TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Tái khởi động điện hạt nhân, vì sao?

Khắc phục nguy cơ thiếu điện

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây về cung ứng điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân. Trong kết luận của Thường trực Chính phủ vào tháng 9, Chính phủ lý giải, VN định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12 – 15% mỗi năm. Thế nên, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân là cần thiết; một mặt bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mặt khác có thể giúp bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường.

Một nhà máy điện hạt nhân tại Đức

Như vậy có thể thấy, đảm bảo an ninh năng lượng là lý do đầu tiên để VN tính toán phát triển điện hạt nhân. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia năng lượng thừa nhận, biến đổi khí hậu cộng với việc con người khai thác quá mức các nguồn năng lượng của trái đất như thủy năng, dầu, khí, than… đều ở ngưỡng sắp cạn kiệt. Thế nên việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng, trong đó điện hạt nhân được coi như là nguồn điện sạch, công suất lớn, ổn định có thể thay thế nhiệt điện, nên việc tái khởi động là cần thiết.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nhấn mạnh sử dụng nguồn điện hạt nhân là cực kỳ quan trọng và lẽ ra VN phải làm từ lâu. “Trong xu hướng chuyển dịch ngành năng lượng tiến tới Net Zero và trong bối cảnh các nguồn năng lượng cơ bản như điện than, điện khí đều có những nhược điểm rất lớn về phát thải khí nhà kính, tính không ổn định… thì điện hạt nhân phải trở lại với tư cách là nguồn điện nền, giúp đảm bảo tính ổn định cho nguồn điện”, ông Sơn nói và phân tích sâu hơn, tại VN, trữ lượng thủy điện được khai thác gần như đến đỉnh. Các dự án thủy điện đang triển khai đều là dự án mở rộng, không phải dự án mới. Có nghĩa là tiềm năng thủy điện để hỗ trợ tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo đã gần như “đụng trần”.

Trong khi đó, nguồn điện khí, đặc biệt là khí LNG, có sự biến động rất lớn về giá nguyên liệu do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới. Tại Quy hoạch điện 8, Chính phủ cũng đã xem xét việc chuyển đổi một phần điện than sang điện khí LNG để đa dạng nguồn năng lượng, nhưng để có nguồn điện khí dồi dào là không dễ vì chi phí cao. Như vậy, chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí mà còn giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập luôn biến động khó lường. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân giúp VN đạt 2 mục tiêu trên.

Cũng bày tỏ ủng hộ điện hạt nhân, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, dẫn chứng hiện Pháp vẫn triển khai mạnh các dự án điện hạt nhân ở nước ngoài. Nhật Bản sau khi có sự cố Fukushima, tạm đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân, nay đã cấp phép hoạt động trở lại. Mỹ là quốc gia có nhiều tổ máy điện hạt nhân nhất thế giới với gần 100 tổ máy, đóng góp khoảng 20% sản lượng điện toàn quốc. Nga có công nghệ nguồn về điện hạt nhân, tỷ lệ điện hạt nhân tại nước này cũng chiếm khoảng 20% sản lượng điện và sẽ tăng lên 30%.

“Các dự án điện hạt nhân thường được phát triển dài hạn, nhiều năm hơn bởi nguồn điện này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, điện hạt nhân vận hành trong hệ thống điện với cơ chế chạy nền, rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. Theo tôi, điện hạt nhân là một lựa chọn tốt trong thời gian tới, phát triển cùng với năng lượng tái tạo”, TS Trần Chí Thành nêu quan điểm và cũng cho rằng biến đổi khí hậu, xu thế nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường đang làm thay đổi xu thế của cơ cấu nguồn điện. Thế nên, năng lượng tái tạo được ưu tiên, nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh, đặc biệt ở các nước tiên tiến…

Nên ưu tiên nguồn điện có sớm

Cho rằng điện hạt nhân là “một lựa chọn quan trọng và cần thiết” đưa vào luật Điện lực sửa đổi, song GS-TS Trần Đình Long (Hội Điện lực VN) bày tỏ lo ngại về việc đầu tư cần nhiều thời gian, trong khi giải quyết nhu cầu điện từ nay đến năm 2030 cần bổ sung nguồn nhanh, ổn định hơn. “Điện mặt trời vài ba năm là có, điện gió mất cả 5 năm, nhưng điện hạt nhân từ khi chúng ta tái khởi động, đến khi tìm vị trí để xây… có thể mất trên chục năm. Nhu cầu điện đến năm 2030 lại vô cùng cấp bách, nên nói chuyện điện hạt nhân nếu có, là ở thì tương lai.

