TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

#OlympicParis2024 – “Hiện tượng quần vợt” Trịnh Khâm Văn: Không có áp lực, không có kim cương!

Vừa qua, tay vợt số 1 Trung Quốc, Zheng Qinwen (Trịnh Khâm Văn) đã mang về tấm huy chương vàng (HCV) lịch sử cho đoàn thể thao Trung Quốc ở nội dung đơn nữ bộ môn quần vợt. Lần đầu tiên, kết quả này tạo nên những kỳ tích không tưởng tại Olympic Paris.

Trịnh Khâm Văn sinh năm 2002, cô đã dành ba năm để từ xếp hạng 600 thế giới lên hạng 7. Dù chưa bao giờ lọt vào tứ kết giải Pháp mở rộng nhưng cô gái trẻ lại lần lượt chiến thắng những đối thủ là tay vợt số 1 thế giới. Trong đó có Iga Swiatek, đối thủ vòng bán kết tại Thế vận hội Paris 2024, chủ nhân của 4 danh hiệu Roland Garros và giành luôn HCV lịch sử ở trận chung kết Olympic, vì môn quần vợt lâu nay được xem là thế mạnh của phương Tây.

Sau chiến thắng chấn động trước tay vợt Iga Swiatek, Trịnh Khâm Văn tràn đầy hưng phấn bước vào trận chung kết đơn nữ gặp Donna Vekic. Thậm chí, tay vợt người Trung Quốc xuất sắc “bẻ game” giao bóng đầu tiên của đối thủ. Sau 1 giờ 45 phút, Trịnh Khâm Văn đánh bại Donna Vekic với các tỷ số 6-2, 6-3. Trong lịch sử, đây là HCV đầu tiên ở nội dung đơn nữ bộ môn quần vợt của đoàn thể thao Trung Quốc tại Olympic.

Dành cả thanh xuân để theo đuổi quần vợt

Trịnh Khâm Văn sinh ra ở Thập Yển, Hồ Bắc. Để trở thành tay vợt chuyên nghiệp và theo đuổi giấc mơ quần vợt của mình, cha mẹ cô đã đưa cô từ Thập Yển đến Vũ Hán, Bắc Kinh rồi ra thế giới, để nhận được sự đào tạo tốt nhất từ những huấn luyện viên (HLV) giỏi nhất, đấu với những đấu thủ tài năng nhất để rồi đạt được vinh quang cao nhất. Ngay khi vừa được phát hiện tố chất, giống với những vận động viên (VĐV) trẻ tiềm năng khác, cô may mắn được chuyển sang tập luyện ở môi trường tốt nhất có thể cho môn thể thao mình theo đuổi. Và đó cũng chính là con đường, là công thức thành công của mọi vận động viên ở bất kỳ quốc gia nào, từ “vùng trũng” Đông Nam Á hay những đảo quốc bé nhỏ ngoài đại dương. Nói cách khác, để tạo ra được kỳ tích ở Thế vận hội như Trịnh Khâm Văn, phải có một lộ trình rèn luyện ở đẳng cấp thế giới chứ không thể chờ đợi ở may mắn.

Nhìn vào số thành tích mà Trịnh Khâm Văn đạt được, đó là kết quả của quá trình tập luyện và phát triển bản thân không ngừng. Trịnh Khâm Văn giành danh hiệu WTA Tour đầu tiên vào năm 2023 ở Palermo, Ý sau khi đánh bại Jasmine Paolini và bảo vệ thành công danh hiệu vào một năm sau đó. Cô đã giành ba danh hiệu WTA Tour, một danh hiệu WTA Challenger cùng tám danh hiệu đơn ITF. Cô được chọn là “Tay vợt mới nổi của năm” (WTA 2022). Cô cũng đã lọt vào trận chung kết Grand Slam tại Giải quần vợt Úc Mở rộng 2024.

Chìa khoá thành công chính là sự nghiêm khắc của cha mẹ

Tại giải quần vợt Roland Garros, Trịnh Khâm Văn nói về tình yêu nghiêm khắc của cha là chìa khóa cho mọi khoảnh khắc lịch sử của mình: “Cha đã thúc đẩy tôi rất nhiều. Ngay cả vào Tết Nguyên Đán cũng không có ngày nghỉ. Ông đưa tôi đến đường đua, bảo tôi chạy lên xuống cầu thang để rèn luyện cơ thể”. Trịnh Khâm Văn thừa nhận thành công của cô đến rất nhiều từ cha mẹ, hai người ủng hộ và hỗ trợ cô theo đuổi giấc mơ của mình. Cô còn nói thêm: “Cha mẹ luôn tin tưởng vào tôi. Họ không giống những bậc phụ huynh khác sẽ nói rằng ‘con không thể làm được’. Khi tôi 10 tuổi, họ quả quyết rằng tôi sẽ giành được Grand Slam và trở thành nhà vô địch”.

Đằng sau lộ trình được đầu tư bài bản chính là sự hy sinh to lớn của cha mẹ Trịnh Khâm Văn. Sau khi cô đoạt HCV, có hai câu chuyện đã được lan truyền rộng rãi trên mạng. Thứ nhất, để Trịnh Khâm Văn được tập luyện với HLV cũ của VĐV quần vợt chuyên nghiệp Li Na – Yu Liqiao, cha của cô đã phải quỳ xuống cầu xin HLV thu nhận con gái mình, bởi vị HLV này cực kỳ nghiêm khắc và khó tính trong việc thu nhận học trò. Thứ hai, để Trịnh Khâm Văn được đào tạo nâng cao ở nước ngoài, cha của “tay vợt mới nổi” đã gom góp đến 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng), thậm chí bán cả ngôi nhà của gia đình đi để đặt cược vào tương lai của con gái. Trong hai câu chuyện này, câu chuyện thứ nhất chưa được xác nhận, còn câu chuyện thứ hai được chính Trịnh Khâm Văn thừa nhận. Ngay sau khi giành chức vô địch Olympic, tay vợt 21 tuổi đã tâm sự: “Khi tôi mới 14 hay 15 tuổi, cha đã bán nhà để cho tôi chơi quần vợt. Cha muốn dùng mọi cách để thực hiện bằng được ước mơ của tôi… Và may mắn là cuối cùng tôi đã đem được vinh quang về cho gia đình mình”.

Phần thưởng ngọt ngào cho những nỗ lực

Trước khi giành chức vô địch, giá trị thương mại hàng năm của Trịnh Khâm Văn lên tới 40 triệu NDT (khoảng 140 tỷ đồng) và sau chiến thắng này được dự đoán sẽ vượt qua 100 triệu NDT (khoảng 350 tỷ đồng). Ngoài ra, cô còn sở hữu vô vàn phần thưởng hiện kim, hiện vật đến từ chính phủ, liên đoàn thể thao, nhà tài trợ… Theo một số nguồn tin, Trung Quốc treo thưởng 37.500 USD cho HCV, 22.500 USD cho HCB và 15.000 USD cho HCĐ. Trịnh Khâm Văn còn đang là đại sứ thương hiệu của hãng trà sữa Trung Quốc Chagee từ trước thềm Olympic. Sau chiến thắng bùng nổ này, doanh số Chagee tăng vượt bậc, hàng loạt nhãn hàng lớn nhỏ bên Trung được dự đoán phải “xếp hàng” năn nỉ mời “QueenWen” (“nữ hoàng Wen”) chiếu cố.



Nguồn

Exit mobile version