#OlympicParis2024 – 5 nữ kiếm thủ châu Á làm nên kỳ tích tại giải đấu thế thao danh giá nhất thế giới
Bước vào đường đua Olympic Paris năm nay, những “bóng hồng” của làng đấu kiếm châu Á đã chứng tỏ bản thân không hề kém cạnh so với các vận động viên nam. Họ quyết tâm nối tiếp dấu chân đầy kiêu hãnh của những nữ vận động viên đấu kiếm Olympic đầu tiên cách đây 100 năm khi đồng lòng hướng đến mục tiêu chinh phục đỉnh vinh quang.
Nữ kiếm ba cạnh Vivian Kong Man-wai – Hồng Kông
Được mệnh danh là “nữ hoàng đấu kiếm” của xứ cảng thơm, Vivian Kong không chỉ khiến công chúng phải xuýt xoa trước vẻ đẹp ngọt ngào và rất mực yêu kiều, mà còn “gây sốt” với loạt thành tích đáng nể. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng trước khi bén duyên với kiếm thuật, tay kiếm “tài sắc vẹn toàn” từng phải thể nghiệm qua nhiều môn thể thao khác nhau. Từ nhỏ, cô tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như chơi piano, vẽ tranh, múa ballet và trượt băng. Cô còn thích chơi đàn tranh Trung Quốc và đặc biệt yêu thích bộ môn Taekwondo. Nhận thấy rõ niềm đam mê nghệ thuật cùng khả năng thiên phú của con gái, mẹ Vivian khuyến khích cô theo đuổi múa ballet và trượt băng. Thế nhưng, trong một chia sẻ với Liên đoàn Đấu kiếm thế giới, nữ tay kiếm thừa nhận cô không giỏi hai bộ môn trên. Có lẽ lời chia sẻ thật lòng ấy đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời Vivian.
Năm 11 tuổi, ông KF Kong – bố của Vivian khuyên cô thử đấu kiếm. Lúc đó, Vivian nhanh chóng bị cuốn hút bởi bộ môn này. Cô nhận thấy đấu kiếm là sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ chuẩn xác trong Taekwondo và sự duyên dáng của múa ballet. Chính từ đây, nữ tay kiếm sinh năm 1994 dần chứng minh năng lực. Ở tuổi 13, Vivian Kong đã là nhà vô địch quốc gia U17 tại Trung Quốc. Năm 2019, cô ghi danh vào lịch sử thể thao Hồng Kông khi liên tiếp giành chiến thắng vang dội tại Havana.
Dường như ngọn lửa nhiệt huyết và khát khao chinh phục ở tay kiếm Hong Kông chưa bao giờ vụt tắt. Cô tiếp tục thử thách bản thân ở một đấu trường lớn hơn mang tên Olympic. Tại hai đấu trường Olympic Rio 2016 và Olympic Tokyo 2020, Vivian có mặt trong bảng xếp hạng các vận động viên kiếm ba cạnh hàng đầu thế giới. Ở đường đua Paris lần này, cô một lần nữa “ẵm” chiếc huy chương vàng ở nội dung kiếm ba cạnh của nữ. Nữ tay kiếm đã có chiến thắng thuyết phục với tỉ số 13-12 trước đối thủ nước chủ nhà là Auriane Mallo-Breton.
Sau khi chạm vào huy chương vàng Olympic, Vivan đã nói lời chia tay sự nghiệp đấu kiếm khiến bao người hâm mộ không khỏi tiếc nuối. Chia sẻ về quyết định này, cô cho biết: “Tôi vô cùng biết ơn 2 thập kỷ qua đã cho bản thân cơ hội cống hiến cho đấu kiếm. Sau khi tham dự ba kỳ Olympic, tôi quyết định dừng lại thi đấu chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, tôi vô cùng mong chờ bắt đầu sự nghiệp mới, cũng như phấn đấu thành lập một quỹ từ thiện giúp các trẻ em nhỏ có thể tìm được sự hồn nhiên và niềm vui trong thể thao”.
Nữ kiếm liễu Daphne Chan Nok Sze – Hồng Kông
Một đại diện trẻ khác của đoàn thể thao Hồng Kông năm nay là vận động viên 19 tuổi Daphne Chan Nok-sze. Mặc dù Daphne không phải con nhà nòi, nhưng cô lại nhận được sự ủng hộ và động viên rất lớn từ phía gia đình. Ngay từ ban đầu, đấu kiếm là môn thể thao mà Daphne lựa chọn. “Khoảnh khắc tôi đội chiếc mặt nạ đấu kiếm, xung quanh tối đến mức tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi đã sợ hãi và khóc”, Chan chia sẻ. Tuy nhiên, chỉ một vài buổi học sau đó, cô dần nhận ra sức hấp dẫn của bộ môn này. Khác với những bộ môn phối hợp đòi hỏi sức bền và sự dẻo dai, đấu kiếm phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố sức mạnh để giành phần thắng cho mình, cách linh hoạt thay đổi chiến thuật cùng kỹ năng phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và tay là những điều thú vị khiến bộ môn này hấp dẫn Daphne. Vì thế, dù đang theo học chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Northwestern ở Hoa Kỳ, Chan vẫn quyết định phân bổ thời gian của mình cho việc luyện tập.
