Bất Động Sản

Tính Hiện đại nhiệt đới trong kiến trúc miền nam VN giai đoạn 1954-1975

Kiến trúc hiện đại tại khu vực miền Nam Việt Nam là một kho tàng quý giá, với đồ sộ các thể loại công trình có giá trị. Tuy nhiên, so với một số quốc gia cùng khu vực nhiệt đới, thành tựu này chưa được nhiều sự nhìn nhận và công bố khoa học. Bài viết trình bày so sánh một số đặc điểm kiến trúc Hiện đại nhiệt đới (Tropical Modernism) tại một số nước, của một số KTS danh tiếng, từ đó nhìn nhận sơ bộ sự khác biệt và định vị thành tựu của trào lưu kiến trúc này trong khu vực miền Nam Việt Nam trong khu vực nhiệt đới và trên thế giới. 

Giới thiệu

Phong cách kiến trúc hiện đại với các lợi thế như hiệu quả xây dựng và sử dụng không gian, ứng dụng khoa học kỹ thuật đương thời, vv … đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển phong cách kiến trúc này khắp nơi trên thế giới. Tại các khu vực khí hậu nhiệt đới, nơi kiến trúc truyền thống từ xa xưa đã có những đặc điểm thích ứng rõ rệt với đặc điểm khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao, thì hình thức kiến trúc hiện đại khi được du nhập và phổ biến tại đấy cũng có những bước chuyển đổi thích ứng rõ nét. Có thể nhìn nhận các giải pháp từ hình khối, tổ chức không gian, hình thức, vật liệu vỏ bao che, vv … đều có những ‘tiếp biến’ của các giá trị môi trường của kiến trúc dân gian/truyền thống. Hơn thế nữa, bởi kiến trúc là sản phẩm văn hóa, các đặc điểm kiến trúc hiện đại nhiệt đới còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa – xã hội đương thời.

Tại miền Nam Việt Nam và các quốc gia lân cận giai đoạn 1954 – 1975, Kiến trúc Hiện đại cũng phát triển vượt bậc với những thiết kế vừa hiện đại, vừa mang đậm tính bản địa. Đội ngũ kiến trúc sư tài hoa Việt Nam được tiếp cận với nền tảng khoa học kỹ thuật và thiết kế kiến trúc tiên tiến của Phương Tây, cùng tinh thần dân tộc và khao khát kế thừa truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống vào tác phẩm kiến trúc của mình. Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 hay còn được một số nhà nghiên cứu gọi với cái tên “Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa” là phong cách kiến trúc đặc sắc kết hợp khéo léo chủ nghĩa hiện đại, những kỹ thuật tiên tiến phương Tây, văn hóa phương Đông và tính bản địa.

Tại khu vực phía Nam giai đoạn 1954-1975, với sự viện trợ về cả tài chính lẫn nhân sự của Mỹ và các nước đồng minh, kiến trúc được phát triển khắp miền Nam Việt Nam về cả số lượng và chất lượng. Các kiến trúc sư của miền Nam Việt Nam thời kỳ này như Nguyễn Quang Nhạc, Ngô Viết Thụ, Trần Văn Tải, Huỳnh Kim Mãng, vv… đã thiết kế những công trình đáp ứng tính hiện đại, hài hòa điều kiện tự nhiên, triết lý Phương Đông và và thể hiện được bản sắc Việt [1].

Bài viết sơ lược phân tích ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc hiện đại lên thiết kế công trình tại một số nước khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, từ đó nhận định vai trò và tầm vóc trào lưu kiến trúc này tại miền Nam trên bản đồ Thế giới.

1. Sơ lược về Kiến trúc Hiện đại thế giới

Kiến trúc hiện đại là một phong trào phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội và công nghệ từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. Nó không chỉ là kết quả của những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng, như việc sử dụng bê tông cốt thép, kính và thép, mà còn mang trong mình tư duy cải cách xã hội và thẩm mỹ. Kiến trúc hiện đại thoát ly khỏi sự trang trí cầu kỳ của các phong cách trước đó, nhấn mạnh sự đơn giản, tính chức năng và tính hợp lý. Các kiến trúc sư tiêu biểu như Louis Sullivan, Le Corbusier, Walter Gropius và Mies van der Rohe đã đặt nền móng cho phong cách này, với triết lý thiết kế “hình thức đi theo công năng” và những không gian mở mang tính tương tác cao.

