TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Thuế độc thân: Giải pháp cực đoan hay khuyến khích giới trẻ sớm “yên bề gia thất”?

Ngày nay, giới trẻ có xu hướng lựa chọn lối sống độc thân nhiều hơn là bước vào một mối quan hệ ràng buộc như hôn nhân. Họ không muốn đặt mình trong thế “chân trong, chân ngoài”, nặng gánh trên mình những trách nhiệm. Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích kết hôn, thậm chí họ còn đánh thêm thuế độc thân. 

Thuế độc thân là gì?

Thuật ngữ “thuế độc thân” được hiểu là gánh nặng tài chính mà người độc thân phải gánh chịu, bao gồm chi phí sinh hoạt, các khoản thuế, phúc lợi xã hội… Theo công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown thống kê, người độc thân ở Vương quốc Anh sẽ chi trung bình 8.100 bảng Anh/năm để trang trải cho các chi phí thiết yếu như nhà ở, thực phẩm và các loại hóa đơn. Con số này vượt mức chi tiêu trung bình của một cặp vợ chồng tại quốc gia này, với 7.800 bảng Anh/năm.

Đáng nói, với người sống một mình, khoản tiền này chiếm 36% thu nhập, trong khi những người đã kết hôn chỉ mất 29%. Khoản tiền chênh lệch đó được xem là thuế độc thân. Chưa kể, mức thuế còn tùy thuộc vào nơi bạn đang sống, nhưng nhìn chung, đó không phải là con số nhỏ. Điều này khiến nhiều người phải đối mặt với khó khăn trong việc quản lý chi phí sinh hoạt hằng ngày và tiết kiệm cho tương lai.

Liệu có cần đóng thuế độc thân?

Xu hướng độc thân, kết hôn muộn ngày càng phổ biến ở thế hệ trẻ. Điều này đã kéo theo tỷ lệ kết hôn và mức sinh giảm, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã không ngồi yên, họ quyết “nhúng tay” vào chi phí thường ngày của hội độc thân, xem như một cách khuyến khích người trẻ sớm lên kế hoạch hẹn hò, kết hôn và sinh con. Các nước châu Âu thúc đẩy tỉ lệ sinh bằng cách đánh thuế lên những người độc thân, đồng thời ưu tiên các khoản khấu trừ và nhiều lợi ích cho những người đã lập gia đình. 

Các nước đánh thuế lên những khoản phí sinh hoạt như một cách khuyến khích những người độc thân sớm lên kế hoạch hẹn hò, kết hôn.

Có một thực tế phũ phàng chỉ ra rằng Bỉ là quốc gia đánh thuế cao hàng đầu châu lục này. Năm 2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận mức thuế đối với người lao động độc thân không con là khoảng 53%, trong khi người đã kết hôn có hai con chỉ có 37.8%. Sự chênh lệch quá lớn này đã khiến bà Carla Dejonghe, chính trị gia người Bỉ thuộc Đảng Open VLD, lên án sự phân biệt đối xử đối với những người độc thân không có con. Bà Dejonghe đã nhấn mạnh trong bản hiến chương được hội đồng thành phố Woluwe-Saint-Pierre thông qua: “Với tư cách là những nhà hoạch định chính sách, chúng tôi không còn coi gia đình truyền thống là chuẩn mực nữa, mà cần phải linh hoạt đưa ra các biện pháp trung lập theo từng bối cảnh xã hội khác nhau”.

Nhiều người bất bình vì sự chênh lệch lớn về mức thuế giữa người độc thân và người đã kết hôn.

Không chỉ riêng Bỉ, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc từng đưa ra ý tưởng “hình phạt thuế” những người độc thân vào năm 2014. Điều này vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ dư luận, đồng thời cũng bị các cơ quan công quyền bác bỏ vì thiếu thực tế. Thế nhưng, “nên hay không nên áp dụng thuế đối với người độc thân” lại đang trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Đặc biệt, “bihon” là xu hướng từ chối kết hôn ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc. Lee Ye-eun, một sinh viên đại học đã nói rằng cô sẽ không bao giờ kết hôn. “Tôi sẽ không hẹn hò, không kết hôn và chắc chắn sẽ không sinh con, ngay cả khi bạn cho tôi tiền. Điều này không phải do không có người đàn ông tốt, mà vì xã hội thường khiến phụ nữ gặp nhiều bất lợi hơn khi bước vào một mối quan hệ”, Lee Ye-eun cho biết. 

