộng thành phố và tăng quỹ nhà ở cho cư dân đô thị gắn với các công trình nhà trẻ, trường học và sân vườn. Đây cũng là mô hình hình nhà ở tiêu biểu cho thời kỳ bao cấp hướng đến tăng cường mối quan hệ trong cộng đồng dẫn cư của mỗi “tiểu khu ở” và tạo sự bình đẳng về nhu cầu ở và sinh hoạt. Từ năm 1996 đến nay, các khu đô thị mới xuất hiện thì có sự mạch lạc về giao thông hơn cùng các mẫu nhà chung có tỷ lệ, màu sắc, phong cách, và tầng cao thống nhất. Tuy nhiên, chính sự tự do và kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kề về hình thức, màu sắc và tầng cao của các công trình nhà ở. Đây là hiện tượng phổ biến trong nhiều khu đô thị mới của đô thị Hà Nội. Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị mới có chất lượng dịch vụ và phân khúc cao gắn với mật độ xây dựng thấp, khu nhà ở xã hội có mức độ đầu tư trung bình đã tạo nên sự chênh lệch đáng kể về chất lượng không gian kiến truc cảnh quan giữa các loại hình khu đô thị mới.

Các khu đô thị mới theo hướng sinh thái bền vững có mật độ cây xanh lớn và được thiết kế cảnh quan với các ý đồ rõ ràng tạo nên bản sắc mới cho vùng ngoại ô Hà Nội – Khu đô thị mới Ecopark. (Nguồn: Phạm: 4/2024)

Cây xanh được trồng theo sở thích với thành phần loài và kích thước đa dạng đã thay đổi gần như toàn bộ hai hàng cây lim xẹt trồng trên tuyến phố trong khu đô thị Văn Phú, cùng với sự tự do trong cải tạo công trình kiến trúc, thay đổi vật liệu hoàn thiện công trình và và vỉa hè cùng khai thác vỉa hè theo nhu cầu cá nhân đã lấn chiếm toàn bộ khu vực công cộng trên tuyến đường và tạo nên hình ảnh cảnh quan thiếu thẩm mỹ trên các tuyến phố. Đây là hình ảnh phổ biến trong các khu đô thị mới không do nhà đầu tư trực tiếp quản lý và vận hành. (Nguồn: Phạm 12/2023)

Năm 2011, Quy hoạch chung đô thị Hà Nội được phê duyệt đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong tư duy quy hoạch không gian cho Hà Nội. Lần đầu tiên, cách tiếp cận cho phát triển bền vững cho đô thị được đề cập thông qua các giải pháp tổ chức hành lang xanh và nêm xanh. Trong đó, các hành lang xanh được xác định dựa trên cấu trúc tự nhiên của các sông chính và các phân lưu: sông Hồng, sông Đáy, sông Tích. Cùng với đó hệ thống cấu trúc nêm xanh được định hướng phát triển nhằm phát huy giá trị cảnh quan môi trường, lan tỏa cấu trúc không gian xanh vào sâu trong khu vực đô thị, góp phần hình thành hệ sinh thái đô thị rõ ràng hơn. Mô hình đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái được thiết lập dựa trên cấu trúc các đô thị hiện hữu và hệ thống sông của thành phố. Hình thành cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan tổng thể theo hướng sinh thái và thích ứng với điều kiện tự nhiên của Hà Nội.

Cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan tổng thể Hà Nội được hình thành dựa trên hệ khung tự nhiên của hệ thống các dòng sông gắn với hệ thống hành lang xanh ven các dòng sông và nêm xanh. Đây là các yếu tố cảnh quan dạng tuyến quan trọng cho việc hình thành hệ sinh thái tự nhiên của đô thị trong đồ án quy hoạch chung thành phố Hà Nội năm 2011. (Nguồn: UBND TP Hà Nội, 2011)

Kiến trúc cảnh quan khu vực Nông thôn

Đặc trưng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn Hà Nội có thể được phân chia thành 2 giai đoạn phát triển cơ bản, cụ thể:

Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới (trước năm 1986)

Kiến trúc cảnh quan đặc trưng của các làng truyền thống gắn với nghề nông hay nghề tiểu thủ công nghiệp. Cấu trúc không gian cảnh quan được hình thành và phát triển dựa vào điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất các mặt hàng truyền thống của mỗi làng. Trong đó, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa… đóng vai trò không gian công cộng trung tâm. Từ đó cấu trúc không gian của làng được lan tỏa tới các xóm, thôn một cách tự nhiên dựa vào địa hình và sự mở rộng làng mang tính tự phát.

