Bất Động Sản

Tìm lại nguồn gốc của các khu tập thể ở Hà Nội

Dựa trên các tư liệu về lịch sử kiến trúc và xây dựng đô thị nửa đầu thế kỷ 20, bài viết muốn tìm về cội nguồn ý tưởng và thực tiễn hình thành các Khu tập thể (KTT) ở Hà Nội. Tác giả đã lần theo sự hình thành của trường phái hiện đại trong kiến trúc và quy hoạch đô thị châu Âu, về khái niệm “TP chức năng” với Hiến chương Athens, cùng những sự tách, nhập các dòng tư tưởng khác nhau của trường phái kiến trúc này. Từ đây, bài viết chỉ ra quá trình chuyển tiếp của trường phái này từ châu Âu đến kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Liên Xô vào giữa thế kỷ 20 dưới tác động của những biến đổi chính trị – xã hội ở đó. Và sau cùng, bài viết chỉ ra con đường vòng từ “Đơn vị khu ở của Clarence Perry” tới “Phiên bản Liên Xô” của nó – các mikroraion, rồi đến với sự hình thành các KTT ở Hà Nội những năm 1960, khi nhấn mạnh biểu trưng của kiến trúc và quy hoạch đô thị là: “Thiết kế có trách nhiệm với xã hội”.

Sự ra đời của các Khu Tập thể ở Hà Nội

“Khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một trong những dự án đầu tiên được xây dựng… Các kiểu căn hộ được ưa thích có những nét giống các doanh trại quân đội: Một phòng ở duy nhất cho mỗi gia đình, chỗ tắm, bếp nấu dùng chung cho tám hộ. Không có ban công, giữa hai dãy phòng ở có một hành lang ở giữa, dẫn đến nơi có các tiện ích chung1…”

Mô tả này có thể gây cho người đọc những cảm giác lẫn lộn, với một hình dung đáng ngại về những gì sẽ được viết tiếp theo… Sự lo ngại này là có thực, khi hai tác giả, Emmanuel Cerise và Laurent Pandolfi sau đó đã tiết lộ rằng phức hợp nhà ở này đã được xây dựng trên một nghĩa địa Tây cũ. Tiếp đó, các tác giả kể về các dịch vụ tập thể của dự án bao gồm căng tin, nhà trẻ, trạm y tế, một vài cửa hàng, và văn phòng của ủy ban khu phố, cùng với việc cấp điện, nước được kết nối với mạng lưới chung của TP. Khu nhà ở với các dịch vụ và tiện ích này là khá mới lạ với Hà Nội những năm đó.

Nguyễn Công Trứ cũng là KTT quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử của TP từ khi Việt Nam giành được độc lập2. Nó được xây dựng vào những năm 1960, và những năm sau này đã được các nhà khoa học xã hội, các KTS và những người khác chú ý nhận xét, bàn luận.

Đây là lần đầu tiên một loại hình nhà ở mới, cả về quy mô và hình dạng xuất hiện ở Hà Nội, nơi mà người dân lúc ấy chỉ quen với một vài kiểu nhà ở phổ biến trong những năm 1950. Các thương gia, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công và những người khác thường sống trong những ngôi nhà – cửa hàng (shop-house) hay “nhà ống”, sâu và hẹp của “Khu 36 phố phường” dành cho người bản xứ; trong khi các viên chức thì ở các ngôi nhà xây, tiếp giáp với “Khu phố Pháp” thuộc địa cũ, nơi người Pháp sống trong các biệt thự của họ. Có một số tòa nhà công cộng, vượt lên trên hàng loạt ngôi nhà một hoặc hai tầng, biểu trưng cho sự hùng vĩ của nước Pháp. Xung quanh cái “lõi cứng” đô thị này là hàng chục ngôi làng, gồm những ngôi nhà mái lá, một vài ngôi chùa và đình, dễ bị ngập úng định kỳ do mưa và ngập lụt của sông Hồng gây ra, giữa nhiều con mương, ao hồ và đầm lầy, cũng như vô số những con đê nhỏ và đường đi bộ.

Các khu nhà ở này được mô tả như thế nào? Nguyễn Đức Nhuận và Kosta Mathey, đã nhắc đến quyền “có nhà ở” đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, và chỉ rõ rằng: “Nhà nước đã xây dựng nhà ở cho thuê trong các khu tập thể rộng lớn từ những năm 19603”. Một số người khác thì nhấn mạnh những đặc điểm của các tòa nhà tập thể, cao từ 3 đến 5 tầng, với các căn hộ tối giản giữa rất nhiều không gian mở, được xây trên các khu đất trống giữa các khu dân cư của TP hay vùng ven đô. Có những khác biệt về kiến trúc giữa các tòa nhà, các khối nhà khác nhau, nhưng tất cả các căn trong một tòa nhà thường giống nhau, chỉ là một phòng nhỏ4. Về mặt kỹ thuật, các tòa nhà được xây bằng gạch, chỉ từ cuối những năm 1960, kỹ thuật bê tông lắp ghép mới được sử dụng. Ý tưởng về tính tập thể cũng được phản ánh trong việc nhiều căn hộ dùng chung một khu bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh trên một tầng nhà. Có lẽ những điều này đã dẫn đến tên gọi “Khu tập thể” để chỉ các khu nhà ở được quy hoạch này ở Hà Nội. Một số tác giả còn chỉ ra các đặc điểm không gian của KTT: Có những không gian mở rộng rãi giữa các khối nhà, bao quanh KTT. Còn có một vài cửa hàng, xưởng thủ công nhỏ, và những thứ tương tự, như thường thấy trong các khu dân cư (và hiện vẫn còn) ở Hà Nội và các đô thị khác. Các KTT thực sự là những khu dân cư5.

Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi: Các căn hộ, các tòa chung cư này được xây dựng cho ai? – Câu trả lời là: “Những người làm việc cho Nhà nước” – công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công, khu công nghiệp và các ngành khác. Nhà nước độc lập non trẻ lúc này cần các công chức, khi muốn mở rộng hợp tác kinh tế với Liên Xô và các nước XHCN khác, nhằm xây dựng các trung tâm đô thị, công nghiệp mạnh làm cơ sở để xây dựng CNXH. Vì thế, các dự án nhà ở mới, các KTT đã được phát triển ở gần đó, nhưng tách biệt rõ ràng với khu làm việc mới của giới viên chức hoặc công nhân, và nhìn chung được thiết kế cho khoảng 5.000 – 15.000 cư dân. Các KTT được quy hoạch gồm một hoặc nhiều tòa chung cư, thậm chí một phần tòa nhà chung cư trong KTT có thể được sở hữu và quản lý (cấp cho người thuê mới, bảo trì và sửa chữa) bởi các nhà máy, xí nghiệp của nhà nước hay các cơ quan chính phủ, với tiền thuê nhà rất ưu đãi cho nhân viên của họ6. Mặc dù vậy, trong những năm 1960 và sau đó ở Hà Nội, nhà ở vẫn còn thiếu và một số công nhân vẫn phải sống ở nơi khác. Nhưng những căn hộ mới trong KTT đã được người ở đánh giá cao, và họ coi việc được cấp một căn hộ như là “trúng xổ số”. Họ cũng thấy các cơ sở vật chất hiện đại như nước máy, điện và trường mẫu giáo trong KTT là khác hẳn những ngôi nhà lá trong các ngõ xóm, hay những chỗ ở tồi tàn khác của Hà Nội.

