TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm toàn quốc, nhưng còn nhiều việc phải làm

Ngày 8.11, Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Đại học Y Dược TP.HCM) tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm năm 2024, hướng đến liên thông công nhận kết quả xét nghiệm trên toàn quốc năm 2025.

TS Lê Văn Chương, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (gọi tắt là Trung tâm), cho biết tính đến nay, Trung tâm triển khai đầy đủ tất cả các lĩnh vực xét nghiệm, đặc biệt giải phẫu bệnh, di truyền. Đã có hơn 700 phòng xét nghiệm tham gia kiểm chuẩn, tăng hơn 14%; tổng các chương trình xét nghiệm tăng hơn 16%. Đặc biệt, xét nghiệm do trung tâm sản xuất (nội địa hóa) tăng đột biến lên đến 30%. Chương trình xét nghiệm do chúng tôi xây dựng đã khá tiệm cận với quốc tế, năm 2025 hy vọng chiếm 50% thị phần”, TS Chương nói.

Năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc

Về công tác đánh giá chất lượng xét nghiệm, theo ông, đến nay, Trung tâm đã đánh giá, hỗ trợ được 41 đơn vị. Kết quả cho thấy chất lượng xét nghiệm các đơn vị hiện đa số nằm mức 2 (từ 35% – dưới 65% tổng số điểm) và mức 3 (65% – dưới 85% tổng số điểm); trên 10% các đơn vị xếp mức 4 (89% – dưới 95% tổng số điểm). Nhưng còn các đơn vị chưa xếp mức hoặc mức 1 (từ 20% – dưới 35% tổng số điểm). Chưa có đơn vị nào được đánh giá mức 5 (từ 95% tổng số điểm). Khu vực Đông Nam bộ nằm ở mức 4 khá cao”, TS Chương thông tin…

TS Chương nhìn nhận, còn một số tồn tại trong kiểm chuẩn xét nghiệm, quản lý xét nghiệm. Theo đó, nhiều đơn vị hiện chưa được đánh giá xếp mức chất lượng phòng xét nghiệm. Phần lớn các Sở Y tế chưa thực hiện đánh giá và công bố mức chất lượng phòng xét nghiệm cho đơn vị trong phạm vi quản lý. Công tác mua sắm đấu thầu còn chậm dẫn đến một số đơn vị thiếu hóa chất, vật tư tiêu hao cho hoạt động xét nghiệm. Thiếu đơn vị chuyên trách thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị phòng xét nghiệm. Công tác quản lý chất lượng xét nghiệm tại các khoa đặc thù còn nhiều bất cập.

Chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh

Về phương hướng nhiệm vụ, theo TS Chương, năm 2025, ngoài triển khai các chương trình ngoại kiểm, Trung tâm còn đưa vào sử dụng phần mềm phân tích mới, mang lại sự tiện lợi và cho kết quả chính xác. Trung tâm triển khai hoạt động hiệu chuẩn trang thiết bị phòng xét nghiệm để hoạt động này đi vào thực tiễn. Vì qua đánh giá cho thấy, một số nơi đang làm khá hình thức, kiểm định hiệu chuẩn chung chung không chuyên biệt cho trang thiết bị phòng xét nghiệm dẫn đến chất lượng trang thiết bị chưa được đảm bảo.

PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học được Bộ Y tế giao nhiệm vụ kiểm chuẩn xét nghiệm phụ trách các đơn vị Trung ương trên địa bàn TP.HCM và 18 tỉnh phía nam.

Theo ông, xét nghiệm là lĩnh vực góp phần quyết định 70% trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Do đó, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng xét nghiệm, chi phí phù hợp, đảm bảo liên thông theo quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 – 2025). Theo quyết định này, mục tiêu đến 2025 liên thông kết quả xét nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

“Muốn liên thông xét nghiệm thì phải chuẩn hóa và quản lý chất lượng tốt”, PGS-TS Ngô Quốc Đạt nói.


Nguồn

Exit mobile version