TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Kiến trúc ngày càng phát triển càng đòi hỏi bồi dưỡng tri thức và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thực tiễn

(KTVN 254) Từ chiếc nôi của Uỷ Ban Xây dựng cơ bản Nhà nước năm 1979, tới nay Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) trong từng giai đoạn đều gắn với những dấu mốc quan trọng, nhu cầu và định hướng phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng của đất nước, ngành Xây dựng. Trước thềm năm mới 2025 Phóng viên Minh Khôi đã có cuộc trao đổi cùng Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia – TS.KTS Hồ Chí Quang về vai trò, định hướng phát triển của Viện trong công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ quản lý Nhà nước, ngành Xây dựng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! 

TS.KTS Hồ Chí Quang – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

Năm 1979, Viện Tiêu chuẩn hoá và Điển hình hoá xây dựng được thành lập, là cơ quan nghiên cứu kết hợp với quản lý về lĩnh vực kiến trúc, công trình; tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá Xây dựng. Năm 1985, Viện đổi tên là Viện Tiêu chuẩn hoá và Thiết kế điển hình với vai trò là tổ chức đầu mối về công tác Tiêu chuẩn hoá và Điển hình hoá trong xây dựng đầu tiên trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày thống nhất đất nước (1975), Viện vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng nghiên cứu trên toàn quốc.

Năm 1988, Viện đổi tên thành Viện Tiêu chuẩn hoá xây dựng chính thức trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1996, Viện được hợp nhất giữa Viện Tiêu chuẩn hoá xây dựng và Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc. Viện được giao nhiệm vụ xây dựng định hướng và phát triển chính sách về kiến trúc, giữ gìn bản sắc dân tộc hướng đến phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2007, Viện đổi tên thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia. Năm 2008, Viện hợp nhất thành Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị – nông thôn Quốc gia (2008-2013). Từ năm 2013 đến nay, trên cơ sở tổ chức lại, Viện có tên là Viện Kiến trúc Quốc gia. Viện có trụ sở tại 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Viện Kiến trúc Quốc gia có vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc mang tầm Quốc gia, đồng thời cũng là Viện duy nhất đảm nhiệm công tác nghiên cứu về tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá xây dựng của Nhà nước.

TS.KTS Trịnh Hồng Việt – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia trao bằng tiến sĩ cho 5 tân Tiến sĩ

PV: Với bề dày 45 năm hình thành và phát triển, theo Viện trưởng, Viện Kiến trúc Quốc gia đang nắm giữ những thế mạnh gì? 

TS.KTS Hồ Chí Quang – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia: Với bề dày 45 năm nghiên cứu về tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá, 30 năm nghiên cứu lịch sử, lý luận và phê bình kiến trúc đã khẳng định vai trò chuyên sâu về công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác quản lý nhà nước, ngành Xây dựng. Viện đã thực hiện hằng năm nhiều nhiệm vụ thường xuyên, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu sự nghiệp kinh tế có chất lượng… Đây chính là những kho tàng dữ liệu quý giá, nền tảng cho việc số hoá dữ liệu kiến trúc sau này.

Viện Kiến trúc Quốc gia thời gian qua cũng đã khẳng định vai trò đào tạo nhân lực ngành kiến trúc với chức năng đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc, công tác thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Viện có Tạp chí Kiến trúc Việt Nam luôn song hành 30 năm qua. Tạp chí đã trở thành một diễn đàn chuyên môn sâu sắc, có uy tín, là nơi hội tụ của những chuyên gia đầu ngành, chia sẻ những nghiên cứu, lý luận, phản biện khoa học chuyên ngành về quản lý và phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn với hàng trăm chuyên đề chuyên sâu cùng các nội dung thông tin tiêu biểu, đặc sắc trong lĩnh vực sáng tác, thiết kế kiến trúc, quy hoạch, công nghệ, vật liệu mới, nội thất…

