Thứ gieo rắc “nỗi ám ảnh” với 17% GDP kinh tế thế giới lại giúp Nga kiếm hơn 6 tỷ USD sau mỗi thập kỷ
Theo RT, GDP của nước Nga có thể tăng thêm 600 tỷ ruble (tương đương với 6,5 tỷ USD) vào mỗi thập kỷ nếu như nhiệt độ trung bình hàng năm trên cả nước tăng thêm 1 độ C.
Đặc biệt, theo các chuyên gia thực hiện nghiên cứu kết luận, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Đây là những phát hiện trong báo cáo của Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IEF RAS) được trình bày ở diễn đàn “Chương trình nghị sự về khí hậu BRICS trong điều kiện hiện đại” được tổ chức tại Mátxcơva vào ngày 30/8 vừa qua.
Ông Aleksandr Shirov, giám đốc IEF, đồng thời là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết, nhiệt độ tại Nga chỉ tăng 0,5 độ C sau mỗi 10 năm, gây ra thêm rủi ro về thời tiết cực đoan và tạo ra những thách thức cho nền kinh tế.
Thế nhưng, nếu một chính sách thích ứng hiệu quả được thực hiện thì những tác động của biến đổi khí hậu có thể mang lại lợi ích tích cực đối với nước Nga.
Nghiên cứu của IEF đã so sánh về lợi nhuận và thiệt hại có thể xảy ra trong những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, như trong nông nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản, giao thông vận tải, xây dựng…
Kết quả chỉ ra rằng, thiệt hại do nhiệt độ tăng thêm 1 độ C ở tất cả các lĩnh vực lên tới 2,45 nghìn tỷ ruble (khoảng 26,8 tỷ USD), trong khi lợi ích đạt được lại lên tới 3,64 nghìn tỷ ruble (khoảng 39,8 tỷ USD).
Theo kết quả nghiên cứu, tổng tác động của biến đổi khí hậu đối với GDP hàng năm tại Nga ước tính là +1,2 nghìn tỷ ruble (hoặc 0,7% GDP được ghi nhận vào cuối năm 2023).
“Với xu hướng hiện tại về biến đổi khí hậu, chúng ta có thể nói rằng GDP hàng năm của nước Nga sẽ tăng khoảng 6000 tỷ ruble (tương đương 6,5 tỷ USD) sau mỗi thập kỷ”, báo cáo chỉ ra.
Nước Nga sẽ có thêm nhiều tỷ USD từ đâu?
Theo các chuyên gia nghiên cứu, những lợi ích chính đến từ ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như từ sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc (NSR).
NSR là tuyến đường chạy dọc theo bờ biển phía Bắc nước Nga, có chiều dài khoảng 5.600 km. Tuyến đường này giúp kết nối các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga, các cửa sông ở Siberia để tạo thành một tuyến giao thông thống nhất. Việc xây dựng NSR được coi là một trong những giải pháp quan trọng của Nga để thay thế kênh đào Suez, với kỳ vọng lưu lượng hàng hóa dọc theo NSR sẽ tăng gấp đôi lên 80 triệu tấn/năm vào năm 2024.
Ngoài ra, theo nghiên cứu trên, chỉ khi tình trạng băng tan và mỏng đi khiến cho hành lang đông – tây trở nên khả thi hơn, nhiều ngành công nghiệp tham gia vào cuộc việc của NSR, một siêu dự án. Bản thân quá trình phát triển của dự án này gắn liền với biến đổi khí hậu.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng thúc giục những biện pháp để giúp giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn từ biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Nga cần phát triển hơn nữa về hệ thống chăm sóc sức khỏe; cơ chế tài chính và bảo hiểm thích ứng; đồng thời bảo vệ hệ sinh thái, tòa nhà và công trình khỏi những tình huống khẩn cấp.
Nga tuy là quốc gia lớn nhất thế giới về diện tích, nhưng ước tích khoảng 2/3 lãnh thổ của quốc gia này lại nằm trên lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Do đó, kết quả nghiên cứu trên cũng nêu tên những bước ưu tiên hàng đầu cần được thiết lập nhằm giảm tác động của sự suy thoái lớp đất đóng băng vĩnh cửu trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, những bước này bao gồm phát triển các biện pháp ổn định nhiệt độ đất, cung cấp những cơ sở lưu trữ tạm thời cho lượng nước dư thừa, đồng thời tiến hành xây dựng và gia cố đập và gia cố các tòa nhà, công trình.
Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại 17% GDP kinh tế toàn cầu
Trước đó, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam được Chính phủ Đức hỗ trợ, công bố ngày 17/4 cho thấy, thiệt hại đối với ngành nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu được ước tính vào khoảng 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Nghiên cứu nhấn mạnh, con số hàng chục nghìn tỷ USD gần như chắc chắn sẽ tăng lên khi hoạt động của con người thải ra nhiều khí nhà kính hơn.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam, đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại 17% GDP kinh tế toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Trong khi chi phí cho việc bảo vệ khí hậu lại thấp hơn nhiều so với thiệt hại này. Theo báo cáo này, chi phí dành cho các biện pháp để giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2℃ vào năm 2050 (so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp) sẽ là khoảng 6.000 tỷ USD, chưa tới 1/6 tổn thất kinh tế nếu như nhiệt độ ấm lên vượt mức 2℃.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam chỉ ra rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, các quốc gia nghèo và đang phát triển là bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Bài tham khảo nguồn: RT, Reuters, Interfax