Sau sắp xếp, Quốc hội giảm 4 ủy ban và nâng cấp 2 ban trực thuộc Thường vụ Quốc hội lên thành ủy ban thuộc Quốc hội.
Chiều 6/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn; số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15.
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.
Ủy ban Đối ngoại kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng – An ninh – Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Ủy ban Quốc phòng – An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh – Đối ngoại.
Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp sáp nhập thành Ủy ban Pháp luật – Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế – Tài chính; Ủy ban Xã hội – Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa – Xã hội.
Hai cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và hai Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp Thường vụ. Ảnh: Media Quốc hội
Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ tịch/chủ nhiệm, phó chủ tịch/phó chủ nhiệm và ủy viên. Thành phần Ủy viên của Hội đồng và Ủy ban gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các phó chủ tịch và ủy viên của Hội đồng dân tộc; phó chủ nhiệm và ủy viên của Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi cơ quan của Quốc hội trong luật là phù hợp. Điều này thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về dự án luật về tổ chức bộ máy.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng bên cạnh việc kết thúc hoạt động Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội, cơ quan của Quốc hội cơ bản “không có thay đổi lớn”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc, còn lại để luật chuyên ngành điều chỉnh, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, ủy ban để xử lý vấn đề này.