Hà NộiCủ sen nằm sâu dưới lớp bùn 30-50 cm, để thu hoạch thợ phải dùng máy bơm áp lực cao sục xuống làm loãng bùn, lộ diện củ.
Mùa vụ thu hoạch củ sen không cố định mà phụ thuộc vào thời điểm xuống giống. Có những đầm lớn ở Bắc Ninh hay Bắc Giang, sen được lấy củ cách đây 2-3 tháng. Ở Hà Nội, việc trồng sen lấy củ quy mô 5-10 ha không nhiều, lác đác vài nông hộ. Một trong số này là đầm của anh Vương Đắc Lộc, người làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
Đầm sen của anh Lộc nằm giữa cánh đồng, được anh thuê lại ruộng bỏ hoang của nông dân. Đầm rộng 20 ha, trồng xen kẽ nhiều loại sen, trong đó diện tích lấy hoa chiếm quá nửa, sen lấy củ khoảng 5 ha. Sau khoảng 5-6 tháng ươm trồng, khi phần lá khô và rụng xuống, chỉ còn phần thân khô queo, gãy gập trồi lên mặt nước là thời điểm thu hoạch củ.
Việc lấy củ sen lẽ ra từ đầu tháng 10, nhưng do mưa bão, đầm bị ngập nên anh Lộc phải lùi lại một tháng. Củ sen nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 30-50 cm và không phải cây nào cũng cho củ, nếu có thì không đều. Anh chỉ ưu tiên chọn những củ to bằng cổ tay người lớn, loại bé thường bỏ lại.
Theo anh Lộc, không phải ai cũng thu hoạch được củ sen. Anh phải thuê hai thợ chuyên nghiệp bởi nếu lấy không khéo, củ sen khi đưa lên khỏi mặt nước sẽ không còn nguyên vẹn, xước xát dễ khiến bị thâm, làm ảnh hưởng tới chất lượng.
Để thu hoạch, thợ phải sử dụng máy bơm áp lực cao với phần đầu vòi cắm thẳng xuống gốc sen. Trong bộ quần áo lội nước, chìm nửa người, thợ di chuyển phần đầu vòi qua lại. Khi lớp bùn nhão bị dòng nước thổi bay, những củ trắng lộ diện, được đưa lên khỏi mặt nước, xếp vào những chiếc thùng nhựa cột dây bên hông người thợ. Trung bình mỗi ngày hai thợ thu hoạch được một tấn củ.
Củ sen sau đó được xịt nước loại bớt bùn rồi phân loại. Củ loại một hiện bán 40.000-50.000 đồng/kg, loại hai khoảng 30.000 đồng, loại ba 20.000 đồng. Anh Lộc ước tính, mỗi sào cho khoảng 600 kg củ sen. Củ được thu hoạch đúng cách có thể để được 3-4 ngày, nếu muốn để lâu hơn thì phải vùi vào cát ẩm.
Giống lấy củ thường là loại sen Nhật, hoa ít hơn các loại khác nhưng rất thơm. Chăm sóc cây sen củ cũng đơn giản hơn. Thường trước khi xuống giống, anh Lộc bón một lớp phân chuồng ủ mục, NPK và vôi bột. Khi cây nảy mầm, anh tăng cường thêm kali, khi cây ra hoa bón thêm phân để tạo củ. “Lượng phân cũng phải phù hợp, tránh việc tốt lá mà củ lại không có”, anh Lộc cho biết.
Sen củ thường bị nhiễm hai bệnh sán thư và bọ trĩ. Người trồng sợ nhất bọ trĩ vì dễ thành dịch. Khi trưởng thành, sen cao hơn 2 m, việc phun thuốc trị bệnh không thể làm bằng tay mà chủ yếu sử dụng drone để thuốc sâu phun được đều, phần gió từ cánh quạt cũng giúp thuốc được đẩy xuống dưới dễ hơn.
Củ sen được dùng làm thuốc hoặc chế biến nhiều món ngon. Ngoài bán củ cho thương lái, anh Lộc còn sơ chế, thái lát, nghiền thành bột tinh bán gần một triệu đồng/kg. Anh cũng kết hợp thêm phần bột sen để làm miến.
Theo anh Lộc, trồng sen lấy củ cho giá trị cao gấp ít nhất 5 lần so với trồng lúa, bởi không chỉ lấy củ mà còn thu hoạch thêm ngó và hoa.
Việt An