Người nước ngoài vẫn khó mua nhà ở
Tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà vừa thu hút lượng lớn nguồn vốn, vừa giảm tồn kho phân khúc nhà hạng sang và cao cấp.
Nhu cầu lớn
Ông Kennth M Atkinson – Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho biết, có khoảng 100.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Con số này lên đến 300.000 người nếu tính cả những người có visa tạm thời 3 tháng. Ông Kennth đánh giá, giá nhà tại Việt Nam rất ổn đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, người nước ngoài lại rất khó mua nhà ở Việt Nam. Ông Kennth M Atkinson dẫn chứng, nhiều người châu Âu đến Thái Lan sống và làm việc và đều dễ dàng mua nhà. Bởi vậy, nếu chính sách của Việt Nam tạo điều kiện để người nước ngoài dễ dàng mua nhà hơn, thì đây sẽ là kênh thu hút đầu tư, thu hút du lịch lớn.
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM (HREC) cũng cho biết, tại Singapore, người nước ngoài có thể mua được căn hộ thứ 2. Theo ông Bảo, mỗi năm, Việt Nam thu hút một lượng lớn nguồn vốn FDI. Điều này cho thấy, số lượng người nước ngoài đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam không nhỏ, từ đó phát sinh nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, số lượng Việt kiều ở các nước cũng không ít. Hiện có trên 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và có nhiều người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Nếu họ được mua nhà ở Việt Nam thì sẽ hút về lượng lớn dòng tiền. Đây là nguồn vốn tốt cho xã hội.
Theo tính toán của HREC, nếu đáp ứng đủ nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài và Việt kiều sẽ thu về khoảng 1 triệu tỷ đồng. Như vậy, bán nhà cho người nước ngoài, Việt kiều vừa thu hút một lượng lớn nguồn vốn, vừa giải quyết được lượng lớn hàng tồn kho ở phân khúc cao cấp hiện nay.
Vẫn vướng về pháp lý
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam chia sẻ, nhu cầu nhà ở của người nước ngoài rất cao. Theo CBRE, trong gần 10 năm qua, gần 5.000 giao dịch được đơn vị này thực hiện thì có đến 45% là giao dịch với người nước ngoài. Vì vậy theo CBRE, giải pháp nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều là vấn đề cần được quan tâm. Tuy nhiên, do vướng mặt pháp lý nên việc người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam vẫn còn khó khăn. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, việc tiếp cận nhà ở của người nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp trong thời gian qua.
Ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cho hay, Điều 14 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định về các giao dịch và đối tượng bất động sản mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện như: mua nhà, văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh,… theo đúng công năng. Thế nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện những giao dịch này. “Việc áp dụng các quy định liên quan tới giao dịch mua, thuê bất động sản đối với người nước ngoài, Việt kiều chưa rõ ràng và không thống nhất giữa các địa phương nên khó triển khai các giao dịch” – ông Hồng cho biết.
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà là người nước ngoài vẫn đang có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, cho nên có nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng có những sửa đổi về mặt pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện giao dịch mua nhà ở của người nước ngoài, Việt kiều nhằm đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà giúp người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam, cũng là tăng nguồn vốn cho xã hội.
Theo Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, hiện vẫn thiếu các quy định pháp luật cần thiết để vận dụng trong thực tế. Đối với Luật Nhà ở, lần đầu tiên cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ có 4 – 5 điều. Hiện đang có Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở cũng chỉ có 7 điều, như vậy là quá ít.