Xã Hội

Lao động rời TP.HCM ngày càng nhiều

Theo báo cáo của LĐLĐ TP.HCM, năm 2024, các cấp Công đoàn TP.HCM đã vận động phát triển mới được 213.104 đoàn viên, đạt và vượt chỉ tiêu giao. Tuy nhiên, phát triển thực tăng là 120.788/212.900 đoàn viên, đạt tỷ lệ 56,78%.

Điều này có nghĩa là đã có hơn 92.000 đoàn viên rời khỏi tổ chức trong năm, chủ yếu do các doanh nghiệp giảm lao động và xu hướng dịch chuyển lao động từ TP.HCM về các địa phương khác.

Tính đến nay, LĐLĐ TP.HCM đang quản lý 19.324 công đoàn cơ sở với hơn 1,5 triệu công đoàn viên. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước có 16.603 công đoàn cơ sở với gần 1,3 triệu đoàn viên.

Cán bộ Công đoàn TP.HCM dự Hội nghị tổng kết phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn thành phố năm 2024

Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, hoạt động của Công đoàn TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới.

Điển hình là quy định tại bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động trong các tổ chức ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; định hướng phát triển TP.HCM mở ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao, thúc đẩy các mô hình doanh nghiệp và dịch vụ mới, chuyển hướng sang các ngành nghề ít thâm dụng lao động.

Ngoài ra, sự gia tăng lực lượng lao động phi chính thức, nhất là trong nền kinh tế chia sẻ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong thời gian tới.

Tránh tình trạng người có năng lực rời đi khi sắp xếp bộ máy

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá cao hoạt động của LĐLĐ TP.HCM trong thời gian qua, đồng thời đề nghị LĐLĐ TP.HCM tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Trong đó, Công đoàn TP.HCM phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong quá trình sắp xếp, tránh tình trạng người làm việc rời đi, người không làm được việc ở lại.

Lao động rời TP.HCM ngày càng nhiều- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại hội nghị chiều 8.1

Ông Phan Văn Anh cũng lưu ý Công đoàn TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, lương, thưởng và hỗ trợ kịp thời những đơn vị khó khăn. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2025 đến gần, các cấp Công đoàn TP.HCM cần thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người lao động, theo dõi sát sao tình hình lương, thưởng tết để xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, sáng cùng ngày (8.1), LĐLĐ TP.HCM cũng đã họp hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (mở rộng), khóa XII nhiệm kỳ 2023 – 2028. Dự kiến, sau khi sắp xếp bộ máy, LĐLĐ TP.HCM sẽ còn 4 ban chuyên đề (giảm 3 ban), 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (giảm 18 đơn vị), và 3 đơn vị kinh tế (giảm 3 đơn vị).

Số vụ tai nạn lao động, ngừng việc ở TP.HCM giảm

Theo LĐLĐ TP.HCM, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM trong năm 2024 ổn định. Từ ngày 1.1.2024 đến 30.11.2024, tại TP.HCM xảy ra 4 vụ ngừng việc, giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu liên quan vấn đề thưởng tết, nợ lương, chấm dứt hoạt động dự án, điều chỉnh tăng lương theo mức lương tối thiểu mới.

Cũng vào thời gian này, TP.HCM thống kê có 59 vụ tai nạn lao động (làm chết 61 người và 5 người bị thương). Trong đó, có 37 trường hợp xảy ra trong lĩnh vực xây dựng vì các nguyên nhân như ngã cao, điện giật, vật đè.


Nguồn