Mua nhiều đơn hàng dưới 5 triệu/đơn trong ngày, chuyển khoản mới được khấu trừ thuế?
Được ủy quyền cho người lao động thanh toán không dùng tiền mặt
Thuế TP.Hà Nội vừa đưa ra một số hướng dẫn liên quan tới nội dung khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực từ ngày 1.7.
Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1.7
Theo đó, để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán không được coi là thanh toán không dùng tiền mặt).
Hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được ủy quyền cho cá nhân là người lao động của cơ sở kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của cơ sở kinh doanh, sau đó cơ sở kinh doanh thanh toán lại cho người lao động bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Mua hàng hóa 5 triệu trở lên phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn, các quy định chỉ điều chỉnh ngưỡng giới hạn thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng (theo luật Thuế giá trị gia tăng 2008 – PV) xuống 5 triệu đồng cho mỗi giao dịch.
Khẳng định điểm mấu chốt của sự thay đổi này là mỗi giao dịch phát sinh từ 5 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế, lãnh đạo Cục Thuế kỳ vọng, quy định mới sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, hạn chế thất thu ngân sách và nâng cao tính minh bạch trên thị trường.
Xung quanh hạn mức 5 triệu đồng, trên nhiều diễn đàn về thuế, kế toán xuất hiện các tình huống đặt ra như, nếu trong ngày, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ nhiều lần của cùng người bán, mỗi lần có giá trị dưới 5 triệu đồng mà tổng cả ngày vượt 5 triệu đồng thì có bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng hay không?
Ở khía cạnh này, Thuế TP.Hà Nội thông tin: trong trường hợp cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ của một người nộp thuế có giá trị dưới 5 triệu đồng/đơn hàng, nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều trường hợp tiêu dùng nội bộ không phải tính thuế
Thuế TP.Hà Nội nêu rõ nhiều trường hợp tiêu dùng nội bộ không phải tính thuế giá trị gia tăng.
Đó là: hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở kinh doanh như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh trong một cơ sở kinh doanh.

Giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được xác định bằng 0
Hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung cấp sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả tài sản cố định do cơ sở kinh doanh tự xây dựng, tự sản xuất).
Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng; tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
Thuế TP.Hà Nội thông tin thêm, giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại được xác định bằng 0.
Trừ trường hợp bán hàng, cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung cấp dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại (khuyến mại bằng hình thức giảm giá) thì giá tính thuế là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.