Xã Hội

Miền Trung mưa lớn, bão đôi hoạt động ra sao trên Biển Đông?

Hai cơn bão hoạt động trên Biển Đông thế nào?

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 19 giờ hôm nay, vị trí tâm bão số 7 (bão Yinxing) ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 km về phía bắc. Bão mạnh cấp 11 (103 – 117 km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng tây nam, tốc độ khoảng 5 km/giờ.

Bản đồ 2 cơn bão hoạt động trên Biển Đông

Đến 19 giờ ngày 11.11, bão số 7 ở vị trí 16,1 độ vĩ bắc; 110,3 độ kinh đông; trên vùng biển phía tây quần đảo Hoàng Sa. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Một ngày sau, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và đi sâu vào khu vực Tây nguyên rồi tan dần.

Hiện tượng bão đôi và nguyên nhân bão số 7 giảm tới 9 cấp khi đổ bộ

Do ảnh hưởng của bão số 7, vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7 – cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao 3 – 5 m, vùng gần tâm 5 – 7 m; biển động dữ dội.

Từ sáng 11.11, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên – Huế đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6 – cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 2 – 4 m; biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trong khi bão số 7 đang hoạt động, ở vùng biển Philippines đang xuất hiện cơn bão Toraji. Lúc 19 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ bắc; 124,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon. Bão mạnh cấp 11 (103 – 117 km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.

Đến 19 giờ ngày 11.11, bão ở trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đây là cơn bão số 8 hoạt động trên Biển Đông năm nay.

Khoảng 19 giờ ngày 12.11, bão số 8 ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 117,0 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, sau có khả năng đổi hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5 – 10 km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

Do ảnh hưởng bão số 8, từ ngày 11.11, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6 – cấp 7, sau tăng lên cấp 8 – cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao 3 – 5 m, vùng gần tâm 5 – 7 m; biển động dữ dội.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ứng phó mưa lớn do bão số 7

Ngoài ra, từ gần sáng 12 – 13.11, ở khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 – 150 mm, có nơi trên 250 mm. Từ đêm 13.11, mưa lớn giảm dần.

Trước dự báo mưa lớn, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố :Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; các bộ: Quốc phòng, Công an, TN-MT, GTVT, Công thương, TT-TT theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cạnh đó, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.


Nguồn