TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Lợi ích bệnh án điện tử

Hồ sơ bệnh án điện tử (BAĐT) là tập hợp dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, kết quả cận lâm sàng… và những thông tin khác có liên quan trong quá trình chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) được lập, cập nhật, lưu trữ, quản lý bằng phương tiện điện tử.

Không lo nhầm lẫn tên THUỐC HAY mất giấy tờ

PGS-TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế VN, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), nhìn nhận triển khai thành công BAĐT giúp người bệnh, thầy thuốc, cơ sở KCB và nhà quản lý thu được rất nhiều lợi ích. Trong đó, BAĐT giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi KCB, giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

“Đặc biệt, người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ, nếu bác sĩ viết không rõ nét chữ, dễ nhầm lẫn, khó đọc”, ông Tường phân tích.

Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, giúp BV quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn

Theo ông Tường, BAĐT cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở KCB. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ BAĐT từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet, đồng thời các BV tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Việc triển khai BAĐT cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

“Khi thông tin về KCB của người bệnh được minh bạch, việc quản lý chi phí KCB BHYT cũng dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có”, ông Tường cho biết thêm.

Đánh giá hiệu quả nếu thực hiện BAĐT, PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, ước tính với việc triển khai BAĐT, BV sẽ tiết kiệm được rất lớn, do không phải in phim các kết quả chụp chiếu và đồng thời còn bảo vệ môi trường. “Hằng năm BV chúng tôi phải chi hàng chục tỉ đồng để mua phim và in phim kết quả chụp chẩn đoán”, ông Cơ nói.

Cùng với ý kiến của giám đốc BV Bạch Mai, ông Trần Quý Tường nhận định mỗi năm các BV tại VN ước chi khoảng 4.000 tỉ đồng tiền mua phim. Khi BAĐT triển khai rộng rãi, chỉ riêng với chi liên quan đến chẩn đoán hình ảnh, nếu các BV đều triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, người bệnh, quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được chi phí đến hàng ngàn tỉ đồng, vì các kết quả chụp chiếu đều được lưu giữ trên hệ thống. Đồng thời, việc này còn rất có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các chi phí xử lý môi trường nhờ hạn chế các bản phim, giấy tờ in kết quả.

Đáng lưu ý, theo đánh giá của một giám đốc BV, khi thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch còn giúp cho việc quản lý chi phí KCB BHYT dễ dàng hơn, góp phần kiểm soát các sai sót hoặc chỉ định thuốc và xét nghiệm không phù hợp, nếu có.

Giảm thời gian chờ đợi, thủ tục rườm rà

Ngoài hiệu quả kinh tế từ BAĐT đem lại, ông Trần Quý Tường chia sẻ việc triển khai BAĐT cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng, chống dịch bệnh nói riêng và đưa ra các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

“Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định “thông tin quý hơn dầu mỏ!”, ông Tường đánh giá.

Qua thực tế triển khai, đại diện một BV cho hay BAĐT giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, BAĐT giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, từ đó chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Vẫn theo ông Trần Quý Tường, việc đưa hồ sơ BAĐT vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó thủ tục KCB và thanh toán cũng nhanh hơn trước. Triển khai hồ sơ BAĐT giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn. Các bác sĩ và bệnh nhân có thể truy cập hồ sơ BAĐT từ bất kỳ nơi nào có đường truyền internet.

“Như vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai BAĐT là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế, rất có lợi cho người dân, rất có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong chuyển đổi số y tế. Việc triển khai BAĐT là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế”, ông Tường khẳng định.

Cùng “gặp khó” nhưng BỆNH VIỆN tỉnh đã làm được

Tuy nhiên, ông Trần Quý Tường cũng băn khoăn trước thực tế các BV khi triển khai BAĐT đang gặp phải một số khó khăn, trong đó cần thay đổi thói quen, nền nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn. Nếu trước đây làm thủ công thì nay phải cập nhật trực tiếp trên máy tính và tất cả đều minh bạch trên hệ thống, do đó tác động đến thói quen của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các BV. Việc thay đổi thói quen “cố hữu” từ nhiều năm cũng là một trở ngại.

BAĐT giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, BAĐT giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình.

Đại diện một BV

Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ BAĐT nói riêng. Do đó, kinh phí triển khai BAĐT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. “Triển khai BAĐT là vấn đề mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, nhiều giám đốc BV chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên”, ông Tường chỉ ra vấn đề chính đang gặp phải tại nhiều BV.

Mong muốn BAĐT sớm thành hiện thực, đại diện một BV bày tỏ băn khoăn bởi một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai và áp dụng như: chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ các thông tin dữ liệu của ngành y dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán; công tác đảm bảo an ninh, an toàn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ năng lực; hiện còn thiếu kinh phí để đầu tư ứng dụng CNTT (kết cấu chi phí đầu tư CNTT chưa được tính vào giá dịch vụ y tế).

Trước thực tế nhiều BV lớn ở T.Ư chưa thực hiện BAĐT nhưng không ít BV “đàn em” tại tuyến tỉnh đã triển khai thành công BAĐT, như ở Sở Y tế Phú Thọ, Sở Y tế Quảng Ninh đã triển khai BAĐT ở hầu hết các BV của tỉnh, ông Tường nêu câu hỏi: “Trong cùng thời gian, cùng chính sách nhưng tại sao nhiều BV chưa triển khai BAĐT, dẫn đến hệ thống KCB cả nước thực hiện BAĐT theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT mới đạt khoảng 25%?”.

Hoặc đơn giản hơn, chỉ với việc bỏ in phim, sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) có ích cho ngành y tế vì cắt giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường (vì không in phim nhựa), nhưng hiện nay mới chỉ có 22 BV (đến tháng 8.2024) trên toàn quốc triển khai và được thanh toán như in phim. “Việc ban hành giá PACS có khó khăn, phức tạp gì và làm thế nào để khẩn trương ban hành được giá PACS?”, ông Trần Quý Tường đặt vấn đề.

Để hóa giải các vướng mắc trên, ông Tường cho rằng chỉ có thể trả lời bằng sự sát sao chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, nỗ lực của người đứng đầu các BV với sự quyết tâm hướng đến chất lượng tài chính y tế minh bạch hơn nữa, tiết kiệm thấp nhất các chi phí y tế từ quỹ BHYT, từ tiền túi người bệnh.

Qua thực tế tại một số đơn vị đã triển khai BAĐT, với thầy thuốc, việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa, phòng một cách nhanh chóng, nâng cao khả năng tương tác và truyền thông giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với nhau và với người bệnh. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn, tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp. Đồng thời, giúp bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Với hồ sơ bệnh án giấy, mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong một đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra. Nhưng với hệ thống phần mềm BAĐT được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa, phòng trong BV, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử…, góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay).

PGS-TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế VN, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh


Nguồn

Exit mobile version