Ngày nay, từ nền tảng truyền thống, Viện Kiến trúc Quốc gia đã và đang kế thừa, tiếp nối, hướng đến chuyên sâu hoá, chuyên nghiệp hoá trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn với nhiều sản phẩm cụ thể từ những dự án cải tạo, bảo tồn – trùng tu di tích, di sản, kiến trúc có giá trị đến thiết kế kiến trúc những công trình mới như: trụ sở làm việc; trung tâm văn hoá – thể thao cấp huyện, xã; khách sạn; trường học; bệnh viện…

Công tác nghiên cứu quy hoạch gắn với phát triển cảnh quan kiến trúc – công trình, gắn với phát triển kinh tế xã hội cũng đã đem lại các kết quả đáng kể. Dấu chân của các kiến trúc sư VIAR đã đặt lên khắp mọi miền Tổ quốc qua nhiều đồ án quy hoạch.

Mỗi cơ duyên, nhiệm vụ đến với các kiến trúc sư, kỹ sư Viện Kiến trúc quốc gia là sự trải nghiệm, học hỏi, chia sẻ, đóng góp, làm giàu và đẹp thêm cho mỗi vùng đất của Tổ quốc bằng nhiều công trình kiến trúc và quy hoạch đô thị.

PV: Trước thềm năm mới 2025, trên cương vị tân Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, xin ông cho biết định hướng phát triển Viện trong giai đoạn tới với vai trò phục vụ công tác quản lý và phát triển lĩnh vực Kiến trúc của nhà nước, ngành Xây dựng?

Hội thảo Phát triển kiến trúc xanh tại các đô thị ven biển

TS.KTS Hồ Chí Quang – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia: Canh gác cho một lĩnh vực kiến trúc, Viện Kiến trúc Quốc gia mang trong mình một trọng trách lớn. Nghiên cứu và phát triển kiến trúc cũng như phục vụ tốt công tác quản lý và phát triển của đất nước, của ngành trong mỗi giai đoạn cần nhanh nhạy, thích ứng với nhu cầu thực tiễn, chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngành Xây dựng.

Theo tôi, đối với một viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc, phát triển đô thị và nông thôn; để thực sự tạo nên một môi trường chuyên sâu về nghiên cứu, nơi tập trung nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cao của ngành, lĩnh vực không thể chỉ một sớm một chiều, lại càng không thể ngắt quãng, nó luôn cần được quan tâm, nuôi dưỡng, bồi đắp. Mỗi giai đoạn phát triển cũng luôn cần hoạch định những bước đi mới, có định hướng rõ ràng.

Đứng trước bối cảnh phát triển nóng trong kiến trúc, xây dựng đòi hỏi công tác nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước phải tìm tòi những lối đi mới, đòi hỏi sự nhạy bén, bắt kịp với thực tiễn xã hội, với thị trường để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ một cách thiết thực. Tới đây, Viện lại càng cần đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, gắn sát với nhu cầu thực tiễn và phục vụ công tác nghiên cứu cơ chế chính sách, quản lý ngành có hiệu quả cao.

Là đơn vị đóng góp lớn để xây dựng Luật Kiến trúc 2019 và Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2050, Viện sẽ đóng góp tích cực trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đưa Luật Kiến trúc đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tạo động lực phát triển kiến trúc, hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc; chú trọng nghiên cứu, lý luận – phê bình; nghiên cứu ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kiến trúc có giá trị bền vững, kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu; tư vấn thiết kế cảnh quan… Tôi hi vọng VIAr sẽ bước tiếp một chặng đường mới vẻ vang với nhiều cống hiến cho đất nước.

Công tác hỗ trợ nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương mà Viện thực hiện trong những năm qua là tiền đề để Viện trở thành đơn vị đầu mối hỗ trợ đắc lực các địa phương thực hiện nhiệm vụ này theo Luật Kiến trúc. Làm thế nào để Quy chế quản lý kiến trúc thực sự trở thành công cụ quản lý kiến trúc, xây dựng hiệu quả tại các địa phương là điều chúng ta cần hướng đến.

