Phụ Nữ

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Tháng 9, tin bão dữ, lũ về dồn dập như xói vào tim của AloBacsi – Kênh truyền thông và tư vấn sức khỏe miễn phí cho cộng đồng có thâm niên 13 năm. Những năm trước, AloBacsi không ngồi yên khi miền Trung mưa bão. Nay lại càng không thể đứng ngoài cuộc khi đồng bào miền Bắc chơi vơi giữa dòng nước xoáy đục ngầu sau cơn bão Yagi.

Trước tình thế cấp bách, AloBacsi nguyện làm người truyền lửa, gieo duyên cùng các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ viết nên hành trình trao gửi những viên thuốc yêu thương, tiếp thêm sức mạnh bằng hiện kim để bà con sửa lại mái ấm, tái thiết cuộc sống sau bão lũ. 3 chuyến đi của hành trình, đoàn đã chia sẻ hơi ấm tại 5 tỉnh miền Bắc.

Khởi đầu hành trình AloBacsi “chở lửa ấm”, ươm mầm yêu thương

Ngày 11/9, AloBacsi mang theo “hơi ấm” của người phương Nam, của các mạnh thường quân là bác sĩ, là bạn đọc về phương Bắc, bắt đầu hành trình đầu tiên ngay khi lũ còn chưa rút tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái và Tuyên Quang, với mục tiêu tìm ra cách thiết thực nhất giúp bà con tái thiết cuộc sống sau bão lũ.

Tại Thái Nguyên (11/9), đoàn bắt tay vào khám bệnh và phát thuốc cho địa bàn ngập sâu ngay trong ngày nước bắt đầu rút. Với bà con vùng đất này, đây là lần đầu tiên trong đời họ trải qua cơn lũ, mà lại còn là cơn lũ dữ. Ai cũng mừng mừng tủi tủi, tay bắt mặt mừng như gặp người thân, kể về những kỳ tích thoát chết của mình và mô tả đợt lũ này như “cơn đại hồng thủy”. Nước lên nhanh, trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ đã cao lút đầu, có nơi ngập sâu đến 3-4m. 

Nước rút dần, nhà cửa ngổn ngang, người dầm nước đau nhừ. Tất cả đều sống trong cảnh không điện, không nước, không thể liên lạc với bên ngoài do không có xuồng. Oằn mình đón lũ, bà con ở Thái Nguyên huyết áp tăng phừng phừng, nhiễm lạnh, cảm, ho sốt, đau nhức toàn thân, đau mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa do ô nhiễm nguồn nước. Trẻ em, người lớn đều gãi tróc da cả tay lẫn chân do ngâm nước lũ.

Xuyên suốt hành trình, dù có khi khám đến gần nửa đêm, BS.CK2 Trần Thị Thành Huế – thành viên của đoàn AloBacsi vẫn luôn tươi cười ân cần hỏi chuyện từng người, làm các cụ, các bà, các cô ai nấy đều ấm lòng.

4 thùng thuốc hết veo tại điểm khám ở Thái Nguyên. Dù mong mỏi được khám, nhưng ai nấy đều chỉ lấy đủ phần mình, dặn dò cho ít thuốc thôi để còn đi địa phương khác, nhiều chỗ bị nặng lắm. Nghĩa tình trong bão lũ luôn khởi nguồn từ những điều dung dị như vậy.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Tại Yên Bái (12/9) – một trong những tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề – đoàn khám bệnh tới 9 giờ đêm, trao 100 triệu cho các gia đình mất người thân, sập nhà tại thôn Tiền Phong (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên) và thôn Liên Hiệp (xã Ngòi A, huyện Văn Yên).

Nhiều vùng tại Yên Bái tan hoang bùn đất, nước lũ vẫn đặc quánh dữ tợn chảy về, vò nát mọi thứ. Sạt lở, đá lăn lẫn lộn san phẳng mọi thứ mà nó đi qua, cướp đi cả mái ấm, sinh mạng và để lại tương lai trước mắt mờ mịt. Lũ quét chia cách giao thông, khó tiếp cận cứu trợ,  nhiều bà con không có nơi để về, chịu cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều điểm sạt lở chực chờ tái sạt.

Cảnh đưa tang giữa mênh mông sóng nước khiến trái tim quặn thắt. Có gia đình đóng tạm mấy cái hòm gỗ bằng những tấm ván cũ nứt nẻ, mốc thếch, chưa kịp bào cho phẳng phiu. Rồi đến thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình mất người thân sau cơn lũ dữ. Không khí thâm u bao trùm khắp làng quê nghèo. Những quả đồi bị cắt gọn một vạt lớn, đất đá ngổn ngang trong nhà.

