Mỗi bước chạy hôm nay sẽ đưa chúng ta đến gần hơn một thế giới không còn nỗi sợ hãi, kỳ thị và bạo lực
Phố đi bộ Trần Nhân Tông và Hồ Thiền Quang hôm nay 08/12/2024 tràn ngập năng lượng và tinh thần đoàn kết khi hơn 2.000 vận động viên ở mọi lứa tuổi, giới tính và năng lực quy tụ vì một sứ mệnh to lớn: tham gia Giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái lần thứ 3.
Giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái lần thứ 3 thu hút 2000 vđv tham gia |
Sự kiện này được tổ chức nhằm hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Hướng tới 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh: Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” và Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là minh chứng cho cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tiếp nối thành công của hai năm trước, giải chạy được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Chính phủ Úc. Giải chạy hướng tới một thế giới hạnh phúc, không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái – những người chịu nhiều ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở giới – thông qua một hoạt động thể thao được nhiều người yêu thích và dễ tiếp cận.
Sự kiện năm nay đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (Tổ chức Vì sự đa dạng giới và Tính dục Na Uy), các đại sứ quán (Đại sứ quán Thụy Sĩ), các tổ chức thuộc khu vực tư nhân (Movenpick Hotel Hanoi Centre, công ty ON) và chính những người chạy, nhấn mạnh quyết tâm đoàn kết để giải quyết vấn đề cấp bách về bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, chia sẻ niềm tự hào về thành công của sự kiện: “Tham gia sự kiện hôm nay, chúng ta ủng hộ cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, nói không với bạo lực giới. Chúng ta có thể thuộc số ít, chúng ta có thể thuộc số đông, khi đã bên nhau và cùng nhau vì những điều tốt đẹp, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự thay đổi tích cực. Chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của sự đa dạng, tôn trọng hạnh phúc của các cá nhân, của các cặp đôi, các gia đình, vì một Việt Nam không có bạo lực giới.”
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA chia sẻ tại sự kiện |
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ông Matt Jackson, chia sẻ về thành công của sự kiện: “Số người tham gia và hưởng ứng giải chạy ngày hôm nay là minh chứng cho thấy sức mạnh của cộng đồng, tái khẳng định bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ không được dung thứ. Cùng nhau, chúng ta đang kiến tạo một tương lai nơi mỗi chúng ta có thể sống hạnh phúc mà không e sợ bạo lực. Những nỗ lực trong việc tham gia giải chạy hôm nay đã đưa chúng ta đến gần hơn mục tiêu đó và chúng ta chắc chắn sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được điều đó.”
“Mỗi bước chạy hôm nay sẽ đưa chúng ta đến gần hơn một thế giới không còn nỗi sợ hãi, kỳ thị và bạo lực” – Ông Matt Jackson nói thêm.
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ông Matt Jackson, |
Bà Cherie Russell – Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, đã bày tỏ trong bài phát biểu: “Australia tự hào hỗ trợ các sáng kiến như Giải chạy năm nay, giúp làm sáng tỏ những thách thức đang diễn ra do bạo lực trên cơ sở giới. Năng lượng và sự quyết tâm mà mọi người thể hiện ngày hôm nay thật truyền cảm hứng, tái khẳng định cam kết chung của chúng ta để đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em nào phải sống trong sợ hãi bạo lực.“
Hơn 2.000 người tham gia sự kiện, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và đại diện cộng đồng LGBTQI+, những người khuyết tật, thể hiện tinh thần hòa nhập và tính toàn diện của phong trào chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những người chạy đã lựa chọn giữa hai chặng với tên gọi chặng “Yêu Thương” (2,5km) và chặng “Đồng Hành” (5km), nêu bật sự đoàn kết và thông điệp chung về việc tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời phá vỡ sự im lặng để chấm dứt bạo lực trong giải chạy quan trọng này.
2e8773bf2bff8a4bb36684953240e67b-1706.jpg |
Không chỉ là một giải chạy thông thường, sự kiện đã trở thành “Ngày hội của tình yêu và hạnh phúc”, mang đến cơ hội tuyệt vời cho những người tham gia. Các hoạt động nâng cao nhận thức đã được tổ chức xuyên suốt sự kiện, cung cấp cho người tham gia những kiến thức và hành động để chống lại bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện cũng nêu bật tiếng nói của người bị bạo lực và những người ủng hộ, thúc đẩy một cuộc đối thoại mạnh mẽ về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ người bị bạo lực.