Nghiên cứu, lý luận – phê bình, phản biện xã hội luôn là nhiệm vụ quan trọng đối với một cơ quan nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc với những hiện diện, biến động liên tục của những công trình kiến trúc cũ và mới. Công tác truyền thông, quảng bá Kiến trúc Việt Nam ra quốc tế cũng như học hỏi, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kiến trúc có giá trị bền vững, kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu cũng cần đặc biệt chú trọng.

Cảnh quan, kiến trúc, công trình không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động của con người mà còn là nơi hình thành nên văn hoá lối sống của con người, xã hội. Chính vì vậy mà công tác tư vấn thiết kế cảnh quan trong giai đoạn mới cũng sẽ được Viện quan tâm, tích cực hướng tới.

Mỗi dự án, công trình dù nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu hình thành sản phẩm thực tiễn đều là cơ hội đem đến những giá trị quý giá, ý nghĩa nếu nó được thực hiện nghiêm túc và cầu thị. Với bề dày truyền thống, con người và sức trẻ VIAR hôm nay tôi hy vọng VIAR sẽ bước tiếp một chặng đường mới với nhiều những cống hiến và khát vọng mới.

Viện Kiến trúc Quốc gia đã và đang kế thừa, tiếp nối, hướng đến chuyên sâu hoá, chuyên nghiệp hoá trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn với nhiều sản phẩm cụ thể

PV: Cuối cùng, với vị thế, vai trò của lĩnh vực Kiến trúc, Theo Viện trưởng, những nội hàm nào đang đặt ra đối với phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện nay? 

TS.KTS Hồ Chí Quang – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia: Kiến trúc càng phát triển, càng đòi hỏi sự bồi đắp tri thức, càng đòi hỏi sự thúc đẩy nghiên cứu khoa học với 4 trọng tâm: Nghiên cứu cơ bản, Lý luận phê bình mang tính hàn lâm và phát huy gìn giữ di sản kiến trúc – tinh hoa và kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; Nghiên cứu Quy hoạch – Kiến trúc mang tính ứng phó với các cục diện phát sinh từ thực tiễn liên quan Đô thị, Khu chức năng; Nghiên cứu nhu cầu bức thiết về nghiên cứu kiến trúc nông thôn, một mảng lâu nay chưa được chú trọng; Nghiên cứu, sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu kiến trúc, tri thức tích lũy, tạo chuyển đổi số lĩnh vực kiến trúc.

Trên thế giới, các nước phát triển đều có Viện Kiến trúc công lập như Ấn Độ: Indian Institute of Architects (IIA); Pháp: Académie royale d’architecture; Nga: Russian Academy of Architecture and Construction Sciences; Nhật Bản: Architectural Institute of Japan (AIJ); Anh: The Royal Institute of British Architects (RIBA); Úc: Royal Australian Institute of Architects (RAIA)…

Trong Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 hướng đến đảm bảo nguyên tắc: “…Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.”. Do vậy, để tiếp nối và phát triển bền vững nền kiến trúc Việt Nam, chúng ta cần chú trọng:

Tăng cường công tác lý luận và phê bình kiến trúc nhằm đưa ra các luận cứ khoa học để định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn; Hạn chế sự phát triển tự phát trong kiến trúc khu vực đô thị và nông thôn; Góp phần đưa kiến trúc Việt Nam phát triển có tổ chức, “hiện đại, giàu bản sắc Việt Nam”.

Nghiên cứu, thực hiện Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; nghiên cứu đưa công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát triển nghề nghiệp liên tục: tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề.

Thực hiện Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tổ chức thực hiện sát hạch cho các kiến trúc sư hành nghề theo định kỳ;

Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;

Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ban hành mẫu thiết kế kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai;

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc; Triển lãm, quảng bá về kiến trúc.

Đây cũng là cơ sở nền tảng quan trọng để Bộ Xây dựng thực hiện Luật Kiến trúc và các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tập thể cán bộ, công nhân viên chức người lao động Viện Kiến trúc Quốc gia

PV: Trân trọng cảm ơn Viện Trưởng đã dành thời gian trả lời PV của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam! 

Minh Khôi (thực hiện)



Nguồn

Exit mobile version