Nhiều người đã liên hệ loại hình nhà ở KTT với những ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, công nghệ và văn hóa của Liên Xô và các nước XHCN tới sự phát triển của Việt Nam từ cuối những năm 1950. Các đơn vị khu ở “… Phản ánh tư tưởng về chủ nghĩa tập thể theo mô hình XHCN đã được thực hiện ở Liên Xô trong những năm đó” như nhà xã hội học Trịnh Duy Luân đã viết7. Được mệnh danh là “người viết tiểu sử Hà Nội”, William S. Logan cũng so sánh hoạt động xây dựng này ở Hà Nội với các ưu tiên phát triển nhà ở tại Liên Xô. Thậm chí ông đã gợi ý cho các KTS, nhà quản lý, chính trị gia ở Hà Nội tham gia vào việc quy hoạch và xây dựng các KTT của TP, về yếu tố chất lượng ở Liên Xô – “Nơi mà việc cung cấp nhà ở chất lượng tốt cho tất cả các công dân được xem như trách nhiệm quan trọng nhất của các KTS8”. KTS Trần Hoài Anh thì gọi KTT thời kỳ đó như là biểu tượng của xã hội XHCN hiện đại, khi chỉ ra cái mới (hiện đại) trong kỹ thuật xây dựng đã được công nghiệp hóa, và một lối sống tập thể mới (hiện đại), phù hợp với những con người mới (hiện đại) XHCN9.

Tôi sẽ liên hệ kiểu nhà ở mới này ở Hà Nội với những ý tưởng, kinh nghiệm về cung nhà ở cho cư dân đô thị ở các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô. Tôi tìm kiếm từ những tài liệu được tập hợp và phân loại theo các đặc trưng của các khu nhà ở kiểu KTT: Tính đồng nhất, bình đẳng, tính hiện đại, chức năng, tính tập thể, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận, không gian mở bán công,… Trong phần tiếp theo, tôi sẽ khám phá ý nghĩa và hình thức của quy hoạch và nhà ở hiện đại tại Liên Xô như là bước tiếp theo để truy tìm đến tận cùng nguồn gốc của các KTT ở Hà Nội.

Từ các khu nhà ở tập thể nhìn lại các mikroraion thời Xô viết…

Các chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1954. Sau đó, các KTS Việt Nam được gửi tới học viện Leningrad. Đây là bước đầu tiên của sự hợp tác. Nhóm KTS Việt Nam đã thảo luận với người Nga và tiếp thu các ý tưởng về cuộc sống tập thể và lối sống XHCN. Tuy vậy, “Thiết kế kỹ thuật những khối nhà đầu tiên của KTT Kim Liên vào đầu những năm 1960 không phải của người Nga, mà của các KTS Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Từ năm 1970, Bộ Xây dựng bắt đầu chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng và sau đó các KTS Việt Nam hoàn toàn thực hiện các khâu này”10.

Các KTS Việt Nam đã đến các nước XHCN từ giữa những năm 1950, và mang về nước những hiểu biết về nhà ở tại các TP họ đã đến thăm. Họ đã nhìn thấy những đặc điểm của KTT Hà Nội trong tương lai, như tính đồng nhất của các tòa nhà ở độc lập, vẻ ngoài giản dị, và các khoảng không mở rộng rãi của chúng. Tuy nhiên, nếu họ đến thăm Liên Xô sớm hơn khoảng 5 năm, họ có thể đã bị thuyết phục để thiết kế khác đi. Kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Liên Xô trong hai thập kỷ, từ giữa những năm 1930 đến giữa những năm 1950, được đặc trưng bởi các tòa nhà khép kín được xây dựng theo kiểu truyền thống, với các sân ở bên trong.

Những khối nhà khép kín truyền thống với những khoảng sân ở bên trong
(Nguồn: Engel, 2019, tr. 161)

Chúng cũng được đặc trưng bởi các trang trí phong phú ở đầu hồi và các hàng cột phía trước theo phong cách tân cổ điển Palladio11, “…thể hiện sự tiến bộ và sức mạnh XHCN…” trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai12, với cái nick-name bằng tiếng Đức khá buồn cười cho kiểu nhà này: “Zuckerbackerstill” (kiểu “bánh cưới”, hay kiểu “bánh gừng”)13.

Nhưng ít lâu sau đó, ảnh hưởng của việc tái định hướng chính trị thời hậu – Stalin tới kiến trúc và quy hoạch đô thị14 đã làm thay đổi diện mạo bên ngoài của các tòa nhà và khu nhà ở, được gọi là các mikroraion (tiểu khu /phường) ở Liên Xô một cách nhanh chóng và đột ngột. “…Nguyên tắc các dãy nhà hoàn toàn riêng biệt, có vành đai hướng nội đã được thay thế bằng dãy nhà ở mở trong TP XHCN hiện đại, tượng trưng cho tính cách mới và cởi mở của các mối quan hệ XHCN giữa người dân và TP”, nhà lịch sử kiến trúc người Hà Lan Ed Taverne đã lạc quan thể hiện trong một tiểu luận về một đô thị mới được xây dựng ở CHDC Đức vào cuối những năm 195015. Ở Moscow, KTS Olga Kazakova, thậm chí thuyết phục hơn khi tuyên bố rằng: “…Các nhà quy hoạch đô thị theo chủ nghĩa hiện đại, đã tạo ra một không gian “nhìn xuyên suốt” ở các quận mới. Mọi người sẽ có thể bước vào một lãnh thổ mà không cần vượt qua bất kỳ ranh giới nào, vì không có các rào cản vật lý, và một người đứng ở trung tâm của một mikroraion sẽ có thể nhìn thấy các khoảng không mở, thay vì những bức tường16”.