Chủ nghĩa Công năng (Functionalism): Chủ nghĩa công năng là chủ nghĩa cho rằng hình thức chỉ nên được thiết kế theo mục đích và chức năng của tòa nhà. Theo Tam nguyên của Vitruvius: Utilitas (tiện nghi) – Venustas (thẩm mỹ) – Firmitas (bền vững), thì chủ nghĩa công năng đặt yếu tố Tiện nghi lên hàng đầu. Augustus Welby Pugin đã viết rằng “Một toà nhà không nên có bất kỳ tính năng nào không cần thiết cho sự thuận tiện, phù hợp và xây dựng”. “Tất cả các vật trang trí nên tồn tại với mục đích làm phong phú thêm các hạng mục thiết yếu của tòa nhà” [2]. Năm 1926, Le Corbusier đã nêu ra 5 luận điểm của kiến trúc hiện đại (Xem hình 1):

Hình 1: 5 yếu tố kiến trúc Hiện đại của Les Corbusier (Nguồn, tác giả vẽ theo [3])

2. Kiến trúc Hiện đại ở một số nước nhiệt đới

Vào những năm 1980s, Kenneth Frampton đã nhấn mạnh rằng kiến trúc hiện đại không chỉ là biểu tượng của sự tiến bộ công nghệ mà còn chứa đựng những mâu thuẫn, khi đối mặt với sự thách thức giữa toàn cầu hóa và bản sắc địa phương, giữa thẩm mỹ quốc tế và nhu cầu của từng nền văn hóa [4, 5, 6]. Tuy nhiên, kiến trúc hiện đại nhiệt đới, tại một số nước trong đó có Sri Lanka, Campuchia và Việt Nam, lại là những minh chứng thành công cho các nỗ lực cải tiến, thay đổi phong cách này cho phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa và xã hội đương thời tại các khu vực khí hậu nhiệt đới.  Nội dung dưới đây giới thiệu 02 Kiến trúc sư tiêu biểu đại diện cho 02 quốc gia ở Châu Á là Campuchia và Srilanka (Ceylon).

Hình 2: Khu vực nhiệt đới (dải tô vàng) và 03 nước khu vực Châu Á có thành tựu nổi bật về Kiến trúc hiện đại nhiệt đới (Nguồn: Tác giả vẽ trên nền Bản đồ của Jane Drew [5] ở Museum no. null. © Victoria and Albert Museum, London)
Hình 2: Khu vực nhiệt đới (dải tô vàng) và 03 nước khu vực Châu Á có thành tựu nổi bật về Kiến trúc hiện đại nhiệt đới (Nguồn: Tác giả vẽ trên nền Bản đồ của Jane Drew [5] ở Museum no. null. © Victoria and Albert Museum, London)

(Campuchia, Sri Lanka và (miền Nam) Việt Nam (tô màu đỏ) (màu hồng là các ghi nhận về nhà ở vùng nhiệt đới trong Nghiên cứu của Jane Drew và Maxwell Fry (1947).

