TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Thử định vị không gian sáng tạo ở các khu tập thể

Khu nhà tập thể từng là một biểu tượng kiêu hãnh của chế độ mới. Nhưng rồi qua biến chuyển của thời gian, sự xuống cấp của công trình, sự phát triển nhân khẩu và năng lực quản lý yếu kém đã khiến các khu nhà tập thể thành một không gian nhếch nhác, bẩn thỉu. Chính vì vậy thành phố (TP) Hà Nội đang có chủ trương tiến hành cải tạo chỉnh trang lại các khu tập thể (KTT). Sự chuyển đổi từ mô hình nhà tập thể sang các chung cư là xu thế không thể đảo ngược hiện nay.

Trong bài viết này, qua phân tích một số dự án nghệ thuật diễn ra ở các KTT trong khoảng 10 năm gần đây, tác giả muốn khẳng định giá trị di sản của các khu nhà tập thể, đặc biệt khám phá tiềm năng không gian văn hóa thương mại ở đây(1). KTT không chỉ là một không gian mang tính hoài niệm, biểu tượng cho miền Bắc XHCN ở thập niên 60, 70 của thế kỷ trước mà còn là một không gian công cộng (KGCC) có tiềm năng phát triển công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo của thủ đô.

Nam Long. Ký họa khu tập thể Phương Mai. 2022.
Nguồn: Hiếu Phụng

Một góc Hà Nội bị bỏ quên

Các KTT ở miền Bắc được hình thành từ đầu cuối tập niên 50 đầu thập niên 60, phát triển mạnh từ sau năm 1973 cho tới khoảng đầu thập niên 1990. Khu Văn Chương, Nguyễn Công Trứ là những thử nghiệm bước đầu, ở quy mô nhỏ, tiếp đến là các khu: Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… đặc biệt, Khu Thanh Xuân có quy mô lớn, chất lượng quy hoạch, kiểu dáng kiến trúc hiện đại nhất. Cho đến nay, Thủ đô Hà Nội có khoảng 1580 nhà tập thể cũ từ 2 đến 6 tầng(2).

So với cộng đồng dân cư ở các khu phố cổ, làng trại Hà Nội, dân cư các KTT nhìn chung dân trí tương đối cao, phần đông là cán bộ công nhân viên, viên chức Nhà nước. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn so với cư dân phố cổ, làng trại ở Hà Nội những không gian sân chơi, diện tích cây xanh tính bình quân trên đầu người của các KTT cao hơn nhiều.

Trong những tác phẩm về Hà Nội, dường như chúng ta chỉ quẩn quanh với những con phố cổ, phố Tây, đã rất quen với những giai điệu, ca từ của “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang), “Nhớ về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp)… Nếu có thêm vào không gian nỗi nhớ thì cũng chỉ một vài làng ven đô như “Làng em làng lúa làng hoa” (nhạc sĩ Ngọc Khuê). Có lẽ chỉ tới khi “Quân khu Nam Đồng” (Nguyễn Bình Ca), “Kim Liên một thủa” (Vũ Công Chiến), người ta mới chợt nhận ra từng có một Hà Nội mới – KTT. Trong Kim Liên một thủa nhà văn Vũ Công Chiến nhắc đến một chi tiết, khi biết gia đình mình được dọn đến KTT Kim Liên, mẹ ông đã phải giấu niềm vui sướng (pha chút kiêu hãnh) để không làm cho những người hàng xóm ở căn nhà 20 phố Tràng Thi phải buồn. Năm 1980, bằng sự mong ước tha thiết được sống ở trong các căn nhà tập thể cao tầng, họa sĩ Nguyễn Thế Thiện đã vẽ bức tranh “Đón xuân về” trong căn nhà mới. Khi đó, ông cùng gia đình sống ở khu phố cổ chật chội.