Tôi sẽ nêu ngắn gọn những ý tưởng mới, thống trị kiến trúc và quy hoạch đô thị dưới ngọn cờ “hiện đại” của Liên Xô từ giữa những năm 1950 trở đi, cũng như một phiên bản hiện đại trước đó đã được phát triển vào buổi đầu thành lập Liên Xô đến giữa những năm 1930, rồi bị từ bỏ sau đó, vào năm 1937, để được thay thế bằng “Chủ nghĩa Hiện thực XHCN” khá truyền thống khi “… Không còn kiến trúc hiện đại ở Liên Xô nữa” như Kopp đã kết luận đầy tiếc nuối17. Cả hai thời kỳ, dù bị gián đoạn bởi 20 năm của Chủ nghĩa Hiện thực XHCN, đều có nhiều điểm chung, và tôi đã có những tư liệu để tìm về cội nguồn kiến trúc và quy hoạch của KTT Hà Nội. Ở đây, phiên bản đầu tiên được đổi mới, phiên bản thứ hai về tính hiện đại đang bị đe dọa. Cụ thể hơn, như KTS người Đức, Bacbara Engel, trích lời KTS người Nga P. Volodin: “Những “nỗi ám ảnh về trang trí”… đều được coi là mâu thuẫn với phong cách kiến trúc XHCN, mà các đặc điểm của nó phải cho thấy một phong cách thống nhất, đơn giản trong mỗi tòa nhà riêng lẻ, cũng như trong cả quần thể18”. Tiết kiệm, đồng nhất và đơn giản đã đem đến nhiều sức sống cho các TP ở Liên Xô và các TP XHCN ở châu Âu và châu Á, với những nơi ở bình đẳng, giá cả phải chăng, chất lượng vừa phải, có thể cung cấp cho mọi công dân. Và khẩu hiệu cho việc xây dựng các tòa nhà “nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn” đã được đưa ra. Như Olga Kazakova đã nhận xét: “Các quan chức Liên Xô phụ trách kiến trúc và xây dựng đã không bận tâm nhiều đến sự kết hợp thỏa đáng các tòa nhà mới với môi trường xung quanh”; “… họ cần xây dựng các căn hộ mới nhiều nhất và nhanh nhất có thể, bởi vì có rất nhiều người đang phải sống trong những điều kiện tồi tệ cần được cải thiện19”. Phong cách xây dựng hiện đại, tiết kiệm, đơn giản và thống nhất không chỉ giới hạn ở thế giới XHCN và trong giai đoạn từ giữa những năm 1950 trở đi: Kip, Young & Drummond đã đặt tên cho phiên bản đổi mới này của kiến trúc hiện đại là “Chủ nghĩa Hiện đại cao” (“high modernist”), một phong cách mà về cơ bản đã xuất hiện từ cuối những năm 1920, trở thành hiện thực trong những năm 1950 đến những năm 1970, và đã “… được chia sẻ bởi cả hai phía của Bức màn sắt20”.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Chủ nghĩa Hiện đại đổi mới trong kiến trúc ở các nước XHCN (và các nơi khác) được đặc trưng bởi việc áp dụng các kỹ thuật xây dựng công nghiệp, sản xuất hàng loạt các khối nhà tiêu chuẩn từ các nhà máy. Việc lắp ráp tại chỗ các tấm bê tông đúc sẵn, thay thế cho cách xây dựng truyền thống, nhanh và rẻ hơn, như KTS người Hà Lan Van Gelderen đã nhận xét21. Những khối nhà đầu tiên được xây dựng khi các cần cẩu đưa các tấm bê tông và vật liệu lên cao đến 5 tầng, và vào năm 1963, tòa nhà 9 tầng đầu tiên đã xây dựng bằng phương pháp này.

Tuy nhiên, nhà ở công nghiệp trong những năm đầu của Liên Xô, cũng như trong phiên bản đầu của kiến trúc hiện đại và quy hoạch đô thị Liên Xô vẫn là một thực tế xa vời. Nhân lực cho kiểu xây dựng nào cũng đều khan hiếm. Trong những năm đầu tiên đó, người ta phải cố gắng cao nhất để khắc phục tình trạng thiếu nhà ở, cả về số lượng và chất lượng. Việc cung cấp một số loại nhà ở phù hợp cũng không nhanh như mong đợi. Theo các nhà lãnh đạo Liên Xô, phát triển XHCN phải gắn liền với việc thiết lập những cơ sở công nghiệp đô thị vững mạnh. Do đó, “… các nhà máy của Liên Xô phải trở thành những “pháo đài Bolshevik”, theo nhà sử học người Anh Kenneth M. Straus22, còn nhà ở do chính quyền xây dựng – là một hàng hóa tiêu dùng, phải chờ được sản xuất. Tình hình này, như Straus đã phân tích, khiến công nhân các nhà máy phải sử dụng “… các giải pháp tạm thời là các ngôi nhà gỗ mái lá hay các lán trại23”.

Một khu nhà tạm (baracks) của công nhân ở Magnitogosk, 1929-1930 (Nguồn: C. Crawford, Spatial Revolution, Ithaca, 2022)

Để có đủ lao động, lãnh đạo các nhà máy ở Moscow đã phải có một bước đi khác. Vào cuối những năm 1920, họ đã khởi xướng việc xây dựng các tòa nhà từ 4 đến 6 tầng cho công nhân và gia đình họ. Và đến năm 1932, trên thực tế, việc các nhà máy tiếp quản các chương trình nhà ở dân sự đã chính thức được phê chuẩn. Straus đã viết: “… đã có sự chuyển giao quyền cung cấp nhà ở từ chính quyền TP Moscow cho các doanh nghiệp24”. Phải mất một thời gian để tháo gỡ các nút thắt25, nhưng Straus khẳng định, ý tưởng đặt trách nhiệm về nhà ở cho công nhân lên vai các nhà máy cuối cùng cũng đã được xác lập. Một quá trình, ban đầu là trên thực tế, và sau đó là về mặt pháp lý (de jure) – bỏ qua chính quyền địa phương – cũng đã diễn ra trong các lĩnh vực xã hội khác. Tình trạng khan hiếm thực phẩm cũng khiến các nhà máy quyết định tự sản xuất thực phẩm để bán cho công nhân tại các căng tin. Thực phẩm là mặt hàng đầu tiên, rồi được mở rộng sang một loạt sản phẩm khác, tất cả được bán ở các “cửa hàng đóng” (“closed-shop”) theo các loại tem phiếu. Straus tiếp tục đề cập đến các cơ sở y tế, giáo dục phổ thông và dạy nghề, các hoạt động giải trí…, tất cả đều được đặt gần nơi ở, ít phương tiện giao thông công cộng, với khoảng cách – đi bộ tới đó đã được xác định. Straus kết luận rằng, nhà máy: “… không chỉ đã trở thành một tổ chức phúc lợi “từ A đến Z”, bảo đảm việc làm suốt đời cho người lao động, mà còn là trung tâm của đời sống và hoạt động cộng đồng, là một “người tổ chức cộng đồng”26. Do đó, quy tắc nhà máy quản lý các khu nhà ở phải được thực hiện, dù các nhà máy đó ở nội đô hay ở ven các thị trấn và TP ở Liên Xô lúc đó. Nhưng hàng trăm thị trấn hay TP mới mọc lên xung quanh các nhà máy mới được xây dựng, đã là những lựa chọn rất hạn chế để mở đầu một xã hội đô thị: Nhà máy cai quản cả các khu sản xuất lẫn các khu nhà ở.