KTS Vann Molyvann và “Kiến trúc Khmer mới” ở Campuchia

Campuchia và Việt Nam là ⅔ nước Đông Dương với cùng nền thuộc địa Pháp. Sau khi Campuchia giành được độc lập vào năm 1953, Norodom Sihanouk đã thành lập phong trào chính trị Sangkum Reastr Niyum (Cộng đồng Xã hội Chủ nghĩa Nhân dân) nhằm định hướng phát triển đất nước, riêng trong lĩnh vực kiến trúc, phong trào Sangkum chủ trương kết hợp giữa các yếu tố truyền thống Khmer và hiện đại hóa. Norodom Sihanouk khi đó là người cai trị đất nước này rất muốn từ bỏ bản sắc thuộc địa của đất nước và thể hiện một bộ mặt hiện đại với thế giới. Ông đã bổ nhiệm KTS Vann Molyvann quản lý và thiết kế chương trình xây dựng này. Trong suốt 13 năm (từ năm 1957 đến 1970), ông đã tham gia thiết kế gần 100 dự án, bao gồm các công trình tiêu biểu như Sân vận động Olympic Quốc gia (1964), Nhà hát Quốc gia (1968, hiện đã bị phá hủy), Trung tâm Hội nghị Chaktomuk (1961) và Cao đẳng Sư phạm, nay là Viện Ngoại ngữ, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (1965). Các công trình của ông kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa Kiến trúc Hiện đại với hai truyền thống đặc trưng của Campuchia: truyền thống Đế chế Khmer của Angkor và truyền thống kiến trúc dân gian bản địa. Phong cách kiến trúc này được gọi là “Kiến trúc Khmer mới” (New Khmer Architecture) – thuật ngữ được đặt ra bởi các tác giả Helen Grant Ross và Darryl Leon Collins [7].

Vann Molyvann học hỏi và chịu sự ảnh hưởng từ bậc thầy kiến trúc hiện đại Le Corbusier trong thời gian ông học tại trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Tương tự như Frank Lloyd Wright hay Le Corbusier, Vann Molyvann thường bắt đầu thiết kế bằng cách phân tích kỹ lưỡng bối cảnh: hướng nắng, hướng gió chính, cũng như các loại đá, đất, bùn và cỏ đặc trưng của địa phương. Vann Molyvann không sao chép rập khuôn kiến trúc hiện đại phương Tây mà kết hợp nó với những yếu tố bản địa. Các yếu tố mang tính truyền thống bản địa bao gồm sự thích nghi với khí hậu nhiệt đới địa phương. Những ngôi nhà truyền thống ở Campuchia thường được xây trên cột, tạo ra một không gian mát mẻ, râm mát bên dưới để phục vụ các hoạt động xã hội và thông thoáng tự nhiên. Độ cao của ngôi nhà cũng giúp bảo vệ trong mùa lũ. Nhiều ngôi nhà được sơn màu trắng sáng để hạn chế BXMT, một sự thích nghi khác để phù hợp với khí hậu. Những đặc điểm này thường được áp dụng khéo léo vào những công trình Kiến trúc Khmer Mới.

Ngoài ra yếu tố bản địa còn đến từ các hình tượng dân gian, chi tiết trong đền thờ truyền thống, chẳng hạn như mái ngói nhiều tầng, chóp nhọn mạ vàng, tympani (phần mái đầu hồi), phù điêu, hoa văn và các chi tiết trang trí khác. Cũng có lúc, ý tưởng hình khối của cả công trình được lấy cảm hứng từ một vật thể truyền thống. Ví dụ, khối thư viện do Vann Molyvann thiết kế tại Cao đẳng Sư phạm (nay là Viện Ngoại ngữ) mang hình dáng giống một chiếc mũ rơm truyền thống. Trung tâm hội nghị Chaktomuk, cũng do ông thiết kế, là một ví dụ khác, với mặt bằng hình quạt và chóp nhọn mạ vàng (xem Hình 4).

Có thể nói, kiến trúc Hiện đại Campuchia thời kỳ hoàng kim với phong cách Kiến trúc Khmer mới đã phát triển song song cùng Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam, là sự giao thoa tinh tế giữa di sản kiến trúc Angkor và các giá trị dân gian Khmer với các nguyên tắc kiến trúc hiện đại từ phương Tây. Cách thức kết hợp này có nhiều nét tương đồng với Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam (1954 – 1975), tuy nhiên, kiến trúc Khmer mới có phần mang đậm màu sắc tôn giáo, biểu tượng truyền thống và thiên về tính biểu hiện nhiều hơn.

