Khẳng định mình có sự quan tâm đặc biệt các vấn đề về khoa học – công nghệ, TS Phan Thị Lan, nghiên cứu viên Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc cũng trở nên “đặc biệt” khi nhận giải thưởng lớn thứ hai Semi Grand Prize và giải Huy chương Vàng Golden prize tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ năm 2024 (KIWIE – 2024) diễn ra tại Hàn Quốc tháng 6/2024.
Chia sẻ về quan tâm của mình với khoa học – công nghệ, TS Phan Thị Lan kể: “Lúc còn nhỏ, tôi thường tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Khi được bố mẹ cho đi đến nơi làm việc, tôi rất ngạc nhiên được thấy những tòa nhà lớn, những thiết bị máy móc khổng lồ và hàng trăm ngàn công nhân đang đổ mồ hôi vất vả hàng ngày để tạo ra những tấn thép mang đến mọi miền Tổ quốc phục vụ cho phát triển kinh tế. Tôi rất thích quan sát, tìm hiểu và giải thích cho các câu hỏi “How?”. Chẳng hạn như làm sao phế liệu lại trở thành thép; cần cẩu, ô tô chạy và hoạt động được thì cần có những thiết bị gì; tại sao than lại có thể cháy đỏ rực và nóng như vậy; bếp điện dây may so tại sao nóng đỏ khi có điện và lâu lâu lại đứt dây, v.v.. Từ những quan sát đó tôi hiểu rằng khoa học-công nghệ chính là nòng cốt phát triển kinh tế và đất nước.Vì vậy tôi theo đuổi các lĩnh vực khoa học – công nghệ mới và tiên tiến cho đến ngày nay”.
TS Phan Thị Lan |
Tốt nghiệp ngành Điện tại Trường Đại học Bách khoa, sau khi ra trường Phan Thị Lan làm kỹ sư thiết kế phần điện cho các dự án thủy điện của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, sau đó về Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên giảng dạy và đi học thạc sĩ. Từ năm 2009 đến năm 2021, chị học tập và làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình học bổng SRD Trường Đại học Dongguk, học bổng của UST. Tốt nghiệp tiến sĩ nghiên cứu vật liệu plasma lạnh, chị tiếp tục ứng dụng để tổng hợp graphene đơn lớp trên tấm đồng bằng phương pháp phủ hơi hóa học- chemical vapour deposition (CVD) tại Trường Đại học Gachon (2015) và phát triển ứng dụng graphen đơn lớp CVD dope nano kim loại theo hướng cảm biến khí chọn lọc. Kết quả của nghiên cứu được sử dụng để đăng ký sáng chế về “cảm biến khí hydro sunphua và phương pháp chế tạo” tại Hàn Quốc.
Công tác tại Viện Kỹ thuật Điện tử Hàn Quốc (KETI) trong khoảng thời gian 2019 đến năm 2021, TS Phan Thị Lan được tham gia sâu vào các dự án cấp Bộ và được tiếp xúc với phong cách làm việc theo dự án thực tế. Trong thời gian này, chị làm việc với các thiết bị cảm biến gắn trên người để xác định tư thế (posture) cho các ứng dụng tập fitness. Ngoài ra chị tham gia phát triển thuật toán cho hệ bảng mạch kích thước nhỏ gồm các cảm biến thời gian hành trình (time of flight – ToF) để nhận biết các tương tác không chạm với độ chính xác nhận biết cử chỉ trong trường nhìn thấy field of view (FoV) đạt mức rất cao. Đây chính là phần nội dung chính cho sáng chế về “Cảm biến cử chỉ và hệ thiết bị tương ứng”.
Nói về sáng chế được trao giải Semi Grand Prize “Cảm biến khí Hydro sunphua, phương pháp nhận biết và phương pháp chế tạo”, TS Phan Thị Lan cho biết: “Đây là một cảm biến có cấu trúc gồm một lớp Graphene monolayer đã dope với các hạt nano sắt và vàng, đặt lên một tấm silic. Việc đo điện trở của cảm biến trong các môi trường khí khác nhau cho thấy sự thay đổi giá trị lớn trong môi trường khí H2S trong khi hầu như không có sự thay đổi trong các môi trường khí khác. Đặc biệt sự thay đổi của điện trở trong môi trường khí H2S có thể lặp lại nhiều lần tương ứng với sự thay đổi nồng độ khí H2S cho thấy sự làm việc ổn định của cảm biến. Sáng chế được ứng dụng trong lĩnh vực như an toàn công nghiệp; giám sát môi trường; sức khỏe và an toàn trong không gian công cộng và các khu dân cư”.
TS Phan Thị Lan nhận giải lớn tại KIWIE 2024 |
Đối với sáng chế nhận Huy chương Vàng- “Phương pháp nhận biết cử động và thiết bị điện tử tương ứng”, TS Phan Thị Lan chia sẻ: “Đây là sáng chế về một hệ các ToF sensor (cảm biến thời gian bay) có kích thước cực nhỏ (2x3mm) hoạt động dựa trên nguyên tắc vật lý về phát tia và nhận tia theo sự phản xạ ánh sáng có đo lường thời gian, từ đó tìm ra khoảng cách từ cảm biến đến các vật thể xung quanh. Sáng chế tạo ra một hệ các cảm biến dùng để nhận biết cử động thao tác (gesture) của tay người trong vùng FoV (field of view) với 8 loại cử động và độ chính xác đạt được tới 93%, là thông số kỹ thuật rất tốt cho loại thiết bị nhỏ và đeo được wearable devices”. Sáng chế có thể ứng dụng cho các công nghệ về tương tác tự nhiên của người máy và các ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường AR-VR hoặc tương tác trong hệ IoT.