Cuộc sống cộng đồng này được tạo ra về mặt không gian, và sau đó, cả về mặt hành chính. Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã chọn cấu trúc hành chính của TP theo một hệ thống gồm ba cấp đô thị, mỗi cấp có những đặc điểm và nhiệm vụ riêng. Cấp thấp nhất là mikroraion (tiểu khu) với khoảng 5.000 – 15.000 người, bao gồm một số nhóm dân cư. Một vài mikroraion hợp thành một quận (raion / district). Theo nhà sử học Sammartino, mikroraion đã là “… địa bàn cơ sở để xây dựng một tập thể công dân Liên Xô hậu-Stalin, thời Khrushchev27”. Những đơn vị ở như vậy: “… không nên khác biệt về cấu trúc và tổ chức không gian” – “không nên có những khác biệt trong vị trí và chất lượng, như Barbara Engel nói về cách tiếp cận “bình đẳng là trên hết” đối với các đơn vị ở – mà bà ấy gọi một cách hơi cường điệu là “những cộng đồng phòng ngủ” của các nhà quy hoạch Liên Xô28. Các mikroraion, như Olga Kazakova đã viết: “…người dân thân thiện vì tất cả các dịch vụ chính được bố trí trong khoảng cách để đi bộ… Trường học và nhà trẻ là những cái quan trọng nhất… và không được đặt xa quá 850m… Các cơ sở khác, bao gồm cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc…, đều được bố trí để không mất quá mười phút đi bộ…”29.

Sự hình thành của các tiểu khu (micro-districts) ở Kharcov. (Nguồn: C. Crawford, o.c., tr.278)

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các đơn vị ở này, bắt đầu từ việc các nhà máy tiếp quản tất cả: Đời sống sinh hoạt, mua bán, giải trí,… và đã thực sự phát triển chúng thành các không gian đủ tiện nghi của đời sống cộng đồng, khi phải tìm cách khắc phục sự khan hiếm nhà ở. Như vậy, các tiểu khu nên được xem là các khu ở, các tổng thể hữu cơ, đại diện cho “… một trật tự xã hội dưới CNXH…” theo cách nói của Engel30. Và như nhà lịch sử kiến trúc người Rumani – Ana Mari Zahariade đã bổ sung, tiểu khu thực ra chỉ là… phiên bản Liên Xô về “đơn vị khu ở” của Clarence Perry”31.

Như vậy, những thất bại của chính quyền trong việc thực hiện các ý tưởng hiện đại về nhà ở đã dẫn đến những sự phát triển không dự đoán được. Thực tế khắc nghiệt về tình trạng thiếu vật liệu và nhân lực đã khiến chính quyền các TP lùi bước, và giao lại nhà ở, và thậm chí cả việc tổ chức và thực hiện các chức năng đô thị khác, cho những người quản lý nhà máy đầy quyền lực, những người đã tạo ra các thực thể đô thị mà tình cờ, giống với các đơn vị khu ở lần đầu được thiết kế và xây dựng bởi nhà quy hoạch đô thị người Anh Ebenezer Howard và những người khác dưới dạng “TP Vườn”, và được làm cho phổ biến hơn bởi nhà quy hoạch Hoa Kỳ, Clarence Perry trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Việc so sánh với đơn vị khu ở như những viên gạch xây nên một TP vận hành tốt, đã gợi ý về mối quan hệ chặt chẽ đáng mong muốn giữa cuộc sống và hàng loạt các hoạt động khác. Điều này đúng trong nhiều khía cạnh, nhưng không hẳn đúng đối với mọi chức năng đô thị. Chỗ làm việc, đặc biệt trong các đơn vị công nghiệp nặng được xây dựng với số lượng lớn tại Liên Xô buổi đầu32, đã phải bắt đầu có sự tách biệt rõ ràng về không gian. Do đó, cùng với sự phát triển của các khu ở được quản lý bởi các nhà máy, và thể hiện sự tích hợp không gian của các hoạt động, các KTS và các nhà quy hoạch đô thị đã ủng hộ một nguyên tắc của quy hoạch đô thị hiện đại: Sự tách biệt về không gian, phân vùng đô thị, trong ý tưởng về TP chức năng. Về mặt khái niệm, TP chức năng được đặc trưng bởi các vùng đơn – chức năng (mono-functional zones), nhưng thực tế đã chứng minh đó lại là sự kết hợp giữa cuộc sống trong các tiểu khu với các dịch vụ đô thị, giải trí, văn hóa,… mà rốt cuộc, là một kết quả “lai ghép” (“hybrid”). Ở một mức độ nào đó, nó cũng là vấn đề về quy mô. Các tiểu khu được dự kiến là các đơn vị đô thị vừa phải (moderate urban units) về quy mô số dân từ 5.000 đến 15.000 người hoặc hơn. Ý tưởng về TP chức năng chủ yếu lại được phát triển ở quy mô TP (city-scale). Một ví dụ quan trọng, có thể là cực đoan, về một TP được phân vùng và tách biệt rõ ràng là khái niệm “TP tuyến tính (“linear city”) của KTS N. Milyutin cho thị trấn thép Magnitogorsk mới được xây dựng. Trong khái niệm này, các chức năng đô thị được thiết kế và tổ chức kiểu các dải song song, lần lượt dành cho đời sống, giải trí, giao thông và làm việc,… liên tiếp. Một dải (cây) xanh ngăn cách giữa dải sinh hoạt (kể cả gió ở phía trên) và dải làm việc, nhằm ngăn ô nhiễm không khí công nghiệp ảnh hưởng đến nơi ở của dân cư33.

Từ đó, người ta đi đến kết luận: Các nhà máy và công xưởng nên được đặt ở xa các nơi ở của cư dân đô thị, nhưng các cửa hàng, trường học và rạp chiếu phim,… có thể và tốt nhất nên bố trí ở gần đó, xung quanh một góc khu ở34.

Quy hoạch thành phố theo tuyến ở Magnitogorsk. (Nguồn: C. Crawford, o.c., tr. 183)

Có vẻ như các KTS Liên Xô và những người Việt Nam trở về từ đó, đã nhấn mạnh đến sự khác biệt đầy đủ giữa KTT và các nhà máy gây ô nhiễm và thuộc “sở hữu” của họ. Các chức năng cơ bản ở cấp độ KTT là việc cung cấp giáo dục và y tế cơ bản, cùng một số cửa hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Nhưng tôi muốn kết hợp câu hỏi về bản chất của KTT ở Hà Nội với một gợi ý khác được mang đến từ Liên Xô. Chúng cũng đi kèm khái niệm về một cấu trúc chính trị và hành chính, và đã được thực hiện tương tự ở các đơn vị cộng đồng đô thị ở các tiểu khu của Hà Nội. Nó thậm chí còn là một khái niệm có phạm vi rộng hơn các cấu trúc hình thức. Những cái như là công cụ cho sự phát triển con người XHCN, được truyền cảm hứng bởi Nikita Khrushchev, lãnh đạo mới của Liên Xô sau cái chết của Stalin vào năm 1953. Khrushchev đã tìm cách phát triển “Những con người Mới” bằng cách dạy cho các công dân đô thị cách sống nghiêm chỉnh và tuân thủ các quy tắc của một cộng đồng XHCN. Một môi trường tốt hơn, trong đó con người XHCN hoàn toàn mới này, có thể ứng xử một cách lạc quan và thỏa mãn các nhu cầu vật chất và văn hóa của mình, sẽ được hình thành bởi một hệ thống thứ bậc nghiêm ngặt (strictly hierarchical system) của các quận đô thị và các bộ phận của nó, đặc biệt là trong các bộ phận mới được tạo ra của một TP.

