Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ, bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2025.
Phát biểu tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/12, Thứ trưởng Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết dự án Luật này sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực bảo vệ; sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đó, chính sách nổi bật là cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, gồm quyền được biết; đồng ý và rút lại sự đồng ý; quyền xóa dữ liệu; quyền hạn chế xử lý dữ liệu; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền tự bảo vệ. Ngoài ra, Luật cũng cụ thể hóa biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, quy định một số trường hợp đặc biệt.
Việc xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng; dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết; dữ liệu cá nhân của trẻ em cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật này tại kỳ họp 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản nhất trí với chính sách lớn của dự án Luật. Song ông đề nghị Chính phủ bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới tư duy lập pháp, nghiên cứu quy định trong Luật những vấn đề khung, có tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hiện nay việc quản lý dữ liệu cá nhân được thực hiện theo Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo Bộ Công an, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, đơn vị thu thập dữ liệu không xác định được dữ liệu cá nhân được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, chuyển giao cho ai, tác động thế nào.
Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Thậm chí, nhiều chủ thể dữ liệu không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình. Vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết.
Bên cạnh nội dung trên, Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bổ sung vào Chương trình Kỳ họp 9 Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật Báo chí (sửa đổi).