Bất Động Sản

Kinh nghiệm từ Thượng Hải – thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung (Phần 1)

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định mục tiêu đến năm 2045: “Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế; thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.”. Xét về hình thái và nội hàm, mục tiêu này đặt ra nhiều công việc cần làm đối với nhiều cấp, ngành.

Hình 1: Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 – Định hướng phát triển tổng thể không gian đô thị Hà Nội (1)

Quy hoạch chung là căn cứ pháp lý quan trọng, có vai trò định hướng trong quá trình triển khai xây dựng và phát triển tổng thể không gian một thành phố. Về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung, thành phố Thượng Hải đã có tầm nhìn và kinh nghiệm xử lý các vấn đề, khía cạnh kỹ thuật đô thị và nông thôn vượt trội.

Thành phố này còn là điểm tụ đa văn hóa Đông – Tây, là thành phố quyến rũ và sáng tạo, mang lại cho người dân ở mọi độ tuổi đều có thể tận hưởng cuộc sống lành mạnh, trung thực và văn minh, ấm áp và gần gũi, là thành phố bản sắc và hấp dẫn bậc nhất của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc nói chung và thành phố Thượng Hải nói riêng, có những đặc điểm về thể chế, kinh tế, chính trị không dễ rập khuôn áp dụng cho Việt Nam và thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh còn chưa phát triển về hệ thống lý luận, nhiều phương diện kỹ thuật còn lạc hậu so với khu vực và thế giới, ngành quy hoạch và kiến trúc có thể chắt lọc, tham khảo một số vấn đề, khía cạnh kỹ thuật từ trường hợp thành phố Thượng Hải – thành phố lớn nhất tại Trung Quốc về quản lý phát triển và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung.

Trong khuôn khổ hạn chế, bài viết đề cập tới một số nội dung chính, như sau:

  1. Phát triển thành phố/đô thị thông minh, sinh thái: Xác định rõ ranh giới phát triển đô thị, luồng đỏ bảo vệ sinh thái và đất nông nghiệp cơ bản lâu dài;
  2. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo: Trọng tâm là kinh tế, cuộc sống hằng ngày và quản lý;
  3. Điều tiết giao thông thông minh: Ưu tiên giao thông chậm, giao thông công cộng và giao thông xanh và khắc phục ngay tình trạng “có giao mà không có thông”;
  4. Cải tạo và bảo vệ các khu phố lịch sử và các khu vực cũ: Hướng dẫn về cải tạo và bảo vệ đô thị;
  5. Thiết lập khu vực sáng tạo ven sông: Lấy con người là trung tâm, sinh thái là nền tảng và văn hóa là linh hồn;
  6. Phát triển cây xanh đô thị: Địa phương truyền thông, cộng đồng tham gia;
  7. Xây dựng nông thôn mới tại các vùng ngoại thành: Chuyển từ lượng sang chất, từ “mỹ lệ hương thôn” đến “hương thôn chấn hưng”.

1. Phát triển thành phố / đô thị thông minh, sinh thái: Xác định rõ ranh giới phát triển đô thị, luồng đỏ bảo vệ sinh thái và đất nông nghiệp cơ bản lâu dài

a) Phát triển thành phố thông minh:

Phát triển thành phố thông minh cần Quy hoạch thông minh và Kế hoạch trao quyền cho trí tuệ nhân tạo (AI) trong đó bao gồm: 1. Mục tiêu thông minh; 2. Hướng đi thông minh; 3. Động lực thông minh; 4. Quyết sách thông minh; 5. Thiết kế thông minh. (2)

Cung cấp giải pháp dự đoán đa mô thức thông qua phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá các vấn đề quy hoạch cốt lõi như: quy mô sử dụng đất, cấu trúc không gian và bố trí chức năng; giúp bên ra quyết định và lập kế hoạch thấy trước các xu hướng trong tương lai, xác định lộ trình phát triển.

