Tháp Bà Po Nagar Nha Trang- Điểm tựa tâm linh của người dân Xứ Trầm Hương
Từ xưa đến nay, Tháp Bà Po Nagar Nha Trang- Di tích lịch sử nổi tiếng, với kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo của người Chăm cổ, đã trở thành một trong những điểm tham quan luôn thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Hàng năm, Tháp Bà Po Nagar Nha Trang đón gần 200.000 lượt khách tham quan.
Tháp Bà Po Nagar- Một điểm đến trong tour khách du lịch tàu biển quốc tế |
Hấp dẫn và độc đáo văn hóa kiến trúc Chăm…
Tháp Bà Po Nagar Nha Trang là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na- Vị Nữ thần Poh Yang Inư Nagar trong văn hóa Chăm; người Kinh gọi Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi hoặc Bà Chúa Ngọc Nương Nương. Bà được cả người dân Việt và người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ tôn sùng và biết ơn với ý niệm Bà Chúa Ngọc – Bà Mẹ Xứ Sở.
![]() |
Lối chính lên Tháp luôn tấp nập du khách |
Tháp Bà Po Nagar đươc xây dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13. Quần thể gồm 4 tháp, trên đồi Cù Lao có nhiều cây xanh bao bọc (cao khoảng 50m so với mặt nước biển), nằm bên bờ sông Cái, gần cửa biển cầu Xóm Bóng- TP.Nha Trang. Trong đó, tháp cao lớn nhất (cao 23m) cũng chính là Điện thờ Nữ Thần Thiên Y A Na. Khu di tích quần thể Tháp Bà Po Nagar là một công trình kiến trúc và điêu khắc đặc trưng của vương quốc Chăm cổ. Tất cả được xây dựng bằng gạch đất nung, khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Từng họa tiết nhỏ, phù điêu, hoa văn trang trí trên các tháp đều thể hiện được sự tinh tế của nền văn hóa Chăm phồn thực và huyền bí.
![]() |
Lối lên bàn Thiên, dưới chân Tháp chính |
![]() |
Du khách thưởng thức các tiết mục giai điệu văn hóa Chăm |
Mặt dù theo thời gian, công trình tầng tháp cổng không còn giữ nguyên sơ, nhưng nó đã được trùng tu bảo tồn để lưu giữ dấu ấn của kiến trúc xưa. Mặt tiền dưới chân tháp chính là hai dãy cột, gồm 22 cột lớn, nhỏ, được xây bằng gạch nung theo hình bát giác, rỗng ruột, đường kính khoảng hơn 1m và độ cao khoảng từ 3m đến 5m. Hai hàng trụ cao thấp liền kề, tất cả nằm trên một nền gạch bằng phẳng, vuông vứt, cao hơn xung quanh khoảng 1m. Hiện nơi đây, được thiết bàn thiên, dâng lễ cúng Giàng trước khi vào tháp Đông Bắc (điện thờ Nữ Thần Ponagar); Tháp Nam (thờ thần Shiva là chồng của Nữ Thần Ponagar); Tháp Đông Nam (thờ thần Skandha- Thần chiến tranh và sức mạnh); Tháp Tây Bắc (thờ thần Ganesha- thần may mắn, hạnh phúc và trí tuệ). Các tháp đều có lồng rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt trước và bên trong thân các tháp cũng được trang trí điêu khắc các vị thần trong văn hóa Hindu, như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, rắn thần Naga; Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi trâu thần Nandin, xung quanh tháp còn được khắc họa chim thần Garu, Thần thời gian, cùng các linh vật và những bức phù điêu đẹp, lạ, hoa văn độc đáo, mềm mại của văn hóa Champa…
![]() |
Các đàon du khách thay nhau check-in lưu lại hình ảnh bên tháp chính thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na |
![]() |
Khu 4 Bia sau lưng quần thể Tháp- Nơi trưng bày, biểu diễn nhiều sản phẩm văn hóa Chăm |
Phía sau khu tháp có 4 bia ký, là tư liệu quan trọng trong tìm hiểu lịch sử đền và văn hóa của vương quốc Champa, gồm: Bia ký đầu tiên do Giản Thanh- vị quan triều Nguyễn ghi chép và biên soạn năm 1856 bằng chữ Hán Nôm viết về truyền thuyết Thiên Y Na Thánh Mẫu; Bia ký thứ 2 do 8 vị quan tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận lập năm 1871; Bia ký tiếp theo dịch lại truyền thuyết Thiên Y A Na sang chữ quốc ngữ; Bia ký cuối cùng giới thiệu về khu di tích được tôn dựng vào năm 2010.