Qua lời kể của bà con, tất cả các vụ sập nhà có chung diễn tiến. Sau tiếng nổ xé trời, chỉ chưa đầy 3 phút,  cơn lũ đất đá hàng chục tấn ùng ục tràn xuống, san phẳng mọi thứ trên đường đi. Một vùng đất bình yên bỗng chốc thành chốn hoang tàn, nhiều ngôi nhà đổ nát, nhiều sinh mạng vùi sâu.

Những người thoát chết trong gang tấc đứng chết trân nhìn tài sản, nhà cửa chìm trong đất đá, tim đập như trống trận, chân tay bủn rủn. Tất cả những đồng tiền cắc củm để dành đều bị lũ cuốn sạch bách, trong khi nợ nần xây nhà, vay mượn chăn nuôi vẫn còn treo lơ lửng.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cầm những viên thuốc trên tay, bà con rưng rưng xúc động. Đoàn bác sĩ của AloBacsi đến khám kịp thời tựa như một liều thuốc bổ, tiếp thêm sức mạnh cho họ để đứng dậy sau tang thương.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Sau Thái Nguyên và Yên Bái, đoàn tiếp tục hướng về Tuyên Quang (13/9). Khi ấy, AloBacsi mạnh dạn nghĩ, qua cơn bão lũ, bà con không còn quá cấp bách cần đến sự hỗ trợ về lương lực nữa. Nếu giúp thì giúp hẳn xây nhà.

Nghĩ là làm, đến Tuyên Quang, AloBacsi bàn bạc và thống nhất cách làm với Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân tỉnh, tiến hành xây dựng nhà cho gia đình bị sập nhà do mưa bão. Tỉnh đưa ra giá trị tài trợ mỗi căn nhà là 50 triệu đồng.

AloBacsi trích quỹ cứu trợ trao ngay 100 triệu đồng để xây mới cho hai gia đình bị sập nhà hoàn toàn. Hội Chữ thập đỏ và Hội Nông dân sẽ lập ban vận động kêu gọi ngày công miễn phí và mua vật tư giá vốn, cùng các nguồn lực xã hội khác, chung sức xây nên mái nhà của tinh thần tương thân tương ái. Nhà sẽ theo thiết kế và có bản vẽ của Sở Xây dựng, đảm bảo chất lượng. Diện tích mỗi căn là 75m2, giá trị thực là 120 triệu đồng/căn.

Trong chuyến đi này, đoàn cũng ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nhúc (sinh năm 1995, trú tại thôn Cầu Cao II, xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên) và con gái 5 tuổi không may thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi khi qua cầu. Người lao động chính trong gia đình ra đi, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ, cùng khoản nợ xây nhà chưa trả hết.

BS.CK2 Trần Thị Thành Huế đã nhận đỡ đầu cho bé út mới 2 tháng tuổi. Từ phương Nam xa xôi vẫn sẽ đồng hành, gửi tiền sữa hàng tháng, cùng các con trên hành trình trưởng thành sắp tới. AloBacsi cũng trao tặng 10 triệu đồng, chia sẻ phần nào với những mất mát của gia đình.

Hoàn thành 72 giờ sống cùng tâm lũ, cả 3 tỉnh AloBacsi đến thăm đều đáp lại bằng rất nhiều cái nắm tay, thay cho lời cảm ơn, vì “đoàn ấm áp, đem lại sự an ủi và sức mạnh tinh thần quý giá, tiếp thêm động lực cho chúng tôi trong việc “bắt tay làm lại từ đầu”.

Cuộc hành quân về mảnh đất nghĩa tình Tuyên Quang

Chuyến đi thứ 2 (từ 22/9 – 24/9), AloBacsi quay trở lại với Tuyên Quang – mảnh đất nghĩa tình, dang rộng cánh tay chia sẻ hàng tấn lương thực tốt nhất khi dịch Covid-19 bao vây TP HCM. Nơi đây, mặc dù không phải là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, song lại thiếu hụt nguồn lực y tế chăm sóc sức khỏe sau khi những đợt lũ dữ quét qua.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Từ thực tế địa phương báo về, cuộc hành quân đến Tuyên Quang, đoàn khởi hành với 200 kiện hàng, đội ngũ 30 bác sĩ, dược sĩ từ các bệnh viện lớn ở TP HCM và các tỉnh thành tình nguyện lên đường.

