Bất Động Sản

Tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở của người lao động tại Tp. HCM – Trường hợp tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè

Tóm tắt

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân xuất phát từ tốc độ gia tăng dân số nhanh, cơ sở hạ tầng chưa kịp nâng cấp trên bình diện tổng thể, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, ý thức một bộ phận dân cư còn hạn chế trong việc bảo vệ môi trường,… Do đó, nhiều khu dân cư phía Nam ở TP.HCM đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng biến đổi khí hậu cục bộ khiến mức nước triều cường dâng cao, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các khu dân cư, nhà trọ, nhà ở giá rẻ cho người lao động tại các khu vực tiếp giáp với hệ thống sông, kênh, rạch và bờ biển. Bài viết này sẽ phân tích, đánh giá những tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở cho người lao động tại TP.HCM, thông qua trường hợp nghiên cứu điển hình tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè của TP.HCM. Một số giải pháp đề xuất của nhóm nghiên cứu trong phạm vi bài báo này coi như tài liệu tham khảo về vấn đề nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngập lụt do BĐKH gây ảnh hưởng tới đời sống người dân TP.HCM (Nguồn: Nhóm Tác giả, 2022)

1. Giới thiệu chung

Dưới tác động của hiện tượng BĐKH – TP.HCM và các khu vực lân cận đang chịu nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, trong đó, ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn trong vài năm gần đây tại các khu vực phía Nam của thành phố. Tình trạng ngập lụt do triều cường (dưới tác động của BĐKH) đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực nhà ở, nhất là những khu nhà ở cho người lao động tại các khu vực tiếp giáp với hệ thống sông, kênh, rạch và bờ biển phía Nam thành phố. Ngập lụt không chỉ gây thiệt hại về mặt tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm lao động có thu nhập thấp, những người thường sống trong các khu vực nhà ở kém chất lượng hoặc không có khả năng xây dựng, sửa chữa nhà cửa để chống chịu trước thiên tai. Các khu nhà trọ, nhà ở giá rẻ cho người lao động tại TP.HCM thường không được thiết kế để chống ngập lụt, dẫn tới những ảnh hưởng đến độ ổn định, an toàn của ngôi nhà cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Thực tế, nhà ở của nhóm lao động thu nhập thấp đang bộc lộ nhiều bất cập, mỗi khi triều cường xảy ra là gây ngập lụt và làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường ngày và các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình.

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu tác động của ngập lụt đến nhà ở cho người lao động là cần thiết, nhằm đánh giá rõ hơn những thách thức hiện tại và đưa ra các giải pháp thiết thực, góp phần bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng sống cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này. Bài viết sẽ phân tích, đánh giá những tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở cho người lao động tại TP.HCM, thông qua trường hợp nghiên cứu điển hình tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè của TP.HCM. Từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra một số giải pháp đề xuất cho nhà ở của người lao động, đồng thời, định hướng giải pháp cải thiện hạ tầng và thiết kế nhà ở phù hợp với tình hình BĐKH hiện nay tại TP.HCM.

2. Biến đổi khí hậu và ngập lụt tại Tp. HCM

a) Biến đổi khí hậu

BĐKH là sự thay đổi của khí hậu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, do nguyên nhân tự nhiên hoặc hoạt động của con người gây ra. BĐKH làm cho nhiệt độ các đại dương tăng lên, băng tan hai đầu cực dẫn đến hạn hán, bão lụt ngày một tăng, mực nước biển cũng dần dần tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nhiều. Nguyên nhân của BĐKH chủ yếu được cho là do các hoạt động của con người gây nên thông qua nạn chặt phá rừng và phát thải quá nhiều lượng khí CO2 vào bầu khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính. Hệ quả nghiêm trọng nhất là hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng tan nhanh, khiến mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái và đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Các tác động khác của con người đối với môi trường tự nhiên càng làm cho hệ quả của BĐKH trở nên nghiêm trọng hơn. Nước biển dâng (NBD) là hiện tượng dâng lên của mực nước đại dương trên toàn cầu, trong đó không bao gồm triều, nước dâng do bão.