Hình 2. Phát triển thành phố thông minh cần Quy hoạch thông minh và Kế hoạch trao quyền cho AI

Thượng Hải đã sử dụng phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành “Đánh giá kép” – là công tác sơ bộ quan trọng trong lập quy hoạch không gian lãnh thổ các cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển “từ dưới lên trên” của Địa phương trong quá trình bảo vệ, phát triển và bảo vệ đất đai, không gian cùng với tính biến động, bất ổn phát sinh từ những mâu thuẫn, xung đột với các ràng buộc có điều kiện “từ trên xuống dưới” của Quốc gia, vùng. Kết quả được tích hợp, dự báo sử dụng đất đai xây dựng lên 03 loại tình huống (để cung cấp nền tảng hỗ trợ khoa học cho các nội dung lập kế hoạch, tối ưu hóa việc phân định ranh giới phát triển đô thị, phát triển chất lượng cao trong việc xây dựng chiến lược đất đai và không gian, v.v…), bao gồm:

  • Tình huống an ninh lương thực: Nhấn mạnh đến việc bảo vệ đất nông nghiệp, lấy diện tích phù hợp cho sản xuất nông nghiệp trong kết quả “đánh giá kép” làm điều kiện ràng buộc, hạn chế các loại hình sử dụng đất khác ngoài đất canh tác xâm lấn không gian nông nghiệp.
  • Tình huống ưu tiên sinh thái: Nhấn mạnh đến việc bảo vệ sinh thái, lấy những khu vực cực quan trọng trong bảo vệ sinh thái trong kết quả “đánh giá kép” làm điều kiện ràng buộc, hạn chế các loại hình sử dụng đất khác ngoài đất lâm nghiệp xâm lấn không gian sinh thái.
  • Tình huống phát triển đô thị: Tập trung vào sự phát triển trong tương lai của thành phố, lấy những khu vực có diện tích phù hợp để xây dựng đô thị trong kết quả “đánh giá kép” làm điều kiện ràng buộc, hạn chế các quyết định mang tính chủ quan và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Mặt khác, Thượng Hải cũng ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số – là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

b) Phát triển thành phố sinh thái, hài hòa: Phát triển thành phố sinh thái, hài hòa cần xác định rõ ranh giới phát triển đô thị, luồng đỏ bảo vệ sinh thái và đất nông nghiệp cơ bản lâu dài, đồng thời các ranh giới nhằm kiểm soát và bảo vệ văn hóa cũng được xác định. Quy hoạch chung đô thị Thượng Hải giai đoạn 2017-2035 định hướng phát triển 05 đô thị vệ tinh (thành phố mới) xung quanh đô thị trung tâm.

Mỗi đô thị vệ tinh/thành phố mới có một chức năng đặc thù riêng: Gia Định, Thanh Phố, Tùng Giang, Phụng Hiền, Nam Hối. Sự phát triển của “Năm thành phố mới” này là một trong những điểm nổi bật của bản quy hoạch chung này. “Năm thành phố mới” này không chỉ là những thành phố mới ở ngoại ô phục vụ sự phát triển đô thị trung tâm, nó được xây dựng để trở thành những thành phố nút, với các chức năng dịch vụ phủ sóng toàn khu vực và thành phố. Cùng với đó là phát triển 11 thành phố/đô thị nhỏ hơn. Các thành phố/đô thị đều được xác định rõ ranh giới phát triển đô thị, luồng ranh giới đỏ bảo vệ sinh thái và đất nông nghiệp cơ bản lâu dài, thiết lập quy định kiểm soát và bảo vệ văn hóa.

Hình 3: Quy hoạch chung đô thị Thượng Hải giai đoạn 2017-2035 (Quy hoạch mặt bằng và vành đai đô thị (3)

Hình 4: Vị trí “Năm thành phố mới” của Thượng Hải

Năm 2020, Thượng Hải đề xuất “Lý thuyết phát triển các thành phố/đô thị hài hòa“: So sánh sức chứa của thành phố / đô thị thông qua các biểu đồ hoa thị (với các cánh dài, ngắn), dùng những cánh dài bù cho những cánh ngắn để khắc phục những thiếu sót trong mỗi biểu đồ có cùng số hiệu, hoặc từ những biểu đồ khác để bù vào. Nói cách khác, là tận dụng những thế mạnh dư thừa của thành phố này để bù đắp cho những khuyết điểm của thành phố khác (4).