Xu hướng từ chối kết hôn bùng nổ ở Hàn Quốc khiến tỷ lệ ca sinh của nước này giảm tới mức gần như “chạm đáy” qua từng năm.

Chính những điều trên đã dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên là nhóm ủng hộ hiện thực hóa thuế độc thân, nhấn mạnh rằng chính sách này giúp cân bằng gánh nặng tài chính trong xã hội và khuyến khích các mô hình gia đình truyền thống. Họ cho rằng việc đánh thuế cao hơn đối với những người sống một mình sẽ tạo động lực cho việc kết hôn, từ đó góp phần ổn định cấu trúc xã hội. Đồng thời, họ cũng cho rằng khoản thu từ thuế này có thể được sử dụng để đầu tư vào các chương trình hỗ trợ cho các gia đình, từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, họ sẵn sàng đưa ra lập luận để chứng minh sự nguy cấp trong việc người trẻ chấp nhận độc thân thay vì kết hôn đã khiến tỷ suất sinh tại các nước suy giảm nhanh chóng. 

Bên còn lại tỏ rõ quan điểm không đồng tình, vì thuế độc thân tạo ra sự bất công và phân biệt đối xử đối với những người sống một mình. Họ nói rằng mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn lối sống mà không bị ràng buộc bởi áp lực xã hội hay gánh nặng tài chính. Hơn nữa, việc thu thuế cao từ những người độc thân không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của họ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. 

Sự mâu thuẫn gay gắt này vô hình trung đã đưa xứ sở kim chi vào cuộc tranh luận khi Hàn Quốc là nước có tỷ suất sinh thấp nhất. Năm 2023, Cục Thống kê Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh chỉ chiếm 0.72, giảm so với năm 2022 ở mức 0.78. Hơn hết, tỷ lệ này giảm liên tiếp đến mức gần như “chạm đáy” qua từng năm. Đứng trước “quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ huy động mọi khả năng của đất nước để khắc phục tỷ lệ sinh thấp. Đây có thể coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Đúng hay sai khi đóng thuế độc thân?

Chi phí kết hôn cao không kém so với thuế độc thân. Khi nền tảng tài chính chưa ổn định, nhiều người trẻ sẽ không quyết định “yên bề gia thất” và chẳng muốn làm ba mẹ, vì nuôi dạy con cái là một “dịch vụ” đắt đỏ. Tổng chi phí ước tính để chăm sóc một đứa trẻ từ khi sinh ra đến 18 tuổi trong năm 2023 lên đến khoảng 330.000 USD. Theo phân tích của KPMG về dữ liệu của Cục Thống kê Lao động, chi phí nhà trẻ và trường mẫu giáo tăng “đột biến” khoảng 263% từ năm 1991 đến năm 2024. 

Nuôi dạy con cái là một khoản đầu tư đắt đỏ cần được tính đến khi bắt đầu lập gia đình.

Thế nhưng, trốn tránh chi phí kết hôn cũng không được xem là giải pháp kinh tế hiệu quả lâu dài cho hội độc thân. Bởi thuế độc thân cũng đi kèm với một cái giá rất đắt. Bà Sylvia Locher, chủ tịch Pro Single Switzerland (tổ chức bảo vệ quyền của những người sống một mình) thừa nhận rằng việc nuôi dạy con rất tốn kém. Tuy nhiên, khi bạn sống một mình, chi phí bình quân đầu người sẽ cao hơn nhiều vì bạn phải tự mình chi trả toàn bộ chi phí. Dù bạn có thể tìm cách để giảm hóa đơn mua sắm và trả ít tiền thuê nhà hơn, song mức thuế cao “định kỳ” dành riêng cho người độc thân có thể khiến họ đau đầu không ít. Hơn nữa, bạn cũng khó có đủ điều kiện để được hưởng nhiều quyền lợi tốt cho bản thân. Đơn cử, trợ cấp kết hôn ở Anh có thể cắt giảm hóa đơn thuế của một cặp đôi khoảng 1.000 bảng Anh/năm. 

Cuộc sống độc thân “lên ngôi” ở giới trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thuế độc thân cũng không phải là giải pháp tối ưu, lâu dài, mà cần có những chính sách, quyền lợi bình đẳng cho cả những người độc thân lẫn những người đã kết hôn.



Nguồn

Exit mobile version