Nhà ở bị ngập vì triều cường lịch sử tại Đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, TP.HCM năm 2019 (Nguồn: Nhóm Tác giả, 2021)

Tại Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 ÷ 0,70C, mực NBD tăng khoảng 20cm. BĐKH đã góp phần làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc là thiên tai xảy ra hàng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. BĐKH sẽ làm cho các thiên tai nói trên trở nên khắc nghiệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Những cơn bão đổ bộ vào Đông Á và Đông Nam Á trong những năm gần đây dường như ngày càng mạnh hơn. Các nhà khoa học cho biết, đại dương ấm hơn đang thúc đẩy sức mạnh hủy diệt của các cơn bão. Siêu bão Yagi trong những ngày đầu tháng 9/2024 vừa qua chính là một phần của loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà Việt Nam chúng ta và một số nước lân cận phải đối mặt dưới tác động của BĐKH. Đây được xem như là lời cảnh báo nguy hiểm cho thấy các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tăng do BĐKH.

b) Biến đổi khí hậu và ngập lụt tại TP.HCM

Trong báo cáo tóm tắt “TP.HCM thích nghi với BĐKH” năm 2020 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank), cho rằng TP.HCM là một trong 10 thành phố hàng đầu trên thế giới sẽ bị hưởng nghiêm trọng nhất bởi BĐKH vào năm 2070. Nhận định này cần phải được quan tâm nghiên cứu vì nó ảnh hưởng tới sự phát triển tổng thể của Việt Nam cũng như bản thân TP.HCM. Trong đó, TP.HCM chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% tổng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ngoài ra, TP nằm gần ngang mực nước biển với 40% – 50% diện tích đất chênh cao 0,0-1,0m, 15%-20% trong khoảng 1-2m, và rất ít diện tích đất nền ở độ cao trên 4m. Mực nước triều của sông Sài Gòn chịu tác động trực tiếp từ mực NBD do hiện tượng BĐKH.

Theo dự báo trong kịch bản BĐKH vào năm 2050, số lượng các phường, xã, quận, huyện và toàn bộ khu vực TP.HCM trực tiếp bị ảnh hưởng bởi ngập úng sẽ tăng lên, ngay cả khi Thành phố đã triển khai Dự án kiểm soát úng ngập. Trong các đợt ngập thông thường, các Quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Tân Phú là những quận sẽ không bị ảnh hưởng. Còn các đợt ngập bất thường, thì tất cả các quận đều sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là huyện Cần Giờ ở tận cùng phía Đông Nam thành phố.

Tại huyện Cần Giờ, huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của TP.HCM, nơi có địa hình thấp với độ cao trung bình từ 0 ÷ 1,5m so với mực nước biển, và vị trí tiếp giáp trực tiếp với biển Đông. Đây là khu vực được dự báo sẽ bị ngập ngày càng nặng khi mực nước biển dâng cao. Huyện có thế mạnh về phát triển ngành thủy sản và kinh tế biển. Ngoài ra, còn có tiềm năng về ngành du lịch sinh thái. Tuy nhiên, nguồn lợi từ thiên nhiên dần bị cạn kiệt, lại chịu tác động trực tiếp từ BĐKH&NBD trong một vài năm gần đây nên các khu dân cư của huyện Cần Giờ đang đối mặt với việc mất đất canh tác, thậm chí cả một phần đất ở tại các xã An Thới Đông, Lý Nhơn và Thạnh An. Huyện Cần Giờ tiếp giáp với huyện Nhà Bè ở phía Bắc, việc đi lại của người dân hiện nay chưa có cầu nối liền, vẫn phải dùng phà Bình Khánh, hạn chế rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương.

Theo thống kê những năm gần đây, hậu quả chủ yếu của BĐKH & NBD đối với huyện Cần Giờ là ngập lụt, xâm nhập mặn, thay đổi thời tiết, và sạt lở. Trong đó, nhấn mạnh đến hai yếu tố ngập lụt và xâm nhập mặn. Ngoài ra, tác động tiêu cực như sạt lở đất ven sông và xói lở bờ biển cũng tác động trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực này. Xói lở bờ biển xảy ra tại hầu hết các khu vực bờ biển, với cường độ vài mét chục mét mỗi năm. Mực nước biển và dòng chảy sông tăng lên là những nguyên nhân gây sạt lở đường bờ biển huyện Cần Giờ.

