TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Sản lượng lao dốc, chi phí đầu vào tăng vọt, nông dân tại vùng sản xuất ‘vàng đỏ’ lớn thứ 2 toàn cầu từ bỏ trồng loại gia vị đắt nhất thế giới, ‘cắn răng’ chuyển sang cây trồng ít sinh lời hơn

Abdul Majeed Wani là một nông dân trồng nghệ tây (saffron) ở tỉnh Kashmir, miền Bắc Ấn Độ. Anh hẳn phải rất vui mừng vì giá của “loại gia vị đắt nhất thế giới” này tăng trong năm nay khi sản lượng giảm ở Iran – quốc gia trồng nghệ tây hàng đầu.

Nhưng hiện nay, không phải mọi chuyện đều tốt đẹp trên các cánh đồng nghệ tây tím ở Kashmir – nơi nổi tiếng với truyền thống trồng nghệ tây từ thế kỷ 16.

Biến đổi khí hậu đang giáng đòn nặng nề vào sản lượng nghệ tây. Điều này khiến ngày càng nhiều nông dân từ bỏ trồng loại cây gia vị vốn từng là nguồn sống của khoảng 30.000 hộ gia đình ở thung lũng Kashmir. Con số này đã giảm đi một nửa khi nông dân chuyển sang trồng táo hoặc cây óc chó dù ít lợi nhuận hơn.

“Sản lượng rất kém, giảm tới 50% so với năm 2023”, Wani nói với tờ Nikkei Asia về cánh đồng trồng nghệ tây của mình. “Trong những năm qua, chi phí đầu vào đã vượt đầu ra”.

Nghệ tây, được mệnh danh là vàng đỏ, có thể được bán với giá lên tới 2.000 USD (51 triệu VND)/kg. Đây cũng là loại gia vị đắt nhất thế giới. Nông dân thu hoạch bằng cách bóc các cánh hoa nghệ tây màu tím và ngắt những sợi nhụy hoa nghệ tây đỏ bên trong.

Là nơi sản xuất nghệ tây lớn thứ 2 thế giới sau Iran, Kashmir chiếm khoảng 90% tổng sản lượng ở Ấn Độ. Năm nay, nhu cầu cao đã đẩy giá nghệ tây bán buôn tại Ấn Độ lên hơn 20% và giá bán lẻ tăng 27%.

Thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng đến sản lượng. Diện tích đất trồng nghệ tây ở Kashmir đã giảm từ khoảng 5.700 ha vào giữa những năm 1990 xuống dưới 2.400 ha vào năm 2019. Sản lượng hàng năm giảm xuống chỉ còn 2,6 tấn so với mức gần 16 tấn của ba thập kỷ trước.

Các chuyên gia cho biết lượng mưa ít và nhiệt độ cao khiến đất quá khô, không thích hợp để trồng loại cây này.

Vì vậy, Wani và những người nông dân khác đã chuyển từ phương pháp canh trác truyền thống sang kỹ thuật mới với hy vọng khôi phục một phần sản lượng đã mất: trồng trong nhà.

Wani trồng củ giống trong các khay đất tại một căn phòng ít ánh sáng trong nhà. Củ giống phát triển trong khay trong ba tháng trước khi được trồng lại trên đất ngay trước khi thu hoạch.

“Hoa nở như thường lệ và sau khi thu hoạch, củ được đưa về lại đất. Chất lượng tương đối tốt hơn so với canh tác truyền thống. Phương pháp này cũng sử dụng ít lao động và tưới tiêu hơn.

Tuy nhiên, canh tác trong nhà vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các chuyên gia cho rằng cần có sự đầu tư và quan tâm của chính phủ để triển khai thương mại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng canh tác trong nhà sẽ giúp khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của nghệ tây ở Kashmir.

“Tôi không muốn thay đổi cách canh tác truyền thống và chuyển sang canh tác trong nhà vì tôi không biết tương lai của phương pháp này ra sao”, người nông dân trồng nghệ tây Shabir Ahmad cho biết.

Theo Nikkei Asia

Nguồn

Exit mobile version