Hình 3: Một số công trình của KTS Vann Molyvann (Nguồn: [8])
Hình 3: Một số công trình của KTS Vann Molyvann (Nguồn: [8])

KTS Geoffrey Bawa và Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới ở Sri Lanka (Ceylon)

Geoffrey Bawa, một trong những kiến trúc sư hiện đại nổi bật nhất thế kỷ 20, đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ ở Sri Lanka mà còn trên toàn thế giới. Điểm nổi bật trong các thiết kế của ông là sự hài hòa giữa không gian nội thất và cảnh quan. Ông thường tạo ra các khu vườn nhỏ, hành lang mở hoặc tích hợp yếu tố tự nhiên vào công trình để gắn kết với cảnh quan xung quanh. Những thiết kế này không chỉ mang lại sự gần gũi với thiên nhiên mà còn tạo ra không gian sống động, thay đổi linh hoạt theo thời gian và thời tiết. Ví dụ điển hình là dự án Đồn điền cao su Lunuganga (1948) – nơi ở và xưởng làm việc của ông – nơi cảnh quan tự nhiên được tích hợp khéo léo để tạo cảm giác hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên (xem Hình 5). Với ông, kiến trúc không chỉ là nơi ở mà còn là một phần của trải nghiệm sống, nơi con người có thể thư giãn, giao tiếp và hòa mình với thiên nhiên. Khuôn viên Đại học Ruhunu, được ông thiết kế năm 1979, cho thấy cách ông biến những tòa nhà đơn giản và chi phí thấp thành kiệt tác bằng cách hòa quyện chúng với địa hình, đan xen vào không gian cảnh quan một cách tinh tế (xem Hình 5).

Bawa còn đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng truyền thống. Ông thường lựa chọn các vật liệu tự nhiên như đá và gỗ, vừa bền vững vừa tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương. Sự kết hợp này không chỉ nâng cao tính thẩm mỹ mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa và truyền thống nơi công trình được xây dựng. Ánh sáng tự nhiên cũng là một yếu tố quan trọng trong các thiết kế của Bawa. Ông sử dụng cửa sổ lớn, trần vòm và các khoảng mở được bố trí khéo léo để tối ưu hóa việc lấy ánh sáng tự nhiên. Điều này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn tạo nên bầu không khí ấm cúng và thoải mái, đồng thời làm cho không gian sống động và nâng cao trải nghiệm sống [9].

Trường Đại học Ruhunu (1979), Sri Lanka

Đồn điền Lunuganga (1948), và The Bentota Beach Hotel – Old Areal Photograph. Image của Bawa

Hình 5: Một số công trình của KTS Geoffrey Bawa (Nguồn: [9])

3. Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975

3.1 Khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại Quốc tế

KTS ở miền Nam Việt Nam chịu sự ảnh hưởng Phong cách Quốc tế từ các KTS bậc thầy của Chủ nghĩa Hiện đại trên thế giới như Le Corbusier, Mies van der Rohe, Walter Gropius… Theo tiến sĩ Caroline Herbelin, dù cho trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương luôn chú trọng việc kết hợp kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa, các sinh viên Việt Nam vẫn liên tục thử nghiệm Kiến trúc Hiện đại thuần túy trong các dự án của mình [10]. Các KTS theo đuổi khuynh hướng thiết kế này đều áp dụng triệt để những nguyên tắc của Kiến trúc Hiện đại về việc loại bỏ các chi tiết trang trí thừa thãi, chú trọng thủ pháp tạo hình kỷ hà đơn giản, chăm chút tỉ lệ đường nét và rất chú trọng đến nhịp điệu của công trình. Việc sử dụng ngôn ngữ hình học trừu tượng với các mảng đặc rỗng, đường nét ngang dọc, hình khối vuông vức, màu sắc trung tính tạo ra những công trình có vẻ đẹp kiến trúc thích dụng, hợp lý về công năng. Một số công trình theo khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại Quốc tế thuần túy tiêu biểu là:

  • Tòa nhà Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia (1958) của KTS Nguyễn Văn Hoa tại số 36 đường Tôn Thất Đạm, quận 1, nay là trường Đại Học Ngân Hàng TP.HCM với hình khối đơn giản, hệ lam đứng che nắng nhịp điệu đều đặn trên mặt đứng. (xem Hình 6)
  • Khách sạn Caravelle (1959) của KTS Nguyễn Văn Hoa (công ty kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc) tại số 19 Công Trường Lam Sơn, quận 1, cao mười tầng với mặt đứng chia khoang đều, cửa kính, thiết kế ban đầu có hệ lam mỏng treo trên dầm nhấn mạnh phương vị ngang. (xem Hình 6)
  • Khách sạn Palace (1968 – 1972) của KTS Vũ Bá Đính, Lê Quý Phong, tại số 56 – 66 Nguyễn Huệ, quận 1. Khách sạn là công trình cao nhất Sài Gòn tại thời điểm xây dựng với 15 tầng, hình khối đơn giản, góc bo cong ở trục đường, mặt đứng có nhịp điệu, lan can của lô gia nhấn mạnh phương vị ngang, được đặt hở so với dầm tạo cảm giác thanh thoát. (xem Hình 6)
  • Chung cư số 12 Võ Văn Kiệt (khoảng 1960s) của KTS Nguyễn Văn Hoa (công ty kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc). công trình chịu sự ảnh hưởng của Le Corbusier với mặt đứng tương tự công trình Unite d’Habitation (Đơn vị ở Marsailles). Mặt tiền có nhịp điệu đều đặn: các tầng dưới gắn lam bê tông đúc sẵn, các tầng trên là hành lang và lam gió, tầng ở giữa đóng vai trò như khoảng nghỉ giữa hai phần mặt đứng. (xem Hình 6)

Hình 6: Một số công trình theo khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại thuần túy (Nguồn [12])

3.2 Khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại nhiệt đới kết hợp truyền thống bản địa

Trong xu hướng kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống và các triết lý phương Đông, một số kiến trúc sư tiêu biểu như Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Hữu Thiện, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Gia Đức và Võ Đức Diên đã có những đóng góp đáng kể. Họ đều là những người có tâm huyết với quê hương và luôn quan tâm đến việc gìn giữ cội nguồn văn hóa dân tộc. Sáng tác của họ thường mang đậm ảnh hưởng từ những nguyên tắc thiết kế trong kiến trúc truyền thống, thể hiện qua cách tổ chức không gian đặc biệt không gian chuyển tiếp, hình thức kết cấu cũng như các chi tiết trong công trình. Việc sử dụng bê tông cốt thép thay cho cấu trúc gỗ truyền thống tạo ra những không gian cao ráo và thoáng đãng hơn. Bê tông mang đến một sắc thái mới cho công trình, cho phép kiến trúc không còn tồn tại dưới hình khối đồng nhất mà dễ dàng phân chia, tổ hợp thành các cấu kiện đặc trưng của kiến trúc truyền thống như cột, dầm console, mái đua, tường hoa, con triện [12].

Kiến trúc tôn giáo như chùa, nhà thờ, cũng được các KTS mang ưu điểm và tinh thần hiện đại kết hợp các giá trị và thiết chế tôn giáo, tuy nhiên được đánh giá còn nặng tính hình thức, nệ cổ [13]. Chùa Xá Lợi có lối vào từ đầu hồi (cho thích hợp với hình dáng khu đất). Không gian bên trong không còn âm u huyền bí như các ngôi chùa cổ trước đây, thay vào đó là cách xử lý ánh sáng bằng việc mở cửa sổ lớn, cao như cách mà các nhà thờ phương Tây vẫn làm Tháp chuông ở Nhà thờ Thị Nghè của KTS Nguyễn Hữu Thiện vừa theo thiết kế thẳng đứng có mái cong lợp ngói ống, dọc theo thân tháp những hoa gió làm theo mô típ trang trí truyền thống Việt xưa. Hoa gió cũng chia làm hai nhóm, nhóm một là hoa gió nhỏ, kết hợp lại với nhau thành ba cụm, chạy dọc từ phía trên tháp chạy xuống. Nhóm hai là khối hoa gió thật lớn chia ra theo ba hướng với những đường nét lớn rõ ràng, đẹp, mang đặc trưng nét Việt, có thể thấy từ rất xa. Cổng ra vào được làm theo kiểu tam quan có mái ngói đỏ, gợi nhớ những cổng làng xưa (xem Hình 7).