Đôi chút băn khoăn

Ngày 18/12/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5289 (được ông Chu Ngọc Anh ký) về việc ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”(3). Văn bản này là cơ sở để hình dung về số phận của các KTT cũ. Kèm theo quyết định là bản Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Đề án gồm 56 trang, chia thành 6 chương. Thật buồn, chữ KTT đã được thay bằng “khu chung cư cũ”. Đây là đề án gây có thể thất vọng cho những ai yêu mến các KTT, vì trong toàn bộ văn bản, không lần nào nhắc đến chữ “di sản”, “bảo tồn”, “văn hóa tập thể”, “tinh thần tập thể”, “nghệ thuật”, “sáng tạo, “ký ức văn hóa”, “biểu tượng”, “lý tưởng”.

Đề án này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc chỉnh trang cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân trong các KTT ở Hà Nội. Nhưng nhìn vào đề án này, chúng ta có lý do để lo ngại vì hướng giải quyết chủ yếu chủ đạo là đập bỏ hoàn toàn và xây những chung cư mới cao tầng, thậm chí có những tòa nhà tới 48 tầng. Việc xóa bỏ hoàn toàn các khu nhà tập thể 4 -5 tầng thành các chung cư hiện đại vài chục tầng sẽ tiến tới xóa bỏ vĩnh viễn biểu tượng một thời của miền Bắc XHCN.

Chỉ trong trong vài thập niên trong thế kỷ 20, Hà Nội đã xây dựng hàng trăm tòa nhà tập thể – Đó là kỳ tích xây dựng các khu nhà ở xã hội mà không phải nước nào ở Châu Á cũng làm được. Nếu chúng ta giải được bài toán phát triển quỹ nhà ở trong nội đô mà vẫn đảm bảo hài hòa chất lượng giao thông, giáo dục, văn hóa và kinh tế để phát triển bền vững – Chúng ta đừng vì sự nhếch nhác lộn xộn hiện nay của các KTT mà quên đi những giá trị của tài sản văn hóa vô giá của nó.

Hoài niện từ góc độ tâm lý học, mỹ học đến kinh tế học

Thuật ngữ Nostalgia /Hoài niệm được phát minh bởi một bác sĩ người Thụy Sĩ Johannes Hofer (1669 – 1752) đặt ra vào năm 1688 trong luận án của ông ở Basel. Ông ghép từ tiếng Hy Lạp nostos “Trở về quê hương” và algos

“Nỗi đau, nỗi đau khổ” thành một từ ghép có nghĩa đen là “Nỗi nhớ nhà”. Ban đầu, nó là thuật ngữ tâm lý để chẩn đoán bệnh lý cho lính đánh thuê Thụy Sỹ.

“Hoài niệm” ban đầu là một phạm trù tâm lý, sau đó được nghiên cứu trong lĩnh vực Mỹ học, Văn hóa học. Nỗi nhớ sự hoài niệm về một nơi chốn nào đó là tình cảm rất tự nhiên của con người.

“Hoài niệm – được định nghĩa là niềm khao khát tình cảm về quá khứ của một người – là một cảm xúc có liên quan đến bản thân, mặc dù mang tính xã hội sâu sắc và là một cảm xúc mâu thuẫn, mặc dù tích cực hơn tiêu cực. Khi nỗi nhớ đưa quá khứ vào trọng tâm hiện tại, nó có ý nghĩa hiện sinh. Nỗi nhớ giúp mọi người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ và nó làm được điều đó chủ yếu bằng cách tăng cường kết nối xã hội (cảm giác thân thuộc và chấp nhận), và thứ hai bằng cách tăng cường tính tự liên tục (cảm giác kết nối giữa quá khứ và hiện tại của một người).” Constantine Sedikides và Tim Wildschut University of Southampton, Southampton