Sơ đồ vị trí huyện Nhà Bè và Cần Giờ trong tổng thể TP.HCM (Nguồn: Nhóm Tác giả, 2021)

Như vậy, tác động trực tiếp và dễ thấy nhất của ngập lụt do BĐKH tại TP.HCM là gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Hiện tượng ngập lụt ngày càng gây hư hỏng các công trình dân sinh, nhất là nhà ở tại các khu vực tiếp giáp với hệ thống sông, kênh, rạch và bờ biển, gây suy giảm nguồn đất ở, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả các khu kinh tế. Hệ quả tất yếu là gia tăng đói nghèo, không còn cơ hội làm nông nghiệp, và buộc phải di cư về các khu trung tâm, gây thêm áp lực vốn đã rất lớn đến khu vực trung tâm thành phố. Tại nhiều khu dân cư phía Nam TP.HCM, tác động của BĐKH đến công trình nhà ở của người dân đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, với nguy cơ bị xâm lấn, thậm chí phải di dời địa điểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các khu dân cư đã tồn tại từ lâu đời.

3. Nhà ở cho người lao động tại Tp. HCM

Người lao động nhập cư thường có xu hướng lựa chọn những loại nhà ở phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu tối giản của họ. Dưới đây là một số loại hình nhà ở phổ biến đối với người lao động nhập cư đến thành phố:

a) Nhà trọ/Phòng trọ: Đây là loại nhà ở phổ biến nhất với người nhập cư, đặc biệt là các công nhân, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp. Nhà trọ được các cá nhân hoặc hộ gia đình tự xây dựng nhằm cung cấp chỗ ở tạm thời cho người lao động, sinh viên hoặc khách du lịch. Các phòng trọ thường có diện tích hạn chế, tiện ích cơ bản và giá thuê/mua tương đối rẻ. Thông thường, nhà trọ được xây dựng và bố trí đồ đạc đơn giản để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở với mức giá phải chăng, phục vụ cho những người có thu nhập thấp hoặc cần nơi ở trong thời gian ngắn. Tại TP.HCM, chủ nhà trọ có thể là những hộ gia đình/ cá nhân hoặc doanh nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ hộ gia đình chiếm phần chủ yếu, tới trên 90%.

Điểm hạn chế lớn nhất của loại hình nhà trọ này là điều kiện về diện tích chật hẹp, thiếu an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, và dễ bị ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, nóng bức, ngập lụt và triều cường.

b) Căn hộ mini/ Nhà thuê nguyên căn: Một số người nhập cư có thu nhập ổn định có thể lựa chọn căn hộ mini hoặc căn hộ cho thuê nguyên căn. Các căn hộ này thường nằm trong các tòa nhà cao tầng, cung cấp tiện ích tốt hơn so với nhà trọ, được trang bị đầy đủ tiện nghi như bếp, phòng tắm, phòng ngủ, giúp người thuê cảm thấy thoải mái và tiện lợi. Người thuê có quyền sử dụng toàn bộ không gian bên trong, thường được xây dựng với mục đích cho thuê dài hạn. Người thuê có thể sử dụng toàn bộ các phòng ở bên trong căn hộ mà không phải chia sẻ với người lạ. Nhà nguyên căn thường có thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, từ gia đình nhỏ đến gia đình lớn.

Chi phí thuê nhà nguyên căn thường cao hơn so với các loại hình thuê nhà khác do diện tích lớn hơn và tính riêng tư cao hơn.

c) Nhà ở xã hội: Loại nhà ở được chính phủ hỗ trợ, dành cho người có thu nhập thấp, bao gồm cả người nhập cư. Nhà ở xã hội chủ yếu phục vụ cho những người có thu nhập thấp, công nhân, và người có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ khả năng tài chính để mua hoặc thuê nhà ở thương mại. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế và quy định hiện hành còn phức tạp, chưa thuận tiện cho người lao động nhập cư từ các địa phương về thành phố tìm nơi ở.

d) Chung cư và nhà ở liền kề: Một số người nhập cư có thu nhập cao hoặc ổn định lâu dài có thể mua hoặc thuê nhà chung cư. Đây là loại hình nhà ở hiện đại, có tiện ích đồng bộ nhưng giá cả cao hơn các loại nhà ở khác.

Trong khi đó, nhà liền kề/ nhà phố thường có giá thành cao, ít được người lao động nhập cư từ các địa phương về thành phố tìm kiếm. Do điều kiện mật độ cao nên những khu nhà này thường xây dựng sát nhau, ít khoảng trống để thông gió và chiếu sáng tự nhiên, và thiếu không gian xanh khiến môi trường ở trở nên ngột ngạt trong những ngày nắng nóng.

e). Nhà phố và biệt thự: Loại nhà ở có điều kiện tốt, giá thành cao chỉ phù hợp với những người/gia đình có thu nhập cao và ổn định; Mặc dù loại nhà này có không gian rộng hơn và thường được xây dựng với các vật liệu chất lượng tốt hơn, những vẫn đối mặt với nguy cơ ngập lụt và triều cường.