Thành tựu đáng tự hào phải kể đến các công trình kiến trúc hiện đại có phương thức biểu đạt tình yêu dân tộc một cách tinh tế, ẩn dụ, ít mang tính biểu hiện của nhóm các KTS như Ngô Viết Thụ, Huỳnh Kim Mãng, Nguyễn Kỳ (xem Hình 7).

Đặc biệt nhất phải kể đến những thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ, ông là người tích hợp khéo léo ngôn ngữ kiến trúc phương Tây và triết lý, văn hóa phương Đông. Theo ông, tính dân tộc không đến từ các chi tiết nhại cổ mà phải toát lên từ tổng thể công trình. Do vậy, Ngô Viết Thụ đã tận dụng điều kiện sẵn có của thế đất, lồng hình vào khối dáng của công trình theo triết lý Phong Thủy Phương Đông và kết hợp với các giải pháp che chắn nắng mưa, đón gió phù hợp (xem Nhà Thờ Phủ Cam (1963)), tính biểu tượng đặc trưng của Kinh Dịch Á Đông – bát Quái, tính tương phản âm dương kết hợp đặc điểm của công trình lò phản ứng hạt nhân trong Viện Nguyên tử Đà Lạt (1960) [14].

Hình 7: Một số công trình theo khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại kết hợp truyền thống (Nguồn: [12] và [14])

Tính Hiện đại Nhiệt đới trong kiến trúc tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Kiến trúc theo khuynh hướng này mang hình khối kỷ hà, chú ý đến kết cấu và rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật chống nóng, chống ẩm. Biểu tượng của thời kỳ kiến trúc này là tường hoa, lam che nắng, còn được xem như một vỏ bọc thứ nhì giúp giảm chi phí năng lượng điện chạy máy điều hòa không khí. Việc sử dụng hành lang đệm bao quanh mặt tiền, từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng lam che nắng, tường hoa. Một số vật liệu bề mặt đặc thù cho vùng khí hậu nóng ẩm như đá rửa, đá mài, đá chẻ, gạch Ceramic…. Vấn đề mỹ thuật và kỹ thuật thích ứng với khí hậu nhiệt đới được các KTS giai đoạn này giải quyết đa dạng theo cách riêng, góp phần tạo ra khuynh hướng mà các nhà nghiên cứu quốc tế gọi chung là phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới.

Các công trình theo khuynh hướng này thường áp dụng một số giải pháp để phù hợp với khí hậu địa phương như:

  • Vị trí và hướng chính công trình: Ưu tiên hướng chính công trình là hướng Nam, các hướng Đông Nam và Tây Nam cũng là lựa chọn chấp nhận được, tuy nhiên, hướng gió chủ đạo vào mùa mưa nghiêng hẳn về phía Tây Nam, vì thế cần có các giải pháp chống nắng, mưa tạt phù hợp.
  • Hình khối và bố cục công trình: Mặt bằng các công trình thường cơ bản có dạng chữ T, U, H nhưng có thể biến đổi để phù hợp với địa thế riêng của mỗi khu đất. Hình khối công trình dạng kỷ hà, khá vuông vức. Bố cục tổng thể phân tán, các mảng sân vườn và hồ nước được bố trí đan xen giữa các khối công trình.
  • Giải pháp che nắng và tránh mưa tạt cho công trình: Các hình thức bao che như tường hoa (claustra), lam (brise soleil), ô văng, mái đua, mái hiên, …
  • Giải pháp thông gió tự nhiên: mở cửa sổ, cửa chớp, khe thông gió, gạch hoa gió trên khung cửa,…
  • Giải pháp cách nhiệt: Mái hai lớp cách nhiệt, tường ngoài dày, …
  • Không gian chuyển tiếp: hành lang bên, ban công, lô gia, bỏ trống tầng trệt, sân trong, giếng trời.
  • Vật liệu bề mặt và màu sắc: Các vật liệu bề mặt phổ biến: đá rửa, đá mài, đá chẻ, gạch Ceramic, Màu sắc chủ đạo thường là màu trung tính, màu tự nhiên của vật liệu.