Hình ảnh một góc sân nhà B8A Kim Liên. Nguồn: Trần Hậu Yên Thế

Từ góc độ tâm lý học, sự hoài niệm biểu hiện nhớ nhung về một nơi chốn đó từng gắn bó. Hoài niệm mang tính cộng đồng là hiện tượng tâm lý mang dấu ấn văn hóa. Nhiều công ty đã rất hiệu quả khi sử dụng tâm lý hoài niệm trong truyền thông, quảng cáo. Đây cũng là chiến lược hiệu quả trong kinh tế sáng tạo. Thậm chí trên thế giới còn có hẳn ngành công nghiệp hoài niệm / nostalgia industry. Những kỷ vật thời Đông Đức, hay Xô Viết luôn là sản phẩm du lịch bán chạy. Sự nhắc lại phong cách thiết kế tưởng như lỗi thời nhưng lại gợi nên sự hoài niệm cho khách hàng. Ở Việt Nam, café Cộng hay những quán café như quán Căng Tin 109 – Tập Thể Bộ Công An, Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37… đã rất ý thức điều này.

Từ những dự án thật bất ngờ…

MV “Thật bất ngờ” của Trúc Nhân được quay tại KTT 43 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Đây là MV ca nhạc đầu tiên của dòng nhạc nhẹ chọn bối cảnh là KTT. Từ trước đến nay, bối cảnh các MV ca nhạc quay ở Hà Nội thường lựa chọn cảnh hồ Gươm, Hồ Tây, thành Cửa Bắc, 36 phố phường, quảng trường Ba Đình, đường Phan Đình Phùng với biệt thự Pháp và hàng sấu cổ. Trúc Nhân cảm mến trước vẻ bình dị, đáng yêu, đặc biệt thân thiện của các KTT. Ngay sau khi MV “Thật bất ngờ” của ca sĩ Trúc Nhân ra mắt, cộng đồng mạng đã có nhiều lời khen về chất lượng nghệ thuật, sự tham gia của cộng đồng người dân và cách xử lý bối cảnh không gian nhà tập thể.

Quận Hoàn Kiếm là quận phong phú nhất các loại hình di sản kiến trúc ở Hà Nội, tuy rằng không có các KTT với nhiều tòa nhà có quy hoạch bài bản như KTT Kim Liên Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… Cái hay của nhà tập thể 43 Vọng Hà là nằm ngay ở sát khu phố Cổ của quận Hoàn Kiếm. Với cư dân KTT trong MV “Thật bất ngờ”, hình ảnh những người hàng xóm, góc bản tin, cầu thang hành lang, quần đùi áo may ô khô phơi dọc ngang trên lối vào dù chỉ hiện vụt hiện qua vài giây hình nhưng đã là kỷ niệm khó quên. Sự tham gia diễn xuất của cư dân KTT Thủy lợi cũng góp phần không nhỏ, đem đến hiệu ứng thân thương bình dị cho MV ca nhạc này. Đúng như tên gọi, “Thật bất ngờ” đã tạo nên một hiệu ứng “lây nhiễm”, MV của Trúc Nhân đã mở đầu cho trào lưu chụp ảnh kỷ yếu của học sinh cuối cấp III ở các KTT. Năm 2017, tập thể lớp 12D1 THPT Chu Văn An (Hà Nội) là những người đầu tiên nghĩ ra và thực hiện bộ ảnh kỷ yếu theo phong cách những năm 80-90 thế kỷ 20, một trong những bối cảnh được sử dụng là KTT Vọng Hà.

Nguyễn Thế Thiện. Đón Xuân trong căn nhà mới. Bột màu.1980
Múa quạt ở Kim Liên -Trích MV Thật bất ngờ của Trúc Nhân

Một dự án nghệ thuật gần đây cũng bất ngờ không kém MV của Trúc Nhân, đó là vở “Sơn hậu Beyond the Mountain” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Hà Nguyên Long. Đây là một vở diễn đồ sộ, có tính triết luận cao. Tuồng có nguồn gốc Nghệ thuật cung đình. Việc đưa một loại hình nghệ thuật sân khấu đậm chất bác học thời phong kiến đến với công chúng KTT là điều chưa từng có trong lịch sử sân khấu tuồng.

