TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9-17/11 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”

Tiếp nối thành công từ 3 mùa Lễ hội trước, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ mang đến cho công chúng những trải nghiệm khác biệt, giúp cộng đồng thêm trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và khơi nguồn sáng tạo để kế thừa và tiếp nối những giá trị sáng tạo mà các thế hệ trước đã xây đắp và để lại. Lễ hội năm nay sẽ chính thức diễn ra từ ngày 9-17/11/2024. Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam với vai trò là đơn vị đồng tổ chức trân trọng giới thiệu tới bạn đọc thông tin chính thức về chương trình.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 266/KH-UBND ngày 12/9 về Kế hoạch tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2024 – 2025, trong đó có Mục III chi tiết về Tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 17/11/2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cùng sự phối hợp của Thành đoàn Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan…

Từ giao lộ sáng tạo đến sức sống cộng đồng

Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm các hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo… Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà hơn thế, còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối Trục Bắc – Nam (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và Trục Đông – Tây (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp… và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, vườn hoa Diên Hồng… trên tuyến.

Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Một số các công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như Công trình Nhà Khách Chính phủ và một số các tour tham quan được “kích hoạt” như tham quan Nhà Hát Lớn, Đại học Tổng hợp… Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Lễ hội chủ trì gần 100 hoạt động sáng tạo. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm – trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực sáng tạo… Đồng thời, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô.

Để sáng tạo không chỉ khu trú trong không gian lễ hội, mà còn lan tỏa đến từng người dân, Lễ hội phát đi thông điệp kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình. Hứa hẹn, nhân dân và du khách thủ đô sẽ được sống trong không khí của một “bữa tiệc sáng tạo” độc đáo, thú vị.

Vị thế Hà Nội – Thành phố “nhạc trưởng sáng tạo”

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, là trung tâm văn hóa, Giáo dục Đào tạo và Khoa học Kĩ thuật của cả nước. Vị thế “Thành phố Nhạc trưởng Sáng tạo” dựa trên tiềm lực to lớn của một siêu đô thị 10 triệu dân và phát triển nhanh chóng với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55-60%.

Trong sự phát triển ấy, công nghiệp văn hóa được định hình dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 09-NQ/TU. Nhiều hoạt động thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã được khuyến khích, trong đó có Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội bắt đầu được tổ chức, trở thành sự kiện thường niên của thành phố.

Lễ hội năm thứ 4 được tổ chức trong bối cảnh Hà Nội đang hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Chính thức gia nhập từ năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới. Với vai trò Thành phố “nhạc trưởng” sáng tạo, vị thế sáng tạo của Hà Nội đã lan tỏa đến nhiều địa phương và hiện nay, cả nước có thêm thành phố Hội An và Đà Lạt tham gia Mạng lưới này.

Việc tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo Hà Nội. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội ngày một mở rộng và trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá thủ đô. Lễ hội được tổ chức thường niên như một sáng kiến cấp quốc tế của Hà Nội tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong nhân dân. Lễ hội đã thúc đẩy cho quá trình phát triển mạng lưới Nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo thời gian tới.

Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, hoạt động của Lễ hội mang đậm dấu ấn ký ức Hà Nội, đánh thức, gợi nhắc ký ức lịch sử và sức mạnh sáng tạo của các thế hệ người dân thủ đô. Thông qua Lễ hội, công chúng thêm trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và khơi nguồn sáng tạo để kế thừa và tiếp nối những giá trị sáng tạo mà các thế hệ trước đã xây đắp và để lại.

Họp báo chính thức về việc tổ chức Lễ hội sẽ diễn ra ngày 28/10/2024.

(c) Tạp chí Kiến trúc



Nguồn

Exit mobile version