Tóm lại, sự đa dạng về loại hình nhà ở phản ánh điều kiện kinh tế và nhu cầu khác nhau của người nhập cư tại TP.HCM. Tuy nhiên, chất lượng và điều kiện sống ở các loại hình nhà ở này còn nhiều khác biệt, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.

Hiện trạng nhà trọ ở hẻm 637 đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM (Nguồn: Tác giả, 2024)
Căn hộ chung cư The Park Residence Nhà Bè, TP.HCM (Nguồn: Tác giả, 2024)

4. Tác động của ngập lụt đến nhà ở cho người lao động

Dưới tác động của BĐKH tại vùng TP.HCM, kiến trúc nhà ở của người dân đang đối mặt với nguy cơ bị xâm lấn, thậm chí phải di dời địa điểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các KDC đã tồn tại từ lâu đời. Hiện tượng ngập lụt thường xuyên sẽ gây hư hỏng các công trình dân sinh, suy giảm nguồn đất ở, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả các khu kinh tế, nhất là gây hư hại nhà ở của người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Chính nhóm người nghèo và người nhập cư có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng họ không có nhiều khả năng để sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới. Ảnh hưởng của ngập lụt do BĐKH đến cuộc sống của người dân, bao gồm các khía cạnh:

  • Mất diện tích đất ở (Đối với nhà ở sát kênh rạch)
  • Hư hại nhà cửa
  • Mất việc làm, các cửa hàng buôn bán (đối với nhà ở sát đường/ lộ) gián đoạn các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ.
  • Cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà cửa và hệ thống cấp thoát nước bị hư hỏng nặng nề.
  • Gây ô nhiễm môi trường, xuất hiện dịch bệnh (môi trường, bệnh tật, vi khuẩn,…)
  • Làm tăng độ nhiễm mặn của nước mặt.
  • Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng (vui chơi giải trí, tập thể thao, giao tiếp,…)
  • Gây ra tình trạng di cư tạm thời hoặc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và gây sức ép về cơ sở hạ tầng cho các khu vực không bị ngập.

Như vậy, ngập lụt được coi là một dạng của thiên tai, gây gián đoạn các hoạt động của cộng đồng dân cư và xã hội, gây tổn thất và mất mát về tính mạng, tài sản, kinh tế và môi trường mà cộng đồng và xã hội không có đủ khả năng chống đỡ. Con người có thể giảm thiệt hại từ ngập lụt bằng cách di dời dân cư xa sông, biển. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, dân sinh thường gắn liền với sông, biển. Do vậy, dù muốn hay không thì con người vẫn chọn nơi định cư gần những nguồn nước – nguồn sống, cho dù tiềm ẩn những rủi ro thiên tai như ngập lụt, khi đó giá trị thu được do sống gần sông-biển cao hơn là chi phí dự báo và chống chọi với ngập lụt.

5. Một vài giải pháp cho nhà ở người lao động tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ

Với địa thế nằm ở hai vùng trũng và ven sông lớn bọc rìa ngoại thành TP.HCM, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng nhiều từ hiện tượng BĐKH và nước biển dâng. Kết quả của quá trình điều tra khảo sát của nhóm tác giả trong 2 năm 2019-2020 đã xác định nguyên nhân của tình trạng ngập lụt là do đặc điểm về điều kiện tự nhiên của hai địa bàn trên, cũng như lượng mưa lớn, địa hình trũng thấp, và đặc biệt là hiện tượng triều cường. Nghiên cứu đã có những đánh giá kết quả điều tra khảo sát, để từ đó đưa ra được một cách tương đối chính xác mức độ ảnh hưởng và tác động tiêu cực của ngập lụt đối với nhà ở tại khu vực nêu trên. Từ nguyên nhân gây ngập và mức độ ngập lụt của mỗi vùng, nhóm tác giả có những đề xuất giải pháp về quy hoạch-kiến trúc nhà ở cho người dân cần được thiết kế linh hoạt để phù hợp với từng khu vực và từng mức độ ngập khác nhau.