Khác với nhà tập thể ở 43 Vọng Hà, KTT Văn Chương khá tồi tàn. Dường như từ rất lâu rồi (chắc có tới vài chục năm) căn nhà B1 không được sửa sang, quét vôi mới. Sự nhếch nhác lộn xộn, biến dạng của ngôi nhà do hoạt động cơi nới. Phía sân B1 nhìn lên lại là phần công trình phụ, làm mặt sau của ngôi nhà. Những mảng tường rêu cùng với hệ thống ống nước nhằng nhịt, tạo nên sự “ma quái” nhất định.

Tích truyện kể lại những xung đột triều chính. Vở diễn tương tác với không gian thực, kết hợp nghệ thuật truyền thống với âm thanh điện tử và krumping (khiêu vũ đường phố) diễn tả lại cảnh hồn Linh Tá hiện lên chém đầu Tạ Ôn Đình.

Sự kết hợp nghệ thuật Tuồng với nghệ thuật múa đường phố cũng góp phần hóa giải không gian bối cảnh nhếch nhác, lộn xộn xung quanh. Những hình ảnh diễn viên biểu diễn đu quay, cầu trượt và bao bọc xung quanh bởi đông đảo bà con cư dân các căn nhà tập thể xung quanh. Cấu trúc vở diễn “Sơn Hậu – Beyond the moutain” mang đặc trưng của nghệ thuật hậu hiện đại với khả năng dung hợp, chuyển hóa các loại hình nghệ thuật rất khác nhau. Sự tiếp nhận hào hứng của công chúng và sự tán thưởng về mặt nghệ thuật của vở diễn, Sơn Hậu là vở tuồng mang chất chính luận ca ngợi tinh thần trung quân ái quốc, ca ngợi sự chính trực, nghĩa hiệp, chất anh hùng ca đã tương tác với chính bối cảnh khu nhà tập thể.

Hình ảnh diễn xuất vở diễn Sơn hậu Beyond the Mountain.
Nguồn: Nguyễn Quốc Hoàng Anh

…đến những không gian khởi nghiệp

Khi nói đến cà phê Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến những quán cà phê ở khu phố Cổ, khu phố Tây. Nhưng gần đây dân chơi Hà Nội chợt phát hiện ra những quán cà phê cực chill ở các KTT. Mặc dù không có bề dày lịch sử nhưng thật vất vả để chọn ra 10 quán cà phê đỉnh nhất ở các KTT. Vì trong hàng nghìn quán len lỏi ở các KTT, có rất nhiều quán đẹp độc lạ(4). Có một hương vị đặc biệt mà không một quán café phố cổ phố Tây nào có được chính là những sắc mầu, là cái mùi tập thể đặc trưng của nó. Trong chương trình Nhịp sống Hà Nội nói về Tiệm cà phê trong KTT cũ, một khách hàng trung niên từng có tuổi thơ gắn bó với khu nhà tập thể đã giải mã sự mê hoặc của không gian này. Không phải vì café, không phải nội thất sang chảnh mà chính là những đồ vật từ thời ông bà, bởi hương vị bất chợt bay ra từ một gian bếp hàng xóm, mà cô ấy tưởng như được trở về với không gian tập thể xưa. Có lẽ vậy, ở KTT nơi mà không chỉ những buồn vui là của chung mà những mùi hành tỏi, mùi cá khô, mùi lá xông cũng là mùi chung, bay từ bếp ra ngoài hành lang, đi khắp các nhà. Bên cạnh các quán café còn rất nhiều cửa hàng cửa hiệu, quán ăn giờ cũng bỏ phố về quần tụ ở các KTT. Nói khách hàng là thượng đế thì có lẽ chưa bao giờ các cư dân KTT được sung sướng làm thượng đế như bây giờ – Đây cũng là tâm sự của nhà văn Vũ Công Chiến khi đi lượn vài vòng ở KTT Kim Liên.

