Bất Động Sản

Thành phố Cần Giờ và vai trò tái định dạng địa kinh tế khu vực

(KTVN 255) Đã từ xa xưa, Sài Gòn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhưng rồi cuộc chiến tranh vệ quốc 20 năm chống ngoại xâm để thống nhất đất nước đã làm cho Sài Gòn dừng lại, và nhiều thành phố lớn khác đã vượt lên như Bangkok, rồi sau đó là Singapore. Đến nay, đất nước đã thống nhất, TPHCM cần lấy lại ví trí “Hòn ngọc Viễn Đông” như một “điểm nút” (Hub) giao thông trên tuyến huyết mạnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương đã được định hình.

TPHCM dưới góc nhìn địa kinh tế

Trong “Tử vi học”, có những số mệnh được gọi là “Thạch trung ẩn ngọc”, tức là mệnh là quý nhưng bị ẩn trong đá làm cho không ai thấy được và viên ngọc cũng không phát huy được tiềm năng của mình. Vậy nên phải tìm cách tách đá ra mới lộ diện được viên ngọc quý. TP Cần Giờ tại nơi duy nhất TPHCM giáp biển sẽ làm được việc phá đá để lộ ra “Hòn ngọc Viễn Đông” có thể phát huy năng lực.

Ý tứ văn học là như vậy, nhưng bài báo đã tập trung phân tích các yếu tố “địa kinh tế” của Cần Giờ để minh chứng rằng có thể đưa TPHCM trở lại đường đưa của những thành phố lớn cần chiếm vị trí số một trên tuyến đường Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương như một chiến lược phát triển kinh tế.

Trước đây, các thành phố giáp biển bao giờ cũng phải nằm sâu trong đất liền để ẩn mình trước hiểm họa của thiên tai và chiến tranh. Chính vì vậy mà Sài Gòn xưa cũng chọn chỗ xa biển để tồn tại và phát triển. Ngày nay, nhất là sau Đại chiến Thế giới II, loài người đã cùng nhau gìn giữ hòa bình và công nghệ để tìm cách chế ngự được tổn thất do thiên tai gây ra, làm cho các thành phố giáp biển tiến sát ra biển. Mặt khác, kinh tế biển hiện nay đang phát triển mạnh mẽ vì tài nguyên trên đất liền đã dần cạn, nên các loại tài nguyên từ biển rất được quan tâm khai thác.

Trong hoàn cảnh kinh tế – xã hội hiện nay, nhiều ngành kinh tế biển
đã tạo ra sự phát triển cho rất nhiều quốc gia ven biển

Ngày xưa, các nguồn lực tài nguyên biển được con người khai thác kiểu “hái lượm, săn bắt”, nhưng ngày nay cách khai thác chúng đã chuyển sang các phương thức “nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ”, tức là con người đã chuyển sang các bài toán kinh tế để thu lợi. Các ngành kinh tế biển mới đã xuất hiện. Nông nghiệp biển đã chuyển sang gieo trồng và chăn nuôi hải sản. Công nghiệp biển không chỉ là khai thác dầu khí, mà đã phát sinh nhiều ngành kinh tế mới như khai thác năng lượng tái tạo của thủy triều, sóng biển để sản xuất điện. Dịch vụ biển không chỉ là giao thông, vận tải biển, mà thể thao biển, du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, chữa bệnh bằng nước biển đã phổ cập trên trường quốc tế.

Trong hoàn cảnh kinh tế – xã hội hiện nay, nhiều ngành kinh tế biển đã tạo ra sự phát triển cho rất nhiều quốc gia ven biển. Ví dụ như Trung Quốc đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế vùng biển trước để trợ giúp cho phát triển kinh tế vùng không giáp biển. Từ đó đã đẩy kinh tế Trung Quốc lên vị trí thứ 2 thế giới.

TPHCM cũng trong hoàn cảnh tương tự như vậy. Sài Gòn xưa cũng nằm sâu trong đất liền, ẩn mình để tránh hiểm họa thiên tai và chiến tranh từ biển vào. Sau thống nhất đất nước một thời gian khá dài, TPHCM được điều chỉnh có thêm huyện Cần Giờ giáp biển. Ngay tại vị trí Cần Giờ, hướng mắt nhìn ra biển thì bên trái là vùng công nghiệp và dịch vụ biển thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu, và bên phải là vùng nông nghiệp thuộc Tiền Giang.

Nhìn rộng hơn, TPHCM cũng nằm ở vị trí mà nhìn ra biển thì bên trái là vùng công nghiệp Đông Nam Bộ và bên phải là vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Một tư duy khá đơn giản cũng thấy là TPHCM cần phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao như tài chính, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ để thúc đẩy 2 vùng bên phát triển nông nghiệp và công nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín trong dạng thức của kinh tế tuần hoàn với yêu cầu của hệ sinh thái kinh tế cộng sinh. Nguyên tắc là như vậy, nhưng thực hiện cũng phải xem xét, chọn lọc cụ thể rất nhiều yếu tố liên quan đến địa kinh tế. Phân tích địa kinh tế sẽ giúp cho việc tìm lời giải thỏa đáng.

TP Cần Giờ nằm giữa vùng công nghiệp phía bên trái và vùng nông nghiệp phía bên phải (nhìn ra biển) vẫn luôn là một đô thị kinh tế dịch vụ, làm động lực làm sống lại “Hòn ngọc Viễn Đông”

Năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức một nghiên cứu rất quan trọng về “Báo cáo phát triển thế giới 2009” với nhan đề “Tái định dạng địa kinh tế thế giới” (World Development Report 2009: Reshaping Economic Geography). Chúng ta có thể vận dụng cụ thể những phân tích trong cuốn sách này để đưa ra những giải pháp “định hình lại địa kinh tế khu vực Nam Bộ”, từ đó phân tích vai trò của TP Cần Giờ, cửa ngõ ra biển của TPHCM.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện quá trình đổi mới thể chế rất mạnh mẽ và quyết liệt, trong đó TPHCM đang được xem xét mở rộng về phía biển, tiếp cận kinh tế biển với không gian rộng mở hơn nữa. Tất cả đang chờ đợi quyết định của cấp cao nhất. Trên cơ sở này, có thể phân tích kỹ lưỡng để tính toán bài toán “tái định dạng địa kinh tế khu vực Nam Bộ và TPHCM”. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì TP Cần Giờ theo kế hoạch đặt trên biển giữa vùng công nghiệp phía bên trái và vùng nông nghiệp phía bên phải (nhìn ra biển) vẫn luôn là một đô thị kinh tế dịch vụ, làm động lực làm sống lại “Hòn ngọc Viễn Đông” xưa đầy tráng lệ trên con đường Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương rất sôi động cả về “địa kinh tế” và “địa chính trị”./.



Nguồn