Hà Nội lúc đó cũng vậy, được cấu trúc theo một hệ thống phân cấp gồm các bộ phận cấu thành với các chức năng chính trị và hành chính. Nhưng đây là một chủ đề khác, vượt quá phạm vi của bài viết này. Tuy nhiên, liệu có thể suy đoán rằng, quy mô và chức năng phục vụ các nhu cầu hàng ngày, cũng như sự phát triển “những con người Việt Nam mới” trong trật tự xã hội XHCN có thể được hiện thực hóa tốt nhất trong khái niệm KTT không? Hơn nữa, sự phát triển này có thể phần nào nằm trong phạm vi các ý tưởng hiện đại về thiết kế và quy hoạch kiến trúc đã được dự kiến, hay nó sẽ phù hợp hơn để thiết kế KTT như là các thực thể không gian xã hội hỗn hợp (hybrid) tại TP Hà Nội XHCN?

Những biện chứng không gian nổi lên ở Liên Xô, thực ra có nguồn gốc từ châu Âu, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với suy nghĩ làm thế nào để cải thiện điều kiện sống cho các công dân đô thị châu Âu, và làm thế nào để xây dựng các khu cư trú đô thị mới. Hai tuyến tư tưởng được kết tinh là: ý tưởng TP Vườn của các KTS và quy hoạch đô thị Anglo-Saxon, mà đỉnh điểm là các khái niệm “đơn vị khu ở” đã được nói đến ở trên, đối diện với cách tiếp cận “hiện đại” của Chủ nghĩa Chức năng, đã được đưa vào “Hiến chương Athens” “Athens Charter”. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ thảo luận ngắn về một số khía cạnh liên quan đến cả hai ý tưởng trên để hiểu thêm về quy hoạch và nhà ở Xô-Viết.

… Đến CIAM, đơn vị nhà ở và hơn thế: Các gốc rễ nông và sâu hơn

Liên Xô đã thu hút nhiều KTS từ nước ngoài, những người theo đuổi các ý tưởng chuyên nghiệp xoay quanh những gì được biết đến ở lục địa Châu Âu như là “das neue Bauen” – “Xây dựng Mới”, “Kiến trúc mới” mà ở Anh thì gọi là “Phong trào Hiện đại”. Phong trào này một mặt bắt nguồn từ việc phải nhanh chóng cung cấp những ngôi nhà tốt hơn và có giá cả phải chăng cho giai cấp công nhân, tăng khả năng tiếp cận ánh sáng mặt trời, không khí trong lành, vệ sinh và nhiều không gian hơn cho những ngôi nhà mới xây. Nó cũng thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu mới, như bê tông và thép, và các kỹ thuật xây dựng mới được thúc đẩy bởi việc tiêu chuẩn hóa, sự đơn giản và loại bỏ các chi tiết trang trí. Nhiều KTS đã tham gia lối kiến trúc mới này (được gọi là “hiện đại” sau đó) đến từ Đức, nơi mà trường phái “Bauhaus” hay kiến trúc nghệ thuật ứng dụng và thủ công, là trọng tâm chính của phong trào này. Đây không phải là sự dịch chuyển một chiều của con người và kiến thức: Các KTS Liên Xô, đến lượt mình cũng đã cung cấp cho các đồng nghiệp nước ngoài của họ những ý tưởng, những đề xuất cũng như các kinh nghiệm. Sự hợp tác này đã kết thúc vào năm 193235. Có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng vào năm tiếp sau, kiến trúc chức năng “hiện đại” đã được thừa nhận trong một văn kiện, được chuẩn bị bởi một nhóm KTS, liên kết trong Hội nghị Quốc tế về Kiến trúc Hiện đại (Congrès Internationaux d”Architecture Moderne – CIAM ) ở S.S. Patris II – Đó chính là “Hiến chương Athens”. Tài liệu này đã hệ thống hóa một loạt nguyên tắc kiến trúc và quy hoạch, được biết đến như là “TP chức năng”36. Như đã nói ở trên, “phân vùng”, sự tách biệt về không gian giữa các chức năng đô thị chính: Sinh sống, làm việc, giải trí, và giao thông, là những đặc điểm quan trọng của quy hoạch đô thị theo Hiến chương này.

Nhưng tất nhiên cũng có những cách khác để nhìn nhận về TP. Nhà lịch sử kiến trúc và đô thị người Pháp Françoise Choay đã xuất bản một chương mục toàn diện, nhưng tiện lợi các cách tiếp cận chính về kiến trúc có liên quan đến cách tiếp cận Âu- Mỹ, tức là những cách xem xét điều kiện của đời sống đô thị từ thế kỷ 19 trở đi, và phản ánh những gì đã thấy37. Bà đã phân biệt hai tuyến chính: Một là tuyến “tiến bộ” (progress) và tuyến kia là “văn hóa” (culturalist). Tuyến “tiến bộ” cho rằng sự hiểu biết có thể cải thiện các điều kiện sống đô thị, được Choay đặc trưng bằng cách coi các công dân đô thị như những cá nhân duy lý, họ đã gỡ bỏ sự ràng buộc chặt chẽ của quá khứ và có thể nhìn về tương lai với sự cởi mở và lạc quan. Ở phía khác, tuyến “văn hóa” lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhóm thay vì cá nhân. Vì vậy, bà lưu ý đến tầm quan trọng của những công dân này đối với những ràng buộc con người được định hình về mặt văn hóa. Trong khi những người theo chủ nghĩa tiến bộ tìm cách phát triển những khu cư trú “lành mạnh”, cởi mở, không giới hạn và không xác định theo nghĩa đen ở các TP chức năng; thì các nhà văn hóa lại cố gắng bắt đầu những lựa chọn sống thay thế cho các công dân: Đó là các TP vườn bên ngoài TP, và những khu ở như là những viên gạch xây dựng không gian – xã hội được xác định rõ ràng bên trong các TP. “Những TP vườn của ngày mai” (1902) của Ebenezer Howard, cùng với chương nói về “Đơn vị Khu ở” của Clarence Perry trong Kế hoạch phát triển vùng New York (1929), đã trở thành những biểu tượng của cách tiếp cận này.