Bệnh viện Vì Dân (1972) (nay là Bệnh viện Thống Nhất)  
Ghi chú: được thiết kế bởi KTS Trần Đình Quyền, Công trình có bố cục tập trung thay vì phân tán như các bệnh viện khác ở Sài Gòn bấy giờ, Dù vậy, công trình vẫn có ánh sáng và thông thoáng tự nhiên nhờ các giải pháp tổ chức không gian kết hợp các thành phần như tường hoa gió, lam bê tông, hành lang bên.

Dinh Độc Lập (1966) (Nguồn: sưu tầm, [14]
Được thiết kế bởi KTS Ngô Viết Thụ có thể nói là công trình tiêu biểu nhất của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, đây là công trình vừa khéo léo trong việc kết hợp tính dân tộc và hiện đại, hài hòa với tự nhiên. “Bức rèm hoa đá” được Ngô Viết Thụ tự thiết kế, nghiên cứu tính toán kỹ thuật chiếu sáng sao cho vừa chắn nắng, vừa lấy sáng hiệu quả, hơn nữa hình thức của chúng còn khiến người ta liên tưởng đến nhiều hình tượng phương Đông như: con song tiện, chiếc độc bình hay các dóng trúc, tượng trưng cho người quân tử. Mái nhà được cấu tạo hai lớp gồm: lớp phía dưới đổ bê tông, phía trên gác tấm đan 60x60cm đặt trên gối gạch cách sàn phía dưới khoảng 40cm để cách nhiệt. Khu vực phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình ở tầng 2 được thiết kế sân trong, tiểu cảnh để thông gió, lấy sáng

Hình 8: Một số công trình tiêu biểu theo khuynh hướng Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam (Nguồn [13])

Bảng 1 tổng hợp và phân tích so sánh một số đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa Kiến trúc hiện đại quốc tế, Kiến trúc Hiện đại nhiệt đới trong khu vực và tính Hiện đại nhiệt đới trong kiến trúc giai đoạn 1954-1875 tại miền Nam Việt Nam. Từ đó xác định tính ‘đặc trưng hiện đại nhiệt đới khu vực này. Nổi bật các đặc điểm sau:

  • Tính linh hoạt trong tổ chức mặt bằng tổng thể, tập trung và phân tán tùy thuộc thể loại công trình, hình dạng/địa thế đất. Tuy nhiên, phương hướng và khối tích công trình phải khai thác tối đa đặc điểm có lợi của điều kiện tự nhiên khí hậu, đảm bảo thông thoáng chiếu sáng tự nhiên.
  • Chuyển tải và lồng ghép khéo léo các giá trị truyền thống, đặc biệt các biểu hiện trong kiến trúc truyền thống bằng ngôn ngữ kết cấu, cấu tạo, tổ chức không gian mở, không gian chuyển tiếp, và công nghệ, vật liệu xây dựng hiện đại tại từng địa điểm.

Kết luận

Kiến trúc Hiện đại phản ánh sự chuyển đổi sâu sắc trong xã hội và công nghệ từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20. Nó không chỉ xuất phát từ những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, bao gồm ứng dụng của các vật liệu như bê tông cốt thép, kính và thép, mà còn thể hiện một tư duy đổi mới về xã hội và thẩm mỹ. Kiến trúc hiện đại từ bỏ những họa tiết trang trí phức tạp của các kiến trúc cổ điển, thay vào đó nhấn mạnh sự đơn giản, tính năng phục vụ và tính hợp lý trong thiết kế. Những kiến trúc sư tiêu biểu như Louis Sullivan, Le Corbusier, Walter Gropius, Mies van der Rohe đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên phong cách này, với triết lý thiết kế “hình thức phục vụ cho công năng” và ý tưởng về những không gian mở, tạo điều kiện cho sự tương tác giữa con người và môi trường sống.

