Tài Chính

Tòa án Nga ra lệnh bắt giữ thẩm phán ICC

Hiện thẩm phán Haykel Ben Mahfoudh đang phải đối mặt với cáo buộc giam giữ trái phép tại Nga.

Ông Ben Mahfoudh cũng đã bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế – một phát ngôn viên của tòa án nói với hãng thông tấn TASS. Theo phán quyết này, ông Ben Mahfoudh sẽ ngay lập tức bị giam giữ nếu ông đến Nga hoặc một quốc gia thứ ba trong danh sách dẫn độ.

Ông Ben Mahfoudh bị cáo buộc nhắm vào một vị tướng hàng đầu và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Các cáo buộc giam giữ trái phép bắt nguồn từ phán quyết của thẩm phán Ben Mahfoudh ban hành lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Nếu bị kết tội, ông Ben Mahfoudh có nguy cơ phải ngồi tù tới 4 năm vì tội danh này theo luật pháp Nga.

Lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Shoigu và ông Gerasimov – được ban hành vào tháng 6 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột ở Ukraine – đã trở thành hành động thù địch mới nhất mà cơ quan quốc tế này thực hiện đối với Nga.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Năm 2023, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Maria Lvova-Belova về cáo buộc “trục xuất bất hợp pháp” trẻ em khỏi “các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine”.

Moscow bác bỏ và coi những cáo buộc này là vô lý, chỉ ra rằng Nga đã hợp pháp sơ tán trẻ em khỏi vùng chiến sự – nơi các em phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm sắp xảy ra do các cuộc không kích bừa bãi của pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine. Nga đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng trao trả lại trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp khác nếu họ nộp đơn yêu cầu thích hợp.

Những lệnh bắt giữ trước đó này cũng thúc đẩy hành động pháp lý ở Nga, theo đó các quan chức ICC đứng sau các lệnh này phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Moscow coi các hành động của ICC là vô hiệu vì nước này không phải là bên tham gia Quy chế Rome – hiệp ước thành lập cơ quan tư pháp quốc tế này.

Nguồn