Một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ của Mark Zuckerberg trước vụ kiện chống độc quyền nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Meta tuần vừa qua lại không xoay quanh chính tập đoàn công nghệ này, mà liên quan nhiều hơn đến TikTok.
Trong suốt ba ngày điều trần tại tòa án liên bang ở Washington, nhà sáng lập tỷ phú công nghệ liên tục nhấn mạnh rằng TikTok – nền tảng video thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) – đã phát triển thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Việc liên tục ca ngợi đối thủ không phải là vô cớ: Zuckerberg muốn bác bỏ cáo buộc từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), rằng Meta đang duy trì một thế độc quyền bất hợp pháp. Nếu các cáo buộc này được chứng minh, hậu quả đối với đế chế của Zuckerberg có thể vượt xa bất kỳ mối đe dọa thương mại nào mà Meta đang đối mặt.
Nếu thua kiện, Meta có thể buộc phải chia tách tập đoàn trị giá 1.500 tỷ USD này, trong đó có khả năng phải tách riêng hai ứng dụng chủ lực là Instagram và WhatsApp – điều mà Zuckerberg từng tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” để ngăn chặn. Nhưng nếu thắng, Meta sẽ ghi được một chiến thắng quan trọng trước một cơ quan quản lý vốn từ lâu đã nhắm vào các ông lớn công nghệ, gần đây nhất là vụ kiện Amazon.
Vụ xét xử diễn ra sau khi Zuckerberg không đạt được thỏa thuận để tránh ra tòa ngay từ đầu. Theo một nguồn tin am hiểu, FTC từng yêu cầu khoản dàn xếp lên đến 30 tỷ USD; trong khi đó, Meta ban đầu chỉ đưa ra mức 450 triệu USD, rồi sau đó nâng lên 1 tỷ USD – nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với “mức sàn” 18 tỷ USD mà FTC đặt ra. Cuối cùng, hai bên quyết định đưa vụ việc ra trước tòa.
Trọng tâm của vụ kiện do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi xướng là cáo buộc rằng Meta đã sử dụng một “chiến lược có hệ thống” nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, bao gồm việc thâu tóm Instagram và WhatsApp vào các năm 2012 và 2014 với giá lần lượt là 1 tỷ USD và 19 tỷ USD.
Trong tuần vừa qua, các luật sư của FTC đã đưa ra bằng chứng cho thấy Zuckerberg từng coi các ứng dụng còn non trẻ này là mối đe dọa, bao gồm hàng loạt email với nội dung nhạy cảm. Trong một email năm 2012, Zuckerberg đồng tình với nhận định rằng việc mua lại Instagram có thể giúp “vô hiệu hóa một đối thủ”, và ông cũng từng phát biểu rằng muốn Meta “sử dụng chiến lược M&A để xây dựng một hào phòng thủ quanh chúng ta trong lĩnh vực di động và quảng cáo”.
Tuy nhiên, những chiến lược như vậy chỉ có thể bị coi là bất hợp pháp nếu FTC chứng minh được rằng Meta vẫn đang duy trì vị thế độc quyền – điều mà một số chuyên gia chống độc quyền cho rằng không dễ để chứng minh. Đây chính là điểm mà Zuckerberg cùng cựu Giám đốc điều hành Meta – Sheryl Sandberg – tập trung trong phần điều trần của họ, nhấn mạnh đến sự phát triển bùng nổ của TikTok – hiện phục vụ hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu.
“Những gì họ từng nói hay nghĩ trong quá khứ nhìn qua thì có vẻ không hay ho, nhưng về mặt pháp lý lại có tác dụng trong việc chứng minh việc Meta có đang giữ vị thế độc quyền ở thời điểm hiện tại hay không”, Paul Swanson – trưởng bộ phận chống độc quyền và cạnh tranh tại hãng luật Holland & Hart nhận định.
“Zuckerberg và Sandberg đã làm tốt trong việc giải thích vì sao tình hình hiện tại rất khác – rằng TikTok và Meta thực sự cạnh tranh và thay thế nhau trong tâm trí của phần lớn người dùng”.
Trong các vụ kiện chống độc quyền, FTC còn phải chứng minh rằng người tiêu dùng đã bị tổn hại – điều thường xảy ra khi một doanh nghiệp độc quyền nâng giá sản phẩm. Tuy nhiên, vì Meta cung cấp dịch vụ miễn phí, FTC lập luận rằng người tiêu dùng đã phải chịu đựng trải nghiệm kém hơn do sự thống trị của nền tảng – điển hình là nguồn tin bị “nhồi” quảng cáo và chính sách bảo mật lỏng lẻo.