Cả hai cách tiếp cận đều được biết đến như những ý tưởng đối lập về tương lai của đô thị. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập đến ở trước, thực tiễn của các hình thức “cùng nhau” trong quy hoạch đô thị của Liên Xô: Đơn vị khu ở đã tìm thấy chỗ đứng trong lý thuyết TP chức năng, hiện đại hóa. Do đó, Sammartino đã kết luận về cuộc “hôn nhân” giữa hai ý tưởng xung khắc (warring ideas) này trước đây. Buổi đầu có tuyên bố long trọng rằng: Đã “ly hôn”, do hai ý tưởng này trái ngược nhau, rằng tương lai rộng mở và không giới hạn sẽ mâu thuẫn với cảm giác an toàn của những bức tường bảo vệ, khá tầm thường trong thực tế. Nhưng, đáng chú ý là cuộc “ly hôn”, như cách nói của Sammartino, lại được tiếp nối bằng một cuộc “hôn nhân” kéo dài hàng thập kỷ sau đó.

Một lần nữa, tôi quay lại một bước của lịch sử, bước đi cuối trong bài viết này. Các quan điểm về đô thị văn hóa và đô thị tiến bộ đối với xã hội đô thị đã có từ trước, mà Choay gọi là các quan điểm “tiền-đô thị Tiến bộ” và “tiền- đô thị Văn hóa”,… Tư duy không tưởng xuất hiện, giống như tư duy của những nhà XHCN không tưởng trong những thập kỷ đầu thế kỷ 19, những người đã nhìn thấy các ngành công nghiệp mới và các điều kiện sống cho những lao động công nghiệp. Ở đây, gốc rễ của lối tư duy không tưởng này chỉ được ghi nhận chứ không được “tiếp nối” đối với những người theo chủ nghĩa tiến bộ và văn hóa đang xung khắc này. Tuy nhiên, cần phải nhắc đến một người quan sát có phê phán, người đã thể hiện sự bất đồng cơ bản của mình với những ý tưởng không tưởng như vậy, đó là Friedrich Engels. Một cách đơn giản, đặt nó trong bối cảnh mục tiêu của bài viết này, Engels đã tuyên bố, như ai cũng biết rằng, bất cứ mô hình nào được theo đuổi để đem đến các điều kiện sống tốt hơn cho giai cấp vô sản đô thị đều là phản – tác dụng và làm chệch hướng khỏi mục tiêu hàng đầu của giai cấp vô sản: Một cuộc cách mạng XHCN38. Chỉ sau cuộc cách mạng này, các giải pháp mới có thể và sẽ được tìm thấy.

Có giải pháp nào được đề xuất không? Và các giải pháp như thế có phải là kết quả của các cuộc cách mạng XHCN ở Liên Xô, ở Châu Âu, Châu Á XHCN không? Bây giờ tôi sẽ bước tiến lên xa hơn về thời gian, từ Engels đến thế giới của mikroraion và từ đó đến Khu Tập thể.

Nhà lịch sử kiến trúc người Hà Lan, Vincen Van Rossum đã viết: …“Các ý tưởng cơ bản nhất có liên quan đến nhà ở tối thiểu và quy hoạch địa điểm hợp lý đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh ở hầu hết các TP lớn ở Đông Âu…” Trong mắt một số người, đó chỉ là sự đơn điệu, nhưng với nhiều người theo chủ nghĩa hiện đại triệt để, nó đã thể hiện sự cố gắng vì những thiết kế có trách nhiệm với xã hội39. Dường như có thể đưa ra một kết luận tương tự đối với Hà Nội, khi tính đến những khác biệt to lớn về bối cảnh xã hội trong bài viết này. Dù sao, chương trình đào tạo các KTS Việt Nam ở Moscow trong những năm 1950 dường như khá rõ ràng, cũng như nội dung của các bộ công cụ do các đồng nghiệp Liên Xô của họ và những người từ các nước XHCN khác mang đến Hà Nội. Các khu nhà ở, cho đến nay, đã chỉ ra những dấu hiệu của một đơn vị khu ở mà các dịch vụ cơ bản sẵn có trong tầm tay. Chúng thậm chí còn cho thấy nhiều điểm của Chủ nghĩa Chức năng hiện đại: Các nhà máy không quá xa, nhưng đủ xa; đặc trưng mở trong cấu hình của các khối nhà chung cư và các không gian mở ở giữa; việc cung cấp nhà ở tốt hơn nhiều so với những không gian sống nói chung của các nhóm cư dân đô thị bình thường. Nhưng phải nói rằng, các KTT của Hà Nội cuối cùng đã được xây dựng bằng những kỹ năng và hiểu biết sâu sắc về cách hiện thực hóa mục tiêu “thiết kế có trách nhiệm xã hội” mà Van Rossum đã đề cập tới, và có thể trước hết cũng thể hiện một ý chí chính trị (political will) về cung cấp nhà ở cho người dân Hà Nội theo một cách tốt nhất lúc đó /

Hans Schenk
Nguyên GV khoa Địa lý nhân văn Đại học Amsterdam, Vương quốc Hà Lan
Phùng Tố Hạnh – Trịnh Duy Luân (dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
“Navigating to the roót of Hanoi’s Khu tap the”
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)