Ai cũng biết đó là nguồn điện sạch, không phát thải, có thể thay thế nguồn điện than trong tương lai. Nhưng điều đáng lo ngại là công nghệ, chúng ta phải nhập khẩu toàn bộ công nghệ với chi phí rất lớn khi làm điện hạt nhân. Do mới mẻ và đầu tư nhiều, nên giá thành nguồn điện này có thể khó cạnh tranh hơn so với các nguồn điện sạch khác. Tuy nhiên, nếu tính vốn đầu tư một dự án điện hạt nhân theo cả vòng đời thì giá thành điện hạt nhân vẫn có thể cạnh tranh được, nhưng trong giai đoạn 5 – 10 năm tới, khó có nguồn điện hạt nhân giá rẻ”, GS Trần Đình Long chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng tái tạo, TS Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, lại cho rằng VN nên cân nhắc chuyện làm nhà máy điện hạt nhân lúc này bởi còn có sự lựa chọn khác phù hợp hơn. “VN đang có các nguồn điện khác có giá thành rẻ hơn, đầu tư nhanh hơn. Điện hạt nhân nên chỉ dừng ở mức nghiên cứu, quan trọng nhất là công nghệ. Trước mắt, giải quyết bài toán thiếu điện từ nay đến năm 2030, thậm chí sau 2030, cần đẩy nhanh và kiện toàn các chính sách về giá, quy hoạch, đầu tư… liên quan điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và cả điện khí LNG thì thiết thực hơn.

Cụ thể, chính sách cho điện gió ngoài khơi, điện khí đang còn ngổn ngang, ngay cả điện mặt trời mái nhà ban hành cơ chế khuyến khích nhưng bắt đầu thế nào vẫn còn phải chờ hướng dẫn. Trong khi Quy hoạch điện 8 cũng xác định tầm quan trọng của nguồn điện khí làm điện nền thay thế điện than. Tại sao không tập trung chính sách nhanh, đột phá cho nguồn điện có tiềm năng này trước? Song song đó, tập trung đầu tư đường tải điện, đường truyền thông minh… nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ổn định hơn. Thế nên, cần tập trung nguồn lực làm các nguồn điện tái tạo trước mắt, câu chuyện về điện hạt nhân, nếu có hãy chia ở thì tương lai xa”, ông Bình nêu ý kiến.

VN vẫn còn nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản về điện hạt nhân từ nước ngoài. Chúng ta cũng không nên làm dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ mang tính thử nghiệm như một số đề xuất trước đây. Bởi các bước thực hiện một dự án điện hạt nhân nhỏ hay lớn đều như nhau. Dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ, theo một số thông tin chia sẻ vẫn đang trong thời kỳ thử nghiệm. Chúng ta không dại gì đi khởi động chương trình điện hạt nhân lại đi mua công nghệ thử nghiệm, chưa được kiểm chứng để về làm… thử nghiệm cả. Đó là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, không nên “đánh bạc” với công nghệ đang thử nghiệm.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn,

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh

Ngày 22.11.2016, Quốc hội quyết định dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần. Giải thích việc dừng dự án khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của VN có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án. Hơn nữa, lúc đó VN cũng cần tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia như xử lý kịp thời các vấn đề biến đổi khí hậu. Đến nay, trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống cạn kiệt, nhằm bảo đảm ổn định hệ thống điện quốc gia, Chính phủ đề nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường.


Nguồn

Exit mobile version