![]() |
Biểu diễn văn hóa đặc sắc của người Chăm, phục vụ du khách tham quan đêm tại Tháp Bà Poh Nagar |
Mọi người đến Tháp Bà Po Nagar Nha Trang đều bị cuốn hút bởi bao điều thú vị về truyền thuyết cũng như kiến trúc. Và tất cả đều mong muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp với không gian tháp cổ xưa độc đáo này…
![]() |
Mặt tiền Tháp Đông Bắc luôn là điểm check-in thích nhất của du khách |
“Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng Đẳng Thần”
Theo truyền thuyết của người Chăm Cổ, cũng như theo Lễ bộ Thượng thư, Phan Thanh Giản soạn năm Tự Đức thứ 9, có nội dung giống nhau: Thánh Mẫu Thiên Y A Na là một tiên nữ giáng trần. Giai nhân Nữ thần Thiên Y A Na là người đã tạo nhiều công đức ở trần gian, mang nhiều sinh kế văn minh giáo hoá người dân địa phương và các vùng lân cận, như dạy người dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi… và đặt ra các lễ nghi cúng tế… Từ ấy, ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu… Vì vậy, tất cả nhân dân địa phương người Kinh cũng như người Chăm đều tôn kính và biết ơn đức Bà Chúa Xứ, nên đã xây tháp, tạc tượng Bà để tưởng nhớ, thờ phụng rất tôn nghiêm. Tuy là một nhân vật truyền thuyết, nhưng vào thời Nhà Nguyễn- Vua Gia Long đã kính xếp Thánh Mẫu Thiên Y A Na vào bậc “Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng Đẳng Thần”.
Gắn với truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nhà văn Quách Tấn đã viết về vùng đất thiêng “Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương- Non cao biển rộng người thương đi về- Yến sào thơm ngọt tình quê- Sông sâu đá tạc lời thề nước non”… Hai sản vật trầm hương và chim yến cũng đã được vua Trần Nhân Tông đưa vào thơ viết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na và đất Đại An…
![]() |
Nghi thức viếng lễ Bà Mẹ Chúa Xứ của Đoàn Học viện Hải Quân Nha Trang |
![]() |
Hướng dẫn viên của Tháp Bà Poh Nagar đang thuyết minh cho đoàn tham quan của Học viện Hải Quân Nha Trang |
Chẳng biết từ lúc nào, rất nhiều người dân Xứ Trầm Hương đã duy trì thói quen đảnh lễ Mẹ Xứ Sở vào các ngày vía Mẫu (Mùng 8, 18, 28 âm lịch) hoặc ngày Rằm và ngày Mùng Một âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, hàng ngày còn có nhiều người dân địa phương đang gặp nạn, gặp nhiều phiền não, chướng duyên trong cuộc sống cũng về đây khấn nguyện, nương cậy đức độ, năng lượng từ bi của Thánh Mẫu để xin được hóa giải, xin được đón nhận năng lượng an lành… Đặc biệt, những năm gần đây, ngoài lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm ngày càng nhiều, thì số lượng học sinh trong độ tuổi từ mẫu giáo đến Cao đẳng, Đại học tại các trường đóng chân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng được nhà trường tổ chức cho con trẻ đến tham quan, học tập về Di tích lịch sử Tháp Bà Po Nagar ngày càng tăng theo thời gian. Mỗi năm, có hàng ngàn con trẻ được nhà trưởng tổ chức đến đây. Và cho dù ở độ tuổi nào, tất cả các con đều có nhận thức rất tốt, rất thích thú khi đến lễ Bà, cũng như lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na, về Tháp Chăm cổ Po Nagar…
![]() |
Buổi tham quan trải nghiệm thú vị của học sinh trường Ischool Nha Trang |
![]() |
Trường Quốc tế Ischool Nha Trang tổ chức cho hàng trăm con trẻ tham quan di tích Tháp Bà Poh Nagar |
Hàng năm, vào ngày Bà Chúa Ngọc cưỡi hạt quy Tiên theo truyền thuyết (từ ngày 20- 23/03 âm lịch), Lễ hội Tháp Bà Po Nagar được tổ chức quy mô lớn, long trọng với các nghi lễ tưởng niệm, múa bóng, dâng hoa rất tôn nghiêm, cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thú vị của đồng bào Chăm. Đây cũng là dịp quy tụ hàng ngàn tín đồ người Chăm ở các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung và thu hút hàng chục ngàn người dân địa phương cùng đông đảo du khách tham dự.
Năm 2001, Lễ hội Tháp Bà Po Nagar đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Po Narga đã được chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Gồm các nghi lễ chính như: Lễ thay y; Lễ thả hoa đăng; Lễ cầu Quốc thái Dân an; Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực; Tế lễ cổ truyền; Lễ Khai Diên; Lễ Tôn Vương; Lễ dâng hương tạ Mẫu.
![]() |
Hầu hết các trường PTCS trong TP.Nha Trang hàng năm đều tổ chức chương trình tham quan, học tập tại Tháp Bà Poh Nagar |
Ông Kadhar Kỷ- Một trong những nghệ sĩ người Chăm tại Tháp Bà Nha Trang chia sẻ: Hàng ngày, được biểu diễn các tiết mục văn hóa Chăm phục vụ mọi người đến đây, chúng em đều rất hạnh phúc. Chúng em rất tự hào về văn hóa của dân tộc Chăm. Trong dịp lễ hội sắp tới, chúng em sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc, mới lạ hơn, mà cả tháng nay đã và đang luyện tập. Với đồng bào Chăm, đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm…
![]() |
Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật, chụp toàn cảnh Tháp Bà Po Nagar bằng flycamerea |
Chị Nguyễn Thị Hương- Một người dân ở phường Phước Tân- TP.Nha Trang chia sẻ: Dù mình là đạo Phật, nhưng từ nhiều năm qua, cứ ngày Rằm, Mùng Một là mình lại đến đây dâng lễ cúng Mẹ (được coi là đạo Mẫu). Mình nhiều lần gặp các vị lãnh đạo tỉnh cũng đến đây lễ Mẹ. Mình cảm nhận Mẹ rất linh thiêng và luôn thương con dân, luôn dõi theo mọi người dân trong vùng đất này. Sau mỗi lần đến đây lễ Mẹ về, lòng mình nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn…
![]() |
|
Người dân địa phương về đảnh lễ Mẹ Xứ Sở các ngày Rằm, Mùng Một, ngày vía Mẫu đều có trang phục chỉnh tề |
Anh Nguyễn Văn Huy ở Vĩnh Hải bộc bạch: Mẹ Chúa Xứ rất linh thiêng và thương dân. Ngoài những ngày vía Mẫu, mỗi lần gia đình mình gặp trắc trở, bất ổn, mình đều đến Tháp, thành tâm xin Mẹ cứu độ. Và cứ mỗi lần đi ngang qua đây, mình đều cuối đầu khấn nguyện trong tâm. Mình cảm nhận mọi chuyện dần hóa giải. Mình cũng chia sẻ với nhiều người thân, bạn bè về điều này, khi họ gặp bế tắc trong cuộc sống…
![]() |
Người dân Xứ Trầm Hương viếng lễ Mẹ Chúa Xứ ngày đầu tháng (Mùng Một AL) |
Thấu hiểu lòng kính ngưỡng của người dân địa phương, những năm gần đây, Ban quản lý Tháp Bà Po Nagar Nha Trang đã mở cửa ngày 30 Tết từ 6 giờ sáng đến qua giao thừa và chào đón rất đông người dân đến viếng lễ Bà Mẹ Chúa Xứ vào thời điểm này. Từ mùng Một đến mùng Ba Tết Nguyên Đán, Tháp mở cửa đến 21 giờ (lúc chưa tổ chức đón khách buổi đêm); gần đây Tháp đã tổ chức đón khách đêm (đến 21 giờ). Người dân Xứ Trầm Hương lũ lượt kéo về đảnh lễ Bà Mẹ Chúa Xứ thời khắc đầu năm mới như một nghi lễ thiêng liêng với tổ tiên, Trời Phật để cầu xin năm mới an lành, nhiều may mắn… Đó cũng chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng, tự hào của người Việt Nam.