Mark Zuckerberg sắp xây nhà máy điện hạt nhân để làm AI, 2025 kỳ vọng Meta tăng trưởng mĩ mãn
Đại diện Meta cho biết đang tìm kiếm đối tác phát triển điện hạt nhân phục vụ hệ thống AI đáp ứng yêu cầu về môi trường của chính phủ Mỹ. Động thái diễn ra trong bối cảnh nhu cầu điện tăng mạnh trước làn sóng AI, chủ yếu phục vụ các hệ thống máy chủ, siêu máy tính huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn và máy học.
“Tại Meta, chúng tôi tin năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang lưới điện sạch hơn, đáng tin cậy hơn và đa dạng hơn”, Meta thông báo.
Cụ thể, công ty của Mark Zuckerberg đang tìm kiếm đơn vị xây dựng nhà máy hạt nhân có chuyên môn về kết nối cộng đồng, phát triển và cấp phép. Ban đầu, Meta sẽ xem xét cả các lò phản ứng module nhỏ – một thị trường ngách mới nổi vốn chưa thương mại hóa. Các đề xuất sẽ được tiếp nhận kể từ khi đưa ra thông báo đến ngày 7/2/2025.
Chia sẻ với báo giới, Meta muốn bổ sung từ 1 đến 4 gigawatt điện hạt nhân mới cho các hệ thống AI, bắt đầu từ năm 2030. Để so sánh, một nhà máy điện hạt nhân điển hình ở Mỹ có công suất khoảng 1 gigawatt.
“Việc tìm kiếm đối tác phát triển điện hạt nhân giúp chúng tôi đạt được mục tiêu về trí tuệ nhân tạo và môi trường”, thông báo nêu rõ.
Meta trở thành công ty công nghệ lớn mới nhất quan tâm đến năng lượng hạt nhân trước làn sóng AI. Đây đang là hướng đi ưu tiên của các ông lớn làng công nghệ hiện nay, dù chi phí đầu tư cao và mất nhiều thời gian để xây dựng. Goldman Sachs ước tính, việc sử dụng điện tại trung tâm dữ liệu Mỹ dự kiến tăng gấp 3 trong giai đoạn từ 2023 đến 2030.
Các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ, có thể vận chuyển bằng đường biển, đang được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội mở rộng ứng dụng năng lượng điện hạt nhân trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày càng tăng trên toàn cầu. Đặc điểm nổi bật của các nhà máy này là khả năng phát điện tập trung, không bị ảnh hưởng bởi địa hình, thời tiết hay các yếu tố khác so với những nguồn cung khác.
Nghiên cứu trước đó cho thấy sau sự cố Chernobyl, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới gần như đình trệ. Nếu xu hướng phát triển trước đó được duy trì, riêng Mỹ có thể đã xây dựng thêm 170 lò phản ứng. Thay vào đó, hiện nay điện hạt nhân chỉ đóng góp 20% sản lượng điện của Mỹ, chủ yếu từ các lò phản ứng nước nhẹ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước.
Được biết, sau báo cáo thu nhập quý II tốt ngoài mong đợi, Zuckerberg và giám đốc tài chính Susan Li khẳng định AI đã giúp Meta phát triển nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số – lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty. Những nhà đầu tư hoài nghi cách CEO Mark Zuckerberg chi tiêu cho AI có thể nhìn vào tình hình hiện tại để tạm an lòng.
“AI cải thiện các đề xuất và giúp mọi người tìm thấy nội dung tốt hơn, làm cho trải nghiệm quảng cáo hiệu quả hơn… Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lợi thế. Đó là những sản phẩm có quy mô. AI mà chúng tôi đang thực hiện sẽ cải thiện mọi thứ”, Mark Zuckerberg nói.
Meta hiện vẫn chưa ngừng chi tiền cho AI và mới đây nhất là các nhà máy điện hạt nhân phục vụ tham vọng. Giám đốc tài chính Li cho biết Meta kỳ vọng “tăng trưởng sẽ đáng kể vào năm 2025 khi chúng tôi đầu tư hỗ trợ nghiên cứu AI và nỗ lực phát triển sản phẩm của mình”.
Đối với năm 2024, Meta kỳ vọng chi tiêu vốn sẽ nằm trong khoảng từ 37 đến 40 tỷ USD. Các nhà đầu tư nên coi chiến lược AI của Meta như một cách tiếp cận hai hướng, trong đó “AI cốt lõi” giúp Meta cải thiện nền tảng quảng cáo và hệ thống đề xuất, giúp thu hút nhiều người dùng hơn và tăng hiệu suất quảng cáo.
“Chúng tôi rất tự tin rằng mình là người đi đầu”, Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta chia sẻ với tờ Nikkei. “Chúng tôi đã đi tiên phong khá nhiều kỹ thuật phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và vừa thành lập một nhóm AI sáng tạo mới từ vài tháng trước. Đây có lẽ sẽ là lĩnh vực mà tôi, CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox chú trọng trong thời gian tới”.
Theo: Reuters, WSJ