Kiến trúc nhà ở Hà Nội – Mô hình nào thích ứng cho tương lai
Từ những năm đầu xây dựng đất nước sau ngày độc lập, việc phát triển nhà ở tại Việt Nam đã được đặt ra với tầm quan trọng theo các chương trình mục tiêu. Với Thủ đô Hà Nội, nội dung này càng được coi trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục suốt các thời kỳ quy hoạch, xây dựng, phát triển.
Thời kỳ đầu, các mô hình ở truyền thống, được du nhập và hình thành từ thời Pháp thuộc được phổ cập ở quy mô toàn TP (TP). Rồi từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, một mô hình ở hoàn toàn mới được hình thành, phát triển tương đối đại trà: “Tiểu khu nhà ở” với dạng chung cư chồng tầng. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ… chính là dạng này, quá trình sử dụng đến hôm nay vẫn còn đang tiếp tục. Rồi suốt thời kỳ dài, đến cuối thế kỷ 20, những mô hình này cơ bản vẫn tiếp tục được xây dựng với những cải tiến nhỏ, chủ yếu là làm cao tầng lên, bắt đầu phát triển thêm các dạng chung cư cao tầng đơn lẻ và khối cụm. Vào đầu thế kỷ 21, một dạng tổ hợp đa chức năng gắn kết với nhu cầu ở, cơ bản thay đổi từ quan niệm đến giải pháp, hướng tới hoàn chỉnh về cấu trúc, dịch vụ, tiện nghi đã hình thành. Mô hình này hiện nay tỏ ra nhiều ưu điểm vượt trội so với các mô hình trước; đồng thời cũng có vẻ tạo ra khả năng thích ứng tương lai khá hoàn hảo. Trên cơ sở đó, chúng ta có những bài toán rà soát, lựa chọn, để tìm một mô hình thích ứng cho tương lai.
Bài viết đề cập, phân tích khái lược các hình thái theo tiến trình này, với mong muốn góp ý tưởng cho các mô hình ở nên lựa chọn trong tương lai, phù hợp với đô thị Hà Nội đang và sẽ phát triển theo hướng Văn hiến – Văn minh – Hiện đại với nền tảng Xanh – Bền vững.
Tổng lược về các dạng nhà ở tại Hà Nội trong các thời kỳ vừa qua
Mô hình ở truyền thống tại đô thị Hà Nội bắt đầu và cơ bản được sáng tạo từ chính cộng đồng người dân, không phải là KTS, nhưng cũng đã đạt được những giá trị cao về tính thích dụng và thẩm mỹ. Với dạng nhà nội thành, đó chính là kiểu nhà riêng lẻ dạng mái dốc tường xây, thông thoáng mát mẻ trong những khuôn viên xanh, tạo nên những hình ảnh rất trữ tình. Dạng nhà này cũng là điển hình ở các làng ven đô của TP. Loại thứ 2 là nhà lô phố, được sắp xếp sát nhau (có thể chung tường, vách) bám các mặt phố hình thành tự nhiên, cấu trúc trong nhà cơ bản theo dạng ống, với các chức năng ở, sinh hoạt được phân định theo thế hệ của từng đơn vị gia đình. Dạng nhà này có đặc trưng là ưu tiên cho việc triển khai giao thương buôn bán các mặt hàng theo phân công tự phát.
Mô hình ở thời Pháp thuộc, ngoài mô hình đó, là các mô hình cải tiến và làm mới. Hình thành đặc sắc nhất là các loại biệt thự, mang phong cách Châu Âu, du nhập nguyên thể, hoặc có biến đổi kết nối chuyển đổi sang phong cách Đông Dương. Những dạng biệt thự này thường cao 2-3 tầng, thành từng đơn vị ở gia đình rất hoàn chỉnh, trong những khuôn viên xanh được tổ chức cẩn thận. Kiến trúc biệt thự cũng rất được trau chuốt, có tính mỹ thuật cao. Bên cạnh đó, dạng nhà ống thời kỳ này khá nhiều cũng được cải biên thành nhà tầng, mái lợp ngói, tổ chức mặt đứng theo kiểu địa phương Pháp hoặc tân cổ điển. Mặt bằng thường có 2-3 lớp nhà trải dài theo chiều sâu, có các sân trong không mái, đệm ở giữa các lớp.