Trước khi bước đến đường đua Olympic Paris 2024, Chan giành huy chương đồng tại Đại hội thể thao châu Á 2021. Tiếp đến là tại Giải vô địch thế giới kiếm liễu nữ trẻ ở Thái Lan năm ngoái, cô xuất sắc giành huy chương vàng đầu tiên cho đội nữ Hồng Kông, từ đó tạo bệ phóng vững chắc cho hành trình Olympic Paris năm nay. Ngoài ra, Daphne cũng giúp đội nữ đấu kiếm Hồng Kông đoạt chiếc huy chương bạc tại Paris, góp phần nâng cao vị thế của đấu kiếm xứ cảng thơm trên đấu trường quốc tế.
Tuy chỉ nhìn nhận cuộc thi như một thước đo đánh giá năng lực bản thân, nhưng Chan đã chứng minh thực lực vượt bậc của mình trong làng đấu kiếm thế giới với những thành tích đáng nể. “Tôi bước vào cuộc thi với tâm trạng thoải mái và không nghĩ quá nhiều về kết quả”, Chan chia sẻ. Kết thúc mùa giải năm nay, Chan quay lại việc học của mình và vẫn chưa đưa ra quyết định về việc trở thành một vận động viên toàn thời gian sau tốt nghiệp. Tuy vậy, Chan vẫn luôn là nguồn cảm hứng và là biểu tượng của sự nỗ lực và thành công trong thể thao. “Điều quan trọng là phải nhớ đến niềm đam mê của bạn, đó là điều thúc đẩy bạn tiếp tục tiến về phía trước và theo đuổi ước mơ của mình,”, Chan nhắn nhủ đến các thế hệ vận động viên trẻ.
Nữ kiếm liễu Samantha Catantan – Philippines
Thành tựu to lớn của Samantha Kyle Catantan là giúp Philippines một lần nữa được xướng tên tại Olympic. Vì cô là đấu sĩ đấu kiếm người Philippines đầu tiên hội tụ đủ điều kiện tham dự Thế vận hội kể từ khi Walter Torres tham gia Thế vận hội Barcelona năm 1992. Hành trình Olympic của Catantan hướng đến Paris 2024 cũng rất ấn tượng. Từ việc học đấu kiếm miễn phí tại thành phố, đến suất học bổng đấu kiếm danh giá tại Đại học Pennsylvania, nơi cô hiện đảm nhận vị trí đội trưởng đội đấu kiếm. Và cái tên Catantan thật sự nổi lên khi cô được trao danh hiệu MVP – Most Valuable Player (người chơi có thành tích tốt nhất trận) bởi Hiệp hội thể thao đại học Philippines.
Nhờ đó, Catantan bước đầu thành công củng cố vị thế của mình là một ngôi sao đang lên trong làng đấu kiếm Philippines. Tại Vòng loại Olympic khu vực Châu Á – Châu Đại Dương, tưởng chừng cô đã lỡ mất cơ hội đến Olympic Paris 2024 bởi sự cố chấn thương đầu gối trái trong một cú lao và bị dẫn trước 9-12 ở vòng chung kết. Không nản chí, Catantan quyết thể hiện sự kiên cường bằng màn cân bằng tỷ số qua phần ghi điểm cuối cùng sau khi hòa 14-14 và nắm chắc trong tay suất tham dự Olympic năm nay.
Bước vào đường đua Olympic Paris 2024, dẫu chân vẫn còn đau do chấn thương tại vòng loại, nhưng tay kiếm người Philippines vẫn tiến vào vòng 16 với chiến thắng trước VĐV Brazil Mariana Pistoia, trước khi để thua hạt giống số 1 Arianna Errigo của Ý với tỷ số 13-15. Dù không chạm đến ngôi vị cao nhất nhưng Catantan vô cùng xứng đáng được vinh danh bởi nghị lực chiến đấu đến cùng của mình, bất chấp chứng đau đầu gối tái phát. “Cô ấy thực sự đã chiến đấu đến cùng và tôi rất vui khi thấy thành công của cô ấy, giống như những vận động viên Philippines khác đến Paris trước đây”, chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines Bambol Tolentino dành lời khen cho Catantan. Sau kỳ Olympic Paris 2024, Catantan chia sẻ rằng cô sẽ trở lại Mỹ và nghỉ ngơi một thời gian nhằm đảm bảo cho sự trở lại tốt nhất ở những mùa giải sau. Đồng thời, cô cần phải chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ và hoàn tất chương trình tốt nghiệp chuyên ngành kế toán.
Nữ kiếm liễu Amitha Berthier – Singapore
Tưởng chừng cầm chân ở bộ môn bóng đá nữ, giờ đây, Amitha Berthier đang tập luyện cho lần thứ hai tham dự Olympic ở bộ môn đấu kiếm. Trước khi trở thành VĐV đấu kiếm chuyên nghiệp được đại diện cho màu cờ sắc áo của Singapore chinh chiến các đấu trường quốc tế, Berthier theo học tại học viện bóng đá JSSL Singapore. Cô mong muốn bản thân có thể trở thành một nữ cầu thủ xuất chúng như huyền thoại Mia Hamm hay Marta. Cô tình cờ biết đến câu lạc bộ đấu kiếm Z Fencing, Berthier chứng kiến những màn “đánh nhanh thắng nhanh” uyển chuyển và đầy dứt khoát. Thời khắc đó, cô như tìm thấy đam mê thực sự của mình.
Sở hữu gương mặt xinh đẹp, thu hút mọi ánh nhìn bởi nụ cười “tỏa nắng”, lại theo đuổi bộ môn đấu kiếm – môn thể thao vốn được ví von là dành cho giới quý tộc, Berthier được công chúng gọi với cái tên thân thuộc “công chúa” của làng đấu kiếm Singapore. Từ khi 16 tuổi, cô đã “bỏ túi” vô số giải thưởng đấu kiếm ở các giải U17 và U20 tại Mỹ, đặc biệt là huy chương vàng ở nội dung kiếm liễu nữ tại SEA Games 29 giúp cô trở thành vận động viên Singapore thứ hai trong lịch sử vinh dự nhận huy chương tại giải đấu này. Tại Olympic Tokyo 2020, Berthier một lần nữa chứng tỏ thực lực của mình khi trở thành đấu sĩ đấu kiếm đầu tiên đại diện nước nhà tham dự đấu trường thể thao quốc tế.
Trở lại Olympic Paris 2024 với nhiều hoài bão, Berthier mang theo tinh thần kiêu hãnh, không khuất phục. “Tôi vẫn còn trẻ và sẽ không đặt ra bất kỳ ranh giới nào cho bản thân. Nếu tôi có thể đến đó và giành huy chương, thì tôi quyết tâm chinh phục”, Amitha Berthier chia sẻ. Kết quả tại Olympic Paris 2024 ghi nhận Amita Berthier phải dừng chân sau màn khi để thua 15-13 ở trận mở màn trước tay kiếm số 11 thế giới Lauren Scruggs đến từ Mỹ. Dù vậy, cô vẫn rất tự hào về màn trình diễn của mình ở kỳ Olympic năm nay. Thời gian tới, Berthier sẽ dành cho mình một kỳ nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng sau chuỗi ngày khổ luyện và thi đấu.
Nữ kiếm ba cạnh Kiria Tikanah Abdul Rahman – Singapore
Cùng được nuôi dưỡng tại “chiếc nôi” đấu kiếm Z Fencing với VĐV Amita Amitha Berthier, Kiria Tikanah Abdul Rahman trở lại với một tinh thần quyết tâm hơn bao giờ hết. Từ những ngày đầu đặt chân đến trung tâm huấn luyện, cô chưa bao giờ nghĩ về một ngày sẽ mang màu cờ sắc áo của đảo quốc Sư tử chinh chiến tại đấu trường quốc tế. Trong sự nghiệp thể thao, Kiria đặc biệt ngưỡng mộ ngôi sao quần vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal bởi sự kiên định của anh trong mọi tình huống, bất kể là thắng hay thua. Vì thế, khán giả có thể nhận thấy tinh thần này của Kiria trên mỗi sàn đấu, đặc biệt ở chặng đường khẳng định vị thế vận động viên Olympic của mình.
Tại Olympic Tokyo 2020, dù không giành được huy chương, nhưng việc Kiria Tikanah tham gia đã đánh dấu một bước ngoặt lớn, bởi cô trở thành nữ vận động viên Singapore đầu tiên vinh dự góp mặt ở nội dung kiếm ba cạnh tại giải đấu này. “Bạn sẽ không bao giờ nghĩ ra được giải pháp trừ khi gặp phải những trục trặc bất ngờ trên đường đi”, Kiria suy ngẫm về thành tích của mình tại Olympic Tokyo.
Đến với Olympic Paris lần này ở vị trí số 75, cô đặt mục tiêu chiến đấu hết mình và hy vọng có thể tiến xa nhất có thể. Theo đó, Kiria lọt vào vòng 32 và rời khỏi sân, sau màn để thua hạt giống người Ý Alberta Santuccio với tỷ số 10-15. Tuy không mang về kết quả như mong đợi, nhưng Kiria đã cho người hâm mộ thấy một phiên bản mới của bản thân, đó là một nữ đấu kiếm trưởng thành và tràn đầy sự tự tin hơn trước. Khép lại một giải đấu đáng nhớ, nữ tay kiếm nhìn nhận cuộc thi là cơ hội để tìm ra chính xác điểm yếu của mình. Từ đó, cô tập trung cải thiện để sẵn sàng cho sự trở lại vững vàng nhất ở những mùa giải sau.