Ghi chú
1. Cerise & Pandolfi, 2016, tr. 82.
2. Tuy nhiên, có một số ít những khu nhà ở đã có từ trước. Một số dự án nhà ở quy mô nhỏ được thiết kế từ những năm 1940. Dự án đầu tiên được thiết kế bởi KTS người Pháp Louis-Georges Pineau, nhưng đã không thành hiện thực. Ông, như Pédelahore nhận xét (2001, tr. 298): “Đã được truyền cảm hứng từ cái gọi là phong trào quy hoạch và kiến trúc hiện đại Tây Âu, và đặc biệt là từ đồng nghiệp người Hà Lan Cor van Eesteren. Một vài dự án nhỏ đã được xây dựng trong những năm 1950, dưới hình thức những dãy nhà tạm, chi phí thấp, một tầng”.
3. Ngyen Duc Nhuan & Kosta Mathey, 1990, p. 282
4. Trong tiến trình của những năm 1960, và sau đó, những căn hộ lớn hơn đã được xây dựng, thường với hai phòng, các tiện ích bếp và toilet riêng, và có phần đa dạng hơn trong các tòa nhà.
5. Xem chi tiết hơn về các khu ở được quy hoạch: Schenk & Trinh Duy Luan, 2021.
6. Chẳng hạn, trong 35 tòa nhà ở khu Quỳnh Mai, 14 tòa do nhà máy dệt “Mùng 8 tháng Ba” quản lý. Còn những chủ lao động nhỏ thì chỉ quản lý một phần của tòa nhà.
7. Trinh Duy Luan, 2001, pp. 14-15.
8. Logan, 2000, p. 202.
9. Tran Hoai Anh, 1999, p. 116.
10. Ghi chép điền dã từ các cuộc thảo luận của tôi với các chuyên gia Việt Nam về khởi đầu (những năm 1950) hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài trong các dự án nhà ở tại Hà Nội. Christina Schwenkel (2020) đã có một phân tích thú vị và chi tiết về những mối quan hệ giữa một bên là các KTS và lãnh đạo Việt Nam, và một bên là các chuyên gia CHDC Đức – những người trong thập niên 1970 đã hỗ trợ xây dựng Khu chung cư Quang Trung ở Vinh, một TP ở miền Bắc Việt Nam bị tàn phá bởi những trận bom của Hoa Kỳ.
11. Việc sử dụng các cột ở mặt tiền là tham khảo từ công trình của KTS người Ý vào thế kỷ 16 Palladio.
12. Sammartino, 2017, p. 3.
13. Lấy từ Liebscher, 2009, tr.75.
14. KTS người Pháp Anatole Kopp, người đã viết rất chi tiết về những ý tưởng hình thành kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Liên Xô trong những năm 1920 và 1930, rằng Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, đã phát biểu trong một hội nghị gồm các kỹ sư, KTS, và công nhân xây dựng vào tháng 11/1954, theo đó ông ““… giới hạn nhận xét của mình về cơ bản là chỉ trích về tác động đối với chi phí xây dựng đến cái mà ông gọi là “sự thái quá” về kiến trúc. (Kopp, 1970, tr. 235)
15. Taverne, 2004, p. 119.
16. Kazakova, 2019, p. 162.
17. Kopp, 1970, p. 202.
18. Engel, 2019, tr. 32. Đoạn trích dẫn của Volodin là: “Schlichtheit, Wahrhaftigkeit und harmonische Schönheit in der Architektur, Deutsche Architektur, nr. 4 (1961), p. 229.
19. Kazakova, 2019, p. 154.
20. Kip, Young & Drummond, 2015, p. 14
21. Van Gelderen (2004, tr. 126) đã tính toán theo một nguồn tin của Đức (A. Behr, a.o., Architektur in der DDR, 1979, tr. 18), rằng: “Tổng số tiền tiết kiệm có thể là rất lớn: vào năm 1950 số giờ cần để xây một ngôi nhà theo kiểu mới mất khoảng từ 500 đến 800 giờ, so với 2000 giờ để xây dựng một ngôi nhà ở theo kiểu truyền thống.
22. Straus,1997, p. 143.
23. Kopp, 1970, p. 184.
24. Straus, 1997, p. 147.
25. Straus đưa ra một số chi tiết về một vài nút thắt. Ông lưu giữ những bức thư của các công nhân nhà máy SIM gửi cho biên tập viên Martenovka của một tờ báo về các căn hộ được xây dựng bởi SIM. Một lời phàn nàn là: “… những nhà thiết kế đã “quên” việc xây dựng nhà tắm chung, bếp, phòng cho nhà trẻ và vườn trẻ, và thậm chí các phòng tắm trong những tòa nhà này”. Straus cho biết thêm: “Rõ ràng, những tòa nhà như vậy gần như không thể ở được, nhưng dù sao, trong hoàn cảnh khủng hoảng nhà ở, người ta vẫn nhanh chóng chuyển đến ở (1997, tr. 147).
26. Straus, 1997, tr. 58. Tuy nhiên, các thực thể XHCN tập thể phần nào giống, nhưng chưa bao giờ phát triển ở Liên Xô (hay ở Việt Nam), như các đơn vị – lao động được tổ chức chặt chẽ và thậm chí được kiểm soát, hay các “đơn vị” (danwei), như ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tiếc là nội dung này vượt khỏi phạm vi của bài viết. Nhưng sẽ khá lý thú để so sánh kinh nghiệm của Trung Quốc với Hà Nội về phạm vi và chức năng của các đơn vị-làm việc hay các KTT. Tuy nhiên, Christina Schwenkel có một gợi ý trong nghiên cứu về việc tái thiết TP Vinh vào cuối những năm 1970, rằng có sự giống nhau giữa phạm vi của các đơn vị ở của Trung Quốc và ở Vinh. (2020, tr. 174). Có vẻ như ở Hà Nội vẫn còn một số các cơ sở dịch vụ (để ở, làm cửa hàng) cho các cư dân KTT hơn là ở Vinh – TP đã bị bom phá hủy hoàn toàn?
27. Sammartino, 2017, tr.6. Nikita Khrushchev là người lãnh đạo kế nhiệm của Liên Xô, sau khi Stalin qua đời vào năm 1953.
28. Engel, 2019, p. 36.
29. Kazakova, 2019, p. 154.
30. Engel, 2019, p. 30.
31. Zaharariade, 2004, tr. 68. Perry, một nhà quy hoạch đô thị Hoa Kỳ, vào năm 1929 đã thiết kế đơn vị khu ở như một nền tảng tự lực cho sự phát triển của New York.
32. Nhà sử học người Hà Lan, Van der Woud đề cập rằng, trong suốt Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1933) không ít hơn 350 TP công nghiệp mới đã được tạo ra (1983, tr. 22).
33. Một phê phán bất ngờ phản đối sự phân vùng, được chính trị gia người Nga, Yuri Larin đề xuất. Ông tuyên bố rằng trong các TP mới được xây dựng, không cần phân vùng, vì tất cả các nhà máy sẽ được vận hành bằng điện. (Kopp, tr. 109).
34. Sau đó, kết luận này, bất chấp tất cả những lời hùng biện và những cuộc tranh luận gay gắt giữa các KTS, các nhà quy hoạch đô thị, các chính trị gia ở Liên Xô đã dẫn đến một vài nhận xét mang tính tương đối. Chúng ta có thể quy luận đề (thesis) chức năng và phản đề (antithesis) tích hợp chỉ còn là quan hệ giữa hình thức và nội dung được không? Nhà sử học Annemarie Sammartino đã đề xuất như vậy khi giữa các tầm nhìn xung khắc, bà thấy có sự kết hợp giữa một người ủng hộ Chủ nghĩa Chức năng hàng đầu trong lĩnh vực nhà ở và quy hoạch là Le Corbusier, và một người ủng hộ sau này sự tích hợp nhiều nhất có thể, trong “các TP để sống” (living-cities) là nhà đô thị học Hoa Kỳ, Jane Jacobs. Bà đã làm và sau đó bà kết thúc bằng sự kết hợp, nhưng gắn với những điều kiện của 20 năm sau, vào cuối những năm 1970, dưới dạng tiêu đề một bài báo của bà về các chương trình nhà ở trên khu đất đẹp nhất ở Đông Berlin: “Marzahn và cuộc hôn nhân của Le Corbusier và Jacobs.” (2017, tr.10), và đúng hơn như là một cuộc hôn nhân thuận lợi, une marriage de raison.
35. Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã chọn một phong cách xây dựng hiện thực – XHCN được gọi là “XHCN về nội dung, dân tộc về hình thức”, khi BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua vào ngày 23/4/1932, cái mà Kopp gọi là nghị quyết lịch sử về “Tổ chức lại các Hiệp hội văn học và nghệ thuật”, đã chấm dứt bè phái và mở đường cho sự hợp nhất của tất cả các nghệ sĩ dựa trên cơ sở về phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực XHCN…” (trích dẫn trong Kopp, 1970, tr. 214).
36. Xem Van de Woud (1983) để biết nhiều chi tiết về điều này và các hội nghị trước và sau của nhóm được biết đến dưới biểu tượng CIAM.
37. Choay, 1965.
38. Trong một loạt bài báo trên một tạp chí được xuất bản ở Đức vào năm 1872, dưới tựa đề “Zur Wohnungsfrage” được dịch sang tiếng Anh là “The housing question” (Vấn đề về nhà ở).
39. Rossum, 2004, p. 37.


