Tài xế giảm, chi phí tăng
Mới đây, Công ty tư vấn về chuỗi cung ứng và logistics (CEL) công bố báo cáo “Đánh giá tác động của luật giao thông mới 2025 sau một tháng thực thi quy định đối với ngành logistics và chuỗi cung ứng”, trong đó tập trung phân tích tác động của các quy định về an toàn giao thông, tiêu chuẩn khí thải và giới hạn giờ lái xe đối với các doanh nghiệp (DN) vận tải và logistics tại VN.
Trong số 460 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau được khảo sát, đa số ý kiến đều đánh giá cao những lợi ích và cơ hội dài hạn từ các quy định giao thông mới. Cụ thể, việc thực thi nghiêm ngặt hơn về giờ lái xe và các hình phạt tăng giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông, thúc đẩy việc di chuyển an toàn hơn và giảm chi phí liên quan cho các DN cũng như hệ thống y tế. Các tiêu chuẩn khí thải mới dự kiến sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Ngoài ra, nhu cầu tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy việc áp dụng công nghệ logistics tiên tiến như hệ thống lập kế hoạch tuyến đường tự động và theo dõi thời gian thực, nâng cao hiệu quả giao hàng.
Nhu cầu tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sẽ thúc đẩy việc áp dụng công nghệ logistics tiên tiến trong tương lai gần
Tuy vậy, khoảng 80% DN cũng ghi nhận nhiều gián đoạn do các quy định mới, nhất là trong lĩnh vực logistics. Vận tải đường dài bị ảnh hưởng dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài và tình trạng thiếu tài xế trở nên phổ biến. Điều này làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và thương mại quốc tế, gây chậm trễ trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, khoảng 70% DN gặp phải những tác động lớn đến chi phí hoạt động do thời gian lái xe bị giảm. Điều này làm giảm thu nhập của nhân viên và tăng chi phí kinh doanh. Hơn nữa, mức phạt tăng cao càng làm tăng chi phí, buộc các DN vận tải và nhà cung cấp bên ngoài phải tăng giá. “Sau khi luật có hiệu lực, 52,5% DN ghi nhận chi phí tăng đến 10%; 67,5% đối mặt với thời gian giao hàng dài hơn 10%. Hiệu suất giao hàng đã giảm đáng kể, chỉ có 44,7% duy trì tỷ lệ giao hàng đúng hạn từ 70 – 89%”, báo cáo nêu rõ.
Nói rõ hơn về những tác động này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho rằng một số nội dung quy định mới đã và đang bộc lộ bất cập. Cụ thể, tại khoản 1 điều 64 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 tiếng trong một ngày và không quá 48 tiếng trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ. Trong khi đó, các hệ thống đường bộ của nước ta hiện chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài cả về chiều dài đoạn đường bị ùn tắc và thời gian ùn tắc, đặc biệt là 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao đi qua đô thị. Mặt khác, trên một số đường bộ cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là trục cao tốc Bắc – Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ. Do đó, thực tế người điều hành vận tải và người lái xe không hoàn toàn làm chủ được thời gian lái xe trên đường; dẫn đến thời gian lái xe bị kéo dài, vượt quá thời gian quy định.
Ông Nguyễn Văn Quyền nói: “Đây là nguyên nhân chính làm cho lái xe vô tình vi phạm 1 hoặc 2 hoặc cả 3 hành vi, biết trước nhưng không thể tránh, hậu quả là lái xe và cả DN đều bị xử phạt nặng. Chưa kể, thiết bị giám sát hành trình có chức năng đo lường, xác định thời gian hoạt động và tốc độ của xe hiện chưa được quy định trong Nghị định số 135/2021/NĐ-CP nên không được kiểm định định kỳ. Do đó, thời gian hoạt động, tốc độ và quãng đường đi của xe thu được từ thiết bị giám sát hành trình chênh lệch với công-tơ-mét của xe ô tô. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm thời gian lái xe”.
Thực tế, từ trước đến nay, các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô có xe chạy đường dài, như tuyến Bắc – Nam, Tây Bắc… đều bố trí 2 lái xe. Để đảm bảo thời gian lái xe theo quy định thì các DN phải bố trí 3 lái xe. Tuy nhiên, việc tuyển thêm để bố trí 2 hoặc 3 lái xe rất khó, thậm chí không thể thực hiện được, vì đối với ô tô đầu kéo, theo thiết kế chỉ có 2 ghế và quy định chỉ được 2 người ngồi (kể cả xe có thiết kế giường nằm). “Nhìn chung, trong điều kiện hạ tầng, tổ chức cũng như quản lý giao thông vận tải của nước ta còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông bình thường của phương tiện, việc áp dụng quy định và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên làm cho người lái xe ô tô rất dễ vi phạm do các nguyên nhân khách quan”, ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận.
Nên quản lý tài xế, thay vì quản lý xe
Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc SeaAir Global, nhận xét sau hơn 1 tháng các quy định mới về giao thông có hiệu lực, có 2 vấn đề lớn đã và đang tác động đến ngành logistics. Thứ nhất, hiệu suất giao hàng, cụ thể là thời gian giao hàng bị kéo dài, vì xe quay đầu cũng bị tính vào trong thời gian vận tải. Thế nên việc giao 1 ngày 2, 3 lô hàng ko còn dễ dàng như trước. Thứ hai, chi phí giao hàng tăng cao hơn. Cụ thể, các công ty vận tải, chủ nhà xe bắt buộc phải tuyển thêm tài xế và đầu tư thêm xe. Thực tế cho thấy các nhà xe có lực lượng tài xế hùng hậu, xe nhiều… sẽ có lợi thế hơn nhiều so với các nhà xe nhỏ yếu thế hơn.
Từ đó, chuyên gia này đề xuất về phía DN, giải pháp lâu dài là chính các nhà xe nhỏ lẻ cần chuyên nghiệp hóa và trở nên lớn mạnh bằng cách thành lập liên minh với nhau, cùng đóng góp tài nguyên và chia sẻ lợi ích, kiểu như mô hình hợp tác xã.
Đối với cơ quan quản lý, quy định hiện nay về chạy không quá 10 tiếng/ngày là căn cứ theo định vị của xe, chứ không phải theo tài xế, trong khi thực tế là phải quản lý giờ làm việc của tài xế, chứ không phải “giờ làm việc” của xe. Ông Nguyễn Lý Trường An nhấn mạnh: “Bộ GTVT phải quản lý việc tài xế chạy 10 tiếng/ngày y như cách quản lý theo dõi thiết bị điện tử DAT (distance and time – thiết bị được gắn trên ô tô để ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận thời gian, quãng đường cũng như thông tin bắt buộc trong quá trình dạy và sát hạch học lái xe – PV) trong đào tạo và thi cấp bằng lái xe ô tô. Để không xảy ra tình trạng gian lận, tôi kiến nghị cơ quan nhà nước áp dụng quét thẻ hành nghề và nhận diện gương mặt đối với tài xế điều khiển xe. Chứ theo quy định hiện nay, cho dù trên xe có nhiều tài xế nhưng cứ chạy 10 tiếng phải ngưng là điều bất cập. Bởi xe nhiều tài thì xe có quyền chạy suốt”.
Hiệp hội Vận tải ô tô VN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe. Cụ thể, nâng thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 – 60 giờ, quy định thời gian lái xe liên tục và trong ngày vượt quá 10% của thời gian lái xe theo quy định tại khoản 1 điều 64 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới xử phạt và chỉ xử phạt người thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu đầu tư, khắc phục những bất cập và hoàn thiện hạ tầng công trình đường bộ, tổ chức giao thông.