TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Nữ sinh 15 tuổi đã mắc ung thư buồng trứng, hối hận vô cùng vì bỏ lỡ 2 dấu hiệu suốt 1 năm

Bác sĩ phụ khoa Châu Lý thuộc Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu (Trung Quốc) cảnh báo rằng các dấu hiệu ung thư buồng trứng dẫn dễ nhầm lẫn với bệnh vặt. Ví dụ như đau bụng kinh, rối loạn tiêu hóa, nhức mỏi xương khớp (vùng thắt lưng và xương chậu), rối loạn tiểu tiện…

Bà chia sẻ, chỉ trong vòng 1 tuần, bà đã tiếp nhận 2 trường hợp nữ sinh cùng 15 tuổi, cùng đi khám vì vùng bụng to bất thường và đau bụng. Cuối cùng, cả hai đều phát hiện có vấn đề ở buồng trứng: một người bị u nang buồng trứng và người còn lại bị ung thư buồng trứng giai đoạn 2.

Nữ sinh 15 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng sau thời gian dài đau bụng, tăng kích thước vòng 2 (Ảnh minh họa)

Nữ sinh không may mắc ung thư buồng trứng có tên là Tiểu Văn. Lúc nhận kết quả chẩn đoán, bố mẹ Tiểu Văn gục ngã ngay tại chỗ. Họ òa khóc trong hối hận vì đã phớt lờ những bất thường – chính là dấu hiệu ung thư buồng trứng ở con gái trong suốt thời gian dài.

Lần đầu tiên Tiểu Văn nghiêm túc nói với bố mẹ chuyện mình đau bụng dai dẳng là khoảng 1 năm trước. Mẹ Tiểu Văn cho rằng con gái ở tuổi dậy thì, bị đau bụng kinh. Bố Tiểu Văn thì lại nghĩ cô ăn uống tùy ý, hay uống trà sữa và ăn vặt nên rối loạn tiêu hóa. Tiểu Văn muốn tới bệnh viện khám nhưng bố mẹ quá bận rộn công việc, hẹn cô rồi lại thất hứa. Kể từ đó, Tiểu Văn không bao giờ nhắc lại chuyện này, hễ đau bụng là tự mua thuốc uống.

Cho đến 2 tháng gần đây, bụng của Tiểu Văn càng lúc càng to lên khó hiểu. Kinh nguyệt của cô không đều và mỗi khi hành kinh lại đau đớn tới vô cùng. Cô nói lo lắng của mình với mẹ trong lúc bà đang nấu nướng nhưng một lần nữa mẹ Tiểu Văn trấn an con gái rằng đó là do cô ăn nhiều đồ ngọt nên tăng cân, béo bụng. Ở tuổi dậy thì, kinh nguyệt chưa ổn định và đau bụng kinh cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy vậy, bà cũng sẽ đưa Tiểu Văn đi khám vào cuối tuần.

Tuy nhiên, ngày đó còn chưa đến thì Tiểu Văn bị đau bụng dữ dội khi tập môn quân sự ở trường, phải xin nghỉ giữa chừng. Bố mẹ Tiểu Văn mua thuốc cho con uống nhưng 4 ngày không đỡ, cuối cùng quyết định xin nghỉ đưa cô tới bệnh viện khám tiêu hóa.

Theo lời kể của bác sĩ Châu Lý: “Sau khi thăm khám, các bác sĩ khoa tiêu hóa nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề buồng trứng nên yêu cầu khám thêm sản phụ khoa. Chúng tôi lập tức siêu âm B và các kiểm tra cần thiết khác, kết quả phát hiện có một khối u ác tính buồng trứng bên phải lớn 5cm. 

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi để loại bỏ khối u. Mặc dù ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp nhưng sau ca phẫu thuật lại tìm thấy vấn đề khác. Bệnh nhân có khối u mô đệm dây sinh dục ở buồng trứng phải. Đây là trường hợp hiếm gặp và phải tiếp tục hóa trị đường dài”.

Bác sĩ cảnh báo 6 nhóm người dễ bị ung thư buồng trứng

Ngoài sự hối hận, bố mẹ của Tiểu Văn cũng rất ngỡ ngàng vì con mình còn nhỏ tuổi đã mắc ung thư buồng trứng. Nhưng bác sĩ Châu Lý cho biết: “Nhiều người cho rằng u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng chỉ xảy ra ở phụ nữ đã có gia đình. Trên thực tế, ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung.

Đúng là nhóm tuổi trên 50, phụ nữ đã sinh con có nguy cơ mắc cao hơn nhưng lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, các trường hợp ở độ tuổi thanh thiếu niên không hề hiếm. U nang và ung thư buồng trứng có liên quan mật thiết đến các yếu tố như di truyền, môi trường, thói quen sinh hoạt, cơ thể tiết ra hormone bất thường và căng thẳng tâm lý quá mức”.

Những người thường xuyên căng thẳng quá độ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn (Ảnh minh họa)

Bà cũng bày tỏ lo lắng khi ung thư buồng trứng được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đối với phụ nữ. Vì các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn. Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN cho thấy, có khoảng 1/3 số trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã quá muộn cho việc phẫu thuật.

Vì vậy, việc phòng chống, phát hiện sớm là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là với 6 nhóm chị em mà ung thư buồng trứng dễ tấn công nhất sau đây:

– Người bị thừa cân, béo phì.

– Người có tiền sử gia đình mắc ung thư, nhất là ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.

– Người có thói quen vệ sinh vùng kín sai cách như sạch quá mức hoặc giữ vệ sinh quá kém.

– Người sinh nở muộn, dậy thì sớm, mãn kinh muộn.

– Người từng mắc một số bệnh ung thư, bị rối loạn di truyền. Nhất là ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư ruột kết. Hay rối loạn di truyền như Hội chứng Lynch và hội chứng Peutz – Jeghers, mang đột biến gen BRCA1, BRCA2.

– Người có lối sống không lành mạnh như: ăn uống không lành mạnh (nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến…), thức khuya kéo dài, căng thẳng quá mức, sinh hoạt tình dục thiếu khoa học…

Nguồn và ảnh: QQ, ETtoday



Nguồn

Exit mobile version