Các mô hình nhà nông thôn ngoại thành suốt hai thời kỳ này không có nhiều biến đổi, chủ yếu là các dạng độc lập, có vườn. Thời kỳ đầu thường là phổ biến dạng 1 tầng, sang thời kỳ Pháp thuộc, đã xuất hiện thêm dạng 2-3 tầng. Nhưng cấu trúc chung làng cổ truyển vẫn còn cơ bản giữ nguyên được nề nếp và hình thái. Do đó, về mặt văn hóa cội nguồn, yếu tố bản địa ở các làng ngoại thành và cả trong nội thành vẫn đậm đặc, giàu tính riêng.
Những mẫu nhà trên có nhiều ưu điểm: Phù hợp phong tục, tập quán, lối sống, thích ứng khí hậu tự nhiên; đáp ứng rất tốt về công năng cho nhu cầu ở và hoạt động nuôi sống; kiến trúc đặc sắc và sinh động; độ bền vững với thời gian. Tuy nhiên, cũng có những nhược điểm là: Diện tích chiếm đất mỗi đơn vị ở lớn, khó thỏa mãn điều kiện đô thị phát triển; khi nhân khẩu và các lớp thế hệ mỗi gia đình phát triển, dẫn đến hình thành nhiều hộ trong một khuôn viên, dẫn đến điều kiện tiện nghi sống giảm, chật chội, chồng chéo; việc thích nghi với điều kiện đô thị phát triển về an toàn, chống ô nhiễm không cao; mức độ xuống cấp nhanh theo thời gian, ngày càng trở thành gánh nặng cho người ở.
Thời kỳ thứ 2, khi xuất hiện loại hình “tiểu khu nhà ở” theo mô hình du nhập từ các nước XHCN Đông Âu trong nội thị, đồng thời có những thay đổi cấu trúc sinh sống ở các vùng ven và ngoài đô thị – TP phát triển theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ chế kinh tế kế hoạch, dạng nhà ở tiểu khu, chồng tầng được du nhập từ các nước phát triển đã trở thành một giải pháp hữu hiệu cho các vùng nội đô. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng về vấn đề nhà ở đối với đặc thù Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Với chính sách phân phối bao cấp, dạng nhà ở này càng nhảy vọt về số lượng theo yêu cầu. Với khả năng bố trí trong cùng một diện tích, giữa thời kỳ đất nước khó khăn, vừa xây dựng ở miền Bắc, vừa kháng chiến cứu quốc ở miền Nam, giải pháp này đã mang tính ưu việt vượt trội. Hình thái kiến trúc dạng nhà “tập thể” này tuy hơi xa lạ với truyền thống, nhưng lại góp phần tạo nên những hình ảnh mới mẻ, thể hiện sự phát triển hiện đại hơn đối với TP.
Mô hình tiểu khu còn gắn với các dịch vụ công cộng cơ bản được đồng thời xây dựng, vận hành khép kín cho từng khu: Cửa hàng bách hóa, nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa… đã làm cho người dân có được cách sống chuyển đổi dần sang “ thích ứng công nghiệp hóa” hài hòa.
Với mô hình nhà ống, nhà biệt thự nội thị đã hình thành phát triển từ giai đoạn trước, thời kỳ này cũng không có thay đổi gì nhiều. Với mô hình cư ngụ dạng làng-xã trong nội thành và cả ven đô, thì vẫn có những chuyển biến khá cơ bản. Đáng tiếc là chuyển biến này theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực – Đó là sự hình thành các phố thị ngay nơi làng ven đô, thay cho những khu vườn xanh mát. Cộng với những kiểu kiến trúc ngoại lai, xa lạ, lộn xộn, đô thị hóa ở đó tự phát, ồ ạt và vội vã. Ở các làng nội đô, xảy ra tình trạng biến hình thành những “rừng” nhà san sát với lối đi nhỏ hẹp, hạ tầng cảnh quan và vệ sinh môi trường bị bần cùng hóa nhanh chóng. Bản sắc đậm đặc, quý giá từng bước phai nhạt, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc này. Hệ thống công trình công cộng phục vụ dân sinh cũng chưa có quy hoạch và xây dựng bài bản… Tất cả dẫn đến những hệ lụy, tạo thành những điểm nghẽn trong phát triển loại hình này ngày càng lớn.