Vào đầu và giữa thế kỷ 20, kiến trúc hiện đại bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa đến các khu vực khắp thế giới. Tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, Sri Lanka và Campuchia, các kiến trúc sư đã thực hiện những cải tiến và điều chỉnh cần thiết để phù hợp với những đặc điểm khí hậu riêng biệt của khu vực này, khác biệt so với kiến trúc hiện đại quốc tế thuần túy. Những nỗ lực này không chỉ phản ánh sự thích ứng với điều kiện khí hậu mà còn thể hiện bản sắc văn hóa xã hội truyền thống dân tộc địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Giai đoạn 1954 – 1975 Việt Nam bị chia cắt Bắc – Nam, tại miền Nam Việt Nam, Kiến trúc Hiện đại cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam với thế hệ KTS tài năng người Việt Nam được đào tạo trong và ngoài nước đã chủ động tham gia kiến thiết hàng loạt công trình kiến trúc mang đậm nét chủ nghĩa Hiện đại Quốc tế nhưng đồng thời cũng có sự sáng tạo, cải tiến phù hợp với điều kiện khí hậu và truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc trưng hiện đại nhiệt đới thể hiện trong quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế công trình thể hiện rõ nét, xứng đáng được nhìn nhận, học hỏi.

So với các tác phẩm của các KTS nổi tiếng như Vansullyvan và Bawa, đóng góp của các KTS Việt Nam giai đoạn 1954-1975 tại miền Nam VIệt Nam có thể nói có nhiều nét tương đồng. Có thể nhìn nhận kho tàng kiến trúc hiện đại nhiệt đới tại miền Nam Việt Nam đóng góp to lớn cho thành tựu kiến trúc Việt Nam, cần được nghiên cứu, tổng hợp, nhằm ghi nhận và đánh dấu tầm vóc Kiến trúc Hiện đại miền Nam Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thể loại này trong khu vực nhiệt đới và trên thế giới.
References

TS.KTS Vũ Thị Hồng Hạnh và KTS Nguyễn Phạm Hữu Huy
© Tạp chí Kiến trúc


[1]. Truong and Vu, 2018, Modern architecture of Saigon – Ho Chi Minh City, MATEC Web of Conferences 193, 04004 (2018), https://doi.org/10.1051/matecconf/201819304004 ESCI 2018e
[2] Augustus Welby Pugin, 1841, “True Principles”, Gracewing.
[3] Les Corbusier, 1986, Towards a New Architecture, Dover Publications
[4] Kenneth Frampton, 2007, Modern Architecture: A Critical History (World of Art), Thames & Hudson, Fourth edition
[5] Jane Drew và Maxwell Fry, 1947, Village housing in the tropics, NXB Đại học Michigan, số hóa 2007 Bởi NXB L. Humphries
[6] Anh Tuấn (biên dịch), Những KTS đưa chủ nghĩa hiện đại vào Tanzania, archdaily,  https://kienviet.net/2021/6/17/nhung-kien-truc-su-dua-chu-nghia-hien-dai-vao-tanzania
[7] Darryl Leon Collins Helen Grant Ross (2002), “Building Cambodia: ‘New Khmer Architecture’ 1953-1970”, The Key Publisher Ltd. Bangkok.
[8] The Vann Molyvann Project, 2020-2029, https://www.vannmolyvannproject.org/photography-1
[9] Davis Robson, 2013, Remembering Bawa, https://www.archdaily.com/460721/remembering-bawa(https://www.archdaily.com/460721/remembering-bawa)
[10] Mel Schenck (2022), “Kiến Trúc Hiện Đại Miền Nam Việt Nam”, NXB Thế Giới, TP. Hồ Chí Minh
[11] Nguyễn Song Hoàn  Nguyên Và Phạm Phú Cường (2024), “Nhận diện đặc điểm và giá trị kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954-1986”, Tạp chí Kiến trúc số 8-2024.
[12] Vietnamese Modernist Architecture, https://www.facebook.com/groups/886503924760295
[13] Ngô Thị Tài Quyết (2010), “Khả năng “Nhiệt đới hóa” trong kiến trúc hiện đại Việt Nam giai đoạn 1954-1975″, Luận văn thạc sĩ Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.
[14] Trần Thị Thu Hằng (2002), “Tích hợp văn hoá Đông Tây trong kiến trúc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ”.



Nguồn