Nguyên tắc chung cho các giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng với ngập lụt do BĐKH là tùy thuộc vào mức độ ngập (ngập ít, ngập trung bình hay ngập nặng) mà đề xuất các giải pháp kiến trúc khác nhau, sao cho phù hợp với hiện tượng triều cường và BĐKH từng khu vực. Theo đó, mức độ ngập đối với các khu dân cư phía Nam TP.HCM có thể phân thành 3 nhóm tương ứng với mức độ ngập khác nhau: 1) Khu vực ngập nhẹ, độ sâu dưới 0,3m; 2) Khu vực ven sông/kênh rạch ngập trung bình, từ 0,3m đến dưới 1,0m; 3) Khu vực ven biển (huyện Cần Giờ), chịu tác động trực tiếp của bão và NBD, với mức dự báo tới năm 2050 bị ngập nặng, từ 1,0m trở lên.

Trong số các minh họa giải pháp thiết kế dưới đây, một số được thiết kế bởi sinh viên kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của tác giả, năm 2020-2022.

a) Giải pháp kiến trúc cho hộ gia đình

Về tổ chức không gian nhà ở hộ gia đình, cần tổ chức phù hợp đặc điểm sản xuất của hộ gia đình: Nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là cơ bản và kinh tế vườn, chăn nuôi trong khuôn viên để tự cung tự cấp theo hướng sinh thái. Người dân tùy theo điều kinh tế của mình mà tổ chức các không gian theo hướng sinh thái, tự phục vụ một cách chủ động, linh hoạt trong điều kiện bị thiên tai, dịch bệnh.

Về hình thức nhà ở, đề xuất xây dựng các loại hình nhà ở phù hợp với vùng bão lũ và ngập nước, với hình khối nhà đơn giản, kiên cố, có tầng lửng chứa sẵn nước ngọt và nhu yếu phẩm. Về bố trí công năng, nhà có thể bỏ trống tầng 1 hoặc nền nhà cao với đặc điểm là hiên nhà rộng, thoát nước mái nhanh, chân nền, chân tường ốp đá để tránh bị hư hại khi bị ngập. Nền khuôn viên nhà ở được phân chia thành các khu vực để giảm chi phí đắp nền (vườn thấp, vườn cao, sân, nền nhà). Cao độ nền nhà xây mới nên đặt ở cao trình 1,5m – 2,0 m đề phòng mực NBD cao theo kịch bản BĐKH.

Tổ chức không gian nhà ở hộ gia đình nông thôn mới theo hướng sinh thái thích ứng với BĐKH (Nguồn: Tác giả 2021) (ảnh trái), Giải pháp bỏ trống tầng 1 hoặc nền nhà cao để tránh ngập nước do triều cường hoặc NBD
(Nguồn: Tác giả 2021) (ảnh phải)

b) Giải pháp kiến trúc nhà lắp ghép

Trong quá trình đô thị hóa nhanh và tác động của biến đổi khí hậu, nhà lắp ghép dần trở thành một lựa chọn nghiêm túc tại Việt Nam. Đặc điểm nhà được xây dựng từ các cấu kiện (khung thép, panel cách nhiệt, bê tông nhẹ), được sản xuất trước tại nhà máy và lắp ráp nhanh chóng tại công trường. Loại nhà này có nhiều ưu điểm và đang được áp dụng để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nhập cư và người thu nhập thấp. Thời gian xây dựng nhanh do các cấu kiện/ bộ phận được sản xuất sẵn và chỉ cần lắp đặt tại công trường trong thời gian ngắn, tính theo tuần đến vài tháng. Hơn nữa, giảm chi phí nhân công và rút ngắn tiến độ thi công; Giá thành xây dựng nhà lắp ghép thường thấp hơn nhà truyền thống, thích hợp cho người nhập cư có thu nhập trung bình – thấp. Các vật liệu nhẹ như thép, tấm cách nhiệt và panel giúp tối ưu hóa chi phí. Nhà lắp ghép có khả năng chịu ngập lụt nhờ thiết kế nền cao và có thể tháo lắp, di dời hoặc điều chỉnh cấu trúc nhanh chóng khi gặp ngập lụt hoặc trong những trường hợp cần thiết khác.