Sang thời kỳ đầu cơ chế đổi mới từ những năm 90 thế kỷ 20, tuy chính sách hoạch định về mô hình toàn diện, bao quát cho việc xây dựng nhà ở từ chủ trương vẫn chưa được triển khai thành hệ thống, nhưng do nhu cầu tăng, cùng với tính toán hiệu quả kinh tế đã thành bài toán đặt ra rõ rệt, bắt đầu xuất hiện thêm những dạng chung cư cao tầng đẳng cấp hơn về tiện nghi không gian ở, nhu cầu công cộng được đáp ứng đa dạng và linh hoạt hơn. Dạng nhà ở này như một gạch nối giữa thời kỳ chuyển đổi cơ chế bao cấp sang hạch toán, nhưng do khi thiết kế xây dựng còn nhiều tiêu chí chưa rõ ràng, nên sự thỏa mãn điều kiện sống nhìn chung vẫn còn ở mức lưng chừng. Hình thái kiến trúc thì chưa được chú trọng nên ít đặc sắc.
Thời kỳ này, đã phôi thai xuất hiện một dạng nhà ở, mà ngày nay đang để lại rất nhiều hệ lụy – Đó là chung cư mini, xây chen chúc giữa những vùng dân cư, làng nội đô chật hẹp – Tuy đáp ứng kịp thời nhu cầu chỗ ở cho lớp người nhiều khó khăn về tài chính, nhưng hầu hết không đáp ứng được về nhu cầu tiện nghi ở, khả năng phòng chữa cháy và các điều kiện hạ tầng kỹ thuật khác, về hình thái kiến trúc những ngôi nhà này cũng không đóng góp cho diện mạo đô thị, thậm chí còn phá hỏng nhiều hình ảnh làng nội thị.
Cần nhìn nhận, phát triển nhà ở thời kỳ này tại Hà Nội đã mang đến những khía cạnh tích cực đáng nghiên cứu phát huy: Đó là đáp ứng được cơ bản nhu cầu tăng về ở đột biến theo phát triển xã hội; tạo được môi trường sống cộng đồng kiểu mới, dễ quản lý vận hành; những dịch vụ công cộng kèm theo đã đem đến cho người dân sự đáp ứng các đòi hỏi về nhu cầu cho cuộc sống thường nhật; tiết kiệm đất và hạ tầng cho nhà nước; an sinh xã hội được giải quyết đúng thời điểm; về hình thái không gian phát triển đô thị tạo nên được những nét mới theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, về những bất cập, các loại hình nhà ở này chỉ mới dừng ở mức đáp ứng rất mức độ yêu cầu tiện nghi ở của con người; với loại nhà chung cư mi ni đã gây nên sự đe dọa rất lớn cho sự an toàn của nhân dân; về hình thái kiến trúc các dạng nhà ở này chưa đóng góp được gì đáng kể cho mong muốn bản sắc – hiện đại; về độ bền thì sự xuống cấp nhanh đã mang đến những hệ lụy mà hiện nay chúng ta đang loay hoay, khắc phục khó khăn; làng ngoại đô thị và làng trong đô thị thêm một bước bị xóa dần hình ảnh và tính sinh thái bền vững; TP cũng phải tiếp nhận những hệ lụy tương tự.
Nhà ở Hà Nội thời kỳ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, sang giai đoạn cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác lập, việc phát triển nhà ở được triển khai đa dạng, từ nhiều nguồn vốn huy động, với các giải pháp rộng mở. Cơ chế “cung cấp” nhà ở chuyển hẳn từ bao cấp sang thỏa thuận mua bán theo giá cả thị trường. Cùng với sự kết nối liên thông, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, đặc biệt là xuất hiện các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài, mang theo các mô hình nhà ở từ các nước tiên tiến để áp dụng tại Việt Nam. Vì vậy quy hoạch – kiến trúc nhà ở, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM… được phát triển sang những mô hình đột phá, tiên tiến, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát triển và mong muốn của người dân.
