TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Masan chi 1.600 tỷ mua 5 tầng lầu Quận 1 của Techcombank làm ‘phi thuyền vũ trụ’, ACV và Vietjet lập ‘quận hàng không’ tại Tân Bình

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD (tỷ đô).

Nếu nhìn theo khu vực, có 19 doanh nghiệp tỷ đô tại Tp.Hồ Chí Minh, chưa tính CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) – doanh nghiệp có trụ sở chính tại Bình Dương nhưng thực tế văn phòng điều hành ‘đầu não’ nằm tại Q.Tân Bình. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của nhóm Tp.HCM (bao gồm cả MWG) là 69,4 tỷ đô – bằng 54% tổng vốn hóa của nhóm tại thủ đô Hà Nội (128 tỷ đô).

Điều này không khó hiểu khi nhóm ngân hàng ‘khủng’ như Vietcombank, BIDV, Vietinbank hay các đại gia như nhóm Vingroup, Viettel, FPT, Hòa Phát… đều tập trung ở Hà Nội.

Tại Tp.HCM, chỉ có duy nhất 1 cái tên đạt mức vốn hóa trên 10 tỷ đô, đó là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với giá trị 11 tỷ đô. Có 3 cái tên đạt mức trên 5 tỷ đô, đó là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH) với 7,4 tỷ đô, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán GAS) với 6,4 tỷ đô và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) với 5,3 tỷ đô.

Một điểm thú vị là 5 doanh nghiệp tỷ đô gắn với tên tuổi của 5 nữ doanh nhân là REE (gắn với bà Mai Thanh), Vietjet Air (gắn với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo), Vinamilk (gắn với bà Mai Kiều Liên), PNJ (gắn với bà Cao Thị Ngọc Dung) và FPT Retail (gắn với bà Bạch Điệp) đều nằm tại Tp.HCM – nơi kinh tế sôi động và cởi mở hàng đầu Việt Nam.

Nhìn theo quận, Quận 1 xứng danh là quận giàu có, xa xỉ nhất phía nam khi tập trung tới 8 doanh nghiệp tỷ đô, trong đó có 3 ngân hàng (HD bank, VIB, Eximbank) và công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam là SSI. Tổng giá trị vốn hóa tại Quận 1 là 23,4 tỷ đô – lớn nhất khu vực Tp.HCM.

Tuy nhiên, Eximbank (1,4 tỷ đô) sẽ rời trụ sở khỏi đây. Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 11/2024 của ngân hàng này, tờ trình về nội dung chuyển địa điểm trụ sở chính từ 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM về số 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được thông qua. Hoàn Kiếm cũng là “thủ phủ” của nhóm ngân hàng, nơi đặt trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một trụ sở gây chú ý trong khu vực này là của Tập đoàn Masan. Tháng 9/2023, Tập đoàn Masan (MSN) chuyển trụ sở từ tòa nhà Central Plaza số 17 Lê Duẩn sang số 23 Lê Duẩn, và tháng sau đó, công ty con là Masan Consumer (MCH) cũng chuyển trụ sở từ tòa MPlaza Saigon số 39 Lê Duẩn sang địa chỉ này.

23 Lê Duẩn vốn là tòa nhà Techcombank Sài Gòn nhưng trong năm 2024, phía Masan mua lại từ tầng 15 đến tầng 20 (tương đương 5.776m2) với giá hơn 1.600 tỷ đồng, sau đó đặt tên là “Masan Tower”.

Được biết, Masan Tower được thiết kế theo cảm hứng từ trạm không gian cũng như phi thuyền vũ trụ, SpaceX và NASA.

Các phòng ban từ tầng 15 đến 18 bố trí như khoang không gian làm việc và sống của phi hành đoàn. Trong khi đó, tầng 19 – khu vực làm việc và họp của Hội đồng quản trị được thiết kế như bàn lái phi thuyền nơi chỉ huy và phi công điều phối.

Quận Tân Bình – có thể đặt tên là quận “hàng không”. Với việc có trụ sở của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) tại số 58 đường Trường Sơn, quận Tân Bình đã trở thành quận có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 sau quận 1. Ngay bên cạnh ACV, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đặt cơ quan đầu não ở tòa CT Plaza số 60 đường Trường Sơn, dù trụ sở chính đăng ký tại Hà Nội. Cách đó hơn 3km là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại Huyện Nhà Bè , tòa PV Gas Tower (ban đầu có tên là Dragon Tower) khánh thành vào tháng 7/2011 và được gắn biển “Công trình chào mừng 50 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam”. Chủ đầu tư của là Hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty CP (PV GAS) nắm 70%, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu Khí – CTCP (PVE) nắm 20% và Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long nắm 10%.

Sau khi tòa PV Gas khánh thành, Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) đã chuyển trụ sở làm việc từ quận Tân Bình về đây. Nhiều công ty thành viên của PV GAS cũng cùng đặt trụ sở.


Theo Lan Hạ

Nguồn

Exit mobile version