Trong đó có 86 thùng thuốc men với hơn 100 loại thuốc từ điều trị kháng sinh, kháng viêm, tim mạch, huyết áp, cơ xương khớp đến thuốc bổ cho người già như hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ cho trẻ em, phụ nữ mang thai đều chất lượng.

Đây là một trong những lần khám bệnh, phát thuốc có cơ số thuốc dồi dào nhất mà AloBacsi thực hiện. Tất cả kế hoạch, vận động các nhà tài trợ, tập kết thuốc-quà… cho hành trình này thực hiện tươm tất chỉ chưa đầy 1 tuần.

Đặt chân đến Tuyên Quang càng cảm nhận rõ rệt lũ không “nể nang” nơi nào. Nhiều khu vực bị nước lụt hành cho xơ xác. Dấu tích của trận lũ lịch sử cao gần 3m in hằn khắp các ngôi nhà tại xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn), xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa) và huyện Na Hang – nơi AloBacsi đến khám bệnh và trên cả những ngọn cây cao lớn 5-7m, bùn khô phủ bạc phếch bên đường.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Những chuyến xe không dám nối đuôi nhau, thấp thỏm đi cách xa hàng trăm mét. Trong cơn cuồng nộ, lũ quét đã phá tan những con đường kiên cố nhất. Đất đá chực chờ nuốt chửng cả vùng đất rộng lớn. Trong khi nhà sụp hố, long chân thì hoa màu, cây cối bị quật ngã tơi tả, toang hoác cả những bụi tre kiên cường 5-6 người ôm không xuể.

Đường sá còn trắc trở, vậy mà khi hay tin đoàn bác sĩ đến khám, bà con không quản ngại khó khăn đến chật cả điểm khám, vượt gấp đôi con số dự kiến ban đầu. Người dân xuýt xoa trước những thùng thuốc “khủng”, “nhiều chưa từng thấy bao giờ”, “đổ bộ” xuống các trạm y tế và chia hết vào các toa, các túi thuốc.

Đáp lại chân tình của bà con, đoàn bác sĩ – dược sĩ đều trên tinh thần – làm hết sức, ăn uống – nghỉ ngơi tinh gọn, đơn giản nhất. Sẵn sàng đi vào vùng thiên tai, 30 người “trong màu áo trắng” kỷ luật như bộ đội, chiến sĩ. Thậm chí, có ngày chỉ ăn 1 bữa, khám đến quên cả cơn đói. Nhiều bác sĩ vừa khám bệnh vừa lặng lẽ rút tiền tặng thêm cho bệnh nhân.

Mỗi gia đình đến khám, đoàn trao tặng 1 túi thuốc, trong đó có 12 loại thiết yếu như đau đầu, hạ sốt, tiêu chảy, dị ứng, bù nước, bông băng, gạc… Ngoài ra, trước khi bắt tay vào thăm khám, hỏi bệnh, các bác sĩ dành thời gian tư vấn về các bệnh lý, dịch bệnh có thể phát sinh sau bão lũ.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Đồng thời, đoàn còn hướng dẫn cách vệ sinh môi trường, nhà cửa, nâng cao sức đề kháng. Bởi khi lũ ập đến, nước dâng lên trên cổ, nhiều bà con ngâm mình nhiều ngày liền trong nước, sức khỏe giảm sút. Các dược sĩ cũng giải thích cặn kẽ cách sử dụng thuốc, từ thuốc bổ, thuốc điều trị bệnh, thuốc bôi ngoài da, dung dịch vệ sinh phụ nữ…

Vỏn vẹn trong 3 ngày ngắn ngủi, đoàn AloBacsi đã thăm khám – phát thuốc cho hơn 3.500 bà con. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo khâu hậu cần mà công tác khám chữa bệnh diễn ra tốt hơn cả mong đợi.

Đó là sự sát sao của cán bộ địa phương, hiểu tường tận từng hộ gia đình, khảo sát kỹ lưỡng để những đóng góp của mạnh thường quân từ con giống đến những đồng tiền quý giá đến tay bà con được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Đó là sự giúp sức của đội ngũ tình nguyện viên xuyên quốc gia từ Hà Nội, với kinh nghiệm hỗ trợ sau thiên tai, các công tác hậu cần đều được sắp xếp khoa học. Đó là sự trợ giúp âm thầm của những thanh niên ở các bản xa nhất của xã Hùng Lợi, kiệm lời nhưng bất kể công việc nào nặng nhọc của đoàn, các anh đều xắn tay vào việc, đổi lại chỉ có mấy bữa cơm cùng đoàn, cho đến khi đoàn rời khỏi mới ra về trên chiếc xe cà tàng.