Từ đó, các mô hình tổ hợp nhà ở hỗn hợp, khép kín đầy đủ dịch vụ công cộng, kể cả văn phòng làm việc, nơi sản xuất, mua sắm… với quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha được hình thành. Ở đó cách quy hoạch, thiết kế linh hoạt: Kết hợp chung cư cao tầng và các loại nhà biệt thự, lô phố thấp tầng, với các cấp độ tiện nghi ở rất đa dạng, thỏa mãn nhiều đối tượng sử dụng được triển khai. Những loại hình này, ngoài việc đáp ứng gần như hoàn hảo cho dân cư về nhu cầu ở, ăn, hoạt động, nghỉ ngơi, còn có sức định hình thiết kế đô thị, hình thái kiến trúc cho từng vùng, TP. Với cách nghiên cứu hiện đại, quốc tế hóa, nhưng vẫn có những sự giao thoa bản sắc nơi chốn, đa số các tiểu đô thị này đã góp phần tạo nên lối sống mới an toàn hiệu quả cho người dân, góp phần đổi mới đô thị theo hướng tích cực hướng tới hội nhập bền vững.
Cùng với đó, các mô hình khu ở thấp tầng sinh thái, các tổ hợp ở cao tầng nguyên thể dạng nén nhưng có dành lại nhiều đất công cộng, cây xanh, công viên nội vùng, hợp thể thành hệ dạng ở mới, đáp ứng được hầu hết tiêu chí đặt ra theo yêu cầu chung của đô thị, đòi hỏi riêng riêng nhu cầu ở. Điểm yếu chí mạng của loại hình này có lẽ chỉ là vấn đề giá thành thường rất cao, chưa phù hợp với năng lực tài chính huy động của khoảng 80% người dân TP có nhu cầu. Do đó, dẫn đến hai tình trạng khá phổ biến hiện nay ở Hà Nội là hiện tượng “đầu cơ nhà ở” của giới nhà giàu, hoặc nhà ở làm tại Hà Nội, nhưng đối tượng sử dụng nhiều lại từ các tỉnh thành khác về mua và sử dụng. Việc góp phần tăng hiệu ứng nhà kính cũng là điều không thể không nói đến. Ngoài ra, khi đại dịch diễn ra, những bất cập “quần cư” ở các mô hình này cũng vẫn là những bài toán nan giải.
Với các loại nhà ở vùng làng ven đô, cơn sốt đô thị hóa tiếp tục “càn tới”, tàn phá những mô hình khả dĩ. Việc biến mất hình thái truyền thống, chuyển sang những mô hình làng xã đa tính, lộn xộn, không trật tự, phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát là vẫn còn rất phổ biến hiện nay. Điều này làm cho Hà Nội, Thủ đô giàu bản sắc văn hóa bậc nhất đất nước bị ảnh hưởng, mai một không nhỏ. Các làng nghề thì ảnh hưởng hệ lụy này càng lợi bất cập hại hơn bao giờ hết.
Các làng nội đô, một thời là niềm tự hào “mùa xuân, làng lúa, làng hoa”… đầy quyến rũ giờ cũng đã rất vắng bóng ở mọi vùng TP. Nguyên nhân chính vẫn là sự sinh sôi không kiểm soát loại nhà ở đáp ứng nhiều thế hệ trong từng gia đình, trên từng mảnh đất thổ cư, dẫn đến tình trạng vườn tược ngày càng thu hẹp, nhà cửa ngày càng nêm kín, đường sá ngày càng quá tải, nghề thủ công, truyền thống ngày càng mai một, môi trường “cân bằng sinh thái” ngày càng biến mất. Như vậy về mặt quy hoạch chung đô thị, những “nêm xanh” rất cần cho “đô thị thở” này đã vô tình bị bịt đi, làm tăng thêm sự ngạt thở, Hà Nội đang trong tình trạng đó.
