Xã Hội

Sở Y tế TP.HCM sẽ công bố hết dịch sởi

Chiều 24.10, Đảng ủy Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống dịch sởi trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua. 

Tại hội nghị, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm 2024.

Ông Dũng cho biết, tháng 8 vừa qua, dịch sởi bùng phát tại TP.HCM với 1.083 ca được ghi nhận, trong đó có 480 ca dương tính. Ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng ngừa như tăng cường tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, nhân viên y tế và các đối tượng có nguy cơ. Tính đến tháng 10.2024, có 218.298 mũi vắc xin sởi được tiêm, đạt tỷ lệ 98,07% cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi.

PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm 2024

Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM ghi nhận 7.859 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành y tế đã phối hợp chính quyền địa phương để tiến hành các đợt phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 54,2% so với năm trước.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngành y tế TP.HCM luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi. Từ đó, TP.HCM sẽ tiến đến công bố hết dịch sởi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, Sở Y tế TP.HCM đã củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng. TP.HCM đã triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Tính đến ngày 11.10, số lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là 13.203 người, đạt tỉ lệ 82,41% chỉ tiêu đề ra.

TP.HCM cũng đã triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và phát triển y tế chuyên sâu; củng cố và nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp; phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu…

Đặc biệt, theo ông Dũng, có 3 dự án bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi) đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động đúng theo kế hoạch.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao kết quả đạt được của ngành y tế TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2024. Các sở ban ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để TP.HCM hướng đến trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Asean.

PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hoạt động cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế và triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là các lĩnh vực quan trọng trong việc đảm bảo khả năng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Lần đầu tiên, các trạm y tế được cung cấp thêm nguồn thuốc theo gói thầu tập trung thuốc generic và dược liệu. Khoảng 300 loại thuốc khác nhau đã được cung ứng cho các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ban đầu và cơ bản tại y tế cơ sở.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM về việc ban hành mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc; hoàn thiện ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu; trình UBND TP.HCM phê duyệt quy trình cấp phép nhập khẩu các loại thuốc hiếm, thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp.


Nguồn