Giai đoạn thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

Kiến trúc cảnh quan các làng có nhiều thay đổi dưới tác động của quá trình đô thị hóa nhanh và sự chuyển đổi mô hình sản xuất cùng sự thay đổi các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống theo nhu cầu thực tế của xã hội. Nhiều làng bị bao bọc bởi các khu đô thị mới với cấu trúc ô bàn cờ khác biệt với cấu trúc tự nhiên của làng truyền thống. Nhiều làng bị “nuốt chửng” do quá trình đô thị hóa nhanh, hình thành cấu trúc “làng trong đô thị”.

Ranh giới làng và đô thị biến mất và giới hạn còn lại là dãy nhà ở kết hợp dịch vụ và mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị – cổng làng Phú Mỹ (Nguồn: Phạm 5/2019)

Tại khu vực trung tâm của làng, với vai trò là đầu mối phát triển kinh tế xã hội, hiện tượng “nhà lô hoá” các ngôi nhà truyền thống tại các tuyến đường trung tâm và khu vực chợ đã hình thành các dãy nhà lô phố mới có mật độ cao thay thế cho loại hình kiến trúc truyền thống có mật độ xây dựng thấp và nhiều diện tích sân vườn cây xanh. Hình thức khai thác các tuyến phố trung tâm này cũng trở nên nhộn nhịp và đa dạng, hình thành loại hình nhà ở kết hợp dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng trong những không gian chật hẹp và khó có khả năng mở rộng. Hình thành cấu trúc cảnh quan của “Đô thị trong làng”. Nhiều không gian sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống dần biến mất do không còn phù hợp với các phương thức sản xuất hiện đại cho các loại hình sản phẩm mới. Bên cạnh đó, chính sách công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong sản xuất đòi hỏi các làng phải điều chỉnh loại hình sản phẩm, mở rộng quy mô và quy hoạch sản xuất tập trung với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sản lượng và thay thế cho các hoạt động sản xuất cá thể nhỏ lẻ. Quá trình chuyển đổi này làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc không gian của các làng.

Nhà nhiều tầng dần thay thế nhà truyền thống tại các tuyến đường trung tâm làng Văn Nội hình thành sự chắp vá về không gian cảnh quan làng. (Nguồn: Phạm 8/2019)

Cảnh quan tự nhiên và nhân tạo

Cảnh quan nhân tạo được hình thành, phát triển và biến đổi theo dòng chảy của lịch sử và nhu cầu thực tế của mỗi giai đoạn. Từ đó hình thành giá trị “nơi chốn” cho mỗi khu vực như trình bày ở trên. Trong khi đó, cảnh quan tự nhiên vẫn tồn tại và xen lẫn trong cấu trúc cảnh quan nhân tạo; Chúng là hệ thống địa hình gò đồi, mặt nước (tĩnh và động) trong không gian cư trú của con người (bao gồm cả đô thị và nông thôn). Chúng không chỉ gắn với các truyền thuyết giàu giá trị văn hóa lịch sử (hồ Hoàn Kiếm, núi Tản Viên…) mà còn gắn liền với quá trình trị thủy và phát triển không gian định cư của Bắc Bộ (sông Hồng, sông Đáy, sông Tô Lịch, … đến kênh đào Bắc Hưng Hải, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu…). Không chỉ mặt nước, hệ thống cây xanh ven mặt nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình không gian cảnh quan và góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái đô thị Hà Nội.

Mặt nước, cây xanh ven hồ Gươm hình thành không gian xanh khu vực giàu giá trị văn hóa, khu vực càng trở nên hấp dẫn bởi các hoạt động cộng đồng trên phố đi bộ – hình thành cảnh quan văn hóa đặc trưng cho hiện tại không gian cảnh quan giàu văn hóa lịch sử bậc nhất Hà Nội. (Phạm, 2024)

Bê tông hóa trong quá trình cải tạo các vườn hoa, công viên hiện nay diễn ra khá phổ biến; chưa thực sự đem lại hiệu quả thẩm mỹ và chưa cải thiện môi trường vi khí hậu của khu vực – Vườn hoa Hàng Đậu (Nguồn: Phạm 5/2024)

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN HÀ NỘI

Những giá trị di sản kiến trúc cảnh quan của Hà Nội

Kiến trúc cảnh quan khu 36 phố phường được xem là nơi chốn đặc sắc của Hà Nội. Khu vực là tập hợp của các giá trị lịch sử, đặc trưng về văn hóa và tự nhiên. Chúng là tập hợp của quần thể kiến trúc độc đáo có giá trị vật thể và phi vật thể về cấu trúc không gian đô thị đặc trưng gắn với các phố nghề, lễ hội truyền thống, hệ thống di sản và di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Chúng được hình thành và gắn bó mật thiết với chức năng chủ yếu là các hoạt động kinh doanh, sản xuất sản phẩm truyền thống, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp nhà ở và các công trình công cộng, công trình văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội truyền thống. Cùng với đó, kiến trúc cảnh quan ven hồ Tây gắn với cấu trúc của các làng nghề truyền thống cũng có nhiều giá trị cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Ở ngoại thành, cấu trúc các làng truyền thống cùng các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng tạo lập những giá trị nơi chốn đặc biệt của Hà Nội. Với sức ép của quá trình đô thị hóa, các làng có sự biến đổi mạnh mẽ cả về cấu trúc và không gian cảnh quan.