Những mô hình nhà ở phát triển trong giai đoạn này, thực tế đã mang đến những giá trị mới có chất lượng vượt trội, trong giải quyết yêu cầu “vị dân sinh” của Kiến trúc. Ưu điểm nổi trội có thể nhìn thấy đó là: Đáp ứng nhiều hơn hẳn so với giai đoạn trước, ở mọi cấp độ, những mong muốn của đa dạng đối tượng sử dụng; đảm bảo được cơ bản theo yêu cầu định cư và tiêu chí đề ra của Liên hiệp quốc và chính sách xã hội ở Việt Nam; quỹ diện tích và số lượng căn hộ nhà ở cao cấp là dồi dào, thậm chí cung vượt cầu; mô hình khép kín vòng sinh nhai vừa tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân vừa giảm tải mật độ giao thông cho đô thị đã phát huy được; xu hướng xanh – sinh thái – bền vững được tiếp biến có hiệu quả; tăng hiệu suất sử dụng đất cho các vùng đô thị, nhất là các vùng nén; hình thái kiến trúc đô thị đổi mới tích cực…
Cùng với đó, những “điểm nghẽn” về giá thành cao, khó tiếp cận ở các khu đô thị cao cấp; sự hủy hoại cảnh quan và môi trường ở mô hình làng truyền thống nội và ngoại thị; ùn tắc giao thông ở các vùng đô thị có nhà ở cao tầng mật độ cao; tăng phát thải nhà kính; tạo cơ hội cho sự đầu cơ nhà ở không lành mạnh; nhiễu loạn thị trường; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội bị chèn ép, hắt hủi… cũng là những hệ lụy rất cụ thể cần nghiên cứu khắc phục.
Vậy, cần giải những bài toán nào để phát triển nhà ở cho tương lai Hà Nội?
Một số đề xuất dạng khung
Hiện nay, TP đang tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung. Trong quy hoạch này, muốn thực hiện thành công trong tương lai, thì giải quyết hợp lý mô hình nhà ở là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Việc giải quyết này cần phải đồng thời làm tốt mấy nội dung: Giải pháp tốt, phát huy được tối đa, lãng phí tối thiểu quỹ di sản nhà ở hiện có ở cả vùng nội thị và ngoại thị; lựa chọn chuẩn để thiết kế xây dựng mô hình nhà ở mới phù hợp, có tính đến yêu cầu đón đầu đáp ứng hài hòa cho tương lai; chú trọng và ưu tiên trong nghiên cứu thiết kế xây dựng các dạng nhà ở xã hội, nhằm cung ứng được cơ bản nhu cầu của nhân dân; chống đầu cơ tích trữ nhà ở, tạo cơn sốt giả làm nhiễu loạn thị trường; có giải pháp để đồng thời với xây dựng, phân bố, khai thác quỹ nhà ở hiệu quả cao, phân bố hợp lý theo từng khu vực gắn với kết nối hạ tầng giao thông; với các mô hình làng nội thị, làng ven đô ảnh hưởng đô thị hóa, làng vĩnh cửu tam nông cũng cần có giải pháp đồng bộ khép kín; vấn đề đáp ứng biến đổi khí hậu, an toàn trước thiên tai, dịch bệnh cũng là những yêu cầu phải giải quyết đồng bộ.
- Với quỹ nhà ở di sản “cao tầng” tại đô thị: Các khu chung cư vốn là “tiểu khu nhà ở” trước đây, có thể giữ lại một phần nhỏ để làm ký ức đô thị, trên tinh thần làm sạch và chống sập. Còn lại phần lớn nên nghiên cứu theo hai hướng, một là mạnh dạn chuyển đổi chức năng thành các vùng công viên sinh thái cho đô thị tại nơi mật độ cao, thiếu trầm trọng diện tích cây xanh; hai là, tái cơ cấu thành khu ở mới, ưu tiên xây dựng diện tích chiếm đất ít nhất, cao tầng nhất, dành tối đa cho đất cây xanh và công cộng. Nghĩa