Thấy gì phía sau 4 dự án được Tp.HCM chỉ đạo tháo gỡ sớm trong tháng 3
Chung số phận
Ngày 20/2 tại cuộc họp với lãnh đạo Tp.HCM đã có 7 dự án của 6 chủ đầu tư “kêu cứu” tháo gỡ các vướng mắc khó khăn. Tuy nhiên, chỉ có 4/7 dự án bất động sản này được Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường trực tiếp xem xét, chỉ đạo hướng hướng xử lý, giải quyết.
Cụ thể, dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Công ty Gotec Việt Nam; Dự án Chung cư Cửu Long ở số 1, đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 của Công ty CP Đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long; Dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức của Công ty TNHH XD- DV An Thiên Lý và dự án Chung cư Cô Giang ở phường Cô Giang, quận 1 do Novaland làm chủ đầu tư.
Điểm chung của 4 dự án được chỉ đạo gấp là đều gặp vướng về mặt thủ tục cấp phép đầu tư.
Dự án Chung cư Cô Giang tại số 100, phường Cô Giang, Q.1 (tên thương mại: The Grand Manhattan) do Novaland làm chủ đầu tư có lẽ được nhắc đến nhiều nhất. Hiện UBND Tp.HCM đang trong tiến trình rà soát lại quy trình giao đất tại dự án này.
Được biết, chung cư này xây dựng từ năm 1968. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, chung cư xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2007, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư số 411032000018 cho phép Công ty Cổ phần phát triển Đất Việt gồm ba cổ đông: Công ty Vina Capital Property Investment Limited, Công ty Cổ phần Thủ đô Đất Việt và cá nhân ông Phan Minh Việt đầu tư dự án. Trong đó, Vina Capital Property Investment Limited chiếm 90% vốn điều lệ.
Thế nhưng, trong suốt cả thập kỷ từ năm 2007 tới 2017, dự án không được triển khai xây dựng. Tháng 1/2018 UBND TP mới có Thông báo số 15/TB-VP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương “lập thủ tục giao đất” cho chủ đầu tư, trình UBND TP.
Sau hơn một thập kỷ nằm im, hiện dự án Cô Giang đã được đổi tên thành Grand Manhattan khi vào tay Tập đoàn Bất động sản Novaland. Trong báo cáo tài chính Quý 3/2018, Novaland cho hay đã bỏ ra 243 tỷ đồng để phát triển dự án tại vị trí đắc địa Q.1.
Vì vướng mắc trong việc rà soát lại quá trình giao đất, hiện dự án chưa thể triển khai. Đây là một trong các dự án đang vướng mắc của tập đoàn Novaland, cũng là những trăn trở nhiều năm qua của doanh nghiệp này.
“Các sở ban ngành rà soát lại các văn bản của các Bộ, thực hiện tháo gỡ nội dung vướng mắc có liên quan. Chuẩn bị nội dung họp chuyên đề, trình UBNDTP trước ngày 15/3”, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Tp.HCM.
Dự án thứ hai là Khu Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, P.Tân Thuận Đông, quận 7, Tp.HCM (tên thương mại là Shizen Home) của chủ đầu tư Công ty Gotec Việt Nam. Đây là dự án nhiều lần “lên xuống” vì liên quan đến thủ tục giấy phép. Việc doanh nghiệp “kêu cứu” với UBND Tp.HCM không phải lần đầu. Dự án này đã từng gửi đơn lên Bộ xây dựng nhưng chưa được giải quyết.
Vào cuối năm 2022, Gotec Việt Nam khiếu nại Sở Xây dựng Tp.HCM “làm khó” thủ tục, đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng. Theo chủ đầu tư này, mặc dù dự án đã đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, song sau 3 lần Công ty nộp hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM cấp Thông báo đủ điều kiện bán nhưng bị từ chối giải quyết thủ tục rồi trả hồ sơ.
Tại văn bản mới đây, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/3 có báo cáo nêu rõ quá trình xem xét, giải quyết, các “giấp phép được cấp” tại dự án cho đến thời điểm hiện nay. Đồng thời, phân tích, đánh giá cụ thể các nội dung vướng mắc và tham mưu để đề xuất phương án giải quyết.
Ngoài ra, dự án Chung cư Cửu Long ở số 1, đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 của Công ty CP Đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long và dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại P.Phước Long B, Tp.Thủ Đức của Công ty TNHH XD- DV An Thiên Lý cũng nằm trong 4 dự án được chỉ đạo tháo gỡ gấp. Hai dự án này đều vướng mắc thủ tục đầu tư, cấp giấy phép.
Gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông dòng vốn cho bất động sản
Chia sẻ mới đây, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế và nhanh chóng để thu hút nguồn lực, đặc biệt là dòng FDI vào tất cả phân khúc bất động sản như bán lẻ, văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở…
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn đến thị trường bất động sản hiện nay, từ đó có những giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển bền vững và lành mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành bất động sản. Đây là một trong những tín hiệu tích cực và đáng kỳ vọng cho các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo TS Sử Ngọc Khương, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay vẫn là pháp lý.
Vị chuyên gia cho biết gần đây UBND Tp.HCM cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các sở để tìm ra những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy…
“Vấn đề lớn của chúng ta là hành lang pháp lý chồng chéo các luật lẫn nhau. Nếu vấn đề này không thể được giải quyết bằng luật hiện hành, chúng ta phải trình Quốc hội thông qua các luật mới, tuy nhiên điều này sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông đánh giá.
Bên cạnh đó, TS Khương cũng nhấn mạnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy,… cần có một cái nhìn tổng quan hơn và hướng giải quyết mang tính tổng thể. Nếu cần thay đổi luật, cần trình Quốc hội thông qua và có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh thành để quyết định trong trường hợp cần thiết.
Đặc biệt, từ góc độ quản lý Nhà nước, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo TS Khương, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường.
“Vấn đề pháp lý cũng là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, vị chuyên gia Savills nhấn mạnh.