Theo TS Lan, việc BTC chọn sáng chế “Cảm biến khí Hydro sunphua, phương pháp nhận biết và phương pháp chế tạo” để trao giải thưởng lớn khiến chị khá bất ngờ, vì bản thân tham gia với mục tiêu là phụng sự đoàn đại biểu trong quá trình triển lãm, cũng như kết nối, hỗ trợ BTC, học hỏi và tìm kiếm các đối tác và phát triển mới chứ không nghĩ đến giải thưởng. “Tôi nghĩ, BCT lựa chọn sáng chế này để trao giải do có liên quan đến lĩnh vực môi trường và trong các điều kiện nguy hiểm với con người như hầm, lò, giếng khoang, an toàn công nghiệp; giám sát môi trường; sức khỏe và an toàn trong không gian công cộng và khu dân cư; và điểm nổi trội của sáng chế là vùng đo được cải tiến ở mức ppb (part per billion), cao hơn đến nghìn lần so với thang đo ppm (part per million) phổ biến trong các nghiên cứu và sản phẩm trên thị trường” – TS Lan cho biết.
Trở về từ Hàn Quốc, TS Phan Thị Lan ấn tượng với hình ảnh chiếc chong chóng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ năm 2024 (KIWIE – 2024). Chị nhắc nhiều đến hình ảnh chủ đạo này và cho rằng, BTC đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà khoa học nữ tham gia triển lãm, rằng triển lãm và các hoạt động tiếp theo của BTC sẽ tạo ra những cơn gió mát lành giúp cho chong chóng quay. Điều này cũng có nghĩa, các nhà khoa học nữ cần biết tận dụng những cơ hội như KIWIE – 2024 để tỏa sáng.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và GS.TS Lê Mai Hương trao huy chương và bằng chứng nhận cho TS Phan Thị Lan |
Sở dĩ tâm đắc với hình ảnh chiếc chong chóng là bởi TS Phan Thị Lan luôn trăn trở bởi những thách thức khi làm khoa học. “Với phụ nữ làm khoa học thách thức càng nhiều, cản trở sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp. Đó là sự phân vai giữa công việc và gia đình. Bản năng của phụ nữ rất mạnh với vai trò yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con cái và gia đình. Vì vậy để vừa làm tốt vai trò của mình với gia đình, vừa làm tốt vai trò ở cơ quan, đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung cao độ cũng như sự ủng hộ của nhiều người xung quanh. Tôi đã gặp khó khăn thực sự trong vấn đề này, mất phương hướng và chỗ dựa, cô đơn và bỏ mặc bản thân, căng thẳng kéo dài và mất kết nối trong các mối quan hệ, hoang mang và áp lực về kinh tế. Tôi không biết mình đã vượt qua như thế nào, chỉ biết rằng một ngày tôi nhận ra mình đang kiệt quệ và bỏ mặc những ước mơ, còn hiện tại thì có nhiều vấn đề, đặc biệt là về tài chính và công việc không được ghi nhận. Tôi hiểu rằng mình cần phải lùi một bước để giữ được cái cần giữ: chăm sóc con cái và duy trì công việc. Trong quá trình lùi lại, tôi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của các nhà khoa học nữ, quan sát để thấu hiểu và san sẻ với những người phụ nữ có con nhỏ, mạnh dạn đưa con đi công tác và đồng hành cùng mẹ, cố gẵng hỗ trợ các đồng nghiệp nơi làm việc, chia sẻ những thành quả mình có với những người xung quanh, đẩy mạnh trao đổi các ý tưởng và hợp tác, lắng nghe và hỗ trợ các bạn bè gặp vấn đề, tập trung vào mục tiêu và hành động mỗi ngày để thực hiện, làm bất cứ điều gì tích cực cho những người xung quanh, chân thành, chính trực, chia sẻ kiến thức cho tất cả những người cần, cho cả các em học sinh ở Việt Nam và Hàn Quốc. Và thật tuyệt vời, con gái tôi hạnh phúc mỗi ngày, luôn được thầy cô, bạn bè, những người xung quanh yêu thương và bảo vệ. Tôi gặp được những thay đổi mới về môi trường làm việc, được các sếp quan tâm và lắng nghe, hỗ trợ, ủng hộ; quan tâm bản thân hơn và thấy mọi vấn đề trong cuộc sống từ từ giãn ra, các áp lực dịu lại” – TS Lan tâm sự.
Khi được hỏi, có kiến nghị và đề xuất gì cho cá nhân và các nhà khoa học nữ, TS Phan Thị Lan khẳng định: “Tôi mong muốn có được các chính sách rõ ràng và mạnh mẽ để bảo vệ và tạo điều kiện cho các nữ nghiên cứu có được sự thuận lợi trong công việc, nhất là trong thời kỳ trước và khi có con nhỏ. Phụ nữ cần được ghi nhận và cổ vũ cũng như được giao các công việc với nội dung cụ thể. Sự khác biệt về cách tiếp cận các vấn đề với phụ nữ và nam giới là khác nhau, vì vậy cần có sự thấu hiểu và rõ ràng về giới. Phụ nữ sẽ thấu hiểu phụ nữ, vì vậy mong sẽ có nhiều phụ nữ được giao các công việc quản lý phù hợp và có các phương pháp tiếp cận phát triển phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ”.