Tài liệu tham khảo
– Cerise, E. & L. Pandolfi, (2016), Breaks with the traditional city: the colonial and collectivist eras, in, Sylvie Fanchette (ed), Hà Nội, a Metropolis in the making, the breakdown in urban integration of villages, Marseille, Institut de recherche pour le développement, pp. 77-88.
– Choay, Françoise, (1965), L”Urbanisme, utopies et réalités, une anthologie, Paris, Editions du Seuil.
– Engel, Barbara, (ed), (2019), Mass Housing in the Socialist City, heritage, values and perspectives, Case studies in Germany, Russia and Ukraine, Berlin, Dom Publishers.
– Evertsz, Helen, 2000, Popular Housing in Hanoi, Hanoi, Popular Publishing House.
– Gelderen, Mikel van, (2004), Unabashed shamelessness Plattenbau, relic of the past?, in, Cor Wagenaar & Mieke Dings (eds), Ideals in Concrete, exploring Central and Eastern Europe, Rotterdam, NAi Publishers, pp. 125-131.
– Hoang Huu Phe & Hans Orn, (1995), The Phuongs of Hanoi, Hanoi, Vietnam Urban Transport Assistance Project.
– Kazakova, Olga, (2019), Intangible Values of Mass Housing During the Soviet Era, in, Barbara Engel (ed) (2019), Mass Housing in the Socialist City, heritage, values and perspectives, Case studies in Germany, Russia and Ukraine, Berlin, Dom Publishers, pp.154-169.
– Kip, Markus, Young, Douglas, & Lisa Drummond, (2015), Socialist modernism at Alexanderplatz, Europa regional, 22.20141 (1-2), pp. 13-26. http://nbn-resolving.de/urn:nbn:de:0168-ssoar-456862
– Koh, David W. H., (2006), Wards of Hanoi, Singapore, ISEAS Publications.
– Kopp, Anatole, (1970), Town and Revolution, Soviet Architecture and City Planning 1917-1935, New York, George Braziller.
– Labbé, Danielle, (2014), Land Politics and Livelihoods on the Margins of Hanoi, 1920-2010, Vancouver, UBC Press,
– Liebscher, Robert, (2009), Wohnen für alle, eine Kulturgeschichte des Plattenbaus. Berlin, ergangenheitsverlag,
– Logan, William S., (2000), Hanoi, biography of a city, Sydney, University of New South Wales Press.
– Ngyen Duc Nhuan & Kosta Mathey (1990), Vietnam, in, Kosta Mathey (ed), Housing Policies in the Socialist Third World, London, Mansell Publishing & München, Profil Verlag, pp. 275-287.
– Pédelahore de Loddis, (2001), l”Habitat collectif a Hanoï, in, Pierre Clément and Nathalie Lancret (eds), Hanoï, Le cycle des métamorphoses, formes architecturales et urbaines, Paris, Editions Recherches/Ipraus, pp. 297-309.
– Pédelahore de Loddis, (2010), Urban Transition in Vietnam: Its Processes and Stakeholders, in, Patrick Gubry, Franck Castiglioni, Jean-Michel Cusset, Nguyen Thi Thieng, and Pham Thuy Huong (eds), The Vietnamese City in Transition, Singapore, ISEAS, pp. 7-31.
– Ros, Lisa, (2001), Typologies de l”habitat dans leur rapport a l”espace urbain at péri-urbain, in, Pierre Clement and Nathalie Lancret (eds), Hanoï, Le cycle des métamorphoses, formes architecturales et urbaines, Paris, Editions Recherches/Ipraud, pp. 243-278.
– Rossum, Vincent van, (2004), Criticism, architecture and public housing, in, Cor Wagenaar & Mieke Dings (eds), Ideals in Concrete, Exploring Central and Eastern Europe, Rotterdam, NAi Publishers, pp. 34-38.
– Sammartino, Annemarie, (2017), The New Socialist Man in the Plattenbau: the East German Housing Program and the Development of the Socialist way of Life, in, Journal of Urban History, July, pp. 1-17.
– Schenk, Hans & Trinh Duy Luan, (2021) Socialist Housing in Hanoi, Exploring its collective living quarters and experiences of a resident family, Hanoi, Social Sciences Publishing House.
– Schwenkel, Christina, (2020), Building Socialism, the afterlife of East German architecture in urban Vietnam, Durham, Duke University Press.
– Straus, Kenneth M., (1997), The Soviet Factory as Community Organizer, in, Xiabo Lü & Elizabeth J. Perry (eds), Danwei, the changing Chinese workplace in historical and comparative perspective, New York, M.E. Sharpe., pp. 142-166.
– Taverne, Ed, (2004), Rise and Fall of the “second socialist city”: Hoyerswerda-Neustadt, an architectural historian”s reaction to Franziska Linkerhand (1974), a novel by Brigitte Bergmann, in, Cor Wagenaar & Mieke Dings (eds), Ideals in Concrete, exploring Central and Eastern Europe, Rotterdam, NAi Publishers, pp. 117-124,
– Thrift, Nigel & Dean Forbes, (1986), The Price of War, Urbanization in Vietnam 1954-1985, London, Allen & Unwin.
– Tran Hoai Anh, (1999), Another Modernism? Form, Content and Meaning of the new Housing Architecture of Hanoi. Thesis, Lund University.
– Trinh Duy Luan, (2001), Socio-economic aspects of the booming of private housing construction in Hanoi in the 1990s, In, Hans Schenk & Trinh Duy Luan (eds), Shelter and Living in Hanoi, Vol. 2, Hanoi, Cultural Publishing House, pp. 13-28.
– Woud, Auke van der, (1983), Housing-CIAM-Town Planning, Delft, Delft University Press.
– Zahariade, Ana Maria, (2004), On Silence and Words, in, Cor Wagenaar & Mieke Dings (eds), Ideals in Concrete, exploring Central and Eastern Europe, Rotterdam, NAi Publishers, pp. 65-69.



Nguồn