Cấu trúc mặt nước được thiết lập bởi các con sông và ao hồ của Hà Nội là cấu trúc tự nhiên đặc sắc và là cơ sở định hình cấu trúc không gian cảnh quan đô thị cổ Hà Nội và là cơ sở hình thành yếu tố cảnh quan dạng tuyến quan trọng của hệ sinh thái đô thị Hà Nội. Bên cạnh giá trị về cảnh quan và sinh thái môi trường, hệ thống sông hồ còn đóng vai trò hệ thống thoát nước tự nhiên của Hà Nội. Chúng là yếu tố chủ đạo cấu thành bản sắc cho đô thị nước của Hà Nội.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan Hà Nội

Dù có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển đô thị, đặc trưng kiến trúc cảnh quan hình thành cấu trúc đô thị Hà Nội hàm chứa cả những yếu tố bất biến đổi (cấu trúc tự nhiên định hình đô thị, các giá trị di sản kiến trúc cảnh quan và cảnh quan văn hóa) và những yếu tố biến đổi (mở rộng quy mô cùng với sự chuyển hóa không gian, công năng, tính chất đặc rỗng, các tỷ lệ và hình thức bố cục hay ngôn ngữ kiến trúc giữa các khu vực theo từng thời kỳ). Trong đó, chuyển đổi không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với mô hình phát triển kinh tế và nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị là quá trình tất yếu của đô thị trong tiến trình lịch sử. Cùng với đó, những tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang thức tỉnh con người tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững; thể hiện trong cả ba vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, các giá trị di sản kiến trúc cảnh quan của Hà Nội cũng chịu tác động không nhỏ và cần có những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững trên cả ba phương diện. Trong đó, cần nhấn mạnh cấu trúc khu 36 phố phường mang giá trị về hồn nơi chốn, thể hiện đặc trưng cảnh quan văn hóa và cốt cách của người Hà Nội. Ở ngoại thành, cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan các làng truyền thống chưa chịu tác động nhiều của quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang giá trị hồn nơi chốn vùng ngoại thành của Hà Nộ. Trong khi đó, cấu trúc mặt nước (bao gồm sông hồ) lại là giá trị cảnh quan tự nhiên mang giá trị bản sắc cho Hà Nội cả khu vực đô thị và nông thôn. Đây chính là những giá trị bất biến đổi cần được bảo tồn và phát huy giá trị di sản về kiến trúc cảnh quan của Hà Nội. Để bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan văn hoá những khu vực này đòi hỏi cần có cách tiếp cận tổng thể, liên ngành, có sự tham gia của cộng đồng dựa trên các điều kiện tiềm năng, giá trị cảnh quan đặc trưng và nhu cầu thực tế của xã hội.

Xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế đặc thù và quy chế quản lý riêng về di sản kiến trúc cảnh quan

Thành phố cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng cơ chế riêng về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu vực đặc thù. Thành phố cần coi di sản sản kiến trúc cảnh quan là yếu tố, đặc biệt là về cấu trúc không gian, cần được nghiên cứu và bảo tồn từ công tác lập quy hoạch tổng thể nhằm hạn chế tác động của quá trình đô thị hóa tới các không gian mang giá trị hồn nơi chốn và đặc sắc như nêu trên cho Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan cho Hà Nội. Đồng thời, cần ưu tiên nghiên cứu tái hiện khu 36 phố phường với các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc trưng. Thành phố cần thúc đẩy thí điểm phục dựng một số mô hình sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các mô hình này không đặt mục tiêu sản lượng mà hướng đến phục vụ trải nghiệm của du khách và bảo tồn cảnh quan phố cổ. Trong đó, cần nhấn mạnh các cơ chế xây dựng các không gian thờ tổ nghề và hệ thống tư liệu trưng bày giới thiệu về đặc trưng không gian và lịch sử phố nghề, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo tồn cấu trúc không gian các làng truyền thống cần được coi là nhiệm vụ then chốt trong quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung các xã để đảm bảo duy trì cấu trúc đặc trưng cho các làng còn có cơ hội duy trì và phục dựng cấu trúc làng truyền thống đặc trưng cũng như phù hợp với nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư trong làng.

Xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan của Hà Nội

Hà Nội cần xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan văn hoá khu phố cổ theo hướng liên ngành cho khu vực 36 phố phường và các làng truyền thống có cấu trúc không gian chưa bị can thiệp mạnh hoặc có khả năng phục hồi. Trong đó, chú trọng hoàn thiện quy hoạch cấu trúc không gian cộng cộng, mạng lưới hạ tầng cảnh quan dựa trên việc phân tích, đánh giá và làm rõ những giá trị di sản kiến trúc cảnh quan cần được khôi phục, bảo tồn gắn với các kịch bản hoạt động du lịch trải nghiệm. Cần nghiên cứu thí điểm hạn chế các phương tiện cá nhân, phát huy các phương tiện cộng cộng năng lượng sạch và các hoạt động trải nghiệm bằng xe đạp và đi bộ. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm và tương tác thông qua việc ứng dụng công nghệ số, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh để phát huy hiệu quả khai thác không gian, nâng cao chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan, nhưng không ảnh hưởng tới đời sống cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh của cư dân khu vực. Đề án cần nêu rõ các giá trị và phân loại các di sản kiến trúc cảnh quan của từng khu vực để làm cơ sở xác định các biện pháp khôi phục, bảo tồn theo các mức độ khác nhau nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản.

Trải nghiệm ẩm thực đường phố là nét văn hóa đặc trưng bởi không chỉ được thưởng thức các món ăn dân gian hấp dẫn mà còn là trải nghiệm không gian cảnh quan đặc trưng tại các phố ẩm thực – phố Tống Duy Tân. (Nguồn: Phạm, 2024)

Để phát huy giá trị di sản, đặc biệt là khu vực 36 phố phường, ngoài phát huy 16 tuyến đi bộ hiện nay, các tuyến phố thuộc khu phố cổ vẫn đang phát huy vai trò phát triển kinh tế đêm nhưng chủ yếu theo đặc thù kinh doanh mặt hàng; hiệu quả nhất là các tuyến phố ẩm thực truyền thống. Bên cạnh đó, những di sản vật thể như 131 vòm cầu phố Phùng Hưng, Cầu Long Biên… có thể trở thành những điểm thu hút hoạt động trải nghiệm về đêm. Qua đó tạo thành chuỗi các tuyến trải nghiệm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế đêm dựa trên các kịch bản hoạt động mang tính liên ngành và đa mục tiêu; gắn phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, hướng đến sự bền vững môi trường, cảnh quan và văn hóa xã hội cho Hà Nội.

Đẩy mạnh khai thác các tuyến phố đi bộ cho phát triển kinh tế đêm, trong đó nhấn mạnh khai thác các giá trị văn hóa truyền thống (hàng thủ công mỹ nghệ, món ăn truyền thống…). Phố đi bộ mua sắm sản phẩm truyền thống là hoạt động chủ đạo tại thành phố Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. (Nguồn: Phạm, 2024); Phố đi bộ ẩm thực truyền thống tại thành phố Chiangmai, Thái Lan. (Nguồn: https://www.chiangmaicitylife.com)

Xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan Hà Nội nhằm phát huy các nguồn lực

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan của Hà Nội không thể chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đặc biệt dân cư các khu vực có giá trị di sản kiến trúc cảnh quan đóng vai trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy. Tuyên truyền và vận động cộng đồng tham gia thực hiện theo chiến lược bảo tồn cấu trúc không gian, cảnh quan đường phố và các không gian văn hóa là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân và ý thức bảo vệ theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ngoài ra, thành phố cần thúc đẩy hoạt động tìm kiếm nguồn lực từ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc cảnh quan. Cùng với đó, cần có những hoạt động tham vấn chuyên gia cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng cấp giữa Hà Nội với các thành phố khác trong nước và quốc tế – những nơi có hoàn cảnh tương đồng hoặc kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản về cảnh quan văn hóa./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Archives nationales d’outre-mer (ANOM);
  2. Centre des archives d’outre-mer, Aix-en-Provence, France (CAOM);
  3. Doãn Minh Khôi (2017) Hình thái học đô thị, Hà Nội: NXB Xây dựng;
  4. Hội Kiến trúc sư Hà Nội (2003), Kiến trúc và con người Hà Nội, Hà Nội: NXB Xây dựng;
  5. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), Hà Nội xưa, Hồ Chí Minh: Tạp chí xưa và nay, NXB Văn hóa Sài Gòn;
  6. Pierre Clément và các cộng sự (2005), Hà Nội, Chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị, Hà Nội: NXB Khoa học và Kỹ thuật;
  7. Paulette Girard và Michel Casagne (2005), trong Hà Nội, Chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị, Pierre Clément và các cộng sự, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 279;
  8. Trần Hùng và Nguyễn Quốc Thông (2004), Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa, Hà Nội: NXB Xây dựng;
  9. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
  10. UBND Thành phố Hà Nội (2011), Quy Hoạch Chung Xây Dựng Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
  11. https://www.chiangmaicitylife.com

TS.KTS Phạm Anh Tuấn/Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

 

 

 



Nguồn

Exit mobile version