Đại diện cho tiếng nói của 200 người khuyết tật tham gia giải chạy, Mai*, 20 tuổi, chia sẻ: “Là một phụ nữ khuyết tật, em thường cảm thấy mình không được quan tâm hay thường bị ngó lơ. Nhưng hôm nay, được bao quanh bởi sự đoàn kết của mọi người vì một mục tiêu ý nghĩa khiến em cảm thấy được trao quyền và hòa nhập. Việc sát cánh trong giải chạy cùng những người khác có cùng quyết tâm tạo ra một thế giới an toàn hơn, bình đẳng hơn là điều vô cùng đặc biệt. Đó là lời nhắc nhở rằng tiếng nói của chúng ta dù khác biệt đến đâu cũng rất mạnh mẽ khi cùng nhau đấu tranh cho một sứ mệnh. Em tự hào khi được ở đây, cho thấy rằng mọi người đều có vai trò trong việc chấm dứt bạo lực và xây dựng một tương lai tôn trọng và bình đẳng.”
Tiếp nối thành công của các sự kiện năm 2022 và 2023, Giải chạy năm nay đã củng cố thêm vai trò như một sáng kiến tiên phong nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Khi những người tham gia giải chạy về đích ngày hôm nay, họ không chỉ mang theo mình huy chương – họ còn mang theo hy vọng của một quốc gia đang đấu tranh cho sự tôn trọng và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Giải chạy năm nay đã củng cố thêm vai trò như một sáng kiến tiên phong nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam |
Theo Báo cáo điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA và Chính phủ Australia, cứ ba phụ nữ thì có hai người (62,9%) đã từng bị chồng bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Ngoài ra, phần lớn phụ nữ (90,4%) bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác và/hoặc tình dục đều không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ chính thức hoặc chính quyền, và một nửa trong số họ chưa bao giờ kể cho ai nghe về tình trạng bị bạo lực của mình. Bạo lực trên cơ sở giới gây thiệt hại cho Việt Nam 1,8% GDP mỗi năm.
Giải chạy năm 2024 mang đến cơ hội tham gia miễn phí cho những người tham gia thuộc nhóm dễ bị tổn thương và đối tượng thụ hưởng ưu tiên của chương trình (bao gồm người khuyết tật, cộng đồng LGBTIQ+, trẻ em và thanh thiếu niên). Ngoài ra, để mở rộng đối tượng tham gia và lan tỏa thông điệp tích cực của Giải chạy, ban tổ chức kêu gọi sự đóng góp của những người tham gia tự chi trả chi phí cho Bộ vật phẩm gồm áo, BIB và huy chương khi tham gia giải chạy. Khoản phí này chỉ dành cho việc sản xuất Bộ vật phẩm và không vì mục đích lợi nhuận.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2022, Giải chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là ý tưởng để thu hút sự quan tâm của công chúng và khuyến khích cộng đồng tham gia vào một sự kiện thể thao tích cực mang thông điệp ý nghĩa về sự tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2022, giải chạy đã thu hút 450 người tham gia. Năm 2023, sự kiện trở lại với thành công lớn hơn, thu hút 1.700 người tham gia, bao gồm sự hiện diện rộng rãi của nhiều đối tượng trong cộng đồng: thanh thiếu niên, người khuyết tật, đại diện từ các tổ chức xã hội, cơ quan ngoại giao và các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) là cơ quan chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của Liên Hợp Quốc. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được theo ý muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và mỗi người trẻ đều được phát huy đầy đủ các tiềm năng của mình”. Năm 2018, UNFPA đã triển khai các nỗ lực chiến lược nhằm đạt được ba kết quả và hoài bão mang tính chuyển đổi, hứa hẹn thay đổi thế giới cho mọi nam giới, nữ giới và người trẻ tuổi: không có ca tử vong mẹ khi có thể ngăn ngừa, không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng, không bạo lực trên cơ sở giới và không có bất cứ thực hành nào có hại như tảo hôn và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là cốt lõi trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA đã được Ban Điều hành UNFPA thông qua vào tháng 09 năm 2021.
– Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) được thành lập từ năm 2001, hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ và truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em gái hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, không có bạo lực giới. Sử dụng các phương pháp sáng tạo, kết hợp nghệ thuật và các hoạt động giải trí, thể thao để truyền đi thông điệp tích cực và thúc đẩy những giá trị tốt đẹp, khơi dậy ánh sáng bên trong mỗi con người là cách tiếp cận mà CSAGA nỗ lực theo đuổi trong các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới của mình. Kể từ khi thành lập, CSAGA đã hỗ trợ và đồng hành với hàng chục nghìn phụ nữ bị bạo lực, thực hiện hàng trăm sáng kiến truyền thông và hoạt động sáng tạo về chủ đề này, bao gồm cả những hoạt động nhằm hưởng ứng “Tháng hành động Quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” trong nhiều năm qua.