là, hướng tới giảm mật độ xây dựng xuống tối thiểu, nhưng vẫn đảm bảo mật độ cư trú theo tính toán. Trong cách làm này, cần phải cân đối kinh phí phù hợp cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở phải chấp nhận diện tích đất làm không gian sinh thái xanh, công cộng được tính giá thấp hoặc miễn thu thuế đất, các khu đô thị xây dựng đã đảm bảo tiêu chuẩn mới cũng cần rà soát, hướng dẫn tôn tạo, kết nối hợp lý, đặc biệt là chống việc cấy xen theo thời gian;
- Với quỹ nhà ở di sản “làng” vùng nội đô: Cần có chính sách hợp lý giãn dân, giải tỏa mật độ, xen cấy hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phù hợp với mô hình ở trong đô thị hiện đại. Cố gắng bảo tồn, tôn tạo những bản sắc cổ truyền vốn có riêng, đậm đà đặc sắc của từng làng, công trình kiến trúc. Chỉnh trang kiến trúc nhà ở tại đó theo những thiết kế quy hoạch bài bản và nhất quán. Bổ sung đầy đủ hệ thống công trình thiết yếu cần thiết. Tránh cho thiết kế và xây dựng các loại hình chung cư mini, công trình cao quá 4, 5 tầng. Phục hồi hệ thống sinh thái xanh như vườn, ao…;
- Với quỹ di sản làng ven đô: Cần có quy hoạch chỉnh trang lại tổng thể hài hòa, đồng bộ, kết hợp ban hành quy chế quản lý kiến trúc thống nhất trong toàn TP. Vận động điều chỉnh những kiến trúc lai căng, xa lạ. Khôi phục hệ sinh thái xuất phát truyền thống ở mức tối đa. Ngăn chặn kịp thời những bổ sung kiến trúc nhà ở và loại công trình không phù hợp. Với các làng nghề, mọi điều chỉnh, bổ sung cần gắn với phát triển nghề và đảm bảo sinh nhai cho người dân;
- Với quỹ di sản làng vĩnh cửu tam nông: Cần có quy hoạch chi tiết do các nhà chuyên môn lập và thực hiện theo quy hoạch đó. Cần rà soát để giữ được tối đa hiện trạng, theo hướng bảo lưu tối đa truyền thống. Những công trình nhà ở xây mới hoặc thay thế tại đây cần có các kiển nhà định hướng sẵn để vận dụng, kèm theo những quy định về hình thái, màu sắc, vật liệu… hạn chế tối đa việc xây chen, tách hộ. Ngăn chặn cách làm “phố hóa”. Chú ý bảo tồn, tôn tạo và bổ sung hệ hạ tầng sinh thái phù hợp và hài hòa;
- Với việc xây dựng các khu ở mới dạng cao tầng và hỗn hợp: Cần bãi bỏ quy định các khu đô thị buộc phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, trên cơ sở nhà ở xã hội nên được dành những quỹ đất riêng, bình đẳng như là những khu đô thị hoàn chỉnh khác. Với các khu thiết kế xây dựng mới, nên ưu tiên tại các vùng đô thị nén đầu mối quy hoạch theo mô hình TOD làn những vùng đô thị ở mật độ cao tầng lớn, mật độ xây dựng hợp lý để dành lại diện tích cây xanh tối đa đáp ứng theo quy định đầu người cho khu vực và toàn đô thị. Các loại hình đô thị thấp tầng hoặc hỗn hợp được quy hoạch và xây dựng hợp lý, nên tập trung nhiều hơn ở các vùng ven của TP trong TP, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, kết nối giao thông thuận lợi. Hình thái kiến trúc cho các khu đô thị mới này cũng cần đặc biệt được chú trọng với các quy định khung cụ thể và mang tính nhất quán, liên kết vùng cao. Ưu tiên về mặt hình thái là các yếu tố hiện đại, hội nhập thế giới, gắn với khai thác tính bản địa.
