Gia LaiBị kẻ gian lẻn vào trộm khi giá cà phê tăng cao, nhiều nông dân ở Tây Nguyên lắp camera, dựng lều, thuê người canh trộm suốt đêm.
Khuya giữa tháng 9, kẻ gian lẻn vào khu rẫy rộng hơn 9.000 m2 ở tổ 5, phường Yên Thế, TP Pleiku, của ông Huỳnh Hữu Quý (62 tuổi) hái trộm cà phê. Khoảng 40 cây cà phê trĩu quả bị hái, bẻ cành xơ xác.
Giá cà phê năm nay đang cao, đỉnh điểm lên 130.000 đồng một kg, với khoảng 300 kg cà phê bị mất, ông Quý ước tính thiệt hại gần chục triệu đồng.
Sợ bị mất trộm cà phê thêm lần nữa, ông Quý báo tổ dân phố, sau đó tự mình dựng lều bạt, thuê một người ngủ lại tại vườn để bảo vệ từ 18h đến sáng hôm sau, tiền công 5 triệu đồng một tháng. Nhân công có nhiệm vụ canh, tuần tra quanh khu vườn với 900 góc cà phê được trồng trên 20 năm. Ngoài ra, ông còn lắp bóng điện ở các góc vườn, thắp sáng suốt đêm.
“Đây là lần đầu tiên vườn bị mất trộm, sợ nhất là chúng bẻ cành, cưa cây thì mùa vụ sau cũng bị ảnh hưởng”, ông Quý nó, cho biết do nạn trộm cắp nên phải chi thêm nhiều khoản để bảo vệ vườn, ngoài các chi phí thuê người cắt tỉa cành, cỏ, bỏ phân như các năm.
Cách vườn ông Quý khoảng 500 m, rẫy cà phê của ông Ngô Văn Minh (70 tuổi) cũng vừa bị trộm “ghé thăm”. Để đảm bảo an toàn cho khu vườn, ông lắp 2 camera cùng bóng điện thắp sáng vườn vào ban đêm. Chủ vườn cũng tự dựng lều, đốt lửa canh trộm vào ban đêm để tiết kiệm chi phí.
“Khi có người lạ xuất hiện, camera phát âm thanh cảnh báo”, ông Minh nói, cho biết vườn của gia đình rộng 2 ha, với hơn 1.800 cây. Ban đêm vẫn có lực lượng của tổ dân phố đi tuần tra, nhưng ông vẫn không thể an tâm.
Không chỉ vườn cà phê của ông Quý, ông Minh, dù chỉ mới đầu vụ, hàng chục rẫy cà phê khác ở huyện Đức Cơ, Đăk Đoa, Ia Grai…, cũng bị kẻ xấu trộm và phá hoại. Nông dân thường ít trình báo cơ quan chức năng vì giá trị mất trộm không quá lớn nên họ chủ yếu tự trang bị camera, thắp đèn suốt đêm để bảo vệ vườn.
Tây Nguyên có hơn 600.000 ha cà phê, trong đó tỉnh Gia Lai trên 100.000 ha, tập trung ở các huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh. Trong các khu rẫy cà phê, dọc tuyến đường tránh đoạn qua huyện Ia Grai, Chư Păh và TP Pleiku, có hàng chục vườn lắp camera chống trộm.
Ông Đỗ Trung Hùng, Chủ tịch phường Yên Thế cho biết đã đề nghị người dân nâng cao cảnh giác để phòng ngừa trộm cắp. Phía địa phương cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của tổ an ninh trật tự cơ sở, giúp người dân an tâm hơn.
Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krai – địa phương có gần 1.500 ha cà phê cho hay, những năm trước giá nông sản không cao, song vẫn xuất hiện tình trạng các cháu nhỏ trộm vặt cà phê. Năm nay giá cà phê tăng đột biến, nên an ninh tại địa phương cũng được nâng cao.
Từ đầu vụ, địa phương đã lập 15 tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở với 48 thành viên tại 15 thôn làng, tuần tra bảo vệ ngày và đêm. “Chính quyền ký cam kết với các cơ sở kinh doanh nông sản, không thu mua cà phê non, cà phê do các cháu chưa đủ tuổi vị thành niên và khi phát hiện người bán cà phê nghi là tài sản trộm cắp phải báo ngay cho công an”, ông Tấn nói.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết khi nông sản giá cao hay xảy ra tình trạng mất cắp, ảnh hưởng tâm lý của nông dân, gây ra những thiệt hại, tăng chi phí bảo vệ vườn cây. Tỉnh sẽ có chỉ đạo các địa phương có giải pháp tăng cường kiểm tra, chống mất trộm cà phê vào đầu mùa.
Trước trình trạng trộm cắp nông sản gia tăng, Công an tỉnh Gia Lai phát đi cảnh báo người dân chủ động phòng ngừa…, khuyến khích người dân lắp đặt đèn chiếu sáng, hệ thống camera an ninh, chuông báo động.
Ngoài Gia Lai, người trồng cà phê ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng cũng lo lắng trước tình trạng trộm cắp nông sản. Khác với mọi năm, họ lắp thêm điện, camera và thuê lao động canh giữ. Để đảm bảo tài sản, ngăn ngừa tội phạm, lực lực chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên tăng cường lập chốt trực, tuần tra xuyên đêm trên nương rẫy để bảo vệ vụ mùa cho nông dân.
Trần Hóa