Thách thức then chốt của FTC sẽ là thuyết phục thẩm phán James Boasberg – người chủ tọa vụ kiện – rằng Meta đã thống trị, một phần nhờ vào các thương vụ mua lại, thị trường “mạng xã hội cá nhân” tập trung vào kết nối bạn bè và gia đình – một phân khúc không bao gồm TikTok hay YouTube của Google.
Một người thân cận với quá trình đàm phán dàn xếp trước đó cho biết việc Meta đưa ra mức đề nghị thấp như vậy cho thấy họ đánh giá vụ kiện của FTC là quá yếu. FTC từ chối bình luận về vụ việc.
“Chúng tôi chưa bao giờ ngại ngần nói rõ vì sao việc FTC đưa vụ kiện này ra tòa là vô lý vì điều đó đòi hỏi họ phải chứng minh một điều mà bất kỳ đứa trẻ 17 tuổi nào ở Mỹ cũng thấy vô lý: Rằng Instagram không cạnh tranh với TikTok. Chúng tôi đã sẵn sàng để thắng kiện”, phát ngôn viên của Meta, Dani Lever tuyên bố.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thẩm phán James Boasberg – người hầu như không nói gì trong suốt phiên xử – có thể sẽ nghiêng về lập luận của FTC.
“Rõ ràng tòa đang để ngỏ khả năng rằng có tồn tại một thị trường mạng xã hội cá nhân”, Kenneth Dintzer, đối tác tại nhóm chống độc quyền và cạnh tranh của hãng luật Crowell & Moring nhận định. Ông dẫn lại một tài liệu năm 2024 trong đó thẩm phán Boasberg từng viết rằng FTC đã “đáp ứng được nghĩa vụ chứng minh rằng các ứng dụng khác không phải là lựa chọn thay thế hợp lý” cho nhu cầu chia sẻ giữa bạn bè và gia đình.
Zuckerberg phản bác lập luận này tại tòa, cho rằng Meta đã phải cấp tốc phát triển Reels – tính năng video ngắn – để đối phó với sự trỗi dậy của TikTok. Ông khẳng định TikTok “có lẽ là mối đe dọa cạnh tranh lớn nhất đối với Instagram và Facebook trong vài năm gần đây”.
CEO của Meta cũng lập luận rằng các thương vụ mua lại WhatsApp và Instagram là nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của hai ứng dụng này, và dẫn chứng sự gia tăng đột biến về số lượng người dùng sau khi sáp nhập.
Phía FTC phản bác bằng một email từ năm 2013, trong đó trước thương vụ mua lại WhatsApp, Zuckerberg viết rằng “yếu tố cạnh tranh lớn nhất đối với chúng ta là khả năng một công ty nào đó sẽ xây dựng một ứng dụng nhắn tin phục vụ giao tiếp nhóm nhỏ, rồi từ đó phát triển thành một mạng xã hội rộng lớn hơn”.
Trong một email khác năm 2012, sau khi đề nghị dạy Sheryl Sandberg chơi trò board game “The Settlers of Catan”, Zuckerberg viết: “Facebook Messenger không thắng nổi WhatsApp, còn Instagram thì tăng trưởng nhanh hơn chúng ta rất nhiều nên chúng ta phải mua lại họ với giá 1 tỷ USD…”.
“Điều khó hiểu trong phần điều trần của Mark là vị CEO này đang cố gắng bác bỏ những phát biểu trong quá khứ – những lời chính ông ấy từng nói ra khi các thương vụ này đang được cân nhắc trong thời gian thực”, Lee Hepner, cố vấn pháp lý cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận American Economic Liberties Project nhận xét.
Bằng chứng đáng chú ý nhất có lẽ là một email của Zuckerberg vào năm 2018, trong đó ông đã xem xét khả năng tách Instagram thành một công ty riêng – dẫn chứng đúng kiểu mối đe dọa từ cơ quan chống độc quyền mà ông đang đối mặt ngày hôm nay.
“Khi những lời kêu gọi chia tách các công ty công nghệ lớn ngày càng nhiều, không thể loại trừ khả năng chúng ta sẽ bị buộc phải tách Instagram, và có thể cả WhatsApp, trong vòng 5 đến 10 năm tới”.
Theo: Financial Times