- Nhà ở xã hội: Là một mảng quan trọng bậc nhất trong hình thành đô thị của tương lai. Nhìn sang mô hình các nước phát triển ở Châu Âu, Châu Á thấy rõ điều này. Ở những nơi đó, những cụm nhà ở xã hội được định hình xây dựng hàng nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn sử dụng tốt và không lạc hậu về công năng và hình thái đã phản ánh điều đó. Hiện nay, những hệ thống nhà ở xã hội của họ đã tiến đến giai đoạn không hề thua kém những chung cư cao cấp về hình thái và chất lượng, điều có khác chăng ở đây chỉ là vấn đề cách bố trí bên trong căn hộ và cơ cấu sắp xếp. Các khu chung cư kiểu “tiểu khu” ở Hà Nội và nước ta, có thể xem là nhà ở xã hội thời kỳ vừa qua thì chưa phải như vậy. Chất lượng sử dụng xuống cấp rất nhanh chóng, hình thái kiến trúc quá sơ sài và khiên cưỡng. Giai đoạn từ những năm 2000 trở lại đây, tình hình đã được cải thiện rõ rệt chưa tác động nhiều đến đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, với vấn đề nhà ở xã hội cho tương lai, chúng ta cần đặc biệt chú trọng. Trước hết, đó là tạo dựng mô hình từ cấu trúc công năng đến hình thái kiến trúc thật hợp lý và nhân bản. Trong đó, chú ý đến yếu tố “Bình đẳng” trong môi trường ở chung của toàn xã hội. Trước hết, phải dành quỹ đất xứng đáng cho loại hình này, lựa chọn những mẫu kiến trúc thích dụng với từng nơi về cả công năng lẫn hình thái. Vẫn nên hướng tới ưu tiên loại hình nhà cao tầng, xây dựng thành khu, cụm hoàn chỉnh. Thiết kế xây dựng hệ thống công trình công cộng khép kín đầy đủ, dành thỏa đáng các diện tích công viên xanh sinh thái. Tính toán kiến trúc và kỹ thuật hiệu quả để hạ giá thành xây dựng tối đa, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bền vững. Các khu vực nhà ở xã hội cũng cần đặt đúng vị trí kết nối khai thác hiệu quả phù hợp mô hình phát triển kinh tế xã hội chung của TP. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm theo nhu cầu dân sinh. Phân phối nhà ở xã hội công bằng, hợp lý…;
- Với vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh: Cần được đặt ra đồng bộ khi đề xuất giải pháp cho từng loại hình. Đây là những nội dung rất quan trọng, có thể nghiên cứu học tập từ các mô hình đã được thử thách trên thế giới. Từ quy hoạch tổ chức theo cụm, tuyến gắn với TOD giao thông, tổ chức mô hình khép kín hoạt động với 15 phút đi bộ. Thiết kế giải pháp phải phù hợp để khai thác được điều kiện khí hậu tự nhiên tốt nhất. Phòng chống dịch bệnh bằng giải pháp tổ chức cơ cấu chống lây lan tốt nhất từ tổng thể đến chi tiết. Tối đa hóa các diện tích và phương thức khai thác không gian xanh…;
- Với nội dung tạo hình kiến trúc nhà ở cho tương lai Hà Nội: Cũng nên có quy hoạch đồng bộ và định hướng “thiết kế đô thị” riêng. Vì trong quy hoạch của TP, các cụm, mô hình nhà ở chính là những nơi ảnh hưởng lớn nhất, nhưng lại khó giải quyết nhất về hình thái kiến trúc, đặc biệt là tính mới, độc đáo, sạch sẽ và xanh mát.
Việc xây dựng và phát triển nhà ở trên nền di sản sẵn có, cùng với việc hình thành những khu định cư mới cho tương lai Hà Nội là một nhiệm vụ sống còn nếu muốn TP phát triển thành công và bền vững. Việc tạo lập và thực hiện chương trình này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, các nhà chuyên môn và cả cộng đồng. Cách tiến hành cũng cần bắt đầu từ chương trình tổng kết với định tính định lượng rõ ràng ở quy mô tổng thể đến chi tiết. Rồi từ tổng kết này mới rút ra kế hoạch, đường hướng, nội dung cần tiến hành và quy trình chuẩn cho tương lai.
Bài viết do phạm vi hạn chế về thời gian, dung lượng và hiểu biết, tác giả mới trình bày khái lược và gợi ý vấn đề tổng quan. Để bàn sâu vào nội dung này cần có những cuộc hội thảo, những bàn luận sâu rộng từ các nhà nghiên cứu và triển khai sáng tạo. TP đang tiến hành quy hoạch lại đã tạo ra một cơ hội lớn cho những đóng góp của các nhà chuyên môn. Hi vọng việc thiết kế, xây dựng và khai thác nhà ở của TP trong tương lai đạt được nhiều hiệu quả, tránh được những bất cập đã hình thành và diễn ra trong thời gian vừa qua, nhất là những nguyên nhân chủ quan.
TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)