Có thể tích hợp năng lượng tái tạo như hệ thống năng lượng mặt trời để tự cung cấp điện và nước sạch. Sử dụng vật liệu tái chế và tái sử dụng được, giảm thiểu rác thải xây dựng. Giảm phát thải CO2 nhờ quy trình sản xuất tối ưu tại nhà máy và giảm thiểu hoạt động xây dựng tại chỗ. Một số dự án nhà lắp ghép còn tích hợp cây xanh và hệ thống tái chế nước, vừa tạo không gian sống dễ chịu vừa thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Như vậy, từ những đặc điểm cơ bản nêu trên, nhà lắp ghép hoàn toàn khả thi để được ứng dụng làm khu nhà trọ cho công nhân và người lao động nhập cư.

c. Giải pháp mô hình nhà bê tông nhẹ

Kiểu nhà sinh thái nổi trên mặt nước dễ dàng di chuyển bằng đường bộ và đường sông vì được thiết kế theo những chiếc module có cấu trúc di động linh hoạt, tiện lợi. Việc thay đổi kích thước các phòng, vách đều được thực hiện chỉ bằng vài bước đơn giản mà không cần sự có mặt của các chuyên gia.

Mái nhà được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời với mục đích tạo ra nhiệt và điện để cung cấp cho ngôi nhà, sử dụng hệ thống đèn tiết kiệm: LED và bóng sợi quang học. Ngôi nhà còn có kết cấu khung thép định vị trên hệ thống móng nổi, các phần khác được sử dụng cấu kiện đúc sẵn, do vậy hạn chế được chất thải trong quá trình xây dựng. Các vật liệu được sử dụng xây dựng ngôi nhà là không độc hại và có nguồn gốc địa phương.

Giải pháp mô hình nhà bê tông nhẹ (Nguồn: Tác giả 2021)

Thay lời kết

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề cấp bách, tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Dưới tác động của hiện tượng BĐKH, TP.HCM, hơn hết tại một số huyện ngoại thành khu vực phía Nam đang chịu nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó, ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực nhà ở, đặc biệt là những khu nhà gần kề sông ngòi/kênh rạch và sát biển. Ngoài ra, nhà ở của người dân còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng mưa gia tăng và hệ thống thoát nước đô thị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Thực tế, các khu nhà ở người lao động hiện nay nằm ở hai vùng trũng và ven sông lớn ngoại thành TP.HCM, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, đang bộc lộ nhiều bất cập, mỗi khi triều cường xảy ra là gây ngập lụt và làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường ngày và các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Vì thế, các giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng với ngập lụt do BĐKH được đề xuất trong phạm vi bài báo này coi như một tài liệu tham khảo về vấn đề nhà ở thích ứng với BĐKH. Cuối cùng, xin nhấn mạnh rằng, để có thể mang các ý tưởng, giải pháp này vào cuộc sống, chúng ta cần mở rộng không gian tư duy, không gian nhận thức và không gian trách nhiệm của chính quyền và cả cộng đồng.

PGS. TS. KTS. Ngô Lê Minh
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
ThS. KTS. Lê Tấn Hạnh
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2025)

Tài liệu tham khảo
1. Arlene Christy Lusterio (2007). Living With Floods: The Settlements of the Vietnam MeKong Delta.
2. Asian Develpoment Bank, (2009). HoChiMinh City_ Adaptation to Climate change. Study Report Volume 2.
3. Birkmann. Jorn (2006). Measuring Vulnerability to Natural Hazards: Towards Disaster Resilient Societies. New York: United Nations University Press.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Quyết định 1055 về việc ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
5. Cục Thống kê TP HCM, (2021). Niên giám thống kê năm 2020.
6. Frank Schwarte (2013). Adapt-HCMC. Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning and Design for Ho Chi Minh City/ Vietnam. Brandenburg University of Technology Cottbus.
7. Ngân hàng Phát triển Châu Á (2010). TP HCM thích nghi với BĐKH. Báo cáo của Hội đồng Thống đốc ADB. 2010.
8.Ngô Lê Minh, Nguyễn Quốc Thống, Bùi Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Thúy An (2019), “Nhà ở người nghèo thích ứng với triều cường trên kênh Tẻ, Quận 4 – TP.HCM”, Tạp chí Kiến trúc số 06/2019.
9. Ngô Lê Minh (2021). Đề tài KHCN cấp Tỉnh/Thành phố “Đánh giá tác động của ngập lụt do BĐKH đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM), và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó”. Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM.
10. Vietnam Climate Adaptation Partnerships Consortium, (2013). Climate Adaptation Strategy_ HoChiMinh City moving towards the sea with climate change adaptation.
11. Watson, D., Adams, M., (2010). Design for Flooding: Architecture, Landscape and Urban Design for Resilience to Climate Change, John Wiley và Sons.



Nguồn