Không chỉ là công tác hậu cần, mà nhờ có sự trợ giúp hết lòng từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang, AloBacsi thay mặt các mạnh thường quân tiếp tục trao tặng 100 triệu đồng để làm lại 2 căn nhà sập hoàn toàn cho 2 gia đình đặc biệt khó khăn của xã Linh Phú. Nhà sẽ theo thiết kế và có bản vẽ của Sở Xây dựng, đảm bảo chất lượng.

Song song đó, đoàn cũng trao tặng cho 11 gia đình có nhà cửa bị hư hại nặng nề mỗi hộ 5 triệu đồng và hỗ trợ 1 trường mầm non tại xã Hùng Lợi 20 triệu đồng cùng 2 trường mầm non mỗi trường 10 triệu đồng để tái thiết lại cơ sở vật chất, vận động đưa các con trở lại trường học. Đồng thời, đoàn cũng gửi tặng sữa bột, thuốc không cần kê đơn cho các trường mầm non tại xã Hùng Lợi.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Dịp này AloBacsi cũng trao tặng học bổng và nhận đỡ đầu cho em có thành tích học tập xuất sắc. Gia đình em cũng rất ngặt nghèo, khi bố nhập viện vì rối loạn tâm thần, lo lắng quá độ do nước lũ lên cao, mẹ cũng đau ốm liên miên. Món quà nhỏ này như một lời động viên, khuyến khích tài năng và tiếp sức cho em tiến bước về phía trước.

Rời Tuyên Quang, hình ảnh đọng lại trong tim là tinh thần kiên định, rắn rỏi của cán bộ địa phương và bà con với niềm tin vững chắc, còn người còn của, còn chồi nảy cây… Lúc này, 1.000 thùng mì Hảo Hảo được lãnh đạo Công ty Cổ phần Acecook gửi gắm AloBacsi trao cho tỉnh cũng vừa tới. “Đây là phần lương thực cực kỳ thiết thực cho bà con vì sau lũ 3 tháng, hoa màu thất thu người dân sẽ đói và tiếp tới là 3 tháng giáp hạt sau Tết năm nào cũng thiếu thốn” – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tính căn cơ như vậy để phân bổ cho hiệu quả.

Vượt hơn 1.650km qua 4 tỉnh, hoàn thành sứ mệnh trao 10.000 tủ thuốc gia đình

Đến với bà con trong bão lũ mới hiểu, mỗi viên thuốc quý giá đến nhường nào. Rất nhanh sau khi hoàn thành chặng đường thứ 2, AloBacsi đã cùng Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Daisy Media tiếp tục lên đường trao 10.000 tủ thuốc mini (tổng trị giá 1,7 tỷ đồng) tại 4 tỉnh: Thái Nguyên (27/9), Cao Bằng (28/9), Lào Cai (29/9) và Yên Bái (30/9).

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Chuyến đi này quá nhiều cung bậc cảm xúc. Bao lần phải dừng xe, chờ đội công binh vét đất đá, mở đường giao thông.

Biết ơn vì chuyến đi an toàn. Biết ơn bác tài và biết ơn cả đoàn đã cùng nhau, đồng lòng để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có những lúc cả xe im phăng phắc, nín thở vượt qua hai bên là những ngọn núi đất vừa chuồi xuống. Bác tài vừa đi vừa dò đường, hỏi thăm.

Bác tài dày dặn kinh nghiệm mà “cổ họng đắng nghét” khi đi trên những cung đường cái chết và sự sống chỉ cách nhau một lằn ranh. Tai phải dỏng lên nghe ngóng, mắt phải căng hết cỡ để quan sát. Mà lỡ chẳng may có “tiếng đất về” thì cũng không biết nên lùi hay tiến.

Những đêm ở ngay trong tâm sạt lở thật dài, trong thấp thỏm. Đoàn quyết định dứt khoát phải trao quà thật nhanh, chạy đua với đám mây giông như túi nước đang ầng ậc nặng trĩu chờ bục xuống.

