Tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2024 tổ chức tại Việt Nam, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của chị thu hút sự chú ý của khách tham quan và các đại biểu quốc tế. Nhà khoa học sinh năm 1976, cựu sinh viên khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam miệt mài quảng bá sản phẩm và “bật mí” đang nỗ lực để đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài.
TS Bá Thị Châm tại Hội nghị APNN 2024. |
PV: Được biết, tất cả các dược liệu mà chị sử dụng trong nghiên cứu và sản xuất đều là cây bản địa. Dược liệu sạch là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhưng việc sử dụng 100% cây bản địa đảm bảo nguồn gốc sạch cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh cạnh tranh về giá?
– TS Bá Thị Châm: Đây là vấn đề luôn làm tôi đau đầu. Dùng được dược liệu bản địa cần phải nghiên cứu rất kỹ về đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng, vùng trồng và thời gian thu hoạch, điều kiện sơ chế ngay tại vùng trồng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhất. Mặt khác, phải tìm hiểu giá nhập khẩu nguyên liệu dược liệu này để có tính cạnh tranh cao.
Mỗi dược liệu sẽ có một vùng trồng khác nhau nên rất khó khăn cho việc kết hợp với nông dân một hoặc hai vùng để họ gắn bó hoàn toàn thời gian với nghề mà họ chỉ làm bán thời gian và theo mùa hoặc xen canh với các cây ăn quả, lương thực khác để đảm bảo thu nhập. Có những loài trữ lượng trong tự nhiên (đặc biệt với những cây bụi một năm, không ảnh hưởng đến việc phá hủy rừng) còn khá nhiều thì chỉ khai thác, bảo tồn, tái sinh hợp lý sẽ cho hiệu quả cao hơn và giá cạnh tranh hơn so với nguyên liệu được trồng, tuy nhiên về mặt giấy tờ chứng minh nguồn gốc đầu vào thì rất khó khăn. Nhiều dược liệu tại vùng trồng xa, không có điều kiện sơ chế sẽ phải đi thu gom tươi nên khá vất vả và chi phí cũng tăng lên rất nhiều.
Tất cả những khó khăn này dẫn đến giá sản xuất các sản phẩm từ dược liệu bản địa sẽ có giá cao hơn nhiều so với nguyên liệu nhập khẩu.
TS Bá Thị Châm giới thiệu các sản phẩm được sản xuất từ kết quả nghiên cứu của mình. |
Thị trường cạnh tranh khốc liệt và người tiêu dùng thông thái luôn tìm kiếm các sản phẩm có hiệu quả trong điều trị bệnh với giá cả vừa phải. Trên các nền tảng xã hội, hình ảnh của chị gắn liền với một số sản phẩm được quảng bá khá mạnh. Xem ra, phản hồi của người bệnh về các sản phẩm của chị khá tốt?
– Vâng, sản phẩm của tôi đã được đánh giá là tương đương với các sản phẩm nhập ngoại về chất lượng và giá cả, tuy nhiên về thành phần và công dụng thì phong phú hơn do thảm thực vật Việt Nam phong phú hơn, hoạt chất cũng đa dạng hơn.
Tuy thị trường có cạnh tranh khốc liệt về giá nhưng người tiêu dùng thông thái cũng đã biết tìm đến những sản phẩm có các nghiên cứu bài bản của các nhà khoa học, đồng thời các sản phẩm của tôi phân phối theo cách khác biệt, không theo truyền thống để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng là chất lượng và giá thành được tương xứng, không phải chi phí quá nhiều cho việc truyền thông và marketing.
Các sản phẩm khi ra thị trường đều được đánh giá có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh tích cực, được người tiêu dùng mua ngay từ lần đầu tiên. Họ còn giới thiệu cho người thân và bạn bè dùng. Ví dụ như: Sản phẩm hỗ trợ các bệnh về đường tiêu hóa: Nanocurcumin coptis, Gastroadisia, Cotishedi, sản phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu: Nanorutin timasalvia, sản phẩm cân bằng nội tiết tố nữ: Flavon Angelia, sản phẩm hỗ trợ giảm khối u phần phụ: Panacan… và còn nhiều sản phẩm khác.