Hình 5: Báo cáo chung “Quy hoạch tổng thể đô thị Thượng Hải (2017-2035)”

Chính quyền thành phố thường xuyên thông tin và truyền thông đối với bản Quy hoạch chung đô thị Thượng Hải giai đoạn 2017-2035, đối với mô hình không gian đô thị, nông thôn mới – như một công cụ tuyên truyền quan trọng bậc nhất để quản lý, điều phối các nhu cầu kinh tế, nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu sinh thái và nhu cầu an toàn của người dân hướng tới “Thành phố tương lai có cuộc sống chất lượng cao, là cực tăng trưởng quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố, một khu vực thực hành sáng tạo nhằm thúc đẩy việc xây dựng thành phố của người dân, khu vực mẫu trong chuyển đổi kỹ thuật số đô thị, một điểm hỗ trợ chiến lược cho phục vụ phủ sóng lan tỏa khu vực Vùng đồng bằng sông Dương Tử.” và trên quan điểm Thành phố đổi mới sáng tạo hơn – nhân văn hấp dẫn hơn – sinh thái bền vững hơn, cụ thể:

1. Mục tiêu mới:

Thích ứng xu hướng quốc tế.
Hiện thực hóa chiến lược quốc gia và vùng.
Dựa trên kỳ vọng của người dân.

2. Mô hình mới:

Kiểm soát giới hạn cơ bản, phát triển nội hàm, thích ứng linh hoạt.
Quản lý tổng hợp dân số.
Sử dụng tài nguyên đất đai.

3. Không gian mới:

Làm nổi bật trách nhiệm dẫn dắt của Thượng Hải.

Xây dựng không gian đô thị mở và chặt chẽ.

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải trong Kế hoạch trao quyền cho trí tuệ nhân tạo (AI); sử dụng phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành “Đánh giá kép” đối với Quy hoạch vùng và Quy hoạch chung huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển “từ dưới lên trên” của Địa phương và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột với các ràng buộc, điều kiện “từ trên xuống dưới” của Quốc gia, Vùng.

2. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo: Trọng tâm là kinh tế, cuộc sống hằng ngày và quản lý

Trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Thượng Hải thường xuyên thông tin và truyền thông gắn với Quy hoạch chung đô thị Thượng Hải giai đoạn 2017-2035, như một công cụ tuyên truyền quan trọng bậc nhất để quản lý, điều phối các nhu cầu kinh tế, nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu sinh thái và nhu cầu an toàn của người dân, nhằm hướng tới: “Mục tiêu mới; Mô hình mới; Không gian mới.”.

Kế hoạch chi tiết đã được Chính quyền thành phố Thượng Hải công bố, bao gồm 03 lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi số và đổi mới: Kinh tế; Cuộc sống hằng ngày; và Quản lý (kèm theo các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể hàng năm, ví dụ: năm 2025 xây dựng 200 nhà máy thông minh, 50 bệnh viện số hóa, v.v.).

Thượng Hải đã xây dựng các mạng 5G và mạng Internet công nghiệp trên toàn thành phố, thúc đẩy nền kinh tế số và cải thiện cuộc sống hằng ngày của người dân.

Hình 6: Sơ đồ quan hệ sức hút đổi mới đô thị ở đồng bằng sông Dương Tử

Thành phố đã hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI) và vi mạch tích hợp; siêu tự động hóa; an ninh mạng; thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, phân tích, đánh giá, tham mưu và ra quyết định về chính sách, đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Trong tương lai, người dân thành phố có thể tận hưởng nhiều dịch vụ kỹ thuật số hơn như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cư trú, giao thông, văn hóa và du lịch, tiêu dùng, v.v. thông qua đồng nhân dân tệ kỹ thuật số – do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành – sẽ được phổ biến rộng rãi trên toàn thành phố. Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc cũng đã vạch ra tham vọng trở thành “Thủ phủ của quốc tế về số hóa” vào năm 2035.

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chú trọng thông tin và truyền thông thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với bản “Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” gắn với các mô hình quản lý không gian đô thị và nông thôn về một số: Mục tiêu mới; Mô hình mới; Không gian mới.

3. Điều tiết giao thông thông minh: Ưu tiên giao thông chậm, giao thông công cộng và giao thông xanh và khắc phục ngay tình trạng “có giao mà không có thông”

Hình 7: Ưu tiên dành không gian cho “các hoạt động chậm”

Hình 8: Giao thông đô thị chất lượng cao có nhiều lựa chọn

Thượng Hải thiết lập quy định điều tiết giao thông thông minh trên nguyên tắc ưu tiên 03 hình thức giao thông: giao thông chậm, giao thông công cộng và giao thông xanh. Ưu tiên dành không gian cho giao thông công cộng, xe máy điện, xe đạp điện, người đi bộ và “các hoạt động chậm” khác. Cụ thể:

Hình 9: Tất cả hình thức giao thông vận tải đều nhằm mục đích đến được đích, tất cả những sự thông quan nhanh chóng đều vì sau cùng phải dừng lại

  • Ưu tiên giao thông chậm: Thượng Hải chủ động điều tiết, giới hạn tốc độ xe trong khu vực Nội đô xuống 40km/giờ. Từ đó giảm chiều rộng các làn xe ô tô (từ 3,50m-3,75m) xuống còn 2,75m-3,0m; mở rộng các làn xe máy, xe đạp và tách riêng các làn phương tiện (phân làn bằng vạch kẻ liền). Việc ưu tiên giao thông chậm này tránh được việc đan xen/giao thoa giữa các luồng phương tiện, góp phần khắc phục tình trạng “có giao mà không có thông”.
  • Ưu tiên giao thông công cộng: Thượng Hải tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng dựa trên nền tảng chuyển đổi số, tăng hiệu quả quản lý cũng như cung cấp dịch vụ đô thị cho người dân một cách hợp lý. Một loạt dịch vụ thông tin đã ra mắt tại Thượng Hải để cải thiện cuộc sống hằng ngày và giúp đỡ người già hoặc người khuyết tật. Việc dự báo chính xác thời gian xe buýt đi và đến đã tăng lên 97%; mạng lưới 700 khách sạn kỹ thuật số ở Thượng Hải hỗ trợ nhận phòng nhanh trong vòng 30 giây và có tính năng đặt/gọi phương tiện giao thông công cộng, taxi bằng “một cú nhấp chuột”.
  • Ưu tiên giao thông xanh: Thượng Hải tổ chức lại hệ thống giao thông xanh dựa trên nguyên tắc giảm cacbon thải vào khí quyển (lượng khí nhà kính) và sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo. Thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông xanh, thân thiện môi trường hướng tới 100% phương tiện công cộng dùng điện. Khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân dùng điện thay vì dùng xăng. Thượng Hải đã bố trí, tăng cường mật độ cams giám sát giao thông và an ninh trật tự đạt 01 cams/05 người dân.

Hình 10: Bố trí, tăng cường mật độ cams giám sát giao thông và an ninh trật tự

Hà Nội hiện mới đạt khoảng 01 cams/14.000 người dân (so với Thượng Hải là 01 cams/05 người dân), nên giám sát và xử lý không mang lại hiệu quả cao. Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Thượng Hải để đặt ra mục tiêu hiệu quả xử lý các vi phạm về giao thông và an ninh trật tự thông qua lắp đặt cameras giám sát.

(1) Nguồn: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (12/2024)
(2) Nguồn: Ts. Ôn Hiểu Nghệ – Giám đốc, Chủ nhiệm Kế hoạch Viện Quy hoạch Đại học Đồng Tế (Thượng Hải)
(3) Nguồn: GS. Triệu Dân, Viện Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị, Đại học Đồng Tế
(4) Nguồn: Ts. Ôn Hiểu Nghệ – Giám đốc, Chủ nhiệm Kế hoạch Viện Quy hoạch Đại học Đồng Tế (Thượng Hải)

Ths.KTS Lã Hồng Sơn – Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội



Nguồn