Trong chuyến đi thứ 3 này, đoàn khởi động hành trình tại tỉnh Thái Nguyên, trao tặng 2.500 túi thuốc. Trong đó, 1.500 túi thuốc do Bệnh viện Đa khoa Phú Bình tiếp nhận, số còn lại được gửi đến Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên, sau đó gửi đến tận tay bà con. Và rồi hành trình được tiếp nối lần lượt tại tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái. Tại mỗi tỉnh, đoàn trao tặng 2.500 túi thuốc gia đình.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Song song đó, dịp này DHG Pharma cùng AloBacsi và Daisy Media cũng trao trực tiếp 400 phần thuốc và quà cho bà con xã Quý Quân (tỉnh Cao Bằng), xã Quang Kim (tỉnh Lào Cai), xã Minh Chuẩn (tỉnh Yên Bái) và BVĐK Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Đặc biệt, hành trình lần này, AloBacsi cũng kịp thời hỗ trợ cho bé Vàng Thị Ánh Hồng 3 triệu đồng tiền mặt cùng với lời hứa sẽ tìm bác sĩ chữa căn bệnh vảy cá cho em, căn bệnh đã cướp đi của em 2 người thân ruột thịt…

Đây là hành trình đặc biệt không thể quên của những trái tim hướng về tâm lũ trong những ngày gian nan nhất, cũng như hành trình tái thiết để bà con sớm ổn định cuộc sống. Đón nhận những túi thuốc chất lượng, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bày tỏ lòng tri ân và nhìn nhận, các loại thuốc đều rất thiết thực, đặc biệt cần trong lúc khó tiếp cận nhà thuốc như đợt bão lũ vừa qua. Đồng thời cam kết, số thuốc này sẽ được cấp phát đến tận tay bà con ngay trong tuần tới. 

Đại diện huyện Hà Quảng (tỉnh Cao bằng), huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) và huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) có chung nhận định, chương trình rất ý nghĩa, bởi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sức khỏe đều rất quan trọng. Mỗi túi thuốc trao đi là một món quà vô giá, tiếp sức cho bà con vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống sau bão lũ.   

Tỷ phú Warren Buffett đã nói “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Khép lại hành trình tại 5 tỉnh, AloBacsi sẽ khó có thể làm được nếu không có sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, các đơn vị đồng hành, tấm lòng thơm thảo gần xa. Gần 3,6 tỷ đồng trao đi có lẽ chỉ dừng lại ở con số nếu như không kết nối được duyên lành.

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Trải qua 3 lần đi cứu trợ liên tiếp, tận mắt chứng kiến hàng ngàn điểm sạt lở lớn nhỏ khác nhau, khoảnh khắc đó, với nhiều người trong đoàn, chưa bao giờ cảm nhận được sự sống mong manh đến như vậy.

Càng đi, càng thương bà con ở nơi quá xa xôi, thiệt thòi đủ đường, càng thêm khắc khoải, mong mỏi các nhà khoa học, địa chất sớm vào cuộc, xác định các vùng nguy hiểm, quy hoạch khu vực nơi ở an toàn cho dân lập nghiệp.

Bởi vì, hậu quả của bão lũ khắc phục trong bao lâu?

– Cả đời!

Chính xác là suốt quãng đời còn lại.

Chúng ta xốn xang, đau lòng với những thiệt hại bằng con số: người chết, người mất tích… nhưng chưa giúp được những người sống sót sau khi mất người thân. Họ sẽ sống tiếp như thế nào khi “ngôi nhà – gia đình hạnh phúc chỉ còn là dĩ vãng”. Tất cả chỉ còn là bùn đất nhão nhoét. Im lìm. Mất dạng.

Họ thật sự cần chữa lành từ tâm hồn. An ủi chưa đủ. Họ cần bác sĩ tâm lý chữa lành. Rất cần bác sĩ vào cuộc, giúp chữa lành từ tâm, để những ngày sống tiếp không phải là địa ngục trần gian.

Từ nay, mỗi khi mưa rơi là họ hoảng loạn, lo lắng bất an. Từ nay, mỗi khi nghe đâu đó cất lên lời bài hát về gia đình, họ sẽ không cầm được nước mắt…

Việt Nam chúng ta đi qua bao mùa mưa bão, cần có hẳn cơ chế chăm sóc sức khoẻ đặc biệt cho vùng vừa bị thiên tai và nhất là những giải pháp trị liệu tâm lý, giúp nạn nhân vượt qua nỗi đau mất người thân…

Cần lắm!



Nguồn