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe của TS Bá Thị Châm gồm 3 nhóm:
– Nhóm thứ nhất là các sản phẩm nâng cao sức khỏe tổng thể (hệ miễn dịch). Trong nhóm sản phẩm này, nổi bật nhất là hai dòng sản phẩm nanocurcumin và tỏi đen…
– Nhóm sản phẩm thứ hai là các sản phẩm hỗ trợ điều trị chuyên sâu, liên quan đến các bệnh chuyển hóa xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại như: rối loạn chuyển hóa lipit, tiểu đường, gout, tim mạch…
– Nhóm sản phẩm thứ ba đó là hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khỏe giới tính, với các sản phẩm mầm đậu nành hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ, bổ thận nam…
Trong quá trình nghiên cứu, đã khi nào chị gặp thất bại phải từ bỏ? Chị đã vượt qua những trở ngại “thất bại” ra sao để được những kết quả mong muốn?
Thông thường các nhà khoa học chỉ nghiên cứu được quy trình sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm. Còn tôi vẫn phải nghiên cứu tiếp tục để đưa ra quy mô sản xuất lớn và tính toán phù hợp về đầu tư trang thiết bị và tối ưu trong sản xuất để sản phẩm có giá cạnh tranh và thuyết phục nhà phân phối. Nhà phân phối họ chỉ đầu tư tài chính cho việc xây dựng kênh phân phối chứ họ không đầu tư tài chính vào sản xuất.
TS Bá Thị Châm trong phòng thí nghiệm. |
Trong hành trình của tôi, thất bại nhiều nhất vẫn là trả giá về mặt thời gian và tài chính vào nghiên cứu nâng công suất sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô nhỏ và vừa, sau đó là công nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về sản lượng và giá cả cho nhà phân phối. Chi phí cho việc mua nguyên liệu, vật tư hóa chất khi không thành công cũng tốn kha khá.
Ví dụ: khi nghiên cứu công nghệ lên men tỏi đen ở quy mô 3kg/mẻ sẽ khác nhiều so với quy mô 50 kg và 300 kg. Mỗi lần thay đổi quy mô phải đổ đi cả chục mẻ mới rút ra được kinh nghiệm v.v..
Có ý kiến cho rằng, nhà khoa học muốn đưa được kết quả nghiên cứu trên giấy của mình thành sản phẩm thương mại được đón nhận trên thị trường thì hoặc là có tiềm lực kinh tế để hỗ trợ thực hiện các quy trình theo quy định và tự xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm; hoặc có các doanh nghiệp đồng hành. Chị thì thế nào? Có kết quả nghiên cứu nào của chị hiện vẫn cất ngăn kéo vì những khó khăn về tài chính, thủ tục…?
– Về nghiên cứu khoa học: có hai dạng nghiên cứu là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các đề tài nghiên cứu cơ bản có tính hàn lâm rất cao, và có tính mới thì ít được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Còn các đề tài mang tính chất ứng dụng thì kinh phí cấp cho nghiên cứu vẫn chỉ là đến quy trình sản xuất được, quy mô thường nhỏ, nhưng chưa tính đến giá thành sản xuất và nghiên cứu tính cạnh tranh khi ra thị trường. Vậy để ứng dụng sản xuất được thì trước hết cần tính toán kỹ và khảo sát về giá khi sản xuất và kinh phí tiếp theo cho nghiên cứu quy mô sản xuất lớn…
TS Bá Thị Châm tận tình hướng dẫn người dân Lào Cai về phương pháp thu hoạch nguyên liệu đỗ tương sạch đúng cách để đạt chất lượng cao. |
Về mặt kinh tế, nếu nhà khoa học đã rất giàu có đủ để xây dựng nhà máy lớn thì họ lại không ước mơ làm lớn mà đều có sự kết hợp giữa nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà kinh doanh. Bản thân tôi trước khi có những sản phẩm đầu tiên mang danh mình ra thị trường thì cũng đã làm thuê gia công cho các đơn vị lớn để kiếm tiền. Tuy nhiên đều là những công nghệ đòi hỏi chất xám cao ít chi phí về đầu tư thiết bị. Sau đó, khi có tài chính tự kiếm ra mới lấy tiền đó đầu tư tiếp cho việc đầu tư những máy móc lớn hơn mà các nhà máy khác không có. Chỉ đầu tư máy cốt lõi, còn có công đoạn mình lại thuê gia công tận dụng công suất thừa của các nhà máy khác… Việc kết hợp trong quá trình sản xuất sẽ không tốn kém nhiều chi phí đầu tư nhà máy thiết bị cũng như quản lý nhân sự cồng kềnh phức tạp và vẫn còn thời gian tập trung vào nghiên cứu khoa học…
Doanh nghiệp đồng hành cùng tôi đều là doanh nghiệp mới, nhỏ bắt đầu lập nghiệp cần sự đồng hành của nhà khoa học để có con đường riêng. Các doanh nghiệp này không có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng nhiệt huyết và nhanh nhạy nắm bắt thị trường.
Cho tới nay, nhiều kết quả nghiên cứu của tôi chưa được đưa vào thị trường do nhiều yếu tố: Nguyên liệu còn quá đắt do chưa nghiên cứu được điều kiện trồng phù hợp; thủ tục công bố cấp phép lưu hành sản phẩm còn chậm và liên tục thay đổi, các thay đổi này đều làm khó khăn cho việc sản xuất các sản phẩm nguồn gốc nội địa.
TS Bá Thị Châm (giữa) và các đồng nghiệp tại gian trưng bày giới thiệu sản phẩm của mình. |
Với hai sản phẩm tinh chất mầm đậu nành (từ hạt đầu nành) và viên tiểu đường (từ dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn, tỏi đen được sản xuất bằng công nghệ lên men và bào chế dạng nano), TS Bá Thị Châm đã được nhận giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.
Sản phẩm của chị được đón nhận tại thị trường trong nước? Còn ở nước ngoài thì sao?
Các sản phẩm nghiên cứu của tôi đã được thị trường trong nước đón nhận với thời gian dài hàng 10 năm nay. Còn ở nước ngoài một số được gửi đi thường xuyên cho người nhà qua đường xách tay cho người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện có giáo sư người Ý nghiên cứu về lĩnh vực y học quan tâm đến các sản phẩm của tôi. Họ đã nghiên cứu rất kỹ về mặt tác dụng và cũng khẳng định một số sản phẩm của tôi có thể phù hợp với nhu cầu của người nước họ và người châu Âu nói chung. Tuy nhiên thảo dược để kiểm soát chất lượng sau sản xuất là rất khó, nhất là ở đất nước của họ lại không có thảo dược nên họ ít nghiên cứu và cũng không có cái gì để làm chuẩn và kiểm tra chất lượng khi qua hải quan. Vì thế, đây vẫn là một vấn đề hết sức khó khăn. Vị giáo sư này hiện vẫn đang tìm cách để đưa sản phẩm của tôi sang lưu hành bên châu Âu.
Những khó khăn trong quá trình sản xuất thì cũng có, tuy nhiên vấn đề lớn là việc truyền thông để nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm của mình nhiều hơn, để dược liệu Việt Nam được sử dụng với trữ lượng lớn hơn, người dân yên tâm đồng hành cùng mình trồng và thu hái các dược liệu trên địa bàn họ sinh sống, dân bám đất bám rừng sẽ không phải bỏ quê hương đi làm ăn xa vất vả, và tạo môi trường xanh bền vững..
Sản phẩm mới nào của chị được thương mại hóa trong năm 2024?
Các sản phẩm mới được thương mại hóa trong năm 2024, gồm: Sản phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu: Nanorutin timasalvia, sản phẩm cân bằng nội tiết tố nữ: Flavon Angelia, sản phẩm hỗ trợ giảm khối u phần phụ: Panacan.., sản phẩm hỗ trợ chứng mất ngủ, đau đầu chóng mặt, hoạt huyết an thần: HupBraina. Ngoài ra còn có các sản phẩm mỹ phẩm sữa rửa mặt từ trà hoa vàng, và dung dịch vệ sinh từ một số thảo dược vùng Cát Bà.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
“Đông y nói chung có những bài thuốc dân gian lên đến 30 vị (loại cây thuốc), trong khi đó có 4 – 5 vị có cùng một loại hoạt chất có tác dụng. Các hoạt chất có tác dụng thường chỉ tồn tại trong dược liệu với hàm lượng rất nhỏ chỉ chiếm 0,1-5% trọng lượng khô, rất ít loại có hàm lượng cao như rutin trong hoa hòe chiếm tới 20-30%. Còn lại là các tạp chất không những không có tác dụng mà đôi khi còn làm cản trở hấp thu các hoạt chất hay gây tác dụng phụ không mong muốn và cần được loại bỏ.
(Bên cạnh các hoạt chất có tác dụng thì cũng tồn tại không ít những chất không có tác dụng. Những chất này đôi khi gây cản trở cho việc hấp thu hoạt chất và cũng có thể gây tác dụng phụ)
Việc sử dụng cây thuốc như vậy không chỉ là vấn đề lãng phí mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ những tạp chất khác có trong thảo dược gây ra cho người bệnh. Khi biết được những hoạt chất nào trùng nhau trong bài thuốc, tôi có thể bỏ bớt vị bằng cách làm giàu hoạt chất đó ở một nguyên liệu và tách chiết chúng ra khỏi nguyên liệu rồi bào chế chúng trở ở dạng dễ hấp thu, dễ sử dụng và dễ bảo quản nhất”
(TS Bá Thị Châm)