Khu nhà xã hội WoZoCo (Hà Lan). Nguồn:internet

Một đề xuất thay cho lời kết

Với việc phê duyệt thiết kế đô thị riêng tại phố Lý Thường Kiệt, nhằm tạo nên điểm nhấn đặc biệt, tạo ra sự hài hòa giữa cải tạo và chỉnh trang, giữa quá khứ mang đậm hương vị Á – Âu thời thuộc địa. Với cách làm tương tự, UBND TP có thể lựa chọn thí điểm – ví dụ như KTT Kim Liên một thiết kế đô thị riêng có, mang âm hưởng đặc trưng thời văn hóa tập thể. Nhà kinh tế Martin Rama nhìn thấy giải pháp để Hà Nội sống cùng di sản mà vẫn có “lợi nhuận cao hơn việc phá bỏ những công trình cũ để xây mới”. (Martin Rama (2023) Vì tình yêu Hà Nội, Nxb Hà Nội, tr.225)

Thay vì những khối nhà chung cư nhôm kính đơn điệu vừa được xây mới ở các KTT gần đây, lãnh đạo TP Hà Nội có thể tham khảo từ Khu nhà xã hội WoZoCo (Hà Lan). WoZoCo, địa điểm yêu thích của những người đam mê kiến trúc. Những căn nhà ở đây có những vị trí cửa sổ xen kẽ, những kích thước ban công và vật liệu không giống nhau, mỗi phòng một kiểu, thò thụt lô xô. Khu nhà với chừng 100 căn hộ đã hoàn thành năm 1997. Điều đặc biệt là những KTS Hà Lan đã bộc bạch căn nguyên ý tưởng thò thụt lô xô này đến từ lần họ tới thăm quan những KTT ở Hà Nội (Lê Phước Anh (2016) Architecture, paysages, identités : approches urbaines appliquées au cas du Lac de l”Ouest à Hanoi, Université Toulouse le Mirail – Toulouse II). Những tòa nhà được xây mới ở các KTT phải đảm bảo được không gian công cộng, giữ được hệ thống cây xanh vốn có là điều kiện để tổ chức các hoạt động cộng đồng. Vào cuối tuần, có thể thiết lập những phố đi bộ, để tổ chức các diễn xướng nghệ thuật ở vườn hoa, sân chơi giữa các khu nhà. Có nghĩa là KTT sẽ trở thành những khu thương mại văn hóa (BID).

TS.HS Trần Hậu Yên Thế
Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – ĐH Quốc gia Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)


Ghi chú

1. Ý tưởng của PGS.TS Đinh Hồng Hải
2. Ý tưởng của PGS.TS Đinh Hồng Hải
3. Quyết định về việc ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-5289-QD-UBND-2021-De-an-cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu-Ha-Noi-498721.aspx
4. Danielle Labbé, Doãn Thế Trung, đồng chủ biên (2023)…& hơn – Không gian công cộng cho giới trẻ, NXB Hồng Đức, tr.82

Tài liệu tham khảo

1. “Hà Nội tìm giải pháp phát triển thương mại, văn hóa” – https://tuoitrethudo.vn/ha-noi-tim-giai-phap-phat-trien-thuong-mai-van-hoa-242869.html;
2. Constantine Sedikides and Tim Wildschut (2017) – “Finding Meaning in Nostalgia – Tìm ý nghĩa trong sự hoài niệm”, Article in Review of General Psychology;
3. Vũ Công Chiến (2018) – “Kim Liên một thủa – NXB Thế Giới
4. Quyết định về vỉệc ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-5289-QD-UBND-2021-De-an-cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu-Ha-Noi-498721.aspx
5. Danielle Labbé, Doãn Thế Trung, đồng chủ biên (2023)…& hơn – Không gian công cộng cho giới trẻ, NXB Hồng Đức
6. Martin Rama (2023) – “Vì tình yêu Hà Nội” – NXB Hà Nội
7. Lê Phước Anh (2016) Architecture, paysages, identités: approches urbaines appliquées au cas du Lac de l”Ouest à Hanoi, Université Toulouse le Mirail – Toulouse II



Nguồn

Exit mobile version