Có việc sang nhượng với giá hàng trăm triệu đồng
Ngày 25.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định thông tin trước đó lan truyền trên mạng xã hội về việc để có “suất chèo ghe, đạp xích lô ở phố cổ Hội An, người dân phải chi số tiền từ 1,6 – 1,8 tỉ đồng” là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật.
“Bản chất sự việc không phải như vậy nhưng lại bị một số bạn trẻ thích câu view phóng đại lên, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc sự việc. TP.Hội An đã đề nghị công an vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin không chính xác này”, ông Lanh nói.
Theo ông Lanh, năm 1997, khi Hội An bắt đầu đón khách du lịch, khoảng thời gian này xích lô cũng được đưa vào phục vụ. Đến nay, Nghiệp đoàn xích lô Hội An chỉ duy trì 102 chiếc.
“TP.Hội An sẽ không cấp phép thêm, kiên quyết chỉ giữ mức là 102 chiếc để dễ quản lý. Với số lượng này đã đáp ứng cung và cầu, phù hợp với không gian phố cổ Hội An”, ông Lanh khẳng định.
Ông Lanh thừa nhận trước đây có một số trường hợp sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe cho người khác với giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của trước kia khi còn thời điểm tự phát. Bây giờ, tất cả đã vào khuôn khổ, có sự quản lý của nghiệp đoàn, hợp tác xã (HTX) thì không còn có tình trạng này nữa.
“Đối với ghe bơi thì câu chuyện sang nhượng cho người ngoài với giá hàng trăm triệu đồng là có, nhưng đó là câu chuyện từ năm 2021 về trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Theo thông tin tôi nắm được thì trước năm 2021 có sang nhượng khoảng 30 chiếc ghe, theo hình thức lao động chuyển nhượng cho nhau với giá chỉ khoảng 200 triệu đồng. Việc sang nhượng suất đạp xích lô cũng chỉ với giá này”, ông Lanh nói.
Ông Lanh cho hay, hiện nay người nào già yếu không còn làm được công việc này nữa thì có thể sang nhượng cho con cái kế thừa. Trường hợp người đó không có con cái thì có thể chuyển cho anh em, bà con hoặc trong cộng đồng người dân có hoàn cảnh khó khăn, cần giải quyết việc làm.
“Tôi khẳng định một điều rằng, không bao giờ có chuyện đại gia vào “thâu tóm” mua lại các xe này rồi thuê người dân đạp để kinh doanh”, ông Lanh nói.
Người được cấp phép, sang nhượng cũng đáp ứng “tiêu chí” lao động nghèo
Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc sang nhượng cho người nhà với mức giá bao nhiêu thì các bên thương lượng với nhau, chính quyền không can thiệp vì xích lô là tài sản của họ. Nhà nước chỉ quản lý câu chuyện cấp phép, và câu chuyện “sang nhượng giấy phép” tuyệt đối không xảy ra. Dứt khoát không có chuyện “lót tay”.
Theo ông Lanh, chính quyền địa phương luôn quản lý chặt chẽ chuyện cấp phép, không phải ai có tiền muốn vào đây để đạp xích lô cũng được. Những người đạp xích lô đều có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bộ đội xuất ngũ không có việc làm…
Nhà nước và HTX cũng như nghiệp đoàn phải có sự kết dính với nhau; nhà nước không thể muốn cấp phép cho ai thì cấp mà phải có sự đồng thuận từ tập thể các xã viên trong HTX cũng như nghiệp đoàn.
Hiện nay, muốn sang nhượng suất đạp xích lô hay chèo ghe, phải có sự thống nhất của cả tập thể. Nghiệp đoàn và HTX phải chịu trách nhiệm trước nhà nước nếu xảy ra phát sinh kiện tụng dân sự trong quá trình sang nhượng.
Đồng thời, phải cam kết rằng việc sang nhượng là đúng theo điều lệ của HTX, nghiệp đoàn và các thành viên đồng thuận rồi xác nhận bằng văn bản gửi lên UBND TP.Hội An. Từ đó, nhà nước sẽ thu hồi giấy phép của người này để cấp phép cho người kia.
“Khi thu hồi giấy phép của người này để làm thủ tục cấp lại cho người mới đã nhận sang nhượng đều làm một cách công khai, nhưng số lượng xích lô hay ghe thì vẫn giữ nguyên. Trong trường hợp người nào đó già yếu không còn hoạt động nữa sẽ thu hồi giấy phép để cấp cho người khác, nhưng người được cấp phép cũng là lao động nghèo, không có việc làm…”, ông Lanh thông tin.
Ông Lanh cũng cho rằng, từ tự phát đến việc quản lý nề nếp là một quá trình; đây được xem như cuộc cách mạng về trật tự, giúp câu chuyện sang nhượng được chấn chỉnh. Những việc mà địa phương làm đều hướng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn.
‘Lót tay tiền tỉ’ là câu chuyện bịa đặt
Đang nằm ngả lưng trên chiếc xích lô để chờ khách ở phố cổ Hội An, một người đàn ông 50 tuổi cho biết bản thân hành nghề đạp xích lô khoảng 25 năm nay. Những người đạp xích lô đa phần nghèo khó, bộ đội xuất ngũ không có việc làm.
Giá mỗi cuốc xích lô tùy quãng đường dài ngắn. Nếu chở một vòng quanh phố cổ có giá 200.000 đồng. Nếu khách thương và cho thêm, mỗi tháng người hành nghề xích lô kiếm được khoảng 15 – 20 triệu đồng.
Người đàn ông cho biết có nghe thông tin lan truyền trên mạng về chuyện để có suất đạp xích lô, lái ghe thì phải chi “lót tay” từ 1,6 – 1,8 tỉ đồng, và quả quyết thông tin này hoàn toàn vô căn cứ, bịa đặt.
“Nghề xích lô “ăn bờ ngủ bụi” nên chúng tôi không rảnh để quan tâm đến chuyện này (chuyện lót tay tiền tỉ – PV). Ai nói gì mặc họ, bởi thông tin này là vô căn cứ. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện người dân không hết thì làm sao nỡ lòng nào mà lấy tiền của dân nghèo”, ông khẳng định.
Ông còn bảo, tất cả anh em đạp xích lô đều nằm trong nghiệp đoàn, quen biết nhau, vì vậy để kết nạp thành viên mới vào nghiệp đoàn phải có sự thống nhất của cả tập thể.
“Trước đây cũng có vài trường hợp xích lô sang nhượng cho người ngoài với giá khoảng 500 triệu đồng. Nhưng đó là trường hợp “bất đắc dĩ” vì những người này không có con cái để theo nghề, già yếu không còn sức lao động nữa họ mới sang nhượng. Bây giờ thì không có chuyện sang nhượng nữa đâu, nếu có thì chỉ sang nhượng cho con cái, anh em trong nhà kế nghiệp thôi. Như tôi sau này già yếu không còn sức nữa thì sẽ chuyển lại cho con trai tiếp tục hành nghề này”, người đàn ông đạp xích lô khẳng định.