TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Phát giá 5,7 tỷ nhưng khi môi giới dẫn khách đến chủ nhà đòi lên 6 tỷ…giá thuộc về người bán, quyền của môi giới trong giao dịch bất động sản rất nhỏ bé

Gần đây, dư luận đang xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường. Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 31/10 tại Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức họp báo với chủ đề “Thực hư chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường”.

Tại buổi họp báo, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản bị đẩy giá trong thời gian qua.

Theo đó, môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Cung – Cầu trên thị trường bất động sản, giúp kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển – (Bên Cung) và khách hàng/nhà đầu tư (Bên Cầu) trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê bất động sản.

Làm rõ hơn vai trò của người môi giới và đưa ra ý kiến tại buổi họp báo, bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Nhà ở ngay – đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường thứ cấp dẫn ví dụ, cách đây 1 tuần, trường hợp một căn hộ 2 ngủ ở Thanh Xuân (Hà Nội), đầu tiên chủ nhà đồng ý đưa ra giá là 5,7 tỷ bao gồm thuế, phí môi giới (0,5 – 1,5% trên thị trường thứ cấp) .

“Tuy nhiên, khi chúng tôi chốt giá, báo với khách xong xuôi, đến ngày hôm sau dẫn khách đến xem thì chủ nhà tăng giá lên 6 tỷ không bao phí (không bao gồm 2% thuế thu nhập cá nhân, không bao gồm 0,5% lệ phí trước bạ, không bao gồm 0,5% thu nhập của môi giới)…”, bà Mai nói.

Qua trường hợp này, bà Mai bày tỏ sự bất bình: “Trong khi môi giới đã rất vất vả, bỏ nhiều công sức để tìm khách mua khớp với nhu cầu của chủ nhà nhưng gần như vai trò, quyền của môi giới trong “cuộc chơi” giữa chủ nhà và khách hàng lại rất nhỏ bé”.

Bên cạnh đó, bà Mai cũng khẳng định rằng, thu nhập của môi giới không cao và thực sự không đủ nguồn lực, khả năng để “khuấy đảo” thị trường. Công việc của môi giới đơn thuần chỉ là tư vấn về giá, có chấp nhận giá hay không là ở chủ nhà, đồng ý mua hay không là đến từ khách hàng. Vì vậy, không có chuyện môi giới cố tình đẩy giá, gây lũng đoạn thị trường.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, là người gắn bó với hoạt động môi giới bất động sản ngay từ thời kỳ sơ khai nhất cho rằng có trường hợp môi giới bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường nhưng không nhiều.

“Thực tế, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng hành nghề, chấp hành tốt các quy định pháp luật, thì cá biệt vẫn còn có một số cá nhân môi giới bất động sản bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản nâng giá hoặc dìm giá thị trường. Nhưng chắc chắn hiện tượng này không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường”, ông Phúc nhận định.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng đánh giá cao môi giới bất động sản là một ngành nghề vô cùng quan trọng và việc siết chặt các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động quản lý môi giới đạt hiệu quả, môi giới cần tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tổ chức xã hội nghề nghiệp cho các nhà môi giới cần được hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.


Theo Nhật Anh

Nguồn

Exit mobile version