Tài Chính

Pháp gặp cú sốc bất ngờ ở châu Phi

Binh lính Pháp tại căn cứ quân sự ở thủ đô N’Djamena của Chad năm 2014. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần này, một đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nộp báo cáo nêu đề xuất về cách Pháp có thể giảm

hiện diện quân sự

của mình tại các quốc gia gồm Chad, Gabon và Bờ Biển Ngà, nơi Paris duy trì hiện diện quân sự trong nhiều thập kỷ.

Chi tiết của báo cáo chưa được công bố, nhưng hai nguồn tin cho biết kế hoạch đề xuất giảm số lượng quân hiện diện từ khoảng 2.200 xuống còn 600. Chad sẽ giữ lại lực lượng lớn nhất với 300 quân Pháp, giảm từ mức 1.000 hiện nay.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khiến giới chức

Pháp

bất ngờ, Chính phủ Chad – đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực – đột ngột chấm dứt hiệp ước hợp tác quốc phòng với Pháp hôm 28/11. Điều này có thể dẫn đến việc Pháp phải rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Phi này.

“Đối với Pháp, đây là khởi đầu cho sự kết thúc cam kết an ninh ở miền Trung và Tây Phi”, Ulf Laessing, giám đốc Chương trình Sahel tại Quỹ Konrad Adenauer ở Mali, nhận định.

“Chad giống như tàu sân bay của quân đội Pháp, là trụ sở hậu cần của họ. Nếu không giữ được Chad, quân đội Pháp sẽ gặp vấn đề lớn trong việc tiếp tục điều hành các hoạt động khác của họ”, ông Laessing cho biết.

Trong một đòn giáng nữa vào Pháp, Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye nói với đài truyền hình nhà nước Pháp hôm 28/11, rằng việc quân đội Pháp duy trì hiện diện ở đất nước của ông, với số lượng hiện nay là 350 binh lính, là không phù hợp.

Pháp đã rút quân khỏi Mali, Burkina Faso và Niger sau khi các cuộc đảo chính quân sự ở các quốc gia Tây Phi đó làm tăng tư tưởng chống Pháp.

Các nhà ngoại giao cho biết Paris đang chuyển chú ý nhiều hơn sang châu Âu với cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời gặp phải khó khăn về ngân sách.


Bị coi thường

Một nguồn tin nắm được tình hình ở Chad cho biết, chính phủ nước này dường như coi quyết định của Pháp về việc giảm diện diện là sự coi thường. Chad cảm thấy rằng Paris sẽ không còn có thể giúp họ bảo đảm an ninh cho chính quyền của Tổng thống Mahamat Idriss Deby.

Tổng thống Macron ủng hộ ông Deby từ khi ông kế nhiệm cha lên lãnh đạo, bất chấp nhiều lời chỉ trích. Cha ông Deby đã lãnh đạo Chad trong 30 năm cho đến khi bị sát hại năm 2021, trong một cuộc tấn công của quân nổi dậy. Ông Deby giành chiến thắng trong cuộc bầu cử được tổ chức trong năm nay.

Trong tuyên bố đưa ra tối 28/11, Bộ Ngoại giao Chad cho biết nước này muốn khẳng định hoàn toàn chủ quyền của mình sau hơn 6 thập kỷ độc lập khỏi Pháp.

Bộ này cũng nói rằng quyết định sẽ không làm suy yếu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đầu năm nay, một lực lượng nhỏ của Mỹ rời Chad, trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại quan hệ hợp tác với quốc gia này.

Việc Pháp và Mỹ rút quân khỏi

châu Phi

trái ngược với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Nga và các quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, ở lục địa đen. Lực lượng quân sự tư nhân Nga đang hỗ trợ các chính quyền quân sự ở Niger, Mali và Burkina Faso, và cũng đang chiến đấu cùng họ chống lại lực lượng khủng bố.

Tuy nhiên, các quan chức Pháp hạ thấp khả năng Nga có thể tranh thủ thất bại của Pháp ở Chad, ít nhất trong ngắn hạn, khi đang bận rộn với chiến dịch quân